Người Việt và những căn phòng cho thuê ở Little Saigon

Tiểu Sài Gòn (Little Saigon, ở bang California, Mỹ) khá xa hoa lộng lẫy. Nhưng ẩn sâu trong đó vẫn có những căn phòng cho thuê chật chội, nơi nhiều người nghèo sống qua ngày đoạn tháng.

08:28 01/09/2021

Ngôi nhà mới của Vince Bùi nơi anh thuê một phòng để sống cùng vợ và hai cậu con trai - chỉ là một chỗ trú ngụ không hơn không kém. Nó không có cửa sổ và trên tường toàn là những nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ con. Không gian sinh hoạt của họ chỉ vừa đủ để kê một cái giường, một chiếc ghế, một bàn, một khoảng nhỏ để được chiếc bếp ga và là nơi trữ thực phẩm. Chiếc laptop của anh để ngay bên cạnh thùng mỳ tôm, kế bên là cốc nước chanh và nải chuối.

Anh Bùi thuê chỗ ở này với giá 500 USD/tháng. Trong căn nhà đó, ngoài gia đình anh còn có hai người đàn ông lớn tuổi khác, cũng là người Việt, một người là chủ cửa hàng đã nghỉ hưu, người kia từng là thợ mộc, mỗi người thuê một phòng còn lại. Chủ nhà cũng bó hẹp cuộc sống của gia đình họ - gồm ba người - trong gara của ngôi nhà.

Một siêu thị của người Việt ở khu Little Saigon. (Nguồn: WordPress.com)

Anh Bùi, 52 tuổi, làm nghề thợ xây, chia sẻ: "Mặc dù muốn sống ở nơi có điều kiện tốt hơn, nhưng chúng tôi không đủ tiền, vậy nên phải ở tạm như thế này".

Khu Tiểu Sài Gòn ở quận Cam (bang California) luôn luôn tấp nập với nhiều trung tâm thương mại và vô số nhà hàng thu hút thực khách từ khắp mọi nơi. Nơi đây có số lượng người Mỹ gốc Á lớn thứ ba trên cả nước Mỹ, vào khoảng 600.000 người, mặc nhiên cán cân kinh tế và chính trị cũng chịu những tác động không nhỏ khi người Mỹ gốc Á chiếm nhiều vị trí trong Ban Quản lý quận.

Những hoàn cảnh nghèo

Mặc dù phát triển nhanh là vậy, vẫn còn đó những người hàng ngày đang phải gồng mình mưu sinh. Họ cảm thấy bị lạc lõng, cảm thấy “thấp cổ bé họng” trong sự bùng nổ mạnh mẽ của nền kinh tế khi đồng lương chỉ ba cọc ba đồng.

Nghiên cứu cho thấy, khoảng 57.000 người Mỹ gốc Á tại đây sống dưới mức nghèo, càng tồi tệ hơn khi giá nhà ở đây luôn cao ở mức khủng khiếp. Hệ quả là họ - cũng giống như hoàn cảnh của anh Bùi, phải tìm đến những nơi ở chật hẹp vốn chỉ là một phòng của những căn nhà rộng lớn để có chỗ chui ra chui vào.

Chưa có thống kê rõ ràng về số lượng chính xác những căn phòng như vậy tại khu Tiểu Sài Gòn nhưng đó chính là một biểu hiện của nền kinh tế ngầm tại đây, tức là người nghèo thì tìm được nơi ở tạm bợ còn chủ nhà có thêm tiền để trang trải cho cuộc sống. Những căn phòng như thế có đầy rẫy trên các mục quảng cáo của các tờ báo địa phương xuất bản bằng tiếng Việt. Tiện lợi, địa chỉ tạm bợ, giao dịch bằng tiền mặt... là những đặc điểm dễ nhận thấy của nền kinh tế ngầm này.

Khu Little Saigon có nhiều cửa hàng bán thực phẩm phục vụ người Việt. (Nguồn: WordPress.com)

Chỉ với dòng chữ "share phòng", người cho thuê và người thuê nhà chẳng cần phải giỏi tiếng Anh cũng có thể liên hệ với nhau. Trong một cộng đồng mà bất động sản luôn là nghề hái ra tiền thì một số người Mỹ gốc Á đang tập trung đầu tư cải tạo các căn nhà cũ kỹ gần Garden Grove, Fountain Valley, Santa Ana và Westminster để biến chúng thành các căn phòng cho thuê nhằm kiếm lời.

Còn nhiều hạn chế

Chị Hương Nguyễn, một gia sư 44 tuổi, chia sẻ rằng, trong những phòng cho thuê đó không hề có bếp riêng mà phải nấu luôn ở nhà tắm rồi bật quạt cho bay mùi. Điều đó có nghĩa là nhà vệ sinh sẽ luôn ở trong tình trạng không mấy vệ sinh.

Cuộc sống lúc nào cũng tạm bợ là điều không thể tránh khỏi đối với nhiều người di cư gốc Việt.

Cô Đan Nguyễn, 25 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Đại học Chapman cho biết, khi đi thuê nhà, cô luôn lựa chọn kỹ càng không chỉ chủ nhà mà còn cả những người ở cùng nhà với mình nữa.

Cô bộc bạch: "Tôi chỉ mong người cùng nhà với mình là nữ giới. Tất nhiên là chúng tôi chẳng mấy khi gặp mặt nhau do đều bận đi làm, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự an toàn. Nói chung, chủ nhà và những người thuê nhà chỉ giao tiếp với nhau qua điện thoại. Không có Ban quản lý tòa nhà nên khi có chuyện khẩn cấp thì cũng chẳng thể cầu cứu được ai".

Đối với những người lớn tuổi, họ cho biết là chỉ muốn sống loanh quanh ở khu Tiểu Sài Gòn để dễ ra siêu thị, phòng khám và hiệu thuốc khi cần, và ở đây cũng có nhiều nhà hàng phục vụ món ăn quê hương Việt Nam mà họ rất ưa thích.

Món phở Việt Nam ở một nhà hàng tại Little Saigon. (Nguồn: Yelp)

Theo chia sẻ của ông Hiệp Bùi, một nhà giáo đã nghỉ hưu 67 tuổi sống tại Garden Grove: "Dù mới chân ướt chân ráo nhưng bạn vẫn có thể tìm được ngay cho mình một nơi ở. Các bạn trẻ ở đây sẽ giúp bạn phiên dịch, thậm chí còn giúp bạn sửa chữa những món đồ bị hỏng. Tôi đôi khi còn được họ chở đi loanh quanh khi có nhu cầu."

Ông Phú Võ, 75 tuổi, hiện đang quản lý một số phòng cho thuê với giá 350 USD/tháng tại ngôi nhà ở Westminster, chủ nhà là người Việt Nam đang sống tại Oklahoma và cũng muốn đầu tư khi khu Little Saigon đang ngày càng phát triển. Ông cho biết, những căn phòng cho thuê đó quả là giải pháp lý tưởng cho những ai không đủ tiền mua nhà.

"Đâu phải ai cũng mua được nhà ở California, đâu phải ai cũng chỉ ở một chỗ cả đời. Thế nên thuê nhà có lẽ là lựa chọn phù hợp - muốn đi lúc nào thì đi, muốn ở lúc nào thì ở” – ông Phú nhận định.

Báo chí quốc tế viết về chuyến thăm Việt Nam của bà Harris

Báo chí quốc tế viết về chuyến thăm Việt Nam của bà Harris

Truyền thông quốc tế đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ là bằng chứng cho thấy quan hệ hai nước ngày càng tiến triển.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất