Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Canada từ vụ Bombardier

Bênh vực Boeing, Bộ Thương mại Mỹ tung mức thuế trừng phạt gần 220% đối với máy bay của hãng Bombardier...

01:43 28/09/2017

Một phán quyết ra ngày 26/9 của Bộ Thương mại Mỹ về cáo buộc cho rằng Chính phủ Canada trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Bombardier có thể đẩy hai quốc gia Bắc Mỹ tới một cuộc chiến tranh thương mại tốn kém, theo hãng tin CNBC.

Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC), một cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, đã ra phán quyết bênh vực hãng sản xuất máy bay Boeing sau khi hãng này đâm đơn kiện tố Bombardier - công ty có trụ sở ở Canada - nhận tiền trợ cấp của Chính phủ Canada nên mới có thể bán dòng máy bay C Series với mức giá rẻ.

Không chỉ đứng về phía Boeing, phán quyết của ITC còn áp mức thuế trừng phạt gần 220% đối với máy bay của Bombardier, cao hơn nhiều so với mức thuế mà Boeing đề xuất.

Nước Mỹ coi trọng mối quan hệ với Canada, nhưng ngay cả những đồng minh thân cận nhất của chúng tôi cũng phải tuân thủ nguyên tắc cuộc chơi”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu. “Việc trợ giá hàng hóa của các chính phủ nước ngoài là điều mà chính quyền Trump rất để ý, và chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá, thẩm định tính chính xác của quyết định sơ bộ này”.

Bombardier gọi phán quyết trên của ITC là lạ lùng. “Kết quả này cho thấy rõ điều mà chúng tôi đã nhận định suốt mấy tháng qua: luật thương mại của Mỹ không bao giờ được sử dụng theo cách này trước đây, và Boeing đang tìm cách sử dụng một quy trình lệch lạc để cản trở cạnh tranh và ngăn cản các hãng hàng không Mỹ và hành khách của họ hưởng lợi từ máy bay C Series”, một tuyên bố của hãng này có đoạn viết.

Vụ việc này xuất phát từ đơn hàng đặt mua 125 máy bay C Series của Bombardier từ hãng hàng không Mỹ Delta vào năm 2016. Boeing cho rằng giá mỗi chiếc máy bay mà Bomberdier bán cho Delta rẻ hơn nhiều triệu USD so với mức giá niêm yết 80 triệu USD/chiếc nhằm cạnh tranh không bình đẳng với dòng máy bay Boeing 737.

Hãng sản xuất máy bay Mỹ cáo buộc đối thủ Canada có thể giảm giá bán máy bay như vậy là nhờ trợ cấp từ Chính phủ Canada.

“Tiền trợ cấp cho phép Bombardier có thể bán phá giá sản phẩm của họ vào thị trường Mỹ, gây thiệt hại cho người lao động trong ngành công nghiệp hàng không ở Mỹ và trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing”, một tuyên bố của Boeing đưa ra sau phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ viết.

Tuần tới, ITC có thể áp một loại thuế khác đối với máy bay C Series khi cơ quan này ra phán quyết về một đơn kiện khác của Boeing cáo buộc Bombardier bán phá giá máy bay tại thị trường Mỹ.

Theo giá niêm yết, máy bay C Series của Bombardier có giá từ 79,5 triệu USD, nhưng các hãng hàng không thường được hưởng mức chiết khấu khoảng 50% khi mua dòng máy bay này.

Trong khi đó, Boeing cáo buộc rằng, Delta trên thực tế đã mua C Series với giá chỉ 19 triệu USD mỗi chiếc - một cáo buộc mà Bombardier phủ nhận. Nếu được thực thi, mức thuế mà ITC đưa ra sẽ khiến giá của mỗi chiếc C Series tăng hơn 3 lần lên mức khoảng 61 triệu USD, dựa trên mức giá mà Boeing cáo buộc.

Thời điểm mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết này được xem là nhạy cảm, bởi Canada và Mỹ đang ở trong một cuộc đàm phán ba bên với Mexico nhằm điều chỉnh Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận nói rằng Chính phủ Canada cho rằng vụ tranh chấp thương mại giữa Boeing và Bombardier không liên quan gì đến cuộc đàm phán NAFTA.

Tranh cãi Boeing-Bombardier đã trở thành một cuộc chiến lớn khi vào tháng này, Thủ tướng Anh Theresa May đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump can thiệp vào cuộc tranh cãi để giúp bảo vệ việc làm ở Bắc Ireland, nơi Bombardier là nhà sử dụng lao động lớn nhất trong ngành sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đối mặt với sự phản đối từ một số hãng hàng không Mỹ và quan chức nước này về nguy cơ mất việc làm của lao động Mỹ đang làm việc cho Bombardier. 

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói rằng linh kiện cho máy bay C Series được cung cấp bởi các công ty Mỹ hậu thuẫn khoảng 23.000 việc làm ở các bang Connecticut, Florida, và New Jersey của Mỹ.

Trước khi Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hoãn kế hoạch chi 5,2 tỷ USD mua chiến đấu cơ Super Hornet của Boeing vì mâu thuẫn giữa hai hãng sản xuất máy bay. Ông Trudeau nói không thể “giao dịch kinh doanh với một công ty còn đang bận kiện chúng tôi và muốn khiến công nhân ngành công nghiệp hàng không của chúng tôi mất việc”.

Với phán quyết mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, rất có thể kế hoạch mua máy bay chiến đấu Boeing sẽ bị Chính phủ Canada hủy bỏ, thậm chí là một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước láng giềng có thể nổ ra.

Tags:
Những trung tâm thương mại bỏ hoang tại Mỹ

Những trung tâm thương mại bỏ hoang tại Mỹ

Khi khách hàng dần chuyển sang mua sắm online, các hãng bán lẻ phải đóng cửa, khiến trung tâm thương mại dần trở nên vắng vẻ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất