Những cô bé tham vọng trở thành tổng thống Mỹ

Abby Cumming-Vukovic, học sinh 16 tuổi ở Mỹ, dõng dạc tuyên bố rằng "trở thành tổng thống là mục tiêu cuối cùng của tôi".

06:50 23/12/2019

Cumming-Vukovic hiện là học sinh cấp 3 nhưng đã quan tâm tới chính trị từ cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008, khi cô còn ngồi trên chiếc xe do mẹ kéo. Cô gái sống ở thành phố Westerville, bang Ohio, từng mất một chiếc răng trong cuộc diễu hành ủng hộ cựu tổng thống Barack Obama. Cô cũng từng bỏ tiết học lịch sử năm lớp 7 sau một bài thuyết trình phản đối phong trào Black Lives Matter (Vấn đề sinh mạng người da màu). Trở thành tổng thống Mỹ là mục tiêu cuối cùng của Cumming-Vukovic.

Tuyên bố của Cumming-Vukovic có vẻ kỳ lạ với lứa tuổi này, song đó là điều không hiếm ở hội thảo Young Women Run Columbus của Ignite, nhóm chuyên khuyến khích và giúp đỡ các cô gái tham gia chính trị. Người tham dự hội thảo là học sinh, sinh viên đến từ các trường trung học và đại học trên khắp Ohio. Họ tham vọng trở thành ủy viên hội đồng thành phố, hội đồng quận, thượng nghị sĩ hay đại biểu quốc hội Mỹ. 

Họ cũng tham vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, nhưng hiện tại họ còn quá trẻ để thực hiện nó. 

"Khi học lớp 2, một lần tôi nhìn thấy tấm áp phích in hình tất cả tổng thống Mỹ và tự hỏi tại sao không có nữ tổng thống", Haley Zaker, học sinh cấp 3 ở thành phố Lancaster, nhớ lại. "Lúc đó tôi đã đùa rằng sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên. Tuy nhiên, hy vọng đó giờ chưa thể thực hiện bởi phải tới năm 2040 tôi mới đủ tuổi tranh cử tổng thống".

Cumming-Vukovic (tóc vàng) trong hội thảo về chính trị ở thành phố Columbus, bang Ohio hồi tháng 11. Ảnh: NY Times.

Cumming-Vukovic (tóc vàng) trong hội thảo về chính trị ở thành phố Columbus, bang Ohio hồi tháng 11. Ảnh: NY Times.

Cumming-Vukovic hay Haley Zaker là những người tiên phong cho làn sóng mới về giới lãnh đạo Mỹ: những cô gái trẻ đã sẵn sàng quyết tâm một ngày nào đó mọi người sẽ bầu chọn họ, dù hiện nhiều người trong số họ chưa đủ tuổi bầu cử. 

Theo Melissa Deckman, nhà khoa học chính trị tại Đại học Washington hiện nghiên cứu về thế hệ Z và hợp tác cùng nhóm Ignite, những cô gái trẻ này là đại diện cho thế hệ đầu tiên, trong đó phụ nữ tham gia chính trị nhiều hơn nam giới. Nhiều người ủng hộ xu hướng này bởi tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cuộc bầu cử năm ngoái còn khá khiêm tốn. Nếu tỷ lệ phụ nữ trong chính phủ tăng với tốc độ như 10 năm qua, mất 100 năm nữa Mỹ mới đạt bình đẳng giới.

Ignite cho rằng, chìa khóa cho vấn đề này là khuyến khích phụ nữ tham gia chính trị sớm hơn. Anne Moses, nhà sáng lập Ignite, từng nói tại hội nghị "Declare Your Ambition" (tạm dịch "Hãy nói ra tham vọng của bạn") rằng mục tiêu của họ là tạo ra thế hệ phụ nữ đam mê chính trị và xem tham vọng chính trị là điều bình thường.

Kira Jones, 18 tuổi, muốn tranh cử vào văn phòng chính quyền địa phương. Cameron Tiefenthaler, 17 tuổi, muốn làm việc trong văn phòng nghị viện bang hoặc quốc hội. Một sinh viên năm hai Đại học bang Ohio nhảy ra khỏi ghế và hét lớn: "Tôi là Kelsey Lowman. Tôi sẽ trở thành nữ nghị sĩ Mỹ". 

Trong cuộc phỏng vấn sau đó, nữ sinh viên 19 tuổi Lowman cho biết cô chưa hoàn toàn chắc chắn về quyết định này. "Tôi không thể nói một cách yếu ớt rằng 'Có lẽ tôi sẽ tranh cử vào một cơ quan nhà nước', bởi mọi người nắm lấy điểm yếu và khiến bạn trở nên nhỏ bé", Lowman nói.

Giống như Lowman, nhiều cô gái khác chưa chắc chắn về việc tham gia vào chính trị khi mới tới hội thảo. Tuy nhiên, sau khi tham gia các cuộc tranh luận mô phỏng, chia nhóm vận động hành lang và ăn trưa với hơn 10 người phụ nữ đang tranh cử vào hội đồng bang Ohio, một số người cho biết sẽ xem xét vấn đề này nghiêm túc hơn.

Jones, sinh viên năm nhất Đại học bang Ohio, cho hay cô bắt đầu quan tâm đến chính trị sau khi nghe chia sẻ trong hội nghị. Jones từng mong trở thành một luật sư về môi trường, nhưng bây giờ cô nghĩ tới công việc khác, như làm việc trong cơ quan chính phủ. "Nhiều người tham dự hội nghị cho biết họ chưa từng có ý định trở thành chính trị gia trước đó", Jones nói.

Kira Jones, sinh viên năm nhất tại Đại học bang Ohio. Ảnh: NY Times.

Kira Jones, sinh viên năm nhất tại Đại học bang Ohio. Ảnh: NY Times.

Phần lớn học sinh, sinh viên tham gia hội nghị lần này của Ignite là người theo đảng Dân chủ. Điều này cũng thường xảy ra ở nhiều hội nghị khác của nhóm, bất chấp các nỗ lực nhằm thu hút sự quan tâm của những người đảng Cộng hòa.  Có một số lý do cho vấn đề này. Một số phụ nữ theo đảng Cộng hòa cho rằng các nhóm trung lập như Ignite không thực sự chào đón họ. Trong khi đó, một số người khác lập luận rằng các chính trị gia giỏi nhất thường tự theo đuổi chính trị trên con đường của riêng họ.

Nhiều người cho rằng phụ nữ trẻ tham gia vào chính trị ngày càng nhiều dưới thời Tổng thống Donald Trump. Shradha Parekh, 21 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học bang Ohio, chia sẻ cuộc bầu cử năm 2016 giúp cô nhận ra "chính trị ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi và những người quan tâm tới nó nhiều thế nào".

Năm 2018, Parekh đã gia nhập Ignite và dành một năm qua để thiết lập các chi nhánh tại các trường đại học ở Ohio. "Trải nghiệm này giúp một phụ nữ da màu như tôi có cơ hội tìm được chỗ đứng của mình trong chính trị", Parekh nói. "Ignite đã giúp thay đổi suy nghĩ về chính trị. Giờ tôi thuộc về nó và sẽ tìm được vị trí của mình". 

Đối với Zaker, cuộc bầu cử năm 2016 diễn ra vào thời điểm cô đang học môn lịch sử lớp 8 với kiến thức tập trung về chính phủ Mỹ. Do đó, cuộc bầu cử giúp cô hiểu hơn về các bài giảng của giáo viên và có thể tự tin tham gia thảo luận về chủ đề này. "Thầy giáo rất coi trọng ý kiến của tôi. Điều đó càng khiến tôi đam mê tìm hiểu về chính trị hơn", cô nói. Zaker muốn vào Quốc hội Mỹ và tin rằng nếu muốn, cô có thể thành công.

Shayanna Hinkle-Moore, sinh viên năm nhất tại Đại học bang Ohio. Ảnh: NY Times.

Shayanna Hinkle-Moore, sinh viên năm nhất tại Đại học bang Ohio. Ảnh: NY Times.

Không phải đợi tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 như Parekh hay Zaker, nhiều nữ sinh thậm chí đã tham gia vào hoạt động chính trị tại địa phương từ nhiều năm trước đó. 

Shayanna Hinkle-Moore, 19 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học bang Ohio, cho biết từng dành nhiều năm đấu tranh để xây dựng hệ thống vỉa hè xung quanh trường trung học Columbus và nhiều trường học khác, với mong muốn học sinh không gặp nguy hiểm do tai nạn giao thông.

Cô cùng bạn trong lớp đã vận động người dân trong khu vực, thành viên nhà thờ tham gia dự án. Cô cũng giành được 2,5 triệu USD tiền đầu tư của chính quyền thành phố. Hinkle-Moore hiện làm việc với các quan chức thành phố để kết nối dự án xây vỉa hè với một dự án xây cầu.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra. Thỉnh thoảng tôi tự ca ngợi chính mình 'Hãy xem cô gái nhỏ bé là tôi làm được những điều lớn lao chưa kìa'", Hinkle-Moore nói.

Giống nhiều nhóm vận động khác, Ignite đang cố gắng chống lại các quan hiểm bảo thủ rằng phụ nữ, đặc biệt là các cô gái trẻ, "chưa tới lượt" tham gia chính trị. 

"Các bạn không phải là những lãnh đạo của tương lai, mà là của hiện tại", Mónica Ramírez, chủ tịch tổ chức Justice for Migrant Women (Công lý cho Phụ nữ Nhập cư,) đồng thời là nhà sáng lập Esperanza, một sáng kiến về quyền của phụ nữ nhập cư, nói trong một bài phát biểu với sinh viên.

Thanh Tâm (Theo New York Times)

Tags:
Barron Trump đốn tim hàng ngàn người hâm mộ, tỏa sáng như một ngôi sao và làm lu mờ cả nữ thần Nhà trắng Ivanka

Barron Trump đốn tim hàng ngàn người hâm mộ, tỏa sáng như một ngôi sao và làm lu mờ cả nữ thần Nhà trắng Ivanka

Con trai út của Tổng thống Mỹ tiếp tục chiếm hết spotlight của gia đình, thu hút mọi ống kính.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất