Những du học sinh về nước bị shock ngược văn hóa: Tiếng Anh chêm Tiếng Việt, nhà mình mà ngỡ như ở nhà ai đó xa lạ

Đi du học trở về, có người không mất nhiều thời gian để quay lại với nhịp sống vốn thuộc về mình nhưng có những người bị sốc văn hóa ngược và phải thực sự nghiêm túc nghĩ về việc làm sao có thể hòa nhập lại với cuộc sống tại quê nhà.

09:03 06/05/2023

"Du học sinh trở về nước", cái mác nghe thì xịn và có vẻ là lợi thế lớn của rất nhiều người vì du học sinh luôn được đánh giá cao về cả kiến thức lẫn kỹ năng nhưng thực tế câu chuyện trở về đôi khi không đơn giản chỉ là "về nhà" thôi đâu. Rất nhiều du học sinh sau khi trở về đã mất một thời gian đầu loay hoay và gặp khó khăn với việc hòa nhập lại cùng cuộc sống và cách làm việc tại chính quê hương mình, hay còn gọi là "sốc văn hóa ngược", một hệ quả tất yếu của sự khác biệt giữa văn hóa và phong cách của các quốc gia.

Trở về nước và bị nhiễm tiếng nước ngoài vào tiếng mẹ đẻ

Nhiều năm liên tục sống ở nước ngoài, giao tiếp và học tập hoàn toàn bằng một thứ ngôn ngữ khác không phải tiếng mẹ đẻ khiến nhiều du học sinh cảm thấy tự bỡ ngỡ và đôi khi có nhiều từ ngữ trong tiếng Việt tự dưng bị quên mất cách diễn đạt mà chỉ hiểu nghĩa của nó trong tiếng nước ngoài như thế nào. Không phải quên cách nói tiếng Việt nhưng thực tế là không ít bạn đã cảm thấy bối rối khi bước xuống sân bay và trò chuyện với người thân.

Nhiều người không đồng ý và cười cợt những du học sinh có cách nói chuyện xen nhiều từ tiếng Anh vào giữa những câu tiếng Việt, mặc định họ nói vậy cho sang mà không hiểu được rằng để có thể sử dụng một ngôn ngữ trôi chảy và mạch lạc sau một thời gian dài không dùng đến thì cũng cần một thời gian nhất định.

Quay lại nhịp sống cũ thường ngày

Nhớ nhà, nhớ quê hương là thế nhưng quay lại với nhịp sống cũ trước khi đi không phải việc có thể nói mà làm được ngay.

Nếu bạn đi du học ở một tỉnh xa của nước ngoài, nơi có quang cảnh yên bình và một không khí dễ chịu thì chắc chắn những ngày đầu tiên trở lại với Hà Nội hay bất kỳ thành phố tấp nập nào ở Việt Nam cũng đều cảm thấy không được thoải mái lắm.

Ngược lại, bạn đi học ở những thành phố lớn sầm uất và quay trở về những thị trấn Việt Nam nhỏ bé, chắc chắn bản thân sẽ thấy bị hẫng lại đôi chút.

Làm quen lại với những điều vốn đã quen thuộc nghe có vẻ vô lý nhưng là tình trạng rất nhiều du học sinh gặp phải. Thử hỏi một người sống một thời gian dài ở nước ngoài, quen với thời tiết, môi trường, nhịp độ cuộc sống ở đó, khi đột ngột thay đổi lại mọi thứ thì làm sao có thể thích ứng lại ngay trong một buổi chiều được. Quá trình hòa nhập lại này chắc chắn cần một khoảng thời gian vừa đủ, tùy thuộc vào mỗi người, từ vài ngày đến vài tuần hay lâu hơn.

Gặp khó khăn trong công việc do khác biệt về tác phong và suy nghĩ

Đây có lẽ là vấn đề nghiêm trọng nhất. Một du học sinh được đào tạo từ nền giáo dục phương Tây với phong cách làm việc chủ động, thích tranh luận và nêu ý kiến chắc chắn sẽ không phải một người cộng sự tâm đầu ý hợp với một sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam.

Dù cách giáo dục trong nước có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì sự khác biệt giữa nền giáo dục của Việt Nam và nước ngoài vẫn khá lớn và nó ảnh hưởng trực tiếp lên chính những sinh viên thuộc các hệ thống giáo dục đó, tạo ra những khác biệt về tác phong và cách suy nghĩ trong công việc. Nhiều du học sinh về nước từ một người khí thế với việc đặt câu hỏi và nêu ý kiến trong các cuộc họp bỗng thấy lạc lõng khi xung quanh mọi người không nói gì. Cách làm bạn cho là hiệu quả nhưng mọi người lại không đồng ý vì nó xa lạ và không phù hợp với thói quen làm việc của số đông nhân viên trong công ty. Từ một du học sinh năng động, bạn bỗng nhiên gặp khó khăn tỏng việc thực hiện những điều mà bạn vốn nghĩ nó rất đơn giản.

Các mối quan hệ đã thay đổi

Đi du học nghĩa là bạn không thể thường xuyên cập nhật tình hình của bạn bè, đôi khi là bị lãng quên dần trong một số đội, nhóm mà mình từng thân thiết. Dù những phương tiện mạng xã hội ngày nay đã quá phát triển rồi nhưng "xa mặt cách lòng" là câu chuyện chẳng bao giờ cũ. Bạn về nước và nhận ra mình không biết rủ ai đi chơi, nói chuyện, bạn nhận ra nhóm bạn thân có người đã lập gia đình, có người làm việc ở một nơi xa, có người thì bận rộn với những kế hoạch cá nhân, không mấy ai để ý đến sự xuất hiện trở lại của bạn cả.

Đó là chưa kể đến những mỗi quan hệ xã giao. Bạn bè thân thiết còn không mấy khi liên lạc nói gì đến những mối quan hệ xã giao được xây dựng trước đó. Bạn sẽ phải đối mặt với sự thật là gần như không có ai để ý đến việc bạn đi du học hay đi đâu cả và cũng không quan tâm đến việc tiếp theo bạn có kế hoạch gì hay muốn làm điều gì.

Trong gia đình bạn cũng có thể thêm những thành viên mới. Tất cả mọi thứ thay đổi, đây là nơi bạn từng gắn bó trước khi đi nhưng để gắn bó lại thì sẽ cần một chút thời gian và sự kiên nhẫn.

Chúng ta có thể không biết nhưng thực tế việc trở về nước của các du học sinh ít nhiều đều gặp những khó khăn nhất định. Có người không mất quá lâu để quay lại với nhịp sống vốn thuộc về mình nhưng có những người bị sốc văn hóa ngược và phải thực sự nghiêm túc nghĩ về việc làm sao có thể hòa nhập lại với cuộc sống tại quê nhà như chưa từng đi bất cứ đâu. Đi du học là một hành trình và trở về cũng là một hành trình nhiều gian nan không kém.

Tags:
Cuộc sống tuổi 22 của thần đồng Đỗ Nhật Nam giờ ra sao?

Cuộc sống tuổi 22 của thần đồng Đỗ Nhật Nam giờ ra sao?

Qua những hình ảnh mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ, thần đồng một thời hiện chú trọng cách ăn mặc, thường chụp ảnh selfie trước gương.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất