Những giảng viên Mỹ bán thân để mưu sinh

Chật vật sống vì thu nhập thấp, không ít giảng viên bán thời gian ở Mỹ rơi vào cảnh mất nhà, thậm chí bán thân để mưu sinh.

05:45 02/10/2017

Giảng viên  bán thời gian Ellen James-Penney sống trong ôtô cùng chồng và hai con chó. Ảnh: Guardian.

Giảng viên tiếng Anh bán thời gian Ellen James-Penney sống trong ôtô cùng chồng và hai con chó. Ảnh: Guardian.

Nhiều giảng viên bán thời gian ở các trường đại học Mỹ khi bị dồn vào bước đường cùng do thu nhập thấp từ công việc ngốn nhiều thời gian, không đủ trang trải cuộc sống. Họ phải chọn những giải pháp tuyệt vọng, Guardian ngày 28/9 đưa tin.

Là một phụ nữ trung niên hài hước sống ở một thành phố lớn của Mỹ, cô kiếm sống bằng công việc dạy bán thời gian tại các trường đại học. Trong giọng nói để lộ sự mệt mỏi, người phụ nữ giấu tên kể chuyện cô đi từ giảng đường đến mại dâm.

Nhiều năm trước, khi thời lượng đứng lớp đột ngột bị cắt giảm một nửa, thu nhập của cô sụt giảm. Cô đối diện với nguy cơ bị đuổi khỏi nhà trọ. 

Với người phụ nữ yêu nghề này, công việc là cách để cô theo đuổi mong muốn tạo ra những con người có tư duy phản biện từ các thế hệ sinh viên. "Tôi rất giỏi làm việc đó và tôi cũng thích công việc này", cô nói. "Nhưng tôi thấy buồn vì công việc không mang lại thu nhập tôi thấy mình xứng đáng".

Khi đồng lương bục giảng cùng khoản tiền làm thêm công việc gia sư và đọc soát lỗi không đủ để cô trang trải cuộc sống, người phụ nữ này chọn thêm một hướng đi khác. 

"Trong đầu tôi cứ nghĩ, tôi từng có những cuộc tình một đêm, nó có thể xấu xa đến thế nào cơ chứ?", cô nói. "Và chuyện đó cũng không đến nỗi tệ".

Mại dâm là một trong những giải pháp được một bộ phận giảng viên bán thời gian Mỹ chọn để tránh lâm vào cảnh túng quẫn, thậm chí vô gia cư.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Lao động và Giáo dục UC Berkeley, 25% những người làm việc bán thời gian ở các trường đại học Mỹ, nhiều người trong đó là giảng viên bán thời gian, ghi tên vào các chương trình hỗ trợ cộng đồng như bảo hiểm chăm sóc sức khỏe người có thu nhập thấp.

Để có thực phẩm, họ nhờ đến sự trợ giúp của các tổ chức từ thiện và những tấm lòng hảo tâm. Thậm chí, có cả sách dạy giảng viên bán thời gian cách biến vụn thịt bò, xương gà và vỏ cam thành bữa.

Theo nhẩm tính của người phụ nữ đã chọn con đường bán dâm, công việc dạy bán thời gian ngốn của cô khoảng 60 giờ mỗi tuần. Cô được trả vài nghìn USD mỗi khóa và dạy khoảng 6 khóa mỗi học kỳ. Một năm, cô có thu nhập khoảng 40.000 USD.

Với số tiền còn lại sau khi đã trừ 1.500 USD tiền thuê nhà hàng tháng cùng tiền trả các khoản nợ sinh viên đã bao gồm lãi đang ở con số vài trăm nghìn USD, cô phải xoay xở để đủ sống.

Với thu nhập này, cô đã may mắn hơn hầu hết những giảng viên bán thời gian khác. Một cuộc khảo sát năm 2014 cho thấy thu nhập trung bình của nghề giảng viên bán thời gian ở mức 22.041 USD mỗi năm. Con số này ở những giảng viên chính thức của các trường đại học là 47.500 USD mỗi năm.

Căn nhà của giảng viên Mindy Percival ở Stuart, Florida với nhiều thiết bị đã bị hỏng ở bên trong. Ảnh: Mindy Percival.

Căn nhà di động giảng viên bán thời gian Mindy Percival được tặng 8 năm trước ở Stuart, Florida. Ảnh: Mindy Percival.

Sự túng quẫn của những người dạy bán thời gian ở các trường đại học Mỹ không phải là câu chuyện mới. Ba năm trước, giảng viên dạy ngôn ngữ La Mã Mary-Faith Cerasoli ở độ tuổi ngũ tuần tuyên bố rơi vào cảnh vô gia cư và biểu tình trước Sở Giáo dục bang New York. 

"Chúng tôi như nhận lấy một lời thề nghèo khổ để tiếc tục công việc giảng dạy của mình", Debra Leigh Scott, người đang tham gia làm phim và viết sách tài liệu về nghề giảng viên bán thời gian ở các trường đại học Mỹ, cho biết.

Số giảng viên bán thời gian tăng lên trong bối cảnh ngân sách dành cho các trường đại học công ở Mỹ giảm hơn 25% từ năm 1990 đến năm 2009. Có nhiều lý do họ trở thành lực lượng lao động hấp dẫn với với các cơ sở đào tạo tư thục lẫn công lập.

So với giảng viên chính thức, họ có mức tiền công thấp hơn, không nhận được lợi ích từ nghiên cứu cá nhân và thời gian làm việc của nhóm lao động này được sắp xếp cẩn thận để họ không đủ điều kiện được nhận bảo hiểm y tế.

Giới học thuật vì vậy gọi giảng viên bán thời gian là nghề "ăn nhanh". Các chuyên gia lao động xếp họ vào nhóm lao động không ổn định cùng nhóm với những người làm nghề lái xe Uber. Công việc này cũng được cho không còn là công việc ổn định của tầng lớp trung lưu.

Bước vào con đường mại dâm để có thêm thu nhập, người phụ nữ yêu nghề dạy học cách quảng cáo để tìm khách trên mạng. Mỗi giờ làm công việc này, cô có thêm khoảng 200 USD. Cô hạn chế làm thêm trong học kỳ và thực hiện nhiều hơn vào mùa hè khi năm học kết thúc.

Với cô, đây là ca làm việc 6 tiếng ở bar sau một ngày đi dạy. "Đây là điều tôi đã chọn làm. Tôi không muốn câu chuyện đi theo góc nhìn 'Ôi, tôi đã không còn chọn lựa nào khác, cuộc sống của tôi khó khăn như vậy đấy'".

Cái giá cô phải trả khi làm thêm công việc này là nỗi sợ thường trực. "Tôi rất sợ một sinh viên sẽ trở thành khách hàng của mình". Trong khi đó, mối lo tài chính không vì khoản thu nhập tăng thêm này mà giảm bớt. "Tôi bị đau cổ suốt vì suy nghĩ cả đêm". 

Khắp nước Mỹ, không thiếu những câu chuyện bi đát của những người làm nghề giảng viên bán thời gian ở các trường đại học. Bà Caprice Lawless, 65 tuổi, phải cho ba phụ nữ sống cùng nhà, lấy tiền thuê để duy trì ngôi nhà hiện tại.

Ngày mẹ mất, bà không nghỉ vì không được hưởng chế độ nghỉ phép. Ngày hôm sau, bà vẫn phải vào ca làm việc lúc 8h. Như nhiều giảng viên bán thời gian khác, bà phụ thuộc hoàn toàn vào công việc để sống với hy vọng có ngày được trở thành nhân viên chính thức.

Để cải thiện cuộc sống, những năm qua nhiều giảng viên bán thời gian liên kết thành công đoàn đòi quyền lợi. Ở một số nơi, họ được tăng thu nhập hàng năm từ 5% đến gần 20%. Tuy nhiên, các trường học nhìn chung phản đối yêu cầu này, cho rằng việc tăng lương có thể làm tăng chi phí sinh viên phải đóng. 

Bà Rebecca Snow đã bỏ nghề dạy để làm tác giả viết tiểu thuyết. Ảnh: Guardian.

Bà Rebecca Snow đã bỏ nghề dạy để làm tác giả viết tiểu thuyết. Ảnh: Guardian.

Loay hoay trong cảnh túng quẫn, không ít người chọn cách bỏ nghề. Rebecca Snow, 51 tuổi, là một trong số đó. Áp lực tài chính vẫn còn, nhưng bà cho biết cảm thấy được giải thoát.

Giờ đây, bà sống trong một căn phòng yên tĩnh phía trên gara ở nhà của một người bạn tại phía bắc Spokane, Washington. Phòng bà ở có view hướng ra hồ và các quả đồi.

Snow đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết và đang viết cuốn thứ hai. Qua nửa đời người chiêm nghiệm, bà cho biết dạy học chỉ là ảo tưởng còn cuộc sống bên bờ vực vô gia cư mới là hiện thực. "Tôi nhận ra mình đã đeo đuổi một giấc mộng quá lâu", Snow nói.

Tags:
Chàng giảng viên Czech biến ước mơ lấy vợ Việt thành sự thật

Chàng giảng viên Czech biến ước mơ lấy vợ Việt thành sự thật

Sau vài mối tình, anh Ondra gần như bỏ ý định lấy vợ Việt thì tình cờ gặp được Mai - cô gái giản dị - thu hút anh ngay lần đầu gặp.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất