Những hoài nghi về vắc xin ngừa Covid-19 của Nga

Nga tuyên bố chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin này.

06:00 14/08/2020

Những hoài nghi về vắc xin ngừa Covid-19 của Nga - 1
Nga phát triển "thần tốc" vắc xin ngừa Covid-19. (Ảnh: Sputnik)

Đốt cháy giai đoạn?

Đầu tuần này, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga chính thức trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19 với tên gọi Sputnik-V.

Vắc xin Sputnik-V do Viện Nghiên cứu Gamaleya ở Moscow phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga nghiên cứu, phát triển. Các nhà khoa học Nga đã tiến hành thử nghiệm vắc xin này trên người nhiều tháng nhưng dường như chỉ thực hiện Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2, trong khi thông tin về Giai đoạn 3 vẫn còn nhiều nghi vấn.

Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2 thường chỉ tiến hành thử nghiệm trên vài trăm người để xác định xem vắc xin đó có kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể mà không gây tác dụng phụ nguy hiểm hay không. Trong khi đó, giai đoạn 3 nhằm xác định liệu vắc xin có ngăn được nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hay không trước khi vắc xin được phê duyệt và quá trình này đòi hỏi phải thử nghiệm trên hàng chục nghìn người.

Theo truyền thông Nga, số người thử nghiệm vắc xin Sputnik-V ở cả giai đoạn 1 và 2 chỉ là 76 người. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Ruslan Tsalikov cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, quân đội Nga đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 vào cuối tháng 7.

Hồi tháng 4, Nga đã thông qua một đạo luật cho phép bỏ qua giai đoạn thử nghiệm thứ 3 trước khi phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19. Hiện tại, sau khi đã phê chuẩn Sputnik-V, Nga có thể phân phối hàng chục nghìn liều vắc xin này song song với quá trình thử nghiệm giai đoạn 3.

Theo AP, hôm 11/8, ông Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga - đơn vị tài trợ phát triển Sputnik-V, cho biết giai đoạn 3 đã được bắt đầu và được thử nghiệm với hơn 2.000 người ở Nga và một số nước Trung Đông, Mỹ Latinh. Tuy nhiên, Nga bắt đầu tiêm chủng vắc xin này trong vòng 2 tuần tới và tiêm đại trà từ khoảng tháng 10.

“Thực tế vắc xin này cũng không phát triển nhanh hơn các vắc xin khác”, ông Neal nói và cho biết vắc xin của hãng dược Moderna và Oxford đã bắt đầu được thử nghiệm giai đoạn 3.

Hoài nghi tính hiệu quả của Sputnik-V

Những hoài nghi về vắc xin ngừa Covid-19 của Nga - 2
Vẫn còn nhiều hoài nghi về tính hiệu quả của Sputnik-V. (Ảnh: Reuters)

Đến nay dường như không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn liệu vắc xin Sputnik-V của Nga có thực sự hiệu quả và an toàn hay không khi các dữ liệu khoa học được công bố còn tương đối hạn chế. "Chúng ta không có bất cứ thông tin nào để khẳng định liệu nó có an toàn hay không", Keith Neal, giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, bình luận.

Giới chức Nga nói rằng, các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cảm thấy vẫn khỏe mạnh sau khi tiêm vắc xin và không có bất cứ tác dụng phụ ngoài mong muốn nào. Tuy nhiên, nói về điều này, giáo sư Neal cho biết: "Quý vị sẽ không biết được tác dụng phụ nếu không xét nghiệm rộng, nhất là khi đó là các tác dụng phụ hiếm xảy ra. Đó là mấu chốt của thử nghiệm giai đoạn 3".

Bàn về tính hiệu quả của Sputnik-V, ông Neal nói: "Tôi cho rằng, ít nhất nó có thể tạo kháng thể. Điều mà chúng ta không biết đó là liệu nó có giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm hay không".

Sputnik-V được phát triển dựa trên công nghệ vec-tơ vi rút, công nghệ từng được dùng để phát triển vắc xin cho Ebola, MERS trước kia. Theo đó, các nhà khoa học sẽ chọn một vi rút vô hại, trong trường hợp này là Adenovirus, loại vi rút gây cảm lạnh thông thường. Sau đó, họ loại bỏ gen lây nhiễm để nó không thể gây bệnh. Adenovirus tiếp tục được cấy một chuỗi gen của vi rút SARS-CoV-2 vốn là gen sản sinh ra protein gai của SARS-CoV-2 để tấn công tế bào. Khi tiêm protein đó vào cơ thể người, cơ thể có thể có phản ứng miễn dịch, nhưng biện pháp này vẫn có những rủi ro.

Các nhà khoa học phát triển Sputnik-v nói rằng, vắc xin này đã tạo ra phản ứng miễn dịch tế bào và kháng thể mạnh ở những người tình nguyện tiêm thử. Thông tin trên trang web về Sputnik-V của Nga cho biết: “Không tình nguyện viên nào mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc xin”.

Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA), nói: “Hiện không rõ hiệu quả của vắc xin Nga ra sao và liệu những người tình nguyện đã có miễn dịch với Adenovirus trước đó hay không”.

Ai được tiêm trước?

Những hoài nghi về vắc xin ngừa Covid-19 của Nga - 3
Hơn 20 nước đã đặt mua Sputnik-V. (Ảnh minh họa: Getty)

Bộ Y tế Nga cho biết, đội ngũ y tế tuyến đầu và giáo viên sẽ là những người đầu tiên được tiêm Sputnik-V. Hồi cuối tháng 7, giới chức nước này bác thông tin nói rằng các chính khách và giới tinh hoa sẽ được tiêm vắc xin đầu tiên.

Ông Kirill Dmitriev cho biết, Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vắc xin Sputnik-V từ tháng 10 tới với sản lượng khoảng 5 triệu liều mỗi tháng. “Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt tại Nga vào tháng 10. Vắc xin này sẽ được phân phối cho các nước khác khoảng tháng 11”, ông Dmitriev nói.

Ngay sau khi công bố phê chuẩn Sputnik-V, Nga cho biết đã có hơn 20 quốc gia đặt mua hơn 1 tỷ liều vắc xin này. “Các nước ở Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á muốn mua vắc xin này, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn tất nhiều hợp đồng”, ông Dmitriev cho biết.

Mặc dù vậy, Sputnik-V khó được phê chuẩn tại Liên minh châu Âu và Mỹ. “Vấn đề không phải đó là vắc xin đầu tiên. Vấn đề là vắc xin đó có an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân thế giới hay không”, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar bình luận hôm 11/8.

Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/nhung-hoai-nghi-ve-vac-xin-ngua-covid-19-cua-nga-20200813150339953.htm

Tags:
Vắc xin của Nga an toàn đến đâu? Vì sao giới chuyên môn lo ngại và nghi ngờ?

Vắc xin của Nga an toàn đến đâu? Vì sao giới chuyên môn lo ngại và nghi ngờ?

Nga tuyên bố ngay trong tháng 8 này sẽ phê duyệt loại vắc xin phòng bệnh đầu tiên, điều này có thể diễn ra ngay trong thứ tư này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất