Những người Mỹ cùng đường vì Covid-19

Với 6 đứa trẻ trên xe, Summer Mossbarger là một trong những người đầu tiên xếp hàng lấy bữa trưa miễn phí bên ngoài trường tiểu học Alton ở Texas.

20:30 21/03/2020

Trường Alton đã đóng cửa vì Covid-19 như bao trường công khác ở Brenham, thị trấn nông thôn với 17.000 dân tại bang Texas, Mỹ. Tuy nhiên, một phần ngôi trường vẫn hoạt động để phát bữa trưa miễn phí, công việc mang đến nguồn sống quý giá cho rất nhiều người dân nghèo trong vùng.

Mossbarger và chồng. Ảnh: NYTimes.
Mossbarger và chồng. Ảnh: NYTimes.

Mossbarger, 33 tuổi, mở cửa kính chiếc xe SUV 15 năm tuổi của mình khi các nhân viên nhà trường đưa cho cô 6 hộp xốp chứa đồ ăn. Trên đường về, trong lúc 6 đứa trẻ đang ngấu nghiến bữa trưa một cách ngon lành, Mossbarger không ăn gì.

Cô bỏ bữa sáng và bữa trưa, chỉ ăn miếng đầu tiên trong ngày vào khoảng 17h30. Tất cả những gì cô nạp vào cơ thể từ sáng tới tối chỉ là vài quả cherry.

Tình hình tài chính nhà Mossbarger rất khó khăn. Cô là một cựu binh khuyết tật và không có việc làm. Chồng Mossbarger làm thợ mộc, nhưng công việc gần đây vô cùng ế ẩm bởi nhiều khách hàng đã hủy đơn và các công trường xây dựng cũng ngừng làm việc. Hàng tháng, Mossbarger phải trả 1.000 USD tiền thuê nhà. Với tình hình hiện nay, đó là cả một gánh nặng.

"Nếu không có những thứ này, chắc tôi sẽ phát điên vì áp lực", Mossbarger nói về bữa trưa miễn phí tại trường Alton. "Tôi sẽ không để các con mình đói. Nếu phải ăn chỉ một bữa mỗi ngày, tôi cũng làm".

Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống của những người nghèo ở Mỹ phải chạy ăn từng bữa như gia đình Mossbarger. Những người có ít nguồn thu nhập sẽ có ít lựa chọn hơn khi phải làm quen với cuộc sống mới, trường học đóng cửa, doanh nghiệp ngừng hoạt động và các đơn đặt hàng liên tục bị hủy.

Chuyên gia nhận định các gia đình có thu nhập thấp với ngân sách eo hẹp, hóa đơn quá hạn, nhà ở không ổn định, điều kiện chăm sóc sức khỏe nghèo nàn và việc làm bấp bênh rõ ràng là những người chịu tổn thương lớn nhất vì dịch bệnh.

"Họ sẽ là người đầu tiên bị ảnh hưởng khi mọi chuyện xấu đi và cũng mất nhiều thời gian nhất để phục hồi", H. Luke Shaefer, giáo sư về công tác xã hội và chính sách công tại Đại học Michigan, nhận xét.

Các trường học ở Texas, Florida, Pennsylvania, Oregon và một số bang khác của Mỹ duy trì hoạt động phát bữa trưa miễn phí nhằm đảm bảo học sinh được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng kể cả khi không đến lớp. Các nhà giáo dục và chuyên gia dinh dưỡng trường học cho hay đối với những đứa trẻ nghèo, bữa sáng hay bữa trưa miễn phí là bữa ăn đầy đủ duy nhất trong ngày của chúng.

Tại Brenham, nơi 60% trong 5.000 học sinh tại các trường công đủ điều kiện nhận bữa ăn miễn phí hoặc giảm giá, giới chức giáo dục thị trấn tuần qua đã phát thêm 1.000 suất ăn trưa và 800 suất ăn sáng cho học sinh sau ba ngày đầu tiên thực hiện chương trình hỗ trợ.

Breham là thị trấn của tầng lớp lao động. Thu nhập trung bình hộ gia đình tại đây ở mức 44.000 USD/năm, tỷ lệ hộ nghèo 18,6%. Với nhiều hộ gia đình, các bữa ăn miễn phí này rất quan trọng bởi chúng giúp họ kéo giãn ngân sách. Số tiền chi cho bữa trưa hôm này có thể dùng để mua bữa tối ngày mai hoặc trả hóa đơn tuần sau.

Gabbie Salazar, 28 tuổi, chở các cháu tới điểm phát đồ ăn miễn phí hai lần mỗi ngày. Cô là bà mẹ đơn thân làm hai công việc một lúc với thu nhập 2.000 USD mỗi tháng, trong đó 800 USD dành để trả tiền thuê nhà.

"Các bữa ăn miễn phí giúp tôi tiết kiệm từng đồng", Salazar nói. "Tôi là một bà mẹ đơn thân. Tôi chỉ cần ăn một bữa vào buổi tối, vì thế chúng giúp ích rất nhiều".

Trước khi tới điểm phát bữa trưa ở trường Alton, Mossbarger đưa 6 con của mình tới cửa hàng tạp hóa H-E-B. Cô tìm mua khăn giấy và giấy vệ sinh nhưng tất cả đã hết sạch trên kệ. Khách hàng chen chúc, giành giật nhau bất cứ thứ gì có thể. Cô gọi các con lại, để xe đẩy giữa lối đi và bước vội khỏi cửa hàng, tức giận vì đã lãng phí xăng.

"Tôi không thể chịu đựng tình cảnh này. Nó khiến tôi căng thẳng. Vì là một người mẹ, những việc đang diễn ra khiến tôi cảm thấy mình không còn đủ sức chu cấp cho các con", Mossbarger chia sẻ.

"Chúng tôi sống ngày nào biết ngày đấy", Jordan Spahn, 47 tuổi, chồng Mossbarger, nói. "Nếu tuần tới tình hình xấu thêm 20 lần nữa thì sao? Chúng tôi bây giờ còn chẳng thể mua được gì".

Covid-19 chỉ là một trong rất nhiều khó khăn mà Mossbarger và Spahn đã trải qua trong đời. Vài năm trước, Mossbarger vẫn là người vô gia cư. Hai con trai của chồng cô từ cuộc hôn nhân đầu, Matthew, 21 tuổi, và Jonah, 24 tuổi, qua đời vì tai nạn giao thông cách đây một năm rưỡi.

Các con của Mossbarger cầu nguyện trước khi ăn. Ảnh: NYTimes.
Các con của Mossbarger cầu nguyện trước khi ăn. Ảnh: NYTimes.

"Chúng tôi đã trải qua nhiều sóng gió trong quãng thời gian 16, 17 tháng qua", Spahn nói. "Chúng tôi đã đau khổ, tan nát trái tim và giờ dịch bệnh tràn tới. Chúng tôi sẽ đối đầu với nó với thái độ kiểu như 'được thôi, hãy đến đây'".

Bữa trưa, giống như bữa tối, đều được bày trên đĩa xốp. Tất cả các bữa ăn đều do chị dâu của Mossbarger mang đến và lấy từ tổ chức phân phát thực phẩm phi lợi nhuận Bread Partners hạt Washington. Lũ trẻ thường ăn mỳ spaghetti thừa, rau đóng hộp, bánh bích quy quay trong lò vi sóng và bánh quy giòn hiệu Goldfish. Mossbarger ăn gà rán với cơm và rau đóng hộp.

Mossbarger không bao giờ than vãn nhưng cô thường xuyên cảm thấy đói. "Thực lòng, tôi không thể ăn thêm gì cả nhưng Jordan thì luôn giục tôi 'Em phải ăn chút gì đó đi'", cô kể.

Sáng ngày tiếp theo, cô tiếp tục bỏ bữa và chỉ uống nước tăng lực. Mossbarger cảm thấy mệt mỏi và đau đầu. Chồng Mossbarger tiếp tục không có việc, làm tăng thêm nỗi lo lắng của cô về tình hình tài chính trong thời gian sắp tới.

"Tôi luôn nghĩ về việc chúng tôi sẽ làm gì tiếp theo", Mossbarger cho hay. "Về cơ bản, nếu anh ấy không đi làm, tôi sẽ phải ăn ít nhất có thể bởi tôi biết các con tôi sẽ không đủ ăn".

11h, Mossbarger lại gọi các con lên xe. Nổ máy, cô lái thẳng về trường tiểu học Alton, nơi những bữa ăn miễn phí đang chờ.

Link nguồn: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-my-cung-duong-vi-covid-19-4072610.html

Tags:
Việt kiều Mỹ ở Cali: Ở yên một chỗ, ‘nín thở’ mong dịch Covid-19 qua mau

Việt kiều Mỹ ở Cali: Ở yên một chỗ, ‘nín thở’ mong dịch Covid-19 qua mau

Người Việt tại California (Mỹ) đã rất lo lắng và hoảng sợ khi chứng kiến cảnh đánh nhau ở siêu thị giành mua đồ hay xếp hàng 3 tiếng chờ mua đồ ăn mùa dịch Covid-19

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất