Những người sợ bị 'ra rìa' bầu cử Mỹ

năm nay nhiều người đứng ngồi không yên với những phiếu bầu của mình.

11:00 31/10/2020

Nghiên cứu sinh Mỹ Benjamin Cole đã không gặp vấn đề gì khi bỏ phiếu từ Đức vào năm 2016 và 2018 nhưng năm nay, anh đứng ngồi không yên.

Do lo ngại phiếu bầu qua thư sẽ chậm đến tay giới chức bang Georgia, Mỹ vì đại dịch, anh đã điền lá phiếu và gửi đi từ bưu điện ở Cologne, Đức ngay ngày nhận được nó hôm 16/9.

Trong những tuần tiếp theo, anh theo dõi hành trình thư, khi nó được chuyển đến New York và sau đó đến một cơ sở phân loại ở thành phố Macon, Georgia vào ngày 27/9.

Vào ngày 28, 29 và 30/9, anh nhận được thông báo rằng lá phiếu của anh đã được chuyển đến thành phố Warner Robins, cách đó khoảng 20 phút. Sau đó, anh không nhận được tin tức gì thêm.

Một nhân viên bầu cử phân loại phiếu bầu qua thư ở Doral, Florida ngày 26/10. Ảnh: AP.
Một nhân viên bầu cử phân loại phiếu bầu qua thư ở Doral, Florida ngày 26/10. Ảnh: AP.

Cole lo lắng suốt nhiều tuần về số phận lá phiếu của mình. Cuối cùng, anh kiểm tra trang web bầu cử của bang và biết rằng nó đã được giới chức tiếp nhận vào ngày 2/10. Trong khi đó, trang web của Bưu điện Mỹ vẫn hiển thị kết quả lá phiếu của anh đang được chuyển.

"Đó là một trải nghiệm rất mệt mỏi đối với tôi", Cole nói.

Người Mỹ sống ở nước ngoài đã lên kế hoạch bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm nay từ mùa hè. Nhưng trong bối cảnh Covid-19 khiến dịch vụ bưu chính toàn cầu bị đình trệ, các lá phiếu của họ có nguy cơ không đến kịp để được tính vào ngày bầu cử 3/11. Tại một số bang, lá phiếu đến muộn sẽ bị coi là không hợp lệ.

Trong số 7,7 triệu quân nhân và công dân Mỹ sống ở nước ngoài, hơn 630.000 người gửi phiếu bầu qua thư hợp lệ vào năm 2016. Gần một nửa số đó ở các bang chiến trường, nơi cuộc đua sít sao đôi khi được định đoạt bằng những lá phiếu vắng mặt.

Nhiều người Mỹ ở nước ngoài nói rằng việc bỏ phiếu vắng mặt tương đối thoải mái hơn so với việc phải chờ đợi lâu và xếp hàng dài như cử tri tại quê nhà. Nhưng đối với những người khác, việc bỏ phiếu từ nước ngoài năm nay có nghĩa là họ phải di chuyển hàng giờ để bầu cử tại các đại sứ quán Mỹ hoặc sử dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh như FedEx hay DHL.

Hơn 30 bang cho phép cử tri ở nước ngoài gửi phiếu bầu qua fax, trực tuyến hoặc cả hai, trong đó có Missouri, bang đã sửa đổi quy tắc bầu cử trong năm nay vì đại dịch. Nhưng các bang còn lại chỉ chấp nhận phiếu bầu qua đường bưu điện. Thư không chỉ mất nhiều thời gian di chuyển ở nước ngoài mà ngay cả khi đến Mỹ, chúng có thể mất nhiều tuần để đến đích.

Tháng trước, một nhóm 10 người Mỹ sống ở 7 quốc gia đã kiện các quan chức bầu cử ở 7 bang chỉ nhận thư gồm Georgia, Kentucky, New York, Ohio, Pennsylvania, Texas và Wisconsin, cho rằng quy định này tước đoạt quyền bầu cử của họ. Họ yêu cầu tòa ra phán quyết cho phép cử tri ở nước ngoài gửi lá phiếu qua email hoặc fax.

Trong khi đó, giới chức bầu cử của các bang này, cũng như những chuyên gia pháp lý, công nghệ và một số nhóm phi lợi nhuận thúc đẩy bỏ phiếu, lập luận rằng việc gửi lá phiếu bằng email hoặc fax làm tăng lo ngại về an ninh và quyền riêng tư. Hơn nữa, việc thay đổi quy định khi ngày bầu cử đã cận kề sẽ tạo thêm gánh nặng cho quan chức bầu cử và làm cử tri bối rối. Đầu năm nay, một số cơ quan liên bang đã ra khuyến cáo, coi việc gửi phiếu bầu bằng hình thức điện tử là có rủi ro cao.

J.Rémy Green, một trong những luật sư thúc đẩy vụ kiện, cho rằng không nên đánh đồng ý tưởng bầu trực tuyến qua Internet hoặc ứng dụng với việc gửi phiếu qua hình thức điện tử như email hay fax. Green cho rằng cách làm thứ hai sẽ khó bị can thiệp hơn vì nó liên quan đến tài khoản email cá nhân và đường truyền fax. Ông cũng lập luận rằng trong trường hợp này, lợi ích cho cử tri ở nước ngoài vượt qua rủi ro an ninh nên nó xứng đáng được tiến hành. Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí còn cung cấp dịch vụ nhận, gửi fax qua email miễn phí để phục vụ bầu cử.

Để bỏ phiếu qua thư, cử tri trước hết phải đăng ký bầu vắng mặt. Họ có thể gửi thư, gọi điện hoặc truy cập vào trang web bầu cử để yêu cầu giới chức bang gửi lá phiếu qua thư. Cử tri phải cung cấp thông tin cá nhân và địa chỉ khi gửi yêu cầu. Sau khi nhận được yêu cầu, giới chức bầu cử địa phương sẽ gửi phiếu bầu kèm hai phong bì về địa chỉ mà cử tri cung cấp.

Sau khi điền đầy đủ thông tin trong phiếu bầu, cử tri sẽ cho phiếu vào một phong bì thư dán lại, sau đó cho tiếp vào phong bì thư thứ hai và ký tên xác nhận bên ngoài. Quy trình soát và kiểm phiếu thông thường bắt đầu bằng việc xác minh chữ ký trên bì thư, để xem nó có trùng khớp với tên cử tri trong danh sách của bang và lá phiếu có được gửi từ đúng địa chỉ đã đăng ký hay không. Khi xác thực xong, họ sẽ xé bì thư có chữ ký cử tri bên ngoài và lấy bì thư đựng phiếu bầu.

George Sorrells, chuyên gia công nghệ thông tin Mỹ sống tại Thụy Sĩ, và vợ ông, Julie Sorrells, đã theo dõi hành trình lá phiếu của họ đến Wisconsin. Họ phát hiện ra lá phiếu của George đã được tiếp nhận nhưng Julie thì không. Sau khi xem xét lại, George nhận ra rằng mình đã quên ký vào lá phiếu của vợ với tư cách nhân chứng và bà phải gửi một lá phiếu mới từ Thụy Sĩ.

Vì cuộc bầu cử đang đến gần, họ gửi lá phiếu thứ hai qua dịch vụ chuyển phát nhanh FedEx. Vợ chồng Sorrells đã chi gần 80 USD để bỏ phiếu nhưng cho rằng điều đó xứng đáng. Tuy nhiên, George cho biết ông sẽ cảm thấy đảm bảo hơn nếu được gửi qua email.

"Tôi đã phải trả thêm tiền để theo dõi hành trình thư", ông ấy nói. "Và sau đó tôi vẫn trăn trở gần hai tuần với câu hỏi liệu nó có đến được nơi không?"

Dana Rawls, cử tri quê ở Georgia đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, cho biết bà đã bỏ phiếu từ Australia mà không gặp vấn đề gì kể từ năm 2006. "Nhưng năm nay thực sự là một cơn ác mộng", bà nói.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Georgia vào tháng 6, Rawls đã rất thất vọng khi biết rằng văn phòng bầu cử địa phương không nhận được lá phiếu của mình. Vì vậy, bà quyết tâm không để bị "ra rìa" trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11.

Giống như Cole, Rawls điền và gửi lá phiếu ngay vào ngày bà nhận được hôm 18/9, trả khoảng 25 USD để gửi qua đường bưu điện quốc tế. Phải đến ngày 20/10, nó mới đến đến được Los Angeles và từ đó nó phải đi tiếp tới hạt Fulton ở Georgia. "Tôi vẫn sợ rằng nó sẽ không đến kịp", Rawls nói.

Khi nhận ra lá phiếu ban đầu của mình dường như đã bị thất lạc, Rawls gửi một lá phiếu dự phòng khẩn cấp vào ngày 16/10 qua chuyển phát nhanh quốc tế. Thông báo duy nhất mà bà nhận được trong hệ thống theo dõi là "thư của bạn đang trên đường chuyển".

Sau khi tốn 70 USD bưu phí cho hai lá phiếu, Rawls lo lắng rằng cả hai đều không đến nơi. "Thật là điên rồ và mệt mỏi", bà nói.

Rawls cho biết bà sẽ bỏ phiếu qua email nếu có thể và đặt câu hỏi tại sao quy định cho cử tri ở nước ngoài của mỗi bang lại khác nhau. "Chúng ta đang ở thế kỷ 21 cơ mà, chỉ cần bỏ công sức ra là đồng bộ hóa được", bà nói. "Tại sao không có lựa chọn nào cho những người như chúng tôi, những người sống ở nước ngoài nhưng vẫn muốn bỏ phiếu?".

Link nguồn: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-so-bi-ra-ria-bau-cu-my-4184394.html

Tags:
Những kịch bản có thể xảy ra trong đêm bầu cử tổng thống Mỹ

Những kịch bản có thể xảy ra trong đêm bầu cử tổng thống Mỹ

Mọi kịch bản có thể diễn ra trong đêm bầu cử.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất