Những nữ doanh nhân nhập cư giàu có nhất nước Mỹ

Mỹ được ví như “ngọn hải đăng” cho các cô gái mang trong mình tham vọng lập nghiệp, trong đó có Rihanna, Celine Dion và Safra Catz. Họ vừa được tạp chí Forbes vinh danh là những người phụ nữ nhập cư thành đạt nhất ở Mỹ.

00:00 09/06/2019

Đây là năm thứ năm tạp chí Forbes bình chọn những phụ nữ sở hữu khối tài sản kếch xù. 

Robyn Rihanna Fenty rời xa quê hương và người cha nghiện ngập, hay ngược đãi cô, để di cư sang Mỹ khi vừa bước qua tuổi 16. Thời gian đầu tiên bước chân vào sự nghiệp âm nhạc, Rihanna may mắn được hợp tác với Jay-Z - chồng nữ ca sĩ Beyonce, vừa trở thành nam rapper đầu tiên của thế giới sở hữu tài sản trị giá 1 tỷ USD. Kể từ đó, Rihanna không chỉ làm rung chuyển ngành công nghiệp âm nhạc mà cô còn trở thành một biểu tượng của ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp.

Robyn Rihanna Fenty sinh năm 1988 tại Saint James, Barbados. Cô được biết đến với nghệ danh Rihanna, là nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ, diễn viên, nhà ngoại giao và doanh nhân thành đạt. Ảnh: Getty Images.

Với khối tài sản trị giá 600 triệu USD, Rihanna đã vượt mặt các đàn chị nổi danh khác như Madonna (570 triệu USD), Celine Dion (450 triệu USD), Beyonce và Barbra Streisand (400 triệu USD), Taylor Swift (360 triệu đô la)… trở thành nữ ca sĩ giàu nhất thế giới.

Cô cũng là một trong 19 người nhập cư được Forbes vinh danh trong danh sách 80 phụ nữ tự thân giàu có nhất nước Mỹ của năm nay, bên cạnh nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới Kylie Jenner - doanh nhân 21 tuổi sở hữu thương hiệu làm đẹp Kylie Cosmetics. 

Thành tích đáng nể này khiến người hâm mộ nữ ca sĩ nhớ lại lời mở đầu bài hát Work với sự góp giọng của rapper Aubrey Drake Graham năm 2016: “Work, work, work, work, work, work” (Làm việc, làm việc, làm việc, làm việc, làm việc, làm việc), dường như đã trở thành phương châm sống của cá nhân cô. 

Rihanna vừa được tạp chí Forbes bình chọn là nữ ca sĩ giàu nhất thế giới, sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 600 triệu USD, bao gồm các khoản thu từ kinh doanh thời trang, sắc đẹp và âm nhạc. Ảnh: Getty Images.

Theo Forbes, số tiền trong khối tài sản khổng lồ Rihanna kiếm được không chỉ từ các chuyến lưu diễn và phát hành âm nhạc mà còn nhờ kinh doanh thành công thời trang, đồ nội y, mỹ phẩm.

Với tổng giá trị tài sản lên đến 3 tỷ USD, Thai Lee - Chủ tịch của SHI International Corp, hiện đang thống trị danh sách những nữ tỷ phú giàu có nhất khi đến Mỹ lập nghiệp.

Thai Lee là nữ doanh nhân tỷ phú người Mỹ gốc Hàn, CEO kiêm Chủ tịch của SHI International Corp, được Forbes vinh danh là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lớn nhất ở Mỹ. Ảnh: IT.

Thai Lee sinh ra ở Bangkok, lớn lên ở Hàn Quốc nhưng đã chuyển đến Mỹ cùng chị gái. Cô từng làm việc cho các công ty ở Mỹ như Procter & Gamble và American Express trong bốn năm. Đến năm 1989, cô cùng chồng mua một đại lý bán lẻ phần mềm tên là Software House International với giá dưới 1 triệu USD và đổi tên thành SHI International Corp. Hiện công ty đang hợp tác với hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing và công ty dược phẩm, thiết bị y tế, đóng gói hàng hóa tiêu dùng Johnson & Johnson. Báo cáo doanh thu năm 2018 của SHI International Corp đạt 10 tỷ USD.

Weili Dai - cựu giám đốc và cựu chủ tịch của Tập đoàn Công nghệ Marvell. Ảnh: IT.

Xếp sau Thai Lee là Weili Dai - doanh nhân người Mỹ gốc Hoa, đồng sáng lập nhà hàng Panda Express vào năm 1983 với hai nữ tỷ phú Peggy Cherng và Eren Ozmen. Tất cả đều di cư sang Mỹ để theo đuổi một nền giáo dục chất lượng cao, một cuộc sống tốt hơn và nhiều cơ hội hơn.

Nữ doanh nhân người Mỹ gốc Myanmar - Peggy Cherng đang sở hữu khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD. Trong khi gia tài của Eren Ozmen có tất cả 1,4 tỷ USD. 

Ozmen là người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, tốt nghiệp Đại học Nevada, Reno, hiện đang là chủ sở hữu và Chủ tịch Tập đoàn Sierra Nevada. Công ty đã đạt doanh thu 1,9 tỷ USD trong năm ngoái và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chính là một trong những khách hàng tiềm năng của họ. 

“Bà trùm mỹ phẩm” Anastasia Soare cũng nằm trong top những phụ nữ giàu có nhất không sinh ra ở Mỹ. Cô di cư từ Romania đến Los Angeles vào năm 1989 và làm trong một thẩm mỹ viện. Ba năm sau, Soare từ bỏ công việc này để bắt tay vào kinh doanh riêng và năm 2000, cô cho ra mắt dòng sản phẩm lông mày có giá trị hơn 3 tỷ USD, Anastasia Beverly Hills, được mệnh danh là "Nữ hoàng lông mày".

Người đồng sáng lập của nhà bán lẻ thời trang Forever 21 - Jin Sook Chang cũng theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp trên một con đường tương tự. Cô và chồng rời Hàn Quốc đến Mỹ năm 1981. Jin Sook Chang là thợ làm tóc trong suốt ba năm, trong khi chồng cô làm ba công việc một lúc. Cặp vợ chồng này đã dùng 11.000 USD tiền tiết kiệm để mở cửa hàng quần áo rộng 900 mét vuông ở Los Angeles. Hiện tại Forever 21 có hơn 815 cửa hàng và doanh thu hàng năm ước tính khoảng 3,4 tỷ USD.

Một ngành công nghiệp khác mà những người phụ nữ nhập cư tạo được dấu ấn riêng của họ là công nghệ. Trong số 20 nữ doanh nhân giàu có nhất được Forbesvinh danh đã kiếm được rất nhiều tiền từ lĩnh vực này, có 7 người nhập cư, bao gồm Safra Catz - giám đốc điều hành của hãng phần mềm khổng lồ Oracle. Cô đến từ Israel và làm việc cho Oracle từ năm 1999. Mặc dù không phải là người sáng lập nhưng Catz đã giám sát hơn 130 thương vụ mua lại trị giá tổng cộng 60 tỷ USD và trở thành một trong những CEO có thu nhập cao nhất ở nước Mỹ. Chỉ trong năm 2017, cô được Oracle trả lương 135 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu. Điều này giúp cô gia nhập hàng ngũ tỷ phú năm 2019.

Danh sách những nữ doanh nhân tỷ phú nhập cư đến Mỹ của Forbes năm nay:

1. Thai Lee, gốc Hàn Quốc

Giá trị tài sản: 3 tỷ USD

Kinh doanh: Công nghệ

2. Peggy Cherng, gốc Miến Điện (Myanmar)

Giá trị tài sản: 1,7 tỷ USD

Kinh doanh: Thức ăn nhanh

3. Jin Sook Chang, gốc Hàn Quốc

Giá trị tài sản: 1,5 tỷ USD

Kinh doanh: Thời trang

4. Eren Ozmen, gốc Thổ Nhĩ Kỳ

Giá trị tài sản: 1,4 tỷ USD

Kinh doanh: Hàng không vũ trụ

5. Jayshree Ullal, gốc Anh

Giá trị tài sản: 1,4 tỷ USD

Kinh doanh: Mạng máy tính

6. Anastasia Soare, gốc Rumani

Giá trị tài sản: 1,2 tỷ USD

Kinh doanh: Mỹ phẩm

7. Safra Catz, gốc Israel

Giá trị tài sản: 1,1 tỷ USD

Kinh doanh: Phần mềm

8. Neerja Sethi, gốc Ấn Độ

Giá trị tài sản: 1 tỷ USD

Kinh doanh: Công nghệ.

Nguồn: thegioitiepthi.vn

Tags:
Bí quyết thành công của những phụ nữ giàu nhất nước Mỹ

Bí quyết thành công của những phụ nữ giàu nhất nước Mỹ

Tạp chí Forbes đã công bố danh sách Top 80 phụ nữ giàu nhất nước Mỹ/80 nữ tỷ phú, triệu phú tự thân giàu nhất nước Mỹ. Dưới đây là cách họ tạo ra khối tài sản khổng lồ của mình.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất