Những 'ông bố ngỗng' nai lưng nuôi vợ con ở trời Tây

Chấp nhận cuộc sống cô độc, ăn uống không đủ chất và nai lưng làm việc, các “ông bố ngỗng” xứ Hàn hy sinh mọi thứ với hy vọng vợ con có cuộc sống tốt đẹp ở phương Tây.

20:30 23/06/2020

Park Seryung từ nhỏ luôn mong ước được sống ở nước ngoài. Năm 14 tuổi, giấc mơ của cô thành hiện thực khi mẹ từ bỏ công việc giáo sư ở trường đại học để đưa cô và em trai tới Canada.

Ban đầu, bố của Park phản đối, nhưng rồi miễn cưỡng để vợ con ra đi, một mình ở lại Hàn Quốc hỗ trợ họ.

Cuộc sống ở trời Tây không “màu hồng” như Park vẫn hằng mong. Cô vấp phải rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa trong thời gian đầu.

Gánh nặng tài chính đè lên vai cha mẹ Park. Và đối với bố cô, sống xa vợ con là điều khó khăn nhất.

“Ông ấy sống đơn độc và lặng lẽ. Gia đình chẳng thể coi là trọn vẹn khi phải sống xa nhau”, Park nói.

Ở tuổi 21, Park thấu hiểu sự hy sinh lớn lao của cha mẹ khi chấp nhận đánh đổi cuộc sống riêng để con cái được hưởng thụ nền giáo dục tốt.

Họ chỉ là một trong số khoảng 20.000 “gia đình ngỗng” ở xứ sở kim chi bị chia cắt mỗi năm, khi những đứa trẻ được đưa sang sinh sống và học tập tại một quốc gia nói tiếng Anh, theo thống kê từ chính phủ Hàn Quốc.

Hiện tượng này bắt đầu từ những năm 1990, do nhu cầu cho trẻ em học và thoát khỏi sự căng thẳng của hệ thống giáo dục xứ Hàn - nơi những năm tháng đầu đời của nhiều người trẻ bị lấp đầy bởi sách vở, thi cử mà quan trọng nhất là kỳ thi vào đại học.

cac ong bo ngong o Han Quoc anh 1

Park Seryung luôn tự nhủ phải thành công để bù đắp xứng đáng cho sự hy sinh của cha mẹ.

Học cách sống cô đơn, ăn một mình

Trong hầu hết “gia đình ngỗng”, các ông bố là người ở lại Hàn Quốc, làm việc không ngừng nghỉ để hỗ trợ vợ con ở nước ngoài. Họ được gọi là “gireogi appa” hay “ông bố ngỗng”.

Thuật ngữ này xuất phát từ thực tế rằng giống như những con ngỗng hoang, người cha thường chỉ có thể bay sang nước ngoài gặp vợ con 1-2 lần mỗi năm.

Theo CSMonitor, không có số liệu thống kê chính xác về tổng số “ông bố ngỗng” hiện nay. Một nghiên cứu được Cha Eun-jeong - GS tại Đại học Suwon - công bố năm 2012 ước tính con số này là 500.000 trên 48 triệu người.

GS Cha cho biết trong số 151 “ông bố ngỗng” được phỏng vấn, khoảng 70% trải qua chứng trầm cảm, 77% gặp vấn đề về sức khỏe do ăn uống thiếu dinh dưỡng. Việc lạm dụng rượu cũng được cho phổ biến với các ông bố sống đơn độc.

Bi thảm hơn, theo Korea Times, nhiều báo cáo cho biết một số “ông bố ngỗng” chết trong đơn độc vì lên cơn đau tim tại nhà riêng hoặc văn phòng sau thời gian dài làm việc quá sức. Họ hy sinh bản thân với mục đích duy nhất là gửi càng nhiều tiền càng tốt cho gia đình thân yêu ở nước ngoài.

cac ong bo ngong o Han Quoc anh 2

Các “ông bố ngỗng” hy sinh cuộc sống, ước mơ của bản thân với mục đích duy nhất là gửi càng nhiều tiền càng tốt cho gia đình thân yêu ở nước ngoài.

Trong số quốc gia phương Tây, các “gia đình ngỗng” thường chọn di cư tới Mỹ, Canada, Australia, New Zealand để con có điều kiện học tập tốt.

Tại thành phố Montreal, số lượng “gia đình ngỗng” chiếm hơn 1/4 tổng số hộ người Canada gốc Hàn, theo các nhà lãnh đạo cộng đồng.

Kim Jong-Min - Tổng giám đốc của tổ chức cộng đồng Fondation Communautaire Canadienne-Coréenne du Québec - cho biết hiện có 11.000 người Hàn Quốc sống ở Montreal.

Bản thân Kim từng trải nghiệm cuộc sống của “ông bố ngỗng” trong 2 năm, khi vợ và 2 con trai tới Montreal.

Ban đầu, anh cảm thấy mọi thứ không quá tệ: “Tôi cảm thấy tự do, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn”. Tuy nhiên, sau 6 tháng, nỗi cô đơn xâm chiếm cuộc sống của anh.

“Mỗi cuối tuần, khi trở về nhà, tôi lầm lũi, không nói năng câu nào vì gia đình không ai ở đó. Tôi phải học cách sống cô độc, không có ai trò chuyện cùng, ăn uống một mình”, Kim kể.

Sau đó, Kim quyết định đóng cửa công ty, sang Montreal đoàn tụ với gia đình, dù anh cho rằng chất lượng cuộc sống ở Hàn Quốc cũng rất tốt.

Đó là khi Kim nhận ra 2 con trai, 8 và 10 tuổi khi di cư sang Canada, trải qua những năm phát triển quan trọng nhất mà không có bố ở bên.

“Chúng muốn chơi bóng đá nhưng không có bố chơi cùng. Ngoài ra, ở độ tuổi dậy thì, chúng cũng cần bố ở bên để chia sẻ về những thay đổi của cơ thể”, Kim nói.

Hơn nữa, chênh lệch 14 tiếng giữa 2 quốc gia khiến Kim khó có thời gian thuận tiện để nói chuyện điện thoại với các con, bởi mỗi khi anh rảnh, chúng lại ở trường học.

cac ong bo ngong o Han Quoc anh 3

“Trong thời gian sống xa nhau, tôi mới hiểu được tình cảm gia đình quý giá biết bao”, Kim nói.

Mong ước đoàn tụ

Tại Montreal, khoảng 1.900 phụ nữ Hàn Quốc đang nuôi con một mình, trong khi chồng họ hỗ trợ từ Hàn Quốc. Ma Hyun-Joo là một trong số đó.

Gần 3 năm gia đình chia cắt, gần như đêm nào 2 con của Ma, 12 và 14 tuổi, cũng xúm lại trước màn hình điện thoại của mẹ để trò chuyện video với bố. Họ chia sẻ đủ thứ về cuộc sống thường nhật như ngày hôm nay ra sao, ở trường có gì vui, bữa trưa có món nào.

Đây là thói quen giúp 3 mẹ con giữ liên lạc với trụ cột gia đình - người làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Hàn Quốc, cách Montreal 10.000 km.

“Những đứa trẻ đã ổn định cuộc sống ở Montreal, nhưng vẫn rất nhớ bố”, Ma nói.

Người mẹ cho biết khi còn ở Hàn, con trai cô thường chơi đùa, vật lộn với bố. Giờ ở xa, con gái cô cũng nhớ vòng tay người cha mỗi khi cần tìm niềm an ủi.

cac ong bo ngong o Han Quoc anh 4

Các cuộc trò chuyện qua video call là cách gia đình Ma giữ liên lạc với nhau gần 3 năm qua.

Ma nói rằng các con của cô vẫn may mắn khi bố đều đặn bay từ Hàn Quốc sang Canada thăm chúng mỗi năm 2 lần. Anh hy vọng sớm được đoàn tụ với vợ con. Trong khi đó, người mẹ cho biết nhiều gia đình người Hàn ở Montreal không được ở bên nhau trong nhiều năm qua.

“Tôi đã nghĩ rất nhiều về chuyện học tập của con cái. Tôi cũng luôn muốn trải nghiệm cuộc sống của một đất nước khác ngoài Hàn Quốc”, Ma nói.

Với vợ chồng Ma, sự hy sinh này là xứng đáng khi con cái của họ được học ở phương Tây, nơi nền giáo dục ít căng thẳng hơn hệ thống giáo dục ở Hàn. Bên cạnh đó, những đứa trẻ cũng được trau dồi tiếng Anh, mà sau này có thể giúp chúng tìm được công việc tốt.

Bản thân Ma cũng cố gắng san sẻ gánh nặng với chồng. Cô học tiếng Pháp và tìm cho mình công việc song song vơi nhiệm vụ chăm sóc 2 con.

Tags:
Bệnh nhân tử vong vì người nhà rút điện máy thở để... cắm điều hòa

Bệnh nhân tử vong vì người nhà rút điện máy thở để... cắm điều hòa

Một bệnh nhân Ấn Độ đã xui xẻo qua đời trong tình huống trớ trêu khi bị người nhà rút điện máy thở để cắm điện điều hòa.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất