Niềm hy vọng của bốn em họ Nguyễn mồ côi ở Pennsylvania

Mồ côi cha mẹ, bốn anh em họ Nguyễn ở Pennsylvania tưởng như rơi vào bóng đêm tuyệt vọng. Nhưng, nhờ vòng tay thương yêu của cộng đồng người Việt khắp nơi, các em tìm được nguồn hy vọng mới.

04:30 07/04/2019

Sự ra đi của cha mẹ các em đột ngột đến mức tưởng như hư cấu. Nhưng câu chuyện đau lòng lại thực sự xảy ra, biến bốn đứa bé ngây thơ hồn nhiên thành bốn trẻ mồ côi trong tích tắc.

Mất cha mẹ chỉ trong ba tháng 

Vì ông ngoại bị bệnh nặng, nên ba của Joseph Nguyễn, chàng thanh niên 22 tuổi đang là sinh viên ngành quản trị kinh doanh năm cuối tại Đại Học Temple University ở Philadelphia, là ông Nguyễn Xuân Nghị, cư dân Quakertown, Pennsylvania, đưa mẹ và ba người em của Joseph về Việt Nam thăm hồi Tháng Tám, 2018. Joseph bận việc học ở trường nên không theo về.

Không may, ông Nghị qua đời sau khi đến Việt Nam chỉ vài giờ, vì tai biến mạch máu não, chưa kịp thăm cha vợ. Khi mất, ông chỉ 57 tuổi.

Chôn cất người chồng chung vai sát cánh bên mình suốt 24 năm qua chưa được ba tháng, thì vào Chủ Nhật, 4 Tháng Mười Một, bà Nguyễn Thị Thúy Vy ho ra máu và thở rất khó khăn. Joseph đưa mẹ vào nhà thương. Sáng hôm sau, bà Vy trút hơi thở cuối cùng lúc 5 giờ, cũng vì tim mạch, theo kết luận của bác sĩ.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ trong vòng ba tháng ngắn ngủi, Joseph sững sờ như người mất hồn. Các em Joseph là Jonathan 14 tuổi, Jessica 13 tuổi, và Jesse chỉ mới 12 tuổi.

Sau khi nhật báo Người Việt đưa tin về hoàn cảnh thương tâm này, độc giả khắp nơi không ngần ngại gởi tiền giúp đỡ các em.

Đến hôm nay, riêng số tiền của người gốc Việt cho các em đã vượt hơn $253,827.

Thành viên mới nhất của gia đình các em. (Hình: Đằng-Giao/)

“Đó là nhờ người Việt mình thôi,” bà Châu Thanh Trúc, chủ tiệm Inter Nails & Day Spa, nơi mẹ của Joseph làm việc trong 10 năm qua, và là người hướng dẫn tinh thần các em hiện nay, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

“Chỉ trong vài ngày mà mấy cháu có được như vậy, trong lúc báo Mỹ đăng tin gần một tháng mà mới có $49,000,” bà nói rõ.

“Người mình rất rộng rãi khi chia sẻ tình thương,” bà ghi nhận.

Ông Anthony Đinh, chồng bà Trúc, nói: “Đây là một công đức lớn lao của người mình. Dù chưa đủ cho mấy đứa học tới nơi, tới chốn, nhưng cũng nói lên tình thương quá quí báu của người Việt mình. Tụi nhỏ có tương lai là nhờ tấm lòng này.”

Giây phút kinh hoàng 

Ôn lại phút giây kinh hoàng mấy tháng trước, Joseph Huỳnh Nguyễn, nói với giọng đứt khúc vì xúc động: “Lúc đó con đang làm việc. Có điện thoại vô. Con trả lời mà không nghe ai nói gì. Một hồi nữa, con mới nghe tiếng mẹ, nhưng con không hiểu mẹ nói gì, con chỉ đoán là có chuyện không vui vì có tiếng mấy em khóc lớn. Một hồi nữa con mới hiểu mẹ nói: ‘Huỳnh ơi, ba con chết rồi.’”

Joseph ngăn tiếng nấc rồi cố nói: “Trời ơi, tự nhiên trời tối đen và chân con yếu hẳn đi. Con muốn té nhưng chỉ mất thăng bằng thôi. Ba con mới cười với con mà. Ba hứa sẽ về làm bánh xèo con ăn mà. Sao mà chết lẹ vậy?”

Nhìn ra thảm tuyết trắng xóa trước sân, Joseph kéo cổ áo ấm lên sát hơn rồi tiếp: “Con thương ba và con sợ cho mẹ lắm, sợ nhiều lắm. Jesse, em út con, mới có 12 tuổi thôi. Sao mà mẹ con lo được.”

Sau khi vượt qua hàng trăm yêu sách hành chánh ở Việt Nam và tốn mấy chục ngàn đô la để đưa thi hài chồng qua Mỹ theo ý cha mẹ chồng, người mẹ khổ đau này phải lập tức tiếp tục làm nail để trả món nợ vừa mượn và để nuôi con.

Joseph thở dài: “Không có lương của ba, mẹ con mệt lắm. Lúc trước, nhà con đã nghèo rồi, mà bây giờ còn nghèo hơn. Con muốn nghỉ học, đi làm kiếm tiền phụ mẹ nhưng mẹ la con.”

“Mẹ nói, ‘Ba mẹ chỉ muốn con học giỏi để mai mốt lo cho bản thân con. Ba mẹ cực chỉ vì muốn các con sung sướng. Mẹ cấm con nghỉ học. Con chỉ còn mấy tháng là ra trường. Con nghỉ học, mẹ buồn lắm.’ Sợ mẹ buồn, con ráng tới trường nhưng cái đầu con nghĩ lung tung, không học được gì,” em dụi mắt.

Những giây phút kinh hoàng của các em. (Hình: Anthony Đinh cung cấp)

Có lẽ đoán được tâm trạng con mình, bà Vy gọi điện thoại cho Joseph bốn, năm lần một ngày.

“Lúc thì hỏi con đang làm gì. Lúc thì nhắc con ráng ăn, đừng nhịn đói, coi chừng bệnh vì mẹ thấy con ốm quá,” Joseph kể. “Trong lúc mẹ xuống 20 pound.”

Rồi ba tháng sau, một tối Thứ Bảy, đi làm về, bà Vy ho ra máu và cảm thấy khó thở. Joseph chở mẹ vô bệnh viện. Vài giờ sau, bà Vy tắt thở vì biến chứng tim. Nguyên nhân nào dẫn đến biến chứng này, bác sĩ không thể kết luận ngoài việc cho rằng bà suy nghĩ quá nhiều. Bà chưa từng bị bệnh tim.

Ông bà nội các em từ Florida qua giúp các cháu. Nhưng ở tuổi ngoài 80, họ không giúp được gì ngoài việc cơm nước.

“Mai mốt con sẽ giúp những người ‘tội nghiệp’”

Ngoài kia trời trở lạnh và tuyết bắt đầu rơi trên hàng cây trụi lá.

Quay về căn nhà hoang lạnh, bốn đứa bé thút thít bên nhau trong lạc lõng vơ vơ.

Mới ngày nào, lúc thì ông Nghị đàn guitar cho bà Vy hát, lúc thì Jessica đánh dương cầm cho cha nghe lúc ông làm bếp, bây giờ chỉ còn không gian vắng lặng buồn tênh.

Đã có lúc, bốn đứa bé côi cút tưởng tương lai chỉ là heo hút mênh mang.

Nhưng vòng tay cộng đồng đã ôm chặt các em, cho các em hơi ấm tình người, cho các em niềm tin yêu cuộc sống.

Để các em vui. Joseph mua một con chó và bốn đứa đồng ý đặt tên là Snoopy.

Nói với phóng viên nhật báo Người Việt, Joseph tâm sự: “Hồi trước con không dám khóc. Khi buồn mà khóc thì bớt buồn. Nhưng con không được khóc vì con muốn ‘mạnh’ cho mấy em. Con là anh mà. Con biết ba mẹ muốn con ‘mạnh.’”

Jonathan Hòa, em kế, chia sẻ: “Ba con mất, chưa hết buồn thì mẹ con mất. Lúc đó con buồn nhiều, buồn nhiều lắm. Buổi tối, lúc đi ngủ con khóc nhiều, khóc nhiều lắm. Có khi con khóc to lắm rồi con ráng khóc nhỏ nhỏ để anh và mấy em con khỏi lo cho con. Con biết ai cũng khóc trên giường như con thôi.”

Em hạ giọng: “Không được khóc lớn, khó thở lắm.”

Jonathan đang học guitar bằng những cây đàn cha em để lại. “Con muốn giống như ba,” em nói.

Nỗi ám ảnh cả đời của các em. (Hình: Anthony Đinh cung cấp)

Ban ngày, các em nhắc nhau mà vui sống. Nhưng khi tối về…

Jessica Mimi và Jesse Hiệp, hai đứa nhỏ nhất nhà, cùng ngủ trên giường ba mẹ.

“Ban ngày con ráng chơi piano cho ba vui vì ba ưa chở con đi học đàn. Hồi đó, ba thích nghe con đàn. Bây giờ, con đàn cho ba nghe. Con tin linh hồn ba vẫn muốn nghe con đàn,” Jessica nói.

“Con sợ ban đêm. Vì trước khi ngủ, con nhớ ba mẹ nhiều. Tội em Jesse lắm, tối nào nó cũng ôm con gấu mẹ mua cho nó hồi đó. Gấu cũ rồi mà nó ôm hoài. Nó vừa ôm, vừa hôn gấu rồi khóc một mình. Tội nó lắm. Nó nhớ mẹ lắm,” em tâm sự.

Vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là “tài xế Uber” cho mọi người, Joseph phải can đảm và kiên nhẫn từng giờ.

Em nói: “Ba mẹ muốn con học. Con sẽ học giỏi để mấy em bắt chước.”

“Bây giờ, em nào cũng có giấy khen. Con mừng vì biết ba mẹ vui. Con mừng vì biết số tiền gởi về cho tụi con là để tụi con học đại học,” em khoe.

Chớp mắt xúc động, em nghẹn ngào: “Biết mọi người thương tụi con, ba mẹ con vui lắm.”

Hết Hè năm nay, Joseph sẽ tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh. Ở tuổi 14, Jonathan dự định sẽ theo học khoa học điện toán (Computer Science). Cô gái duy nhất Jessica, 13 tuổi, sẽ trở thành bác sĩ. Mới 12, Jesse chưa biết mình thích gì. “Nhưng con sẽ học hết đại học,” em quả quyết.

Ký ức về cha mẹ và sự đùm bọc của cộng đồng gần xa sẽ sống mãi trong lòng các em.

Tuyết đang tan và cơn gió hú trên ngọn cây trụi lá đang nhẹ dần.

Xa xa, ánh thái dương nhuộm ửng một góc trời. Mùa giá rét sắp qua.

“Con cám ơn nhiều lắm những người không biết tụi con mà giúp tụi con. Xin Chúa giúp họ,” Joseph thành tâm nói. “Mai mốt con sẽ giúp những người ‘tội nghiệp.’”

Bốn đứa trẻ côi cút ở Pennsylvania sẽ trở thành bốn tấm lòng nhân ái nhờ được nuôi dưỡng bằng tình đồng hương.

Căn nhà nhỏ ở Pennsylvania không vắng lặng nữa vì đã có tiếng dương cầm của Jessica và tiếng con Snoopy mừng chủ.

Trên bàn thờ, ông Nghị, bà Vy an tâm nhìn các con vừa tìm được nụ cười.

Nếu ai muốn giúp bốn đứa trẻ mồ côi này, xin gởi ngân phiếu cho Joseph Nguyen, 1741 N. Broad St., Lansdale, PA 19446.

Tags:
Chuyện thương tâm của bốn em họ Nguyễn ở Pennsylvania

Chuyện thương tâm của bốn em họ Nguyễn ở Pennsylvania

Mới 22 tuổi, đang là sinh viên ngành quản trị kinh doanh năm cuối tại Đại Học Temple University ở Philadelphia, Joseph Nguyễn bỗng trở thành người chủ gia đình, phải chăm lo cho ba đứa em ở Pennsylvania, trong đó đứa út chỉ mới 12 tuổi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất