Nỗi lòng của cha mẹ khi con du học trời Tây về: Cãi nhau tay đôi với cha mẹ khi bị mắng, đuối lý chuyển sang tranh luận bằng tiếng Anh

Mỗi lần có chuyện không đồng ý với bố mẹ, cô con gái vừa du học từ Mỹ về tranh luận tay đôi quyết liệt. Bị mắng như vậy là hỗn, cô gái chuyển sang nói tiếng Anh khi lý luận với phụ huynh.

07:06 21/04/2023

Sau 5 năm thấp thỏm lo lắng khi con một mình du học ở Mỹ, chị Thuận (Ba Đình, Hà Nội) vui mừng khôn xiết khi con cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trở về. Nhưng chẳng bao lâu gia đình chị lại sinh lục đục vì bố mẹ không thể thích nghi với lối sống của con.

Chị cho biết, trở về nước, con gái chị là cô gái năng động, tự tin và luôn muốn thử sức với những thách thức mới và tự ý thay đổi công việc xoành xoạch, trong khi vợ chồng chị muốn con làm một chỗ làm ổn định, có mức lương xứng đáng.

du-hoc-sinh-viet-nam

“Nó cũng chẳng tình cảm với mẹ như trước nữa, chỉ thích ra ngoài với bạn bè. Có khi, mình dậy sớm đi chợ, hì hục suốt buổi để nấu một món cầu kỳ cho con ăn nhưng nó chỉ đụng đũa một lần rồi khi mẹ ép ăn thì đáp gọn lỏn ‘con không thích’”, chị Thuận bùi ngùi kể.

Điều khiến chị phiền lòng nhất là mỗi khi không đồng ý điều gì với bố mẹ là con gái có thể ngồi nói chuyện “tay đôi” quyết liệt ngay. “Khi vợ chồng mình bảo con cái mà đối đáp với bố mẹ kiểu đó là hỗn láo, không chấp nhận được, nó còn ra giá ‘thế từ nay, khi cãi nhau với bố mẹ, con sẽ dùng tiếng Anh, trong tiếng Anh không có từ nào hỗn hết, chỉ có ‘I’ với ‘You’ thôi. Và nó thực hiện như thế thật”, chị thở dài.

Cùng chung tâm trạng này, chị Hồng, một cán bộ giáo dục ở Hà Nội tâm sự, chị có hai cậu con trai, đều đi du học và hiện tại cậu anh đã về nước làm việc, cậu em vẫn theo học tại Singapore. Cả hai con của chị đều học giỏi và sống rất lành mạnh nên chị không phải lo lắng nhiều khi các con ở nước ngoài. Thế nhưng, khi con trở về, với mỗi đứa, chị lại có nỗi buồn riêng.

“Con trai lớn 30 tuổi, chưa vợ, mới về nước gần một năm thì đã dọn ra ngoài ở riêng, bảo rằng để tiện cho công việc, để khỏi xáo trộn nếp sống của bố mẹ. Thằng bé mới hơn 20, được nghỉ hè về nhà có một tháng thì cứ ăn xong là lên phòng riêng, bố mẹ hỏi gì thì trả lời cộc lốc…”, chị Hồng than thở.

Chị cho biết, về chuyện “ra riêng” của anh lớn, thật ra, chị biết những lý do con đưa ra đều hợp lý vì nhà chị ở xa chỗ con làm, hơn nữa, con hay về khuya, vợ chồng chị ngồi đợi khiến nó thấy áy náy. Tuy vậy, chị vẫn cảm thấy buồn, vì bao năm hai vợ chồng già ở nhà chỉ mong ngóng con về, vậy mà… Nhiều khi, bạn bè hỏi tới, hay có người muốn mai mối con gái cho con trai chị mà nghe nói cậu chàng không ở chung với bố mẹ thì thường tỏ vẻ ái ngại, nghi ngờ. “Có khi họ nghĩ nó sống phóng túng hay có khúc mắc gì với bố mẹ cũng nên”, chị Hồng thổ lộ.

Còn về cậu con trai thứ hai, mới mấy tuần trước, chị phải khóc vì tủi thân vì con chẳng quan tâm gì đến bố mẹ, nói năng thì cụt lủn. Khi chị mắng, cậu con trai ngớ người ra giải thích: “Chẳng qua là con quen thế rồi, con không nghĩ như thế là có lỗi với bố mẹ. Hơn nữa, không phải lúc nào con cũng thích trò chuyện, có lúc con muốn ở một mình thì mẹ lại cứ hỏi han nên con không biết nói gì cả”.

Cũng như chị Thuận, chị Hồng, nhiều bậc phụ huynh vui mừng khôn xiết khi con du học trở về nhưng ngay sau đó lại cảm thấy buồn phiền lo lắng khi thấy con quá độc lập, có suy nghĩ, cách sống quá… Tây, hay tỏ ra xa cách với bầu không khí gia đình. Chính các bạn trẻ nhiều khi cũng cảm thấy khó thích nghi khi trở lại với cuộc sống gia đình ở quê nhà. Và điều này đôi khi gây mâu thuẫn trong mối quan hệ bố mẹ, con cái, khiến hai thế hệ trở nên xa cách, khó tìm được tiếng nói chung.

Thanh Trầm (Tây Hồ, Hà Nội), một du học sinh mới từ Anh về nước được gần hai năm cho biết, thời gian đầu về nhà, giữa cô và bố mẹ rất hay xảy ra xung đột.

Trầm kể, về nước được một tuần là cô lao vào tìm việc, rải một lúc gần 20 hồ sơ đến các cơ quan rồi chủ động chuẩn bị đi phỏng vấn, tự quyết định mình làm chỗ nào và… cứ thế đi làm. Các phụ huynh trách con gái không coi bố mẹ ra gì, chẳng thèm hỏi họ một câu. Trầm còn bị mẹ mắng khi cô tỏ ra khó chịu mỗi lần hàng xóm sang hỏi han về cuộc sống của cô khi ở nước ngoài hay việc cô đi làm được bao nhiêu tiền, giữ chức vụ gì… “Em chỉ đơn giản nghĩ đó là những việc riêng, nếu thân thiết em sẽ tự nói, chứ em không thích ai soi mói, mẹ em thì lại bảo em mất gốc, kiêu căng, chỉ biết mình…”, Trầm thổ lộ.

Cô cho biết, ngay về cách ăn mặc, giờ giấc sinh hoạt kiểu tự do, thoải mái của cô cũng khiến bố mẹ bức xúc. “Có lúc bực quá, mẹ em còn dọa ‘mày làm cái nhà này rối tung. Chả nhẽ lại tống cổ mày đi cho rảnh nợ’”.

“Thật ra, không phải em không kính trọng bố mẹ, nhưng em nghĩ mình đã trưởng thành và có quyền tự quyết định những gì liên quan đến bản thân”, Trầm chia sẻ. Cô cho biết, sau một thời gian, cô đã phải cố gắng dung hòa sở thích của bản thân với nếp sống gia đình, hòa nhã hơn với hàng xóm, bố mẹ cũng cố gắng hiểu con gái, tôn trọng công việc và những quyết định của con nên mọi việc cũng ổn hơn.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tâm lý Tình yêu – hôn nhân – gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chuyện xảy ra xung đột khá phổ biến trong các gia đình có con du học trở về.

Bà cho biết, đa số các bậc phụ huynh thích cho con đi du học vì mong con có cơ hội học tập tốt hơn, được tiếp cận với những phương pháp giáo dục tiên tiến nhưng họ chưa lường hết được những mặt trái của quá trình này. Giáo dục các nước phương Tây thường chú ý phát huy năng lực cá nhân, nhờ đó trẻ sẽ tự lập trưởng thành hơn, thế nhưng, nhiều ông bố bà mẹ lại cảm thấy khó chấp nhận khi con tự quyết định mọi việc và họ có cảm giác con không còn trong vòng tay mình nữa.

Hơn nữa, tuổi trẻ tiếp thu cái mới rất nhanh. Ở một môi trường hoàn toàn khác biệt, cách xa bố mẹ, việc trẻ bị “nhiễm” lối sống, văn hóa khác là tất yếu.

Nếu lường hết được tất cả những điều trên, các bậc phụ huynh sẽ không bị sốc, hiểu con hơn và có cách ứng xử phù hợp, tránh những xung đột xảy ra.

“Hãy coi con là một người trưởng thành, cần được tôn trọng, và cố gắng giải quyết mọi mâu thuẫn theo hướng hai bên cùng ‘thương thuyết’ để có tiếng nói chung, dung hòa những cách biệt về lối sống, cách nghĩ, chứ đừng cấm đoán, áp đặt. Ngoài ra, trong quá trình con đi du học, hãy thường xuyên trò chuyện với con, có thể bằng mail, chat, thư tay… để giữ gìn sợi dây tình cảm, đồng thời theo sát những thay đổi để ứng xử phù hợp”, chuyên gia tâm lý chia sẻ.

Bà cho rằng, chính các bạn trẻ cũng phải tự biết điều chỉnh mình. Phương Tây thường giải quyết mọi việc theo tư duy duy lý – coi trọng lý lẽ chứ không phải tư duy duy tình – đặt nặng tình cảm. Tuy nhiên, tư duy duy lý cũng rất coi trọng cảm xúc của người khác. “Bạn vẫn có thể sống theo ý mình nhưng cần biết điều chỉnh làm sao để những hành vi đó không làm tổn thương đến cảm xúc của những người xung quanh, nhất là những người thân của mình”, bà Hà nói.

 

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất