“Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga và những chuyện tình trong đời

Đã rất nhiều năm trôi qua, kể từ khi cố nghệ sĩ Thanh Nga dừng lại mãi mãi ở tuổi 38, nhưng khi nhắc đến cô, người ta vẫn nhớ đến một đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn có gương mặt tròn phúc hậu, nụ cười hiền lành, duyên dáng khiến bao người mê đắm.

14:30 27/11/2020

Đặc biệt trong thập niên 1960-1970, Thanh Nga nổi lên như một nữ hoàng thực sự, lôi cuốn ý muốn chinh phục của rất nhiều chàng công tử Sài Thành, các ông chủ hãng trẻ và cả các tướng tá từ già tới trẻ.

Theo lời kể của những người thân cận trong gia đình Thanh Nga, có ít nhất ba vị tướng có chức vị lớn của Sài Gòn khi đó, dù đã lớn tuổi, có gia đình vợ con đùm đề vẫn miệt mài đeo bám người đẹp. Không chỉ thường xuyên xuất hiện, săn đón tại các sân khấu Sài Gòn nơi Thanh Nga diễn, có vị còn theo chân người đẹp về tận miền Tây hay miền Trung khi đoàn hát của gia đình Thanh Nga đi lưu diễn. Nếu tính thêm những sĩ quan trẻ ở hàng tá, hàng uý thì còn rất nhiều.

Theo lời kể lại, trong số những chàng công tử, những ông chủ hãng vây quanh, săn đón Thanh Nga phải kể đến chàng giám đốc hãng kem đánh răng Hynos lớn nhất Sài Gòn khi đó, Vương Chính Nghĩa; ông N.T.L, làm chủ hãng xe đò và nhiều cây xăng lớn ở Sài Gòn thời đó; em trai của ông chủ hãng đĩa Asia; chàng công tử Ba Thành, con bà Bút Trà, chủ tờ báo nổi danh Sài Gòn Mới,…

Những cuộc vây đón của công tử nhà giàu

Trong hàng loạt những tên tuổi nổi danh, giàu có nức tiếng vây đón hòng chiếm giữ trái tim của người đẹp Thanh Nga, quyết liệt nhất và cũng dai dẳng nhất chính là cậu chủ hãng kem Hynos, Vương Chính Nghĩa.

Giai thoại kể rằng sau nhiều lần săn đón, tiêu tốn nhiều tiền bạc, trang sức, hột xoàn hào nhoáng mà không thể suy suyển trái tim người đẹp. Cậu chủ hãng kem đánh răng bèn đổi chiêu thức. Để lấy lòng Thanh Gia và gia đình cô, cậu cho người chở đến phòng bán vé của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga (rạp hát của gia đình Thanh Nga) nhiều thùng kem và bàn chải đánh răng để tặng cho khán giả đến mua vé. Mua vé giá trị càng lớn càng được tặng nhiều. Cách làm này có thể nói là một chiêu thức vô cùng cao tay của Vương Chính Nghĩa, vừa quảng cáo kem đánh răng của mình, vừa chứng tỏ được vị thế và lấy lòng được mẹ người đẹp. Vậy nên, dù Thanh Nga không xao động trước gia thế giàu có của Vương Chính Nghĩa, thì mẹ của người đẹp là bà bầu Thơ, lại có vẻ xuôi ý, thuận tình khi cậu Nghĩa ngỏ lời cầu hôn con gái. Tuy nhiên, sau khi nghe được tin tức Vương Chính Nghĩa cũng đã có vợ con đùm đề trước đó, bà bầu Thơ rất giận dữ và rút lại lời chấp thuận.

Thanh Nga và mẹ

Trong cuộc tranh đua giành tình cảm của người đẹp, cùng thời điểm với Vương Chính Nghĩa, có chàng công tử Ba Thành, con trai của chủ báo Sài Gòn Mới. Tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Cũng giống như công tử Nghĩa, sau nhiều lần vung vãi tiền vàng mà người đẹp vẫn lắc đầu lảng tránh, Ba Thành bèn phô trương thanh thế của mình bằng cách đem cả ê kíp của toà soạn báo sang để giúp trang trí quảng cáo, vẽ dựng cảnh trí, tân trang các phục trang sân khấu, in ấn áp phích, chương trình, giấy vé bằng các mẫu mới đẹp nhất. Ngoài ra, trên tờ Sài Gòn mới của mình, chàng công tử còn cho viết nhiều bài báo lăng xê đoàn hát, giới thiệu tuồng tích, các diễn viên, ca ngợi tài sắc của Thanh Nga. Tất cả chi phí phát sinh cậu Ba Thành đều đứng ra chi trả không tính toán gì với đoàn hát. Trước những hành động phô trương này của cậu Ba Thành, nữ hoàng sân khấu Thanh Nga vẫn dửng dưng không cảm xúc.

Hình Thanh Nga trên bìa tờ Sài Gòn Mới năm 1962

Bà Bầu Thơ cũng không phải là một người ham mê tiền bạc, trước hai chàng công tử kiên trì săn đón cô con gái rượu quý báu của mình, bà tỏ ra rất thận trọng. Trong một cuộc hội họp, bà đã đưa chuyện hai chàng công tử có ý muốn kết thân với con gái để hỏi ý kiến những “cố vấn” của mình là các soạn giả và ký giả thân quen của rạp. Khi biết ý định của Ba Thành là cưới Thanh Nga về để lập một gánh cải lương, hát thường trực tại rạp Kim Châu của gia đình Ba Thành; Khi Thanh Nga về thì sẽ đổi tên thành rạp Kim Châu – Thanh Nga hoặc rạp Sài Gòn Mới – Thanh Nga thì bà bầu Thơ và các cố vấn đã đồng lòng phản đối. Bà bầu Thơ lo lắng, cậu công tử Ba Thành dường như tính toán đến việc thâu tóm đoàn hát qua cuộc hôn nhân với con gái bà, hơn là thực lòng yêu Thanh Nga. Và nếu không có Thanh Nga thì cái tên đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga có lẽ phải trở về cái tên cũ là Thanh Minh.

Nói về việc đón đưa, săn tình bằng tiền bạc phải kể thêm chuyện hai cậu công tử con em của các gia đình quan chức đã bỏ công sức tiền bạc để xây sửa, trang hoàng lại nhà cửa cho Thanh Nga.

Chuyện kể rằng, trong một lần đến thăm nhà Thanh Nga, một cậu công tử ngỏ ý muốn giúp hai mẹ con sơn sửa lại căn nhà bốn tầng lầu đã cũ của gia đình. Mẹ Thanh Nga đồng ý nhờ cậu lo thuê thợ thầy sửa chữa và dự định sẽ tự trả mọi chi phí. Tuy nhiên, trái với lầm tưởng của bà bầu Thơ, cậu công tử điều động đến một tiểu đội công binh, trong đó có cả một kỹ sư sĩ quan, chuyên lo việc mua sắm vật liệu xây dựng, tu sửa nhà cửa cho gia đình người đẹp. Không chỉ sơn sửa, cậu còn cho xây thêm một căn phòng lớn với đầy đủ tiện nghi sang trọng dành cho Thanh Nga. Tuy nhiên, nhà đã sửa xong mà người đẹp Thanh Nga vẫn không mảy may rung động. Bà bầu Thơ sau khi ngỏ ý hoàn trả mọi chi phí xây dựng nhưng không được, bèn ngỏ lời cảm ơn cậu công tử bằng một bữa tiệc thịnh soạn ở nhà hàng, cùng các ký giả và soạn giả thân quen của rạp.

Sau khi biết cậu công tử thứ nhất xây nhà xong vẫn không thể cưa đổ người đẹp, cậu công tử thứ hai bèn tung chiêu. Cậu ta cho người mua sắm những đồ nội thất sang trọng và mắc tiền nhất thời đó đem đến đặt trong nhà người đẹp. Đáp lại tấm thịnh tình của cậu, bà bầu Thơ cũng mời cậu một bữa ăn đặc biệt với đầy đủ “ban bệ cố vấn” của rạp.

Tình đầu thoảng hương hoa hồng

Thanh Nga rất thích hoa, biết điều đó, nhiều đại gia hàng đêm đã gửi cho cô những lẵng hoa rất lớn để tỏ tình nhưng cô vẫn không mảy may quan tâm. Có lần cô tâm sự với soạn giả Nguyễn Phương: “Chú Ba! Sao lạ quá! có người tặng hoa cho mình ít thôi nhưng mà biết họ chân thật, mình quý yêu. Hoa hồng thì đâu phải cần nhiều hả chú Ba?”

Dường như, quá nhiều những cuộc săn đón hào nhoáng những kim tiền làm cô gái bị “dị ứng” với người giàu. Khi đang ở giai đoạn đỉnh cao danh vọng, giữa vô vàn những món quà, trang sức đắt tiền và những lẵng hoa khổng lổ được gửi đến, người đẹp lại chỉ chú ý đến những nhành hồng bé nhỏ đều đặn được gửi tới từ một chàng trai giấu mặt. Những nhánh hồng nhỏ tưởng như lạc lõng giữa ánh đén hào nhoáng của sân khấu, của danh vọng, tiền tài lại khiến người đẹp lần đầu tiên trong đời ngả lòng mong nhớ. Tò mò dò hỏi, cuối cùng người đẹp cũng tìm được người hâm mộ dấu mặt. Đó là một chàng trai trẻ với vẻ ngoài thư sinh, lịch lãm tên Nguyễn Văn Tài. Chàng trai vốn là một du học sinh từ Pháp về, khi đó đang là chủ nhiệm báo Phòng Thương Mãi Sài Gòn. Lần đầu tiên trong đời, trái tim thanh khiết của người đẹp rung lên những xúc cảm mạnh mẽ, đồng điệu với chàng tri thức có tâm hồn lãng mạn. Nhưng gặp gỡ, hò hẹn chưa được bao lâu thì chàng trai đột nhiên mất tích. Đến mãi sau này, Thanh Nga mới biết mối tình đầu của mình vốn là đảng viên ĐCS Pháp về hoạt động tại Việt Nam nhưng bị lộ nên phải vội vã rút lui, không lời từ biệt.

Mối tình sân khấu “sớm nở tối tàn” với nghệ sĩ Thành Được

Nếu Thanh Nga được xưng tụng là nữ hoàng sân khấu, thì Thành Được gắn với danh xưng “ông vua không ngai” trên sân khấu cải lương. Bên cạnh tài năng sân khấu, Thành Được còn nổi lên như một tay chơi có hạng. Ông là nghệ sĩ cải lương đầu tiên tậu xe hơi đời mới và thuê máy bay riêng bay từ Sài Gòn lên Ban Mê Thuộc để kịp giờ diễn chỉ vì mê coi đá banh nên không đi theo xe với đoàn hát. Trên tình trường của mình, Thành Được đã gieo rắc vô vàn khổ đau cho những người phụ nữ đi qua đời ông trong đó có Thanh Nga.

Thanh Nga và Thành Được trên sân khấu

Khi Thành Được đã nổi danh trên sân khấu và kết hôn cũng nghệ sĩ Út Bạch Lan, thì Thanh Nga mới chỉ là một cô gái mới lớn. Ban đầu, họ chỉ xem nhau như những người đồng nghiệp đứng cùng sân khấu. Sau này, Thành Được chia tay Út Bạch Lan và nảy sinh tình cảm với Thanh Nga, khi cô vừa trở thành một cô đào trẻ trung, xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn. Biết Thành Được say mê mình, ban đầu Thanh Nga không đáp trả, có lẽ bởi cô đã quá biết tính cách đa tình, cả thèm chóng chán của người bạn diễn đã đóng cùng cô rất nhiều vai diễn trong các vở cải lương như: Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Người yêu của Hoàng Thượng…

Bất chấp điều đó, Thành Được tìm mọi cách để đeo đuổi, tiếp cận, dùng cả thế lực ngoài đời để chinh phục Thanh Nga. Nhưng khi chiếm được trái tim của người Đẹp rồi, thì chàng nghệ sĩ lại “ngựa quen đường cũ”, mải mê chinh phục những bóng hình khác, khiến Thanh Nga chán nản và quyết định chia tay.

Sau này, khi đã bước vào tuổi xế chiều, nhìn lại những người phụ nữ đã chịu khổ vì mình, Thành Được vẫn không thể nào thôi day dứt vì đã làm khổ một cô gái trong trắng, hiền lành nhất mực. Trong một cuộc gặp gỡ của giới nghệ sĩ, Thanh Kim Huệ hỏi: “Nay đã qua ngưỡng thất thập cổ lai hy rồi, ngẫm lại trên đường tình anh thấy thương ai nhất?”. Thành Được trả lời: “Đến bây giờ, tôi thương Thanh Nga nhất, cô ấy là một nghệ sĩ có tâm tính hiền lành, trong sáng”.

Đám cưới không hôn thú

Sau cuộc tình rơi vỡ, mệt mỏi với nghệ sĩ Thành Được, tháng 11-1967, tin nghệ sĩ Thanh Nga chuẩn bị lên xe hoa với đại uý Nguyễn Minh Mẫn được đưa ra trong sự ngỡ ngàng của bạn bè và người hâm mộ. Đại uý Mẫn là một trong những anh chàng nhà binh theo đuổi Thanh Nga kiên trì và say mê nhất. Dường như quá thất vọng với người tình nghệ sĩ bay bướm là Thành Được, Thanh Nga đã chọn một anh quân nhân với vẻ ngoài vững chắc, mạnh mẽ những tưởng cuộc đời mình sẽ được yêu thương, che chở, bảo bọc.

Nào ngờ đâu, vào ngay ngày tổ chức lễ cưới, khi cô dâu Thanh Nga rạng rỡ trong chiếc áo cưới tinh khôi bước lên xe hoa về nhà chồng thì cũng là lúc một người đàn bà dẫn theo con đến nhà trai nhận chồng, nhận cha. Lúc này, Thanh Nga mới té ngửa khi biết rằng, ông Mẫn thực ra đã có vợ con ở quê nhà. Để bảo toàn danh dự cho gia đình và đám cưới khỏi bị bể, người đàn bà kia nhanh chóng bị kéo vào phòng riêng thu xếp. Tiệc cưới của Thanh Nga và đại uý Mẫn được tổ chức vô cùng linh đình tại một nhà hàng sang trọng, với sự tham dự của rất đông nghệ sĩ và ký giả báo chí.

Trong khi báo chí đưa tin về đám cưới, lời chúc tụng vang lên khắp nơi, thì cũng là lúc cô dâu Thanh Nga ngậm ngùi bước vào cửa nhà chồng, lặng lẽ cùng chồng thu xếp tàn cuộc. Đám cưới thì linh đình nhưng thực chất một tờ hôn thú cũng không có.

Bi kịch chưa dừng lại, bước vào cuộc hôn nhân chắp vá chưa được bao lâu thì Thanh Nga nhận tin chồng phải ra toà vì tội tham ô, sau đó vào tù, cuộc hôn nhân tạm bợ không hôn thú của họ cũng tan rã.

Hạnh phúc muộn màng và ngắn ngủi

Sau những chuỗi ngày thăng trầm, trắc trở trong tình yêu, người đẹp Thanh Nga cuối cùng đã tìm được bến đỗ hạnh phúc của đời mình khi xấp xỉ tuổi 30.

Mối tình định mệnh này được khởi đầu từ mùa xuân năm 1969, khi nghệ sĩ Thanh Nga sang Pháp biểu diễn theo lời mời của Bộ thông tin. Người dẫn đoàn khi đó là ông Phạm Duy Lân – Đổng lý văn phòng Bộ thông tin (nên thường được gọi là ông Đổng Lân). Trong suốt chuyến lưu diễn kéo dài hai tháng nơi xứ người xa lạ, ông Đổng Lân dành tình cảm quan tâm đặc biệt đối với nữ nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga. Chuyến lưu diễn kết thúc, cũng là lúc nàng nghệ sĩ Thanh Nga xuôi lòng trước tình cảm chân thành của chàng công chức. Ngày trở về Việt Nam sau chuyến đi dài cũng là lúc họ tính đến chuyện hôn nhân.

Như một sự bù đắp cho Thanh Nga, Phạm Duy Lân vô cùng trân trọng, yêu thương vợ. Mỗi lần Thanh Nga đi diễn, ông Lân đều theo tháp tùng, chăm lo cho vợ từng chút một. Nghệ sĩ Kim Cương kể: “Hầu như anh Lân tháp tùng bên cạnh vợ 24/24. Thậm chí, mỗi lần Thanh Nga tắm, anh ấy cứ đứng trước cửa nhà tắm chầu chực sẵn. Là bạn bè thân, chúng tôi thường trêu: “Ông cứ đi đi, Thanh Nga nó ở trong nhà tắm thì ai mà bắt cóc được. Anh Lân chỉ lặng lẽ nói: “Đứng đây để tiện có gì Nga kêu còn nghe, chứ đi xa lỡ có việc gì Nga kêu không nghe. Tôi chưa thấy người nào thương vợ như anh Lân”.

Ngược lại, Thanh Nga cũng là một người hết lòng vì chồng con. Năm 1973, Thanh Nga sinh được một người con trai, đặt tên Phạm Duy Hà Linh, nay là nghệ sĩ hài Hà Linh. Người trong gia đình kể lại rằng, Thanh Nga rất yêu thương con, dù nhà có người giúp việc nhưng cô luôn giành phần chăm sóc con trai và thường xuyên đưa con đi cùng trong những buổi diễn.

Tiếc thay, hồng nhan bạc mệnh, những tháng ngày hạnh phúc, êm đềm của nữ nghệ sĩ bên người chồng nhất mực yêu thương Phạm Duy Lân bất ngờ kết thúc trong một vụ án xảy ra ngay trước cổng nhà riêng trên đường Ngô Tùng Châu (sau này đổi tên thành Lê Thị Riêng). Người vệ sĩ sống sót đã kể lại rằng, khi thấy chồng mình bị bă’n ngay trước mắt, Thanh Nga đã gào lên đau xót và ôm chặt con trai trong lòng để che chở cho con. Cuối cùng, gia đình 3 người chỉ còn lại người con trai 5 tuổi sống sót, đó là diễn viên Phạm Duy Hà Linh ngày nay.

Ca sĩ Phương Hồng Ngọc kể lại: “Thanh Nga với chồng là ông Lân sống với nhau rất hạnh phúc. Chị Nga đi đóng phim, ông Lân lúc nào cũng đi theo và rất “cưng” vợ. Có đi qua vũng nước thì ông toàn bế vợ trên tay để đi qua chứ không để vợ đụng chân xuống nước sình. Hoặc khi ngồi trên xe cũng vậy, nhiều khi đi quay phim ở trong rừng, nhà quê, đường xấu, ông để vợ ngồi trên người để khỏi bị dằn. Thật tiếc là họ đã ra đi quá sớm. Tuy nhiên cũng phải nói lại, họ đã ra đi cùng lúc và được ở bên nhau mãi mãi…”

Bài: Niệm Quân (nhacxua.vn)

Tags:
Di sản rất khác biệt của Tổng thống Trump

Di sản rất khác biệt của Tổng thống Trump

Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên không đưa quân đội tham gia vào các xung đột quân sự mới trên thế giới trong 40 năm qua và điều này làm nên di sản rất khác biệt so với những người tiền nhiệm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất