Nước Đức chia rẽ sau ‘đêm giao thừa nhục nhã’

Loạt tấn công tình dục ở Cologne trước thềm năm mới đã làm bùng lên tranh cãi trong lòng xã hội Đức về chính sách đối với người tị nạn.

14:15 12/01/2016

 

93
Phong trào Pediga tuần hành phản đối các vụ tấn công tình dục ở Cologne. Ảnh:DW

Hôm thứ bảy tuần trước, ít nhất ba đoàn tuần hành đã tụ tập bên ngoài nhà ga chính ở Cologne, Đức. Họ đến để bày tỏ phản ứng trước những vụ tấn công, quấy rối, cưỡng bức nhắm vào phụ nữ Đức tại địa điểm này vào đêm giao thừa hơn một tuần trước, theo NewYorker.

Cuộc tuần hành đầu tiên được tổ chức bởi Pegida, phong trào chống nhập cư xuất hiện ở vùng Đông Đức cũ và thường xuyên phát động các cuộc biểu tình trên các thành phố khắp nước Đức. Nhóm thứ hai là cuộc tuần hành chống Pegida dưới sự điều hành của các nhà hoạt động cánh tả, những người cáo buộc Pegida đang khơi dậy bóng ma quá khứ phát xít của nước Đức.

Cả hai nhóm này đều tuyên bố đang chiến đấu cho tương lai của nước Đức. Không khí đối đầu giữa hai nhóm căng thẳng đến mức Pegida đã phải kết thúc sớm cuộc tuần hành, và một số người biểu tình đã bắt đầu ném chai lọ vào nhau. Trước khi sự việc đi quá xa, cảnh sát Đức quyết định dùng vòi rồng để can thiệp và giải tán đám đông.

Trước khi hai nhóm này bắt đầu, đã có một cuộc tuần hành khác, phản đối bạo lực với phụ nữ, và rất nhiều người khi nghe được thông tin về “đêm giao thừa nhục nhã” thông qua báo chí hay mạng xã hội đã xuống đường tham gia ngay lập tức. Chủ đề được đề cập nhiều nhất, trực tiếp nhất trong cả ba cuộc tuần hành chính là những gì đã xảy ra trong đêm trước thềm năm mới ở Cologne.

Trong đêm đó, hàng nghìn thanh niên Đức kéo đến trước nhà ga Cologne để đón giáo thừa. Khi một số người đốt pháo ném nhau, họ bị đẩy ra những con phố vốn đã rất đông đúc bên ngoài. Tại đó, một đám đông hơn 1.000 thanh niên, mà theo các nhân chứng và báo cáo của cảnh sát là đa phần người Bắc Phi, Trung Đông và vùng Balkan, vây chặt lấy họ và bắt đầu có hành vi quá khích.

Đám đàn ông này sờ soạng, sàm sỡ phụ nữ, trong khi những kẻ khác trộm ví và điện thoại của nạn nhân. “Các cô gái, dù có bạn trai đi cùng hay không, đều phải chạy bán sống bán chết qua đám đông những kẻ say xỉn đang buông những lời tục tĩu không tả được bằng lời”, tờ Der Spiegelcông bố một báo cáo sơ bộ của cảnh sát Cologne.

Trong đám đông hỗn loạn, những cô gái tội nghiệp không biết phải chạy đi đâu, họ tuyệt vọng kêu cứu, nhưng cảnh sát không có cách gì để cứu họ. Các nhân chứng cho biết cảnh sát hoàn toàn bị đám đông áp đảo.

Báo cáo của cảnh sát cho biết không ai thiệt mạng trong vụ việc này, nhưng đó hầu như là do may mắn chứ không nhờ bất cứ hành động can thiệp nào của đội ngũ hành pháp. Cảnh sát trưởng Cologne đã buộc phải nghỉ hưu sớm sau sự việc “nhục nhã và đáng xấu hổ” này.

 

94
Cảnh tượng hỗn loạn trước nhà ga Cologne trong đêm giao thừa. Ảnh: Der Spiegel

Theo luật của Đức, bất cứ hành vi phạm tội nào diễn ra ở nhà ga chính hoặc trong phạm vi 30 mét tính từ đường ray đều thuộc quyền xử lý của cảnh sát liên bang (Bundespolizei), và đến thứ 6 tuần trước, lực lượng này mới đưa ra danh sách nghi phạm đầu tiên.

Trong số 22 nghi phạm này có 9 người Algeria, 8 người Morocco, 5 người Iran, 4 người Syria, ba người Đức, một người Iraq, một người Serbia và một người Mỹ. Đây chưa phải là tất cả, bởi có khoảng 200 cô gái đã nộp đơn tố cáo, và nhiều đoạn video quay lại vụ việc, với thời lượng lên tới 350 giờ, theo Der Spiegel.

Những nghi phạm đầu tiên bị bắt là những kẻ trộm cắp tài sản. Cảnh sát Đức đã lần theo tín hiệu của những chiếc điện thoại bị đánh cắp và đột kích vào các khu lều trại hay khách sạn dành cho người đang nộp đơn xin tị nạn hoặc ở khu vực lân cận.

Người Đức nổi giận

Thông tin về việc 22 nghi phạm đầu tiên phần lớn là những người đang nộp đơn xin tị nạn đã khiến dư luận nước Đức vô cùng phẫn nộ. Một số người cáo buộc cảnh sát đã cố tình ém nhẹm vụ việc vì sợ dính dáng đến vấn đề tị nạn đầy nhạy cảm, hoặc đơn giản là để che giấu thất bại của họ.

Thị trưởng Cologne càng làm tình hình diễn biến tồi tệ hơn khi tuyên bố rằng các cô gái bị quấy rối, sàm sỡ, tấn công tình dục trong đêm đó đáng lẽ ra phải biết cách “giữ khoảng cách một cánh tay với những người lạ”.

Với một bộ phận người Đức, các vụ tấn công ở Cologne, cùng với một số vụ việc tương tự ở Hamburg và Helsinki vào đêm giao thừa, là một bản phán quyết với những người từng hoan nghênh chính sách mở cửa chào đón người tị nạn, trong đó chủ yếu là người Hồi giáo, ồ ạt đổ về châu Âu.

Họ cho rằng người cần bị đưa ra chỉ trích, phê phán trong vụ việc này là Thủ tướng Angela Merkel, người đã không áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho nước Đức, và kết quả là trong năm qua quốc gia này đã nhận hơn 1,1 triệu người tị nạn từ Trung Đông, Bắc Phi.

Trong cuộc khủng hoảng người tị nạn đó, bà Merkel trở thành biểu tượng cho lương tri của cả châu Âu. Thế nhưng giờ đây, bà lại trở thành “tội đồ” trong suy nghĩ của không ít người dân, khi họ cho rằng chính phủ Đức đã thất bại trong việc kiểm soát dòng người tị nạn, và “đêm giao thừa nhục nhã” là một kết quả không thể tránh khỏi.

Một trong những câu nói xuất hiện nhiều nhất trên báo chí Đức lại là của một người tị nạn. “Tôi là người Syria, các anh phải đối xử với tôi tử tế! Chính bà Merkel mời tôi đến đây”, người đàn ông này đã tuyên bố với cảnh sát Đức như vậy.

Rất nhiều lần, bà Merkeo đã tuyên bố trước nước Đức: “Chúng ta có thể xử lý vấn đề này, và chúng ta sẽ xử lý nó”. Và lần này, bà cũng quyết tâm xử lý vấn đề với lời khẳng định sẽ truy tố và trừng phạt bất cứ nghi phạm nào tham gia vụ tấn công, dù họ đang nộp đơn xin tị nạn.

Hôm thứ 7, bà khẳng định sẽ điều chỉnh luật để tạo thuận lợi hơn cho việc từ chối đơn tị nạn đối với những người vi phạm pháp luật, “không chỉ vì lợi ích của người dân mà còn vì lợi ích của đại đa số người tị nạn”.

 

95
Người tị nạn đang trở thành vấn đề đau đầu với Đức và nhiều nước châu Âu. Ảnh:CNN

Nhưng những nỗ lực này của bà Merkel cũng không thể ngăn được sự chia rẽ trong dư luận và những suy nghĩ ngày càng tiêu cực của người dân đối với vấn đề người tị nạn. Phần lớn những người chỉ trích cho rằng vụ tấn công ở Cologne là minh chứng cho nỗi sợ hãi rằng người tị nạn là một mối nguy hiểm, và sự hiện diện của họ sẽ khiến cuộc sống người Đức tồi tệ hơn.

Một số người có cái nhìn ít tiêu cực hơn cũng cho rằng vụ Cologne là dấu hiệu cho thấy nước Đức đã không chuẩn bị sẵn sàng để quản lý một lượng lớn người tị nạn đến vậy.

Trong khi đó, những người ủng hộ việc tiếp đón người tị nạn lại lo lắng rằng làn sóng giận dữ ngày càng lan tỏa trong lòng xã hội Đức sẽ gây hại cho cả những người tị nạn đang ở nước này lẫn những người sẽ đến trong tương lai.

Trong các cuộc thăm dò gần đây do Viện Forsa tiến hành, hơn một phần ba người Đức cho biết cái nhìn của họ đối với người nước ngoài đã xấu đi sau vụ Cologne, theo NPR. 57% người dân tin rằng người tị nạn sẽ khiến làn sóng tội phạm gia tăng ở nước này. Đây được cho là một trong những lý do khiến phong trào Pegida trỗi dậy, với những kẻ xăm trổ hát những bài hát từ thời Quốc xã, như một phép thử với chính bà Merkel và sự độ lượng của nước Đức.

Dù vậy, 60% người Đức khẳng định quan điểm của họ đối với vấn đề tị nạn vẫn không thay đổi. Nhiều nhà hoạt động nữ quyền cho biết rất nhiều phụ nữ tị nạn đã phải trải qua những tủi hổ, nhục nhã còn lớn hơn nhiều trên đường chạy trốn đến nước Đức, và họ có quyền tìm cho mình một chốn bình yên, thậm chí là sự tử tế, ở đất nước này.

Cuộc tuần hành vì nữ quyền hôm thứ bảy là sự kiện duy nhất kết thúc theo kế hoạch. Đoàn người càng lúc càng dài ra, khi nhiều người qua đường, chủ yếu là phụ nữ, cùng tham gia. Họ không hề muốn giữ khoảng cách một cánh tay với bất cứ thứ gì.

Phong Linh/Theo Trí Dũng – VnExpress

Tags:
Những cám dỗ bạn nên né xa khi đi du học

Những cám dỗ bạn nên né xa khi đi du học

Chưa bao giờ các lời mời chào viết luận, làm bài tập hộ lại trắng trợn và tràn lan trên những diễn đàn, nhóm hội du học sinh trên Facebook như bây giờ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất