Nước mắt tủi nhục sau đồng lương của du học sinh Việt ở Australia

Đến giờ Helen Nguyễn vẫn cất 35 AUD ít ỏi trong con heo đất mà không dám tiêu để nhắc nhở mình về những ngày đầu đi làm thêm đầy tủi nhục trên đất Australia.

12:28 22/04/2017

Chia sẻ với SBS, Helen Nguyễn cho hay những ngày đầu mới đến Australia du học, cô đi làm thêm ở một nhà hàng Việt với mức lương chỉ 6 AUD/giờ mà không hề biết trước mức lương tối thiểu ở nước này là 16 - 17 AUD/giờ (1 AUD tương đương 0,75 USD). 

"Họ bảo rằng tôi còn bé mà đi làm tội nghiệp quá nên nhận tôi vào thử việc với mức lương 35 AUD/ngày", Helen kể. "Họ hứa khi tôi làm lâu, họ sẽ tăng lương cho mình".

nuoc-mat-tui-nhuc-sau-dong-luong-cua-du-hoc-sinh-viet-o-australia

Helen Nguyễn và con heo đất đựng tiền tiết kiệm. Ảnh: SBS

Sau khi nói chuyện với một người bạn, cô mới biết mình đã bị lừa nhưng vẫn cố tin tưởng vào người đồng hương tại một đất nước xa lạ vừa đặt chân tới.

3 tuần thử việc của Helen là chuỗi ngày cô phải làm việc cùng những lời mắng chửi, sỉ nhục của chủ. Cô cam chịu với hy vọng tự trang trải được phần nào chi phí sinh hoạt và giảm bớt gánh nặng cho gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, mọi chuyện ngày càng tệ hơn.

"Họ chửi luôn cả cha mẹ tôi, họ bảo cha mẹ tôi không biết dạy con. Tôi chịu không nổi phải nghỉ việc thì họ bảo tôi 'ăn cháo đá bát', được đào tạo có kinh nghiệm rồi lại đòi nghỉ việc", cô kể. 

Helen bị chủ gọi điện liên tục mắng chửi, đòi lại áo đồng phục. Cô đã đến trả áo rồi bỏ chạy vì quá sợ hãi. 

Đến giờ Helen vẫn giữ lại số tiền 35 AUD cho một ngày làm việc trong con heo đất để nhắc nhở mình về cuộc sống vất vả, tủi nhục ngày nào.

Thực trạng chung

Bên trong một nhà hàng Việt ở Melbourne | Photo: Olivia Nguyen

Bên trong một nhà hàng Việt ở thành phố Melbourne. Ảnh: SBS

Helen không phải là trường hợp du học sinh duy nhất bị bóc lột khi làm thêm trong các nhà hàng ở Australia. Một làn sóng tố cáo thực trạng này đã gây xôn xao trên diễn đàn của du học sinh Việt ở nước này, trong đó nhiều người chia sẻ cùng cảnh ngộ với Helen, bị trả lương thấp, bị bắt nạt và bóc lột sức lao động.

Sinh viên quốc tế thường làm nhiều hơn số giờ cho phép là 40 giờ mỗi hai tuần nên các ông chủ đe dọa sẽ báo cáo với Bộ nếu họ hé lộ việc bị bóc lột. Mức lương "thị trường" của du học sinh Việt Nam phổ biến từ 8 đến 12 AUD/một giờ tùy vào kinh nghiệm và thậm chí có thể thấp hơn.

Aggie Phan, một nữ sinh khác, kể rằng cô thậm chí bị người chủ gốc Campuchia canh giờ khi đi vệ sinh hoặc tỏ thái độ khó chịu nếu ngồi nghỉ vì mệt khi phải làm việc liên tục 12 giờ. 

"Tôi mệt quá nên ngồi xuống để ăn nhưng họ khó chịu. Thậm chí tôi uống nước nhiều quá nên đi vệ sinh họ cũng không vui, họ nghĩ tôi nghỉ ngơi", Aggie kể. "Mọi người ở đó đều bị đối xử như vậy chứ không riêng mình tôi. Mọi người chỉ có 5 phút buổi trưa để ăn, nhiều người phải vừa ăn vừa làm".

Trước làn sóng tố cáo việc các chủ nhà hàng bóc lột nhân viên, phóng viên của SBS đã đóng vai một sinh viên Việt Nam đi xin việc và bí mật ghi hình. 

Trong số gần 20 chủ nhà hàng và nhân viên được hỏi, không ai đồng ý trả mức lương trên 10 AUD/giờ. Nhiều ông chủ yêu cầu phải làm việc 12 tiếng đồng hồ với mức lương từ 100 - 130 AUD cho một ngày làm việc.

Một quản lý nhà hàng còn tỏ ra ngạc nhiên khi nghe người xin việc hỏi về mức lương 17 AUD/giờ hoặc có người đòi giữ một tuần lương của nhân viên để đảm bảo cô này không nghỉ đột xuất.

Khi hỏi về mức lương sẽ được trả sau này, tất cả họ đều từ chối trả lời và còn cho hay đây là "điều cấm kỵ nhất".

Tuy nhiên, khi trở lại các nhà hàng trên với vai trò phóng viên, những người chủ lại trả lời hoàn toàn khác. Họ nói "chưa bao giờ nghe đến mức lương 10 AUD/giờ" hoặc "không biết chắc". Thậm chí có người khẳng định chỉ nhờ người trong gia đình làm việc chứ không thuê nhân viên bên ngoài.

Theo các du học sinh, các chủ nhà hàng có nhiều phương thức để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm. Nhân viên sẽ không có đơn xin việc hay mã số thuế và nếu có người ngoài hỏi thì chỉ được nhận là con cháu trong gia đình.

Ngoài ra, họ có thể quản lý nhân viên và việc trả lương bằng hai cuốn sổ, trong đó có một cuốn được khai khống để nộp cho sở thuế.

Nô lệ thời hiện đại

Một góc bán thức ăn trong hội chợ Tết của  ở Melbourne | Photo: Daniel Le

Một góc trong hội chợ Tết của người Việt ở Melbourne, Australia. Ảnh: SBS

Ông Wing La, chủ tịch của Hội thương gia Á Châu Footscray FABA với hơn 30 thành viên, cho rằng thực trạng trên diễn ra rộng rãi bởi có sự "thỏa hiệp ngầm".

Chủ nhà hàng thích thuê các du học sinh Việt để giao tiếp thuận lợi và trả lương thấp để giảm chi phí, còn các sinh viên cũng chấp nhận bị bóc lột bởi họ cần tiền và có thể chịu thiệt.

Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Giáo dục Quốc tế Australia, hiện có hơn 460.000 sinh viên đang học tập tại nước này, trong đó có hơn 22.400 sinh viên Việt Nam, đứng thứ 4 về số lượng du học sinh tại đây. Họ đều đang chật vật để có được việc làm với mức lương tối thiểu.

Bà Jenny Stanger, giám đốc quốc gia của dự án "End Modern Slavery" (Chấm dứt nô lệ thời hiện đại), cho biết việc bóc lột sinh viên quốc tế hiện nay rất gần với tình trạng nô lệ thời hiện đại. Tuy nhiên, khó có thể thống kê được số lượng du học sinh đang bị bóc lột ở Australia do họ sợ nói ra. 

Bà Stanger mong muốn chính phủ nỗ lực hơn để bảo vệ "nguồn lực của nền kinh tế".

"Sinh viên quốc tế mang lại lợi tức cho ngành giáo dục của Australia, thúc đẩy ngành du lịch. Họ đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế của chúng ta. Đây là đối tượng cần phải được tôn trọng và ủng hộ", bà nói. "Lời khuyên của tôi là ngay cả khi các sinh viên cảm thấy sợ hãi và không biết nên tin tưởng vào ai, các em không nên chịu đựng trong im lặng mà hãy tìm kiếm sự giúp đỡ".

Tags:
Australia thắt chặt quy định về thị thực lao động

Australia thắt chặt quy định về thị thực lao động

Thủ tướng Australia tuyên bố sẽ "đặt người dân lên trên hết" khi bãi bỏ thị thực tạm thời cho lao động nước ngoài có tay nghề cao theo diện 457.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất