Nước Mỹ – cạm bẫy ngọt ngào chốn thiên đường

Báo cho người bạn, tôi sắp sang Mỹ làm việc dài dài, anh tròn mắt "Ở Việt Nam, công việc tốt, nhà cửa đầy đủ, nội ngoại quây quần, không hiểu cậu còn đi kiếm tiền làm gì. Hâm quá trời".

11:00 13/04/2021

Trong suy nghĩ của anh, sang Mỹ chỉ vì tờ đô la xanh đỏ. Thời phổ thông, học lịch sử Columbus thám hiểm châu Mỹ rất thú vị, tôi quyết ra đi cho biết mùi vị xứ cao bồi tìm vàng.

Từ Hà nội đầy khói bụi, còi xe ầm ĩ, không khí ẩm mốc của vùng nhiệt đới, sau 26 giờ bay đến Washington DC, cảm giác như từ cánh đồng trưa hè nắng gắt ở Quảng Trị bước vào một khách sạn có điều hòa mát lạnh.

Xuống sân bay quốc tế Dulles đã thấy nước Mỹ hiện ra như trong mơ. Rừng cây xanh mát hai bên đường, những bụi hoa rực rỡ dưới nắng vàng. Đoàn xe hơi tưởng chừng dài như vô tận. Từ DC nhìn sang Virginia, những tòa nhà cao tầng lộng lẫy soi bóng bên dòng sông Potomac êm đềm trong chiều tà. Thấp thoáng những biệt thự trong rừng như cổ tích và những thảm cỏ xanh mông mênh. Bầu trời yên ả và không khí trong lành. Giấc mơ Mỹ và thiên đường này quả có thật, ít nhất là cảm giác của tôi lúc đó.

Như bao người lớn tuổi khác, tôi đến đất nước này và nghĩ sẽ ở một thời gian, học hỏi kinh nghiệm, trao dồi tiếng Anh và quay về. Gặp ông sếp người Pháp, nói nguyện vọng của mình. Ông cười tủm tỉm "Tôi tới đây 6 tháng để công tác và muốn nâng cao trình độ tiếng Anh. Nhưng rồi sau 15 năm nay, tôi vẫn đang học ... tiếng Mỹ". Theo ông, Hoa Kỳ là cõi thiên đường với cạm bẫy ngọt ngào, người nhập cư bước vào, khó thoát khỏi vòng kim cô của American Dream.

Sự đa dạng của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ

Gặp người đồng nghiệp Mỹ đã từng trao đổi email trước đó, anh thản nhiên hỏi tôi "Anh từ nước nào tới đây, Thái Lan hay Trung Quốc?". Tôi nhìn anh ta không chớp mắt "Cha nội này nghĩ mình từ hành tinh khác đến chăng?" với cảm giác niềm tự hào dân tộc bị xúc phạm. Nhưng ở thêm vài tuần, tôi phát hiện, người Mỹ bình dân không quan tâm bạn đến từ nước nào tới. Nếu biết từ Việt nam, đôi người còn hỏi, hình như ở đó còn chiến tranh. Sự vô tâm của người Mỹ về nguồn gốc của một ai đó là hết sức bình thường. Có thể, bản thân hay dòng tộc là người nhập cư, hoặc người Mỹ thuộc về "toàn cầu".

Kể từ năm 1620, khi chuyến tầu hành hương đầu tiên của người Anh cập bến New York đến nay, ngày ngày vẫn có hàng ngàn người nhập cư. Thời gian đầu phần lớn là người Anh, người Âu, rồi dân tứ xứ đến từ châu Phi, châu Á, và sau gần 400 năm đã làm nên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ với hơn 305 triệu dân. Một số từ Châu Phi do buôn bán nô lệ, còn lại phần đông tới đây để tìm kiếm tương lai ở miền đất hứa. Trong dòng người đó, số người Việt ta cũng đáng kể. Theo thống kê của Hoa Kỳ, có khoảng 1.5 triệu người Việt (số liệu 2006). Họ sống rải rác ở ở nhiều bang trong đó có phần lớn tập trung ở California và Texas. Khoảng 30-40 ngàn người Việt, phần đông có học vấn cao và công việc tốt ở Virginia và Maryland, cạnh thủ đô Washington DC.

Số Việt kiều Mỹ chiếm một nửa người Việt hiện sinh sống ở nước ngoài. Trong các nước châu Á, đông thứ tư sau Trung Quốc, Ấn độ và Philippines. 72% số người sinh ra tại Việt Nam khi sang Mỹ từ những năm 1970 đến nay đã có quốc tịch. Nếu kể 36% con em sinh ra tại đây thì khoảng 82% người gốc Việt đã thành công dân Hoa Kỳ. Người Việt tới Mỹ hầu hết do hậu quả của cuộc chiến tranh. Sau 1975, cuộc sống khó khăn, vấn đề chính trị, đất nước bị phong tỏa và có thể sai lầm về quản lý hay chính sách kinh tế, bị phân biệt đối xử nên hàng loạt người bỏ tổ quốc ra đi. Những câu chuyện đau thương đầy nước mắt của thuyền nhân, nhiều người đã bỏ mạng trên biển vì đói khát, giông bão, lạc đường hay hải tặc. Ở đây, người Việt có số phận bi tráng và nỗi buồn thương không giống ai. Thăm bất kỳ gia đình Việt nào cũng nghe được một câu chuyện và sẽ hiểu tại sao họ gắn bó với quê hương mới.

Người nhập cư và giấc mơ Mỹ (American Dream)

Đến Mỹ lần đầu tiên sẽ bị choáng ngợp bởi đất nước rộng lớn, nếp sống văn minh công nghiệp với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến. Từ Đông sang Tây có bốn múi giờ khác nhau với 50 bang, riêng bang California đã có diện tích hơn Việt nam ta. Từ Los Angles về DC, vài giờ bay liên tục nhưng vẫn thấy phía dưới sa mạc mông mênh, núi đồi nhấp nhô dài vô tận hay những cánh đồng lúa mỳ thưa thớt người.

Người nhập cư đến từ các quốc gia nghèo, bất kể nguồn gốc nào, cao sang hay thấp kém, từ giới thượng lưu hay người bán phở của Sài gòn xưa, đều thừa nhận giấc mơ Mỹ là có thật. Nếu so sánh với quê nhà, từ người y tá, lái xe, công nhân xây dựng đến những nhân viên ngân hàng hay quản lý cao cấp, thu nhập tại đây như mơ. Với thể chế tam quyền phân lập dưới sự giám sát của quyền lực thứ tư là báo chí, cuộc sống khá an toàn vì luật pháp thượng tôn, lương bổng cao, chế độ bảo hiểm tốt, hưu trí đảm bảo, giáo dục miễn phí cho học sinh phổ thông, kể thêm vấn đề tự do, dân chủ, quyền con người so với nơi đã từng sống thì họ coi đây là thiên đường.

Nhiều người đã nai lưng ra làm việc mong có tiền để trụ lại. Chủ quán trên đường Pennsylvania kể rằng, anh đi làm ở văn phòng, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, đi thẳng tới quầy bar bán rượu giúp vợ bán phở kèm pizza và 2 giờ sáng mới về đến nhà. Có vài người giúp việc theo giờ nhưng hai vợ chồng vẫn lo từ mua hàng, nấu nướng đến rửa bát. Cuối tuần gần như thức trắng đêm vì khách đông. Ma lực ước mơ làm giầu đã giúp họ không cảm thấy mệt mỏi. Thật hạnh phúc khi làm ra của cải bằng chính sức lao động và được đền đáp xứng đáng.

Cắt tóc nam giá 15$/người, tiền tip (chè nước) thêm 3$. Một ngày, "cúp" 10 cái đầu thì nguyên tiền típ đủ đi lại, ăn trưa và mua thêm thực phẩm lặt vặt khác. Nếu làm nail (thợ sơn sửa móng chân tay) ở khu da trắng vốn típ rất hậu, hàng tháng có thể kiếm được 4 đến 5 ngàn đô la. Chăm chỉ, giỏi giang và chuyên nghiệp sẽ không bao giờ mất việc, cuộc sống được đảm bảo và thậm trí trở thành giầu có. Nhà cửa xe hơi được vay trả góp. Sau vài chục năm lao động lương thiện có thể làm chủ ngôi nhà nửa triệu đô la. Những người mất việc làm, vô gia cư hay ăn xin hầu hết là lười biếng, trộm cắp bị tù tội và không biết lượng sức mình trong chi tiêu, mới ra nông nỗi đó.

Gặp một bác làm hành chính ở cơ quan, ra đi từ 20 năm trước sau khi đã mãn hạn 8 năm học tập tại miền Bắc. Tuy có bằng luật thời Sài gòn cũ nhưng sang đây lúc đã xế chiều nên bác nhận những việc lương thấp để nuôi ba đứa con. Vốn năng động, từ hai bàn tay trắng, bác đã gây dựng một gia đình rất đàng hoàng bên Virginia. Ba đứa con tốt nghiệp đại học, có bằng kỹ sư và bác sỹ đang hành nghề với lương rất cao. Bác tâm sự "Ở Việt nam, có lẽ chỉ đủ sức cho một đứa vào đại học. Sang đây có chế độ vay tiền cho con vào đại học nên chúng mới được bằng cấp tiêu chuẩn quốc tế dù nhà nghèo". Nếu chính quyền cũ còn và bác lên chức cao cũng phải ăn "hối lộ" may ra mới đủ tiền cho con du học. Số phận đẩy bác sang một bến bờ khác. Kỳ diệu thay, bác thực hiện giấc mơ của mình với một cái nghề hết sức bình thường tại một nơi xa lạ. Đối với tôi, bác chính là thần tượng thành đạt trong American Dream.

Còn biết bao những gương mặt Việt thành công khác. Có người vào Nhà Trắng làm cố vấn hay làm ông chủ giầu có ở Silicon Valey. Phần đông người Việt nam vốn yêu lao động, chịu khó làm ăn đã định cư bên Mỹ yên ổn và hòa nhập với xã hội dễ dàng.

Giá trị Mỹ – American Values

Nếu hỏi giá trị đất nước "con Rồng cháu Tiên", không phải ai cũng trả lời được. Tương tự, đặt câu hỏi "Giá trị Mỹ là gì?" rất dễ, nhưng trả lời lại rất khó và phức tạp. Tiến sỹ Thomas Grouling (Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Đại học Drake) gói gọn trong mấy từ: cá nhân, giáo dục, gia đình và riêng tư (individualism, education, the family and privacy). Ngoài ra, phải kể đến tự do cá nhân, tự lực cánh sinh, cần cù, cơ hội bình đẳng, vật chất, thời gian là tiền bạc hay kể cả sự cạnh tranh không khoan nhượng.

Đối với người Mỹ, vai trò cá nhân tối quan trọng. Nó được thể hiện trong cách xã hội phát triển, trong giáo dục, sinh hoạt gia đình, văn hóa và được luật pháp hỗ trợ. Các công ty gia đình hay của cá nhân đã đóng vai trò lớn trong nền kinh tế. "Làm ông chủ của chính mình" là một trong những giấc mơ Mỹ ngọt ngào nhất.

Đến trường, học sinh học tập một phần nhỏ trên lớp, còn lại sẽ phụ đạo tại gia, ngoài xã hội, thông qua các buổi đi thực tế, trao đổi và phản biện. Mỗi trường có mục tiêu đào tạo riêng, gia đình có thể tham gia vào chương trình dạy và học cho các em. Câu nói nổi tiếng "Bạn có thể trở thành bất kỳ ai" đã giúp cho nền giáo dục được định hướng theo phong cách tự học, hoàn thiện bản thân để trở thành người tốt nhất có thể, phát triển tài năng và vì thế đóng góp cho xã hội tối ưu nhất. Đất nước không câu nệ bằng cấp miễn là phải có khả năng, nên đã tạo ra thiên tài tin học như Bill Gates hay Steve Jobs, không tốt nghiệp đại học, nhưng giàu có nhất nhì thế giới.

Người ta nói gia đình là nền tảng của xã hội quả không sai. Trong gia đình, bố mẹ được con cái tôn trọng và ngược lại. Con có thể tranh luận với bố mẹ một cách bình đẳng. Bố mẹ vào phòng con phải gõ cửa. Với nhiều nền văn hóa "muốn nói ngoa làm cha mà nói", nhưng người Mỹ không chấp nhận cách sống hay quản lý áp đặt. Cha mẹ muốn khuyên con điều gì không thể ra lệnh hay cầm roi dọa mà phải "đàm phán" khéo léo đến khi đứa trẻ đồng ý. Đến chơi nhà bạn được đón tiếp thân mật và bảo "cứ tự nhiên như ở nhà". Họ tôn trọng sự lựa chọn cá nhân nên ít khi gắp thức ăn cho khách mà chỉ giải thích, món này có thịt bò, món kia thêm rau bắp cải. Lần đầu đi tiệc bị đói, rút kinh nghiệm lần sau, thấy bàn để đồ ăn tôi đã biết "tự nhiên như ruồi". Khách nửa đêm lục tủ lạnh tìm đồ ăn hay ra hiên ngồi một mình cũng không ai hỏi tại sao.

Tôn trọng chốn riêng tư là một giá trị Mỹ khác. Nó thể hiện từ trong cách bố trí các phòng trong ngôi nhà đến quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội. Khu nhà ở thường được thiết kế trong môi trường cây xanh và tĩnh lặng tuyệt diệu, xe cộ ít chạy qua. Ngồi trong nhà liên lạc internet với thế giới cả ngày không bị ai quấy hay làm ồn. Câu chào đơn giản "Hello" không kèm theo những câu hỏi làm khách ú ớ "Bác năm nay bao nhiêu, lương có khá không, chị nhà đi làm chưa?". Một số người Mỹ không có gia đình, nuôi con chó nên không thích ai hỏi về con cái hay bạn đời. Gặp dân "bóng", lời chào "Hi" vô thưởng vô phạt sẽ tránh phải chọn giới tính chào "chị hay anh".

Từ xa xưa, người nhập cư phải lao động cật lực, sáng tạo và hết sức độc lập mới có thể tồn tại được ở xứ cao bồi và da đỏ giết nhau như ngóe. Cái "tôi" trong mỗi con người chính là động lực của thành công. Người Mỹ luôn lạc quan vào ngày mai và tin rằng mọi việc sẽ ổn. Cách nhìn luôn hướng tới tương lai đã giúp xã hội tiến bộ trong khoa học, y tế và công nghệ mà các quốc gia khác đôi lúc chỉ nằm mơ. Người đến Mỹ và mang theo văn hóa riêng vẫn được chào đón vì họ tôn trọng bản ngã con người, "bạn là bạn, tôi là tôi và cả hai làm nên chúng ta". Bạn có thể giúp văn hóa của họ thêm phong phú cũng giống như người Mỹ cũng tìm cách gây ảnh hưởng với bạn. Họ coi việc giúp đỡ người khác là đạo đức và trách nhiệm.

Khu chợ Eden hay Bolsa của người Việt, phố Tầu của người Hoa, chùa chiền của đạo Phật hay thánh đường Hồi giáo được tôn trọng như những siêu thị Mỹ hay nhà thờ Thiên Chúa giáo. Sự đa dạng về dân tộc, văn hóa, phong tục và những bản ngã riêng của từng người đã góp phần phong phú thêm cho American Values.

Mắc bẫy trên thiên đường

Người bạn xứ Bangladesh cho xem câu chuyện "Mắc bẫy trên thiên đường" (cùng tên một bộ phim Mỹ), viết về số phận những người nhập cư đến từ chính tổ quốc anh. Bài báo mô tả một người nhập cư lớn tuổi bị một nỗi giằng xé trong lòng "tấm thân phiêu bạt xứ người nhưng hồn ở quê nhà".

Có lẽ câu chuyện trên đúng với bất kỳ người bỏ quê hương xứ sở ra đi khi đã trưởng thành, nơi chôn rau cắt rốn đã ăn sâu vào trái tim. Đó chính là cuộc đấu tranh trong lòng khi màn đêm buông xuống như người Việt ở Cali nhớ sông Hương êm đềm xứ Huế hay bến Bạch đằng nhộn nhịp ở Sài gòn.

Vừa muốn ở lại để con cái được học hành trong hệ thống giáo dục thuộc loại tiên tiến nhất thế giới, kiếm thêm tiền, hưởng môi trường tự do của xứ sở mà bản ngã con người được tôn trọng lại vừa muốn đứa con vẫn là người Việt Nam, nói hai thứ tiếng. Mong con như Mỹ nhưng lại muốn chúng biết khoanh tay chào, ăn cơm biết mời, gọi dạ bảo vâng.

Cách giáo dục và văn hóa phương Tây thường nuốt chửng thế hệ tương lai của những người nhập cư. Hầu hết, lớn lên chúng sẽ không biết nơi bố mẹ sinh ra ở đâu, thậm chí xem tivi báo thấy cách đối xử bất công, chúng sẵn sàng ra đường biểu tình và mang giá trị Mỹ áp đặt vào chính tổ quốc của cha ông. Trong gia đình kiều dân hay có những cuộc tranh luận nảy lửa về xung đột văn hóa và những giá trị truyền thống mà phần thắng thuộc về thế hệ đã sinh ra trên đất Mỹ.

Thế hệ trẻ ấy lớn lên cùng ba má về thăm Sài gòn với tiếng Việt lõm bõm. Thấy chó chạy rông định ôm mà không biết có thể bị cắn. Tuy nhiên, các cháu có một nền văn hóa "công dân toàn cầu". Thuyết phục họ về cội nguồn với tình yêu cố hương thì đó lại trở thành kho báu mà người Mỹ tặng "không" đất nước. Đó cũng là mong ước của cha mẹ lênh đênh trên biển ngày xưa.

Vì đa sắc tộc và đảm bảo tính thống nhất của Hợp Chủng Quốc nên người Mỹ không chấp nhận thỏa hiệp. Khi thi để trở thành công dân Hoa Kỳ có một câu hỏi "Là gốc Trung Hoa nhưng khi thành công dân Hoa Kỳ và nếu chiến tranh Mỹ Trung xảy ra, khi được lệnh đi ném bom Thượng Hải, bạn có tuân lệnh không?". Có người khôn khéo trả lời "Tôi sẽ vun đắp mối tình Hoa Mỹ để không bao giờ xảy ra chuyện đó" bị đánh trượt. Câu trả lời đúng "Đã là người Mỹ, được lệnh tấn công đối phương, phải tuân theo". Không cha mẹ nào muốn con cháu bắn đồng bào nhưng đành chấp nhận sự nghiệt ngã để có tấm hộ chiếu Hoa Kỳ. 

Bố mẹ xứ Á châu thường không thích con gái yêu người da mầu. Tuy nhiên, cô gái lại được giáo dục "phân biệt chủng tộc là điều cấm kỵ" nên vẫn ôm anh da đen hay Mễ Tây Cơ. Phụ huynh đành ngậm ngùi "kệ cha chúng mày". Người nhập cư dễ thành tù nhân của những giá trị mang theo từ quê hương và bị giam trong cạm bẫy của thiên đường với những giá trị và giấc mơ Mỹ. Hòa nhập không dễ nhưng quên hẳn nguồn gốc thì cũng không thể.

Rất nhiều người sau khi đã có việc làm và thu nhập ổn định, bắt đầu quen với cách sống của người bản xứ. Mua nhà, sắm xe rồi các tiện nghi kéo theo trả lãi ngân hàng trong thời gian 20-30 năm, cuối cùng chính họ không thể ra khỏi vòng quay cuồng đó. Sợ mất số tiền đã đầu tư nên phải cố giữ lấy việc làm, kiếm thêm và cuối cùng kết thúc trong cái "bẫy bằng vàng" của đồng đô la.

Con cái và tương lai của chúng là nguyên nhân khác dẫn đến bố mẹ bị "giam cầm" ở chốn này. Định cho con học một hai năm rồi về nước, nhưng họ cũng nhận ra nền giáo dục ở đây là niềm mơ ước của bao người ở quê nhà nên. Thời gian trôi đi, những đứa trẻ lớn lên và chuyện trở về quê cũng mờ theo. Anh bạn gọi đùa chúng là "quản giáo" của cha mẹ ở thiên đường.

Hàng năm, bốn năm triệu người Việt tha hương gửi hàng chục tỷ đô la giúp thân nhân trong nước. Nếu biết rằng, kiếm được đồng tiền ở nước ngoài, tiết kiệm gửi về, tốn không ít mồ hôi và nước mắt, sẽ đánh giá được hết tấm lòng của họ với quê hương. Và cũng nên hiểu thêm nỗi giằng xé trong tâm can mỗi người nơi biệt xứ.

Ai mong đến Mỹ để hưởng thụ mà không phải làm gì nên chuẩn bị túi ngủ để tham gia đám vô gia cư. Định hối lộ hay phong bì cho nhanh việc sẽ kết thúc trong trại giam. Không phải người nhập cư nào cũng may mắn tìm được giấc mơ. Đất nước này khắc nghiệt nhưng cơ hội cũng rất công bằng cho tất cả mọi người. Nếu không có tài hay chút may mắn có thể thành người sống chui lủi, làm những công việc rẻ mạt để một ngày kia bị trục xuất. Người chủ thuê trả công thấp vì dân nhập cư tiếng tăm yếu hay luật pháp không nắm được, dễ bị tư bản cá mập nuốt chửng. Người ta nói, luật pháp Mỹ rất công minh khi có nhiều tiền thuê luật sư hoặc biết...luật. Nếu không, sống ở nơi luật rừng tốt hơn.

Tượng nữ thần tự do

Nhớ hôm mới đến, đứng trên nóc Trung tâm Kennedy ngắm DC lúc chiều buông, chợt nhớ quê đến nao lòng khi nhìn mặt trời lặn phía Tây xa xa và thầm hứa sẽ quay về. Năm năm đã qua, tôi lờ mờ hiểu chính mình cũng đang vùng vẫy trong cái bẫy vô hình ở chốn này. Sợ rằng một ngày kia, cậu con trai sẽ hỏi đồng hương Việt "Quí ông là người Lào hay Nhật".

Mỗi lần gọi điện về quê, câu hỏi nghẹn ngào đầu tiên của mẹ "Bao giờ đưa các cháu về thăm nhà" hoặc "Con cứ về, ở nhà cơm cháo có nhau hơn là giầu sang nơi đất khách. Mẹ thương nhớ các cháu lắm". Biết mẹ già không còn nhiều thời gian trên trái đất này, nhưng vì con cái, công việc và vài thứ cám dỗ nơi đây nên tôi lấn cấn nỗi lòng "kẻ ở người đi" khi hứa liều "con sẽ về". Mỗi ngày có hàng triệu người muốn đến nước Mỹ như tôi đã ước mơ thuở nào. Ít ai tới thiên đường lại bỏ đi. Tuy thế, khi tới sân bay Dulles, để ý phía cửa xuất cảnh cũng thấy khá đông người. Với một số người, giấc mơ sang Mỹ tìm vàng đôi khi thành ác mộng. Với số khác, không muốn làm tù nhân ở cõi thiên đường nên họ quay về trần gian nơi cố hương.

Tags:
Yêu tình trẻ kém 12 tuổi, Lệ Quyên 'lả lơi' hơn hẳn lúc chưa ly hôn: Sức mạnh của 'phi công' quá lợi hại

Yêu tình trẻ kém 12 tuổi, Lệ Quyên 'lả lơi' hơn hẳn lúc chưa ly hôn: Sức mạnh của 'phi công' quá lợi hại

Lệ Quyên "lả lơi" hơn hẳn từ khi yêu tình trẻ Lâm Bảo Châu. Nhìn hình là biết Lệ Quyên thay đổi như thế nào, đúng là sức mạnh của trai trẻ có khác.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất