Nước Mỹ cũng đau đầu vì tử tù hiến xác

19:40 27/10/2016

Cho phép tử tù và tù nhân nói chung được hiến nội tạng hay không vẫn đang là vấn đề vấp phải nhiều tranh cãi gay gắt đối với những nhà lập pháp Mỹ.

“Cho đi sự sống từ án tử hình”

Năm 2002, tại bang Oregon (Mỹ), Christian Longo rơi vào cảnh khánh kiệt, không còn một xu dính túi. Gã đưa ra quyết định tàn độc và giết chết vợ cùng đứa con của mình. Người vợ, Mary Jane và con gái hai tuổi, Madison, bị bóp cổ đến chết.

Họ bị bỏ vào vali rồi vứt xuống vịnh Yaquina. Cô con gái ba tuổi, Sadie và cậu con trai bốn tuổi, Zachery, bị trói vào bao và dìm chết ở một hồ nước gần nhà. Tội ác kinh hoàng của hắn đã bị phát hiện. Longo bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ đưa vào danh sách 10 kẻ bị truy nã gắt gao nhất toàn quốc và cuối cùng bị bắt giữ vào năm 2004. Tòa tuyên hắn bốn tội giết người và tuyên án tử hình.

Christian Longo giết chết bốn mạng người và bị kết án tử hình. Năm 2011, gã xin được hiến tạng.

Sau nhiều lần trì hoãn án tử vì kháng án, tháng 3-2011, Longo gửi một lá thư trần tình được đăng lại trên tờ The New York Times bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng. Bức thư mang tên “Cho đi sự sống từ án tử hình” đã gây tranh cãi trong cộng đồng y học và giới lập pháp tại Mỹ.

Kẻ tử tù viết: “Tám năm trước, tôi được tuyên án tử hình vì đã giết hại vợ và ba đứa con của mình. Tôi là kẻ có tội… Tôi cảm thấy ân hận và tôi muốn bù đắp lại cho cuộc đời. Không bao giờ tôi có thể chuộc lại những tội ác mà tôi đã gây ra. Nhưng tôi tin rằng tôi vẫn có thể giúp ích cho xã hội. Tôi đã xin hủy hết mọi đơn kháng án còn lại và xin được hiến nội tạng của tôi sau khi thụ án tử hình”.

Ban quản lý nhà tù cuối cùng đã từ chối lời thỉnh cầu của kẻ tử tù, cho rằng quyết định của họ phù hợp nhất với “lợi ích của cộng đồng”.

Bác sĩ không phải là “đao phủ”

Cho phép hay không cho phép tử tù hiến tạng là một vấn đề thường xuyên vấp phải nhiều tranh cãi về mặt đạo đức y học lẫn về yếu tố pháp luật. Về góc độ nhân đạo, hiến tạng thật sự không khác gì một phép màu, cứu sống những bệnh nhân đang lâm vào tình trạng hiểm nghèo. Những ý kiến ủng hộ hoạt động này cho rằng nhà quản lý nên chú tâm hơn đến sinh mạng của những bệnh nhân chờ được ghép tạng đang đứng bên bờ vực của cái chết.

Tuy nhiên, việc lấy tạng từ một người tử tù lại làm nảy sinh những rắc rối khó tìm ra được lời giải thuyết phục. Trên tờ The New York Times,Lawrence O.Gostin, Giám đốc Viện Luật y tế Quốc gia và Quốc tế O’Neill (Mỹ), bày tỏ lo ngại về tỉ lệ nhiễm các bệnh truyền nhiễm rất cao trong nhóm đối tượng tù nhân và cho rằng đây là nguồn hiến tạng không an toàn.

Có ý kiến cũng lo ngại việc cho phép tử tù hiến tạng có thể mở ra những rủi ro có sự thao túng bởi những động cơ bất chính để ép buộc tù nhân đồng ý hiến tạng, sau đó đưa vào thị trường chợ đen.

Còn theo một tranh luận trên tờ The Guardian vào năm 2013, vai trò của người bác sĩ thực hiện việc lấy tạng của tử tù có thể đi ngược lại các ranh giới đạo đức nghề nghiệp. Bài báo đặt vấn đề rằng việc tử hình tù nhân trước khi lấy tạng có nhiều khả năng làm hỏng các bộ phận cơ thể mà tù nhân mong muốn được hiến.

Vì thế, người bác sĩ sẽ có lúc rơi vào tình trạng phải lấy tạng trước khi án tử hình được thực thi, hay thậm chí quá trình phẫu thuật lấy tạng cũng chính là một phần của án tử (đặt trường hợp tử tù muốn hiến một bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến sự sống như trái tim). Thực hiện một ca phẫu thuật như thế này có thể khiến người bác sĩ đi ngược lại những tiêu chuẩn đạo lý của ngành y, biến họ từ người chữa bệnh thành một “đao phủ” bất đắc dĩ.

Bản án tử hình của Ronald Phillips (Ohio, Mỹ) rơi vào trường hợp này. Phillips bị kết án tử hình bằng thuốc độc vì tội danh cưỡng hiếp và giết hại một bé gái ba tuổi. Thế nhưng người tử tù lại muốn hiến tim cho em gái và hiến thận cho mẹ của mình. Chính quyền bang đã phải hoãn thi hành án tử của Phillips vì lúng túng không biết xử lý bằng cách nào. Lấy đi trái tim của người tử tù, đúng theo ý nguyện của anh ta, sẽ biến bác sĩ thành người thi hành án tử.

Theo Pháp luật TP HCM

Tags:
Thực hư tin Tổng thống Trump miễn visa cho công dân châu Á vào Mỹ

Thực hư tin Tổng thống Trump miễn visa cho công dân châu Á vào Mỹ

Nhiều người châu Á đã cảm thấy rất phấn khích vì thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn phí cấp visa tới Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất