Nước Mỹ phiêu lưu ký: Hồi ức du học Mỹ của 1 du học sinh

Câu hỏi đầu tiên mà mọi người hỏi chủ thớt khi biết đi du học Mỹ là: “Đi du học kiếm được việc chưa ?

11:26 05/11/2023

Chương 1: Tại sao Mỹ quốc ?

Câu hỏi đầu tiên mà mọi người hỏi chủ thớt khi biết đi du học Mỹ là: “Đi du học kiếm được việc chưa ? 

Khi nghe chủ thớt trả lời chưa, câu thứ hai họ sẽ hỏi là” “Vậy ngày xưa mày đi du học Mỹ làm gì ?”

Thường thì chủ thớt sẽ trả lời là “À, tại nước Mỹ là vùng đất của giấc mơ/công bằng xã hội….”

Thực tế, chủ thớt chọn qua Mỹ vì đi theo gái. 

Vâng. Gái. Ông bà ta dạy “Con cu làm mù con mắt” cấm có sai. 

Ngày trước chủ thớt từng quen một cô bạn học chung trường học thêm. Ngày đó chủ thớt còn ngây ngô, chưa biết yêu hay thích là gì, cũng không hề biết là cô bạn da ngăm đeo kính ngồi kế bên mình đã thích mình từ những ngày đầu gặp mặt. Đến khi biết là thích thì chủ thớt lại quan tâm quá mức khiến cô ấy nghĩ chủ thớt là một thằng biến thái, bám đuôi bệnh hoạn (theo nguyên văn trong bức thư cô ấy gởi “sick, bastard, weirdo stalker”) nên tránh xa chủ thớt.

Thuở ấy chủ thớt là một thằng 16 tuổi ngu xi với bộ não chứa toàn hentai và những cuốn ngôn tình mà chủ thớt đọc trên mạng. Với trí tưởng tượng chỉ toàn những suy nghĩ khá là viển vông, chủ thớt đã nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội làm nàng yêu mình như xưa nếu chủ thớt có thể cho nàng thấy mình đã trở thành con người khác. Vì thế khi chủ thớt nghe tin nàng qua Mỹ, chủ thớt đã dùng hết sức lực để ép ông bà già cho qua Mỹ theo đuôi nàng. Và khi ông bà già không chịu, chủ thớt đã làm vô số chuyện điên rồ: tự phá học lực, giả điên vân vân. Đó là sự khởi đầu cho một chuyến phiêu lưu kéo dài năm năm và tốn 250 ngàn Trump. 

May mắn cho chủ thớt (và rất không may mắn cho túi tiền ông bà già), sau năm năm chủ thớt cũng kiếm được một cái bằng đại học khá nên tương lai không đến nỗi là đen như tiền đồ chị Dậu. Nhưng bây giờ ngẫm lại, chủ thớt có thể được xem là một người may mắn. May mắn vì tìm ra con đường của mình. May mắn vì tìm ra quý nhân giúp đỡ. May mắn là mình tìm được đủ nghị lực để đi hết con đường mà không bỏ dở. 

Nhiều người không may mắn như thế. Rất nhiều người chủ thớt gặp bỏ cuộc dọc đường. Du học Mỹ, nói trắng ra, giống như cảnh đổ bộ lên biển Omaha trong phim “Giải cứu binh nhì Ryan” vậy. Bạn vừa háo hức bước chân đến đất Mỹ là lập tức bạn ăn ngay một tràng vả thẳng vào mặt. Cái vả đó có thể đến từ bốn phương tám hướng: môn học quá khó, bị nợ môn, bị bệnh, gia đình phá sản, gia đình vỡ nợ, vô tình vướng vào vòng lao lý, bị ăn cắp nhân thân dùng để vay nợ hàng ngàn USD, bị ăn cắp thông tin thẻ tín dụng rút tiền, bị chủ quỵt lương, bị chủ gọi ICE đến túm, bị xe tông, bị một thằng ất ơ nào đó cầm gậy nện vào đầu chấn thương sọ não sống thực vật. Quanh bạn sẽ là vô số người gục ngã. Dù họ giỏi cách mấy, dù họ giàu cách mấy, họ vẫn sẽ gục ngã. Chỉ có một số ít lết được đến bờ bên kia để rồi lại đâm đầu vào một cái cối xay thịt khác. Để mường tượng du học Mỹ khốc liệt cỡ nào: trong số đám bạn người nước ngoài của chủ thớt, chỉ bốn trên gần năm mươi người là bám được lại đất Mỹ. Quá nửa số về nước phải đi làm cho các công ty gia đình do ông bà già gởi vào và khoảng năm người khác phải sang các nước thế giới thứ ba đi kiếm việc cho dễ. Và đây không phải là bọn ất ơ: chúng nó tốt nghiệp từ những đại học lớn như UC Berkeley, UCLA, Đại học Michigan, Đại học Minnesota. Chúng nó đã cày rất cật lực nhưng cuối cùng vẫn bị bật về. Trong số đám bạn người Việt của chủ thớt thì đến bốn người trong tổng số khoảng hai mươi người không vượt qua nổi đại học, và trong đám còn lại chỉ vỏn vẹ bảy người trụ lại được đất Mỹ với ba trong số bảy người đó đi theo diện kết hôn và hai người thực sự kiếm được việc theo dạng OPT. Trong số con cái của đồng nghiệp mẹ chủ thớt đi du học, quá nửa phải bỏ về nước. Cá biệt là một cô bé bị giết vô cùng thảm thương ở Mỹ mà chủ thớt không muốn nhắc tới do sự việc thật sự quá đau lòng, quá dã man. 

Du học Mỹ, nói trắng ra, không phải là một chuyến đi trên cầu vồng. Nó là con đường bước thẳng vào cổng địa ngục, nơi tất cả mọi thứ sẵn sàng vồ lấy bạn, đè bạn xuống, đánh bạn cho ra bả. Chỉ một số ít vô cùng quyết tâm, chỉ một số ít vô cùng may mắn mới có thể đạt được đến thứ gọi là “đích” của nhiều du học sinh: kiếm được việc, kiếm được thẻ xanh, nhập tịch Mỹ.

Vậy trước khi đi du học, câu hỏi bạn phải đặt ra không phải là nên đi Mỹ hay không. 

Bạn phải tự hỏi mình: mục tiêu của mình là gì ?

Bạn muốn làm gì trong tương lai. Bạn muốn đi theo ngành gì ? Bạn muốn làm nghề gì ? Mục đích cuối con đường của bạn là gì ? Và bạn sẵn sàng trả cái giá gì cho mục tiêu của bạn. 

Nếu như mục tiêu của bạn là một cuộc sống êm đềm, nhẹ nhàng, và bạn không sẵn sàng trả cái giá quá đắt, thì chủ thớt khuyên bạn hãy ở Việt Nam. Cái xứ này có thể nát, nhưng ít ra nó khá là dễ sống. 

Nếu như mục tiêu của bạn là thành danh, nếu mục tiêu của bạn là cho con cháu bạn được hưởng những thứ bạn không bao giờ có, và nếu bạn sẵn sàng đốt cả tuổi thanh xuân, trí tuệ, sức lực, và thậm chí là sự tỉnh táo đầu óc của bạn, thì du học chính là con đường cho bạn. 

Đây là câu hỏi mỗi người phải tự hỏi trước khi đi du học. Hỏi ý kiến cha mẹ, hỏi ý kiến người đi trước, hỏi ý kiến người có kinh nghiệm, nhưng phải tự thân rút ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Đừng chỉ đi du học vì "ai cũng đi", đó là lối suy nghĩ của rất nhiều cha mẹ và du học sinh Việt Nam. Vì lối suy nghĩ đó mà bao nhiêu tương lai đã bị mất ở đất Mỹ. Nên nhớ, một khi bạn chọn du học, bạn đã đặt mình trên con tàu hướng đến Omaha. Sẽ không có đường lui, chỉ có tiến tới. 

Câu hỏi thứ hai mà mọi người nên hỏi chính là: “Có thật sự cần đi Mỹ không ?”

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất. Chủ thớt quen bạn đi du học Anh, Canada, Úc, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Không phải cứ đi du học Mỹ là bạn auto ngon hơn người khác. Đơn cử một người bạn của chủ thớt học ở Thái Lan sau được học bổng du học toàn phần cao học ở Nhật và hiện tại đang làm cho Apple. Một người sang Đức du học đang làm kỹ sư cho một tập đoàn Đức. Trong khi đó, vô số người đi du học Mỹ (có cả chủ thớt hiện tại) đang thất nghiệp.

Trước khi đi du học Mỹ, các bạn cần phải xác định hai điều. 

Thứ nhất, các bạn tương lai muốn học ngành gì ? Đại học có rất nhiều ngành khác nhau và tùy theo ngành đó bạn có thể chọn nơi du học. Nếu bạn muốn làm bác sĩ hay dược sĩ, bạn nên học ở Việt Nam do không những học ở Mỹ rất đắt đỏ và tốn thời gian, nó còn vất vả hơn học Y ở Việt Nam. Nếu bạn muốn học các ngành về kinh doanh như Business, Economics, Logistics vân vân các bạn không nhất thiết phải học ở Mỹ. Thí dụ các bạn có thể qua Singapore học ở NUS hay NTU sau đó dùng các hệ thống quan hệ trong trường để kiếm được việc tại Singapore hay các nước Đông Nam Á khác. Thậm chí bạn có thể học ở các đại học Việt Nam và nếu bạn xuất sắc trong việc học lẫn đi làm, bạn có thể nộp đơn vào các trường Business danh giá. Chủ thớt quen một người học tại FTU và nộp đơn được trường Anderson của UCLA nhận. Nếu bạn đi học kịch nghệ, sân khấu điện ảnh, quay phim, giao tiếp (commnuications)… thì chủ thớt khuyên bạn ở Việt Nam cho lành. Đồng ý là các ngành này Mỹ rất vượt trội, nhưng căn bản khả năng kiếm việc rất kém và chi phí không hề rẻ. Bạn học ở Việt Nam cho lành. 

Thứ hai: ngân sách của bạn là bao nhiêu ? Ông bà già các bạn có bao nhiêu tiền tích trữ, có khả năng kiếm bao nhiêu thêm, các bạn ước tính sẽ tốn bao nhiêu. Quy tắc chung là bất kỳ ai qua Mỹ cũng phải thủ sẵn tối thiểu 200 ngàn Trump nếu muốn gọi là “tạm” chi trả đi học. Giá cả không hề rẻ. Lấy chủ thớt làm ví dụ. Trong học kỳ cuối của chủ thớt, chủ thớt lấy khoảng 18 tín chỉ và phải trả 29 ngàn (hay 30 ngàn, quên rồi) Trump chỉ cho tiền học. Trong 5 tháng đó chủ thớt phải trả 660 Trump tiền nhà một tháng, và tiền ăn mỗi tuần tối thiểu là 40 Trump. Cứ cho một tháng 4 tuần, một học kỳ chủ thớt tốn 34 ngàn Trump tối thiểu. Một năm hai học kỳ, tính thêm các chi phí như bảo hiểm bắt buộc, tiền thuốc thì chủ thớt tốn ít nhất 70 ngàn Trump một năm. Và đừng mơ đến chuyện lấy học bổng: học bổng bên Mỹ rất khó kiếm. Nếu như các bạn nhắm có ít nhất 200 ngàn Trump thì hãy tính đến đi Mỹ, còn không thì hãy chuyển sang các lựa chọn khác như Phần Lan hay Hà Lan. 

Có lẽ đến đây mọi người đã xác định được mình muốn đi Mỹ hay không. Nếu trong trường hợp mọi người nhận ra rằng mình không muốn đi Mỹ, xin đừng buồn. Đi Mỹ không có nghĩa là tương lai bạn hơn người khác một bậc. Không đi Mỹ không có nghĩa bạn sẽ kết thúc cuộc đời trong đống rác. Có một người từng nói với chủ thớt thế này: “Nước Mỹ là đất nước của giấc mơ. Có điều ác mộng lẫn mộng lành cũng là giấc mơ.” 

Còn về người con gái năm xưa chủ thớt từng theo đuổi, cô gái ấy đã đi lấy chồng. 

Trong kỳ tới, chủ thớt sẽ cố gắng hết sức giúp mọi người chuẩn bị cho hai điều quan trọng nhất trước khi qua Mỹ du học: chọn trường và chọn ngành

Chương 2: Bước chuẩn bị đầu tiên: tìm trường và tìm ngành

Cái lần đầu tiên chủ thớt thật sự nghĩ đến ngành mình học không phải là lúc chủ thớt qua Mỹ, cũng không phải là lúc đón tân sinh viên mới. Chủ thớt chỉ thật sự nghĩ về ngành mình học vào... năm 3 khi mà chủ thớt bị ăn những con điểm C, D liên tục và bị môn kinh tế đút hành thay cơm. Lúc đó chủ thớt đã tự hỏi: rốt cục mình học ngành này làm gì ? 

Cho đến tận ngày nay, chủ thớt vẫn không biết tại sao mình lại lựa chọn ngành kinh tế. Và chủ thớt không biết làm sao mình sống sót và tốt nghiệp với bằng kinh tế và xác suất thống kê sau năm nay trầy trật. Nhưng có một điều chủ thớt biết rõ: rất nhiều người không có khái niệm ra trường học ngành gì. Nhiều người chủ thớt gặp đi theo những ngành như kinh tế, kinh doanh, kỹ thuật, hay kỹ sư đơn giản vì “ai cũng đi ngành này” hay “ba mẹ bảo nên đi”. Kết quả họ ra đời với một tấm bằng trên tay và không biết mình sẽ làm gì với tấm bằng này. 

Quyết định ngành là vô cùng quan trọng, và cũng không hề dễ đặc biệt với du học sinh quốc tế. Trong khi học sinh Mỹ từ những năm cấp 3 hay thậm chí là cấp 1 đã được định hướng nghề nghiệp với những buổi tiếp xúc với những người đi trước do trường tổ chức hay những ngày “đem con bạn đến chỗ làm” do các công ty tổ chức thì học sinh Việt Nam không được ai hướng dẫn mình nên làm ngành gì. Mà nếu có những buổi hướng nghiệp thì chủ thớt e là những người hướng nghiệp cũng không biết họ đang nói cái gì. Đơn cử khi chủ thớt đi một buổi hướng nghiệp của một trường đại học ở thành phố HCM, họ không thể phân biệt cho chủ thớt đâu là kế toán đâu là kiểm toán và còn hồn nhiên bảo chủ thớt hai ngành đó tương tự nhau. Chính vì vậy khi học sinh Việt Nam sang Mỹ du học, nhiều bạn chỉ biết đi theo số đông, không hề biết thật sự mình muốn gì và mình giỏi gì. Chủ thớt đã gặp nhiều sinh viên chân ướt chân ráo qua không biết mình muốn đi ngành gì, hay đi ngành nhất định vì những lựa chọn rất ngu ngơ, viễn vông. Lấy ba ví dụ:

-Khi chủ thớt lên đại học, nhà trường cử một sinh viên năm 4 đến nói chuyện với tân sinh viên. Sinh viên này, một cách tự hào , tuyên bố là mình đã đi học năm 4 và vẫn chưa biết học ngành gì và vẫn đang lấy các lớp khác nhau để xem mình đam mê gì. Và vị tiền nhiệm đáng kính này còn có gan bảo các tân sinh viên “hãy thoải mái và tự do lựa chọn, theo đuổi đam mê”. 

-Một con bé sinh viên khóa dưới của chủ thớt đi ngành Economics (kinh tế), vì nhỏ nghĩ là ngành này sẽ dạy nhỏ cách mở cửa hiệu làm ăn và kiếm được tiền.

-Một con bé khác đi học ngành tiền Luật (pre-Law) với hi vọng làm luật sư ở Mỹ, một điều vô cùng khó nếu như bạn không phải a/Người Mỹ b/ Vô cùng giỏi và c/Quen biết người trong đoàn luật sư (còn gọi là Bar) 

Một điều mà chủ thớt hay nghe mọi người nói chính là “Cứ qua Mỹ trải đời, cứ học từ từ rồi kiếm được cái gì thích thì theo đuổi”. Xin thưa đó là lý do tại sao vô số học sinh bị văng khỏi Mỹ: họ phung phí quá nhiều tiền, thời gian để đi tìm cái mình thích để rồi khi phải đối diện với quá nhiều lựa chọn thì họ không biết mình thích cái gì và không thể chọn được. Họ mắc kẹt nhiều năm trời để rồi đốt hết tiền bạc, sức lực, tuổi trẻ. Những học sinh du học (hay ngay cả học sinh đại học Mỹ) thành công luôn biết rõ họ muốn cái gì trước khi nhảy vào đại học và kiên trì theo đuổi đến cùng. Dĩ nhiên, việc lựa chọn ngành không hề dễ do nhiều ngành ở nước ngoài không có khái niệm rõ rệt như ở Việt Nam. Vậy bạn có thể làm gì để chuẩn bị ? 

1- Đọc nhiều sách. Ở nước ngoài có bán rất nhiều sách về hướng dẫn chọn ngành. Không phải cuốn nào cũng tốt, nhưng một số cuốn như của Princeton Review có thể tạm gọi là uy tín. Nếu đã thấy một ngành nào đó khá hợp thì hãy tìm thử một cuốn giáo trình thuộc chuyên ngành đó và đọc. Nếu bạn thấy mình hiểu và thích thú thì xin chúc mừng đó có thể là chuyên ngành bạn muốn. Nếu không thì cứ tìm thử chuyên ngành khác. Nhưng dù thích thú hay không thích thú thì bạn vẫn phải điều tra bước thứ hai đó là. 

2- Điều tra cơ hội việc làm. Bạn đi học đại học, mục đích là cuối cùng có tấm bằng để đi xin việc. Đừng mơ mộng bạn sẽ làm chính trị gia thay đổi thế giới, đừng mơ mộng bạn sẽ trở thành nhà đạo diễn ngang hàng Steven Spielberg. Rất nhiều bạn du học sinh qua Mỹ đã ôm theo cái tư tưởng nghĩ “Ta là số một, ta có thể làm được” để rồi ăn thọi vào mồm. Nói đơn giản thì bạn là một con khỉ lông lá da vàng không có tí quyền, tí quen biết, tí kinh nghiệm gì cả. Đừng ước mơ vươn tới mặt trăng vì khi bạn ngã bạn sẽ không ngã lên những vì sao mà bạn sẽ đập thẳng mặt xuống mặt đất xám xịt. Hãy xác định rõ là bạn đi học để kiếm cơm sau này, để bạn có tiền lập gia đình và tạo tiền đồ cho đứa con của bạn. Hãy thực tế và hãy điều tra nhu cầu thị trường Bạn có thể thích một ngành nhưng nếu ra trường không ai cần cái ngành bạn học thì bạn đi học để làm gì ? Đam mê không phải là thứ ăn được và không phải lúc nào đam mê cũng dẫn đến thành công. Đam mê chỉ giúp cho bạn làm công việc dễ hơn thôi. Thí dụ, bạn có thể đam mê nhạc kịch và theo đuổi ngành nhạc kịch và trở thành một biên kịch tài ba. Nhưng bạn sẽ làm gì với tấm bằng kịch khi mà xã hội không thuê người biên kịch ? Bạn đam mê khách sạn và muốn làm quản lý khách sạn, nhưng nếu ra trường mà không có ai có nhu cầu tìm người quản lý khách sạn thì bạn tìm việc ở đâu ? Bạn nên xem thử một ngành, xem coi ngành đó như thế nào, có tương lai triển vọng hay không, lương bổng thế nào, ngành đó có liên quan ngành học của bạn hay không. Bạn cũng nên xem ngành học của bạn có đa năng hay không, tức là từ học một ngành có thể làm được nhiều vị trí khác hay không. Một điều khá thú vị ở Mỹ chính là ngành bạn học không nhất thiết giới hạn công việc của bạn có thể chọn. Miễn là ngành của bạn có đào tạo cho bạn những kỹ năng nhất định, phù hợp với yêu cầu người tuyển dụng thì bạn sẽ có công việc ngay. Chủ thớt có một đồng niên học ngành văn chương tiếng Anh được Boston Consulting Group, một trong 3 công ty tư vấn lớn nhất Mỹ, nhận bởi vì khả năng tiếng Anh xuất sắc của hắn cho phép hắn có thể soạn thảo hợp đồng và phân tích cấu trúc ngôn từ trong các hợp đồng tốt hơn người khác. Một người khác học kinh tế về sau lên cao học lại nhảy sang học Y … Ngành học không quyết định hoàn toàn ngành làm của bạn sau này, nhưng nếu lựa đúng ngành học và ngành làm thì cuộc đời bạn dễ hơn rất nhiều

3-Tìm người đi trước. Người đi trước luôn là nguồn kinh nghiệm rất tốt cho bạn do họ đã từng trải và biết những thứ đen tối mà không ai đem in vào sách. Hỏi họ kinh nghiệm, hỏi họ đường đi nước bước, và họ sẽ cho bạn nhiều thông tin bổ ích. Dĩ nhiên bạn không nên tin hết vào họ mà phải ra quyết định cho riêng mình.

Một khi đã xác định ngành nghề, điều thứ hai bạn phải làm, đó chính là chọn trường. Điều quan trọng nhất là đừng chọn trường hùa theo người khác. Tìm nhiều sách đọc vào, xem thử các trường có các yếu tố gì hay. Đừng dựa vào bảng xếp hạng chung chung mà hãy dựa vào bảng xếp hạng các trường theo ngành. Thí dụ Harvard có thể là cái tên vô cùng nổi, nhưng bạn có biết học sinh học kế toán ở Harvard bị cho là kém hơn học sinh học kế toán từ đại học Illinois Urbana Champaign ? Hay bạn có thể nghe nhiều về trường UCLA mà bạn không biết rằng trường này thua mọi mặt so với University of Michigan tại Ann Arbor ? Để lựa chọn trường, bạn phải xem các yếu tố như:

1/Ngành học của bạn trường có dạy hay không ? Và trường có mạnh ngành này hay không ? Trường có cơ hội cho bạn thực tập không ? Ví dụ, nếu bạn học ngành kỹ thuật thì trường có nhiều phòng thí nghiệm và các đề án để bạn xin vào làm hay không ? Nếu bạn học kinh tế - thương mại thì trường có các start up, các quỹ hỗ trợ học sinh, các case study cho bạn thử tài không ? Nếu như ngành bạn cần phải học lên cao, thí dụ như nếu bạn chọn đi khoa học kỹ thuật, thì hãy xem thử trường bạn nộp đơn có trường cao học không ? Và nếu có thì trường cao học đó có mạnh không ? Thông thường học sinh nộp từ đại học lên cao học trong cùng một hệ thống sẽ có cơ hội cao hơn nhiều nếu nộp bên ngoài hệ thống. 

2/Trường có hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy tốt để hỗ trợ học sinh hay không ? Tỉ lệ giáo viên trên học sinh bao nhiêu ? Đây là yếu tố nhiều người bỏ qua nhưng thực tế vô cùng quan trọng: tỷ lệ học sinh trên giáo viên thấp đồng nghĩa là bạn có nhiều cơ hội để tìm kiếm giáo sư và xin giúp đỡ trong việc học hành. Nhiều du học sinh cứ nghĩ mình là nhất không cần giáo viên, đến khi học lên các lớp năm cuối thì ăn hành ngập mồm, bị đuối mà không có ai chỉ dạy nên bị rớt và nợ môn. Hơn nữa, tỷ lệ sinh viên/ giáo sư thấp cũng cho phép bạn có cơ hội tiếp cận, làm quen với giáo sư. Thông qua các giáo sư bạn có thể sẽ được tiến cử làm trợ giảng hay làm đề án dưới sự chỉ đạo của các giáo sư. Đối với những người học các ngành khoa học thì đây là một danh dự rất lớn và sẽ làm hồ sơ bạn rất mạnh khi xin việc hoặc xin học bổng. Nếu không giáo sư vẫn có thể viết thư giới thiệu cho bạn, một lợi thế rất lớn khi đi xin việc. Sau này chủ thớt sẽ kể sâu hơn trong một chuyên mục riêng về vấn đề giáo sư và trợ giảng.

3/Mạng lưới cựu học sinh trường có mạnh không ? Trường có quen biết các công ty lớn hay gần các thành phố lớn để giúp học sinh tăng khả năng tìm được việc hay không ? 

4/Trường có an toàn hay không, vị trí trường thế nào ? Chi phí học tập, sinh hoạt ra sao ? Điều kiện thời tiết thế nào ? Chủ thớt từng khinh thường những yếu tố đó và kết quả mém sml, còn sml ra sao thì trong chuyên mục sau chủ thớt sẽ giải thích. 

Để giúp đỡ bạn trong việc chọn trường, bạn có thể dùng các nguồn trên mạng. Hiện tại có rất nhiều nguồn khác nhau, nhưng những trang thường được dùng nhất bởi học sinh là 

US News

https://www.usnews.com/best-colleges...l-universities

QS Top Universities

https://www.topuniversities.com/university-ranking 

Times Higher Education

https://www.timeshighereducation.com...asc/cols/stats

Nếu các bạn đã ngốn hết đống chữ này thì có lẽ giờ các bạn đã phát ngấy với viễn cảnh du học bên Mỹ. Để giúp các bạn túm cái váy lại, chủ thớt sẽ giới thiệu tên của một số trường mà chủ thớt nghĩ các bạn nên để tâm khi nộp đơn. Theo kinh nghiệm xương máu của chủ thớt, đây là những trường lớn, có thể coi là lựa chọn an toàn cho những ai có ý định du học. Dĩ nhiên các anh em giàu kinh nghiệm hơn có thể có ý kiến riêng của mình. Lưu ý đây là các University, không phải là Liberal Art college. Vấn đề liberal art college rất là nhập nhằng và khi nào đủ tư liệu về nó chủ thớt sẽ viết cho các anh em có nhu cầu

Dành cho những người siêu giỏi: University of Chicago, University of Pennsylvania, Columbia University, UC Berkeley (chỉ chọn trường chính ở Berkeley), Stanford, Caltech, MIT, Northwestern University 

Dành cho những người giỏi: University of Washington, University of Illinois at Urbana Champaign, University of Michigan (chỉ chọn trường Ann Arbor, bỏ qua hai trường ở Flint và Dearborn), University of Texas Austin, Boston University, Boston College, University of Minnesota, University of Virginia, University of North Carolina (chỉ chọn trường Chapel Hill) 

Dành cho người có học lực khá: UC Davis, UC San Diego, UC Irvine, Northeastern University, Indiana University (chọn trường ở Bloomington)

Dành cho những người cần tìm trường an toàn, bao đậu: San Jose State university, Ohio State University, Michigan State university

Trong kỳ kế tiếp, chủ thớt sẽ dẫn dắt mọi người qua mớ hầm bà lằng thứ hai, đó chính là quá trình nộp đơn và những gì cần chuẩn bị. Và chủ thớt cũng sẽ giới thiệu với các bạn những mẹo khốn nạn và vô số các bất công mà chủ thớt đã gặp phải trong quá trình đi kiếm trường của mình.

Chương 3: Bước chuẩn bị thứ hai: tuyển sinh

Hồi còn ở Mỹ, chủ thớt hay nghe bọn Mỹ truyền tai nhau một câu nói được cho là của Bill Gate: “Khi tôi thuê một người để làm một công việc khó, tôi sẽ chọn một gã lười biếng bởi vì hắn sẽ tìm được cách nhanh nhất để hoàn tất công việc”. Không biết có thật là Bill Gate đã nói câu đó hay không, nhưng một điều chủ thớt có thể nhận định là thật đó là câu nói này có thể áp dụng lên mọi mặt cuộc sống. Bạn có lẽ đã nghe người ta nói đất Mỹ là quốc gia của sự cố gắng, sự thật thà, sự chăm chỉ, nơi một người có tài và có chí có thể có tất cả. Và đó là lời nói dối lớn thứ nhì lịch sử, chỉ sau câu nói “Em với anh ấy vào nhà nghỉ chỉ để nói chuyện thôi, không có gì hết cả.” Trên thực tế, xã hội Mỹ đầy những kẻ lợi dụng lỗ hổng để tiến thân. Và ví dụ điển hình nhất chính là hệ thống tuyển sinh đại học Hoa Kỳ.

Khi bạn nộp đơn lên hệ thống đại học của Mỹ, bạn có hai con đường

1-Là nộp đơn thẳng vô đại học từ lớp 12.

2-Là nộp đơn vào cao đẳng cộng đồng sau đó từ cao đẳng cộng đồng chuyển tiếp lên đại học.

Mỗi cách có cái lợi và hại của riêng nó. 

Nếu bạn lựa chọn cách 1, cái hại lớn nhất sẽ là học phí cao hơn. Học phí đại học cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cao đẳng cộng đồng và bạn sẽ đốt một lượng lớn tiền. Đơn cử như chủ thớt: chủ thớt theo dạng hai, đi học cao đẳng cộng đồng rồi lên đại học. Một năm cao đẳng cộng đồng, tổng tiền học chủ thớt là 35 ngàn Trump cho hai học kỳ, chỉ bằng tiền học một học kỳ đại học.

Đi kèm với giá cao, là hai cái lợi. 

Thứ nhất, khả năng bạn vào được đại học xịn là cao hơn. Các trường đại học ưa thích tuyển học sinh thẳng từ lớp 12 lên hơn. Nhiều trường tuyên bố họ không nhận học sinh chuyển tiếp lên từ cao đẳng cộng đồng. Số khác thì tuyên bố họ sẽ chỉ tuyển học sinh từ cao đẳng cộng đồng nếu số tín chỉ họ đã hoàn thành ở cao đẳng cộng đồng ít hơn một tiêu chuẩn của đại học. 

Thứ hai, bạn sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ trong trường đại học hơn. Đây là yếu tố quan trọng mà chủ thớt sẽ bàn đến ở các bài viết sau này. 

Cao đẳng cộng đồng (community college), có hai cái lợi của nó. Một là, như đã nói ở trên, giá thành rẻ. Việc này dẫn đến cái lợi thứ hai: bởi vì giá rẻ, trong trường hợp bạn muốn thử sức và tìm lối đi cho mình, bạn có thể vào cao đẳng cộng đồng để học. Ngoài ra một số ngành như kỹ thuật viên nha hàm mặt (dental technician) chỉ cần 2 năm học và bạn có thể đi ra đời kiếm việc ngay sau khi học hai năm (Cái này chủ thớt chỉ nghe nói nên anh em nào có thâm niên có thể confirm với mọi người). Tuy nhiên nó có hai bất lợi lớn. Một mặt, nếu bạn có tham vọng lên cao, vào cao đẳng cộng đồng chuyển tiếp lên đại học sẽ rất khó. Rất ít đại học xịn muốn tuyển học sinh từ cao đẳng cộng đồng và trong nhiều trường hợp không thèm tuyển. Một số đại học có thể chấp nhận nhưng sẽ không công nhận một số lớp bạn đã lấy ở cao đẳng cộng đồng và ép bạn phải học lại ở bậc đại học. Tỉ lệ chọi cho học sinh chuyển tiếp từ cao đẳng cộng đồng lên đại học cao gấp đôi tỉ lệ chọi cho học sinh từ lớp 12 lên. Những trường có chính sách liên thông với cao đẳng cộng đồng thường chỉ tuyển một số ngành và thường là trường chất lượng kém. Vấn đề thứ hai là vì nhịp sống cao đẳng cộng đồng khá chậm và có quá nhiều ngành để thử, nhiều người bị vướng trong vũng bùn đó và họ không tìm được ngành hay nghị lực để học lên tiếp. Để chủ thớt ví dụ: Một người bạn của chủ thớt mắc kẹt 7 năm ở cao đẳng cộng đồng, học từ lớp này đến lớp khác mà không biết mình muốn đi theo ngành nào bởi vì ngành nào cũng khó và ngành nào cũng thú vị. Cuối cùng cô ta… lấy chồng và không bao giờ tốt nghiệp cao đẳng cộng động

Đây là hai con đường bạn có thể chọn. Suy nghĩ cho kỹ và hãy chọn con đường cho mình. Dù bạn chọn con đường nào, thì sau đây là một số thứ bạn phải chắc chắn chuẩn bị trước khi apply đại học. 

1/Tiếng Anh: trước khi vào đại học, bắt buộc bạn phải có vốn tiếng Anh tốt. Nhiều trường đại học sẽ yêu cầu văn bằng tiếng Anh, thường là TOEFL hay IELT. Chủ thớt không rõ chuẩn IELT nhưng TOEFL thì thường tối thiểu là 84/120 trở lên với những ai đạt trên 100/120 nằm trong ngưỡng an toàn. Ngoài ra, tiếng Anh giỏi còn giúp bạn làm được yêu cầu thứ hai đó chính là 

2/Bài luận: mỗi học sinh nộp đại học sẽ phải viết tối thiểu hai bài luận tự giới thiệu bản thân: một bài luận chung và một bài luận riêng cho từng trường. Số bài luận bạn viết có thể phải lên đến hàng chục: khi chủ thớt nộp đơn đại học chủ thớt đã viết ít nhất hai mươi bài luận khác nhau. Thường các bài luận dài từ 500-1000 từ và đề tài mỗi năm mỗi đổi. Một số rất là đơn giản, như “Hãy giới thiệu về bạn”, “Hãy giải thích tại sao bạn muốn học ở trường chúng tôi”. Một số khác thì chỉ có Kafka hay Dostoevsky tái thế mới viết được. Ví dụ

Đại học Chicago: Mèo có chín mạng sống, Pac-man có ba, đồng vị phóng xạ có một nửa (half-life). Những thứ khác - trừu tượng hay vật chất - có bao nhiêu mạng sống ? Và tại sao 

Đại học Yale: Bạn được lựa chọn để dạy một môn học tại Yale. Môn đó tên gì ?

Đại học Bắc Carolina Chapel Hill: Bạn mong mình sẽ tìm được thứ gì ở cuối cầu vồng ?

Không cần phải nói, bạn phải là thánh mới viết được những bài này. Mài dũa trình tiếng Anh, đọc thật nhiều sách, và đi học các lớp hướng dẫn viết luận như tại Yola (chủ thớt từng học ở đây). Và sẵn sàng đem bài luận của mình đi chỉnh sửa thật nhiều lần. Nếu gia đình bạn có tiền thì bạn nên thuê các dịch vụ chỉnh sửa luận online do các cựu học sinh các đại học lớn xem và sửa. Giá không hề rẻ: tối thiểu là 60 USD cho một bài cho một lần xem. Thêm nữa rủi ro cũng khá cao: bạn không biết cái thằng xem bài bạn có thật là cựu sinh viên Harvard như nó quảng cáo hay là một thằng ôn dịch Ấn Độ không học hết cấp 3 đang lừa phỉnh bạn từ Uttar Pradesh. Chủ thớt đã từng tốn hàng trăm USD để có người chỉnh sửa luận và chủ thớt nói thật không biết nó có đáng không. Nhưng nếu như bạn không có những người có trình mà bạn có thể nhờ vả thì bạn đành dùng cách này thôi. 

3/SAT và ACT

SAT và ACT có thể được coi như là thi đại học ở VN. Các học sinh cần phải đạt được số điểm cao để tăng cơ hội vào đại học. Cùng với bài luận đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng khả năng vào đại học trong trường hợp bạn nộp đơn thẳng từ lớp 12 lên. Nếu bạn học cao đẳng cộng đồng, nó không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng sẽ là một cú hích lớn. Chủ thớt từng lấy SAT nhưng đó là SAT cũ, chưa đổi mới sang loại SAT dùng hiện tại nên cũng không thể nói nhiều về việc này được. Các bạn nên đi học thêm ở các trung tâm lớn để luyện, và nên bắt đầu luyện sớm. Kinh nghiệm chủ thớt là phần toán SAT, ACT vô cùng dễ với người Việt Nam nhưng phần tiếng Anh sẽ vô cùng khó. Để thi SAT bạn phải nhớ ít nhất 3000 từ vựng đặc biệt để có thể đạt lên top 10% cao điểm nhất. Vì thế bạn nên bắt đầu học thuộc càng nhiều càng tốt và cũng nên đọc sách cho nhiều vào 

Còn một thứ nữa gọi là AP. AP khá là quan trọng với những người học từ cấp 3 và apply thẳng vào đại học của Mỹ. Theo những gì chủ thớt hiểu, học AP tức là học các lớp đại học ở ngay cấp 3. Tuy nhiên, vì chủ thớt không theo học cấp 3 ở Mỹ nên chủ thớt không rõ AP như thế nào nên không dám mạo bàn. 

4/Điểm số

Điểm số quan trọng hơn với những người đi từ cao đẳng cộng đồng lên so với những người nộp từ lớp 12 lên. Nếu bạn học cao đẳng cộng đồng lên, luôn bảo đảm điểm số trung bình tổng các môn học của bạn (Grade point average, GPA) là 3.8/4.0 trở lên. Một số người sẽ bảo bạn là nên học nhiều môn dễ, môn cho điểm để kéo điểm GPA bạn lên, nhưng chủ thớt không nghĩ vậy. Một số trường đại học sẽ coi GPA chuyên ngành, tức là coi các môn chuyên ngành liên quan đến ngành bạn nộp đơn, và tính riêng điểm các môn này để coi thực lực ngành học bạn như thế nào. Nếu bạn đi từ lớp 12 lên đại học thì GPA vẫn quan trọng, nhưng không quan trọng như SAT và ACT.

5/Ngoại khóa

Đây có thể được coi là trò hề lớn nhất trong hệ thống giáo dục Mỹ. Ngoại khóa ở đây không chỉ đơn thuần các hoạt động ngoại khóa, mà còn tính các yếu tố không liên quan đến học tập như kinh nghiệm làm việc, gia cảnh, màu da. 

Các đại học Mỹ muốn kiếm học sinh kiểu toàn vẹn, không chỉ giỏi học hành mà còn phải giỏi các kỹ năng “cầm, kỳ, thi, họa” cũng như tham gia nhiều hoạt động xã hội. Đây là một điểm yếu của khá nhiều du học sinh đến từ Việt Nam, những người chỉ biết cắm mặt cắm mũi học và không có nhiều cơ hội tham gia hoạt động ngoại khóa. Thực tế, bạn có khá nhiều cơ hội làm ngoại khóa mà bạn không biết. Thí dụ, chơi thể thao là một điểm cộng khá lớn. Nếu bạn chơi đá banh hay bóng rổ, bạn có thể ghi vô. Hay là nếu bạn vẽ hay chơi nhạc cụ như đàn guitar, đàn piano (đàn bà không tính) thì bạn nên điền vào hồ sơ của mình. Làm lớp trưởng, lớp phó, hay tham gia các hoạt động của đoàn cũng là một điểm cộng rất lớn (nhà trường không quan tâm bạn là Cơm Sườn hay không). Tất cả những yếu tố này bạn có thể khai vào hồ sơ và làm đẹp lên. Đơn cử, một người bạn Hàn Quốc của chủ thớt trước khi sang Mỹ đã có học võ Taekwondo và đi nghĩa vụ quân sự cũng như tham gia các hoạt động của nhà thờ. Chuyện tưởng như rằng rất bình thường với người Hàn Quốc nhưng khi ghi vào hồ sơ thì lại vô cùng đẹp mắt. Đối với những người nộp từ cao đẳng cộng đồng lên, các yêu cầu ngoại khóa trở nên gắt gao hơn. Bạn phải tham gia các câu lạc bộ trên trường (đặc biệt là các câu lạc bộ liên quan đến ngành học của bạn), phải đi tình nguyện thường xuyên, hay kiếm được công việc bán thời gian hay kỳ thực tập nào đó liên quan đến ngành nghề của bạn.

Có lẽ đọc đến đây các bạn đã thấy khá nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt với cái núi những thứ cần chuẩn bị. Và chắc các bạn bây giờ đang rủa chủ thớt: DM thằng này bảo bố mày có mẹo vặt để vào trường đại học cơ mà, mẹo vặt đéo đâu ? Không để các bạn chờ lâu, đây là vô số “mẹo vặt” đã được không chỉ du học sinh mà còn học sinh Mỹ sử dụng để lọt vào các trường đại học. Một số rõ ràng phi pháp, số khác là vùng xám pháp luật, chủ thớt liệt kê ra không phải để cổ xúy ai đó làm theo mà chỉ là để thông báo với mọi người để khỏi bỡ ngỡ là có những lổ hỏng mà rất nhiều kẻ tận dụng để lọt vào

1- Nói dối chuyên ngành.

Trò này chủ thớt thấy rất nhiều khi nộp đơn chuyển tiếp từ cao đẳng lên đại học. Các trường đại học ở Mỹ có rất nhiều chuyên ngành, mỗi chuyên ngành mạnh yếu khác nhau và tỉ lệ chọi riêng biệt. Thí dụ, bạn sẽ có cơ hội cao hơn để vào UC Berkeley thông qua chuyên ngành lịch sử, chính trị hơn là nộp đơn vào khoa kinh tế. Nhiều học sinh vì thế khi nộp vào UC Berkeley đã nộp đơn qua các chuyên ngành có tỉ lệ chọi thấp, chịu khó kẹt ở đó một, hai năm, sau đó nộp đơn xin đổi chuyên ngành sang ngành mình thực sự mong muốn

2-Nói dối tôn giáo, sắc tộc, giới tính 

Ở Mỹ nhiều đại học có một chương trình gọi là Affirmative Action, nói nôm na là cộng điểm vùng miền cho dân tộc vùng sâu vùng xa như ở VN. Nếu bạn là da đen, nếu bạn là Latino, nếu bạn là Hồi Giáo, bạn sẽ được ưu tiên hơn khi vào đại học trong khi nếu bạn là dân da vàng, da trắng, thì bạn sẽ ít được ưu tiên hơn. Đây là một chính sách gây ra rất nhiều tranh cãi với hàng loạt các vụ kiện tụng bởi học sinh gốc Á nhắm vào các đại học lớn như Harvard. Và dĩ nhiên có những kẻ đã lợi dụng khe hở này. Chủ thớt thường nghe những người bạn chủ thớt kể về vài “người họ quen” đã giả làm gay, les trong hồ sơ, viết lên một câu chuyện lâm li bi đát để được nhận vào đại học. Chủ thớt không biết đúng sai bao nhiêu do chưa tự tận mắt nhìn thấy nhưng cũng không bất ngờ nếu có ai làm trò này. 

3-Làm giả điểm số, thành tích

Nếu bạn đọc báo mấy hôm gần đây, bạn có thể đã nghe qua về vụ gian lận đại học USC. Nói tóm tắt, các bậc phụ huynh giàu có ở Mỹ đã trả tiền để con mình được gian lận khi thi SAT, gian lận điểm số cấp 3, gian lận thành tích ngoại khóa để được nhận vào các đại học lớn. Và trò này thông dụng hơn mọi người nghĩ: có rất nhiều cáo buộc nhắm vào du học sinh, đặc biệt là từ Trung Quốc hay Ấn Độ, là họ đã làm giả điểm số và giả vờ đi chụp ảnh đi thực hiện các hoạt động ngoại khóa. Bởi vì số lượng hồ sơ khổng lồ, các trường ít khi nào có thể kiểm tra lại được hết và nhiều khi có những hồ sơ giả lọt qua kẻ hở

Đó chỉ là sơ sơ vài trò gian lận phổ biến mà chủ thớt đã được nghe khi đi du học ở Mỹ. Trong kỳ tới chủ thớt sẽ nói về những yếu tố khác, thường bị nhiều người lãng quên, mà mọi người nên chuẩn bị trước khi qua Mỹ kẻo sml

Chương 4: Thời tiết, nấu ăn, và các tài vặt khác

A-Thời tiết

Chủ thớt đến Michigan học đại học vào một chiều cuối thu 2016, khi trời không có mây và lá ngoài đường rụng đầy. Lúc đó chủ thớt nghĩ rằng “Thời tiết thật là đẹp, chắc mùa đông cũng đẹp như phim nhỉ ?”

Ờ thì đẹp.

Nhưng đẹp không có nghĩa là dễ chịu.

Để hình dung mùa đông ở Michigan nó lạnh thế nào: mùa đông năm 2019 lạnh đến mức nhà trường cho học sinh nghỉ học một tuần vì nếu ló mặt ra đường quá ba mươi phút thì có nguy cơ bị bỏng lạnh. Ngoài ra còn có huyền thoại nếu cầm một thau nước sôi tạt từ tháp đồng hồ trường xuống vào mùa đông thì nước sẽ thành tuyết trước khi xuống đất (dĩ nhiên chủ thớt không hề có ý định khuyến khích bất kỳ ai chơi trò này).

Một yếu tố rất nhiều du học sinh hay quên đó chính là thời tiết. Thời tiết nước Mỹ sẽ đi từ nóng tụt :lol: như ở Arizona, New Mexico cho đến khi hậu không khác Bắc Cực như Chicago, Boston. 

Khí hậu nóng, khác với nhiều người nghĩ, khá là dễ đối phó. Dĩ nhiên tối ngủ sẽ không hề thoải mái và bạn sẽ luôn trong tâm trí uể oải dưới cái năng chang chang, nhưng so với khí hậu mùa tuyết thì dễ đối phó hơn rất nhiều. Chỉ cần ăn mặc thoáng mát, mua kem chống nắng, đội mũ rộng vành, và làm ơn đi tắm đều đặn. Không có gì tệ hơn là ngồi cạnh một thằng mồ hôi mồ kê nhễ nhại trong lớp cả. Nếu bạn sống trong khu vực bị hạn chế sử dụng nước như chủ thớt khi ở California những năm 2014-2016 thì RIP.

Còn khí hậu mùa lạnh là một chuyện khác. Nếu như bạn có hệ hô hấp yếu thì xem như RIP, mùa đông là mùa vô cùng dễ bị bệnh, nhảy mũi. Và tệ hơn nữa, cuối thu cho đến đầu xuân là giai đoạn dịch cúm hoành hoành ở Mỹ. Các trường đại học mỗi mùa thu hay có tổ chức chích ngừa cúm miễn phí và bạn nên đi chích ngừa cúm nếu không muốn ngỏm củ tỏi ở Mẽo Quốc.

Vấn đề lớn khi mùa đông đến không phải là chống lạnh. Thật ra trời lạnh bạn sẽ không sao nếu có áo ấm, mũ len, khăn choàng cổ. Chủ thớt khuyên nên mua các hiệu như Columbia hay North face nếu có tiền. Canadian Goose rất phổ biến ở Mỹ nhưng với mức giá phải vài ngàn Trump thì thật sự chủ thớt không khuyên. Nếu không các bạn có thể ra Costco mua áo cho rẻ. Ở Costco còn bán các loại quần ấm mặc bên trong để chân không lạnh, khăn choàng cổ và mũ len. Bạn nên mua mũ len cùng với mặt nạ trùm mặt (Balaclava) để chống lạnh. Chủ thớt rất thích dùng Balaclava do nó che được toàn bộ mặt mũi nhưng nó có hai nhược điểm. Thứ nhất, nếu bạn đeo kính, thì mang Balaclava sẽ làm kính bạn bị mờ. Thứ nhì nếu bạn đeo cái mặt nạ trùm mặt đó đi dạo phố lúc mười giờ đêm thì nguy cơ bạn bị các thầy cớm ngoắc vào kiểm tra là hơi cao.

Cái khó đối phó nhất vào mùa đông là băng. Ngán nhất là những lúc nhiệt độ hơi lên một tí khiến tuyết chảy thành nước rồi đột ngột lạnh lại đóng thành băng. Đây gọi là “black ice” và là một mối đe dọa rất lớn bởi vì mắt thường khó thấy, đặc biệt là khi lái xe. Chủ thớt đã thấy phải hai vụ xe ủi nhau liên hoàn trên đường nội thị (cao tốc thì không biết bao nhiêu) do đường quá trơn khiến xe mất lái. Đi bộ gặp phải băng cũng rất ngán vá nhiều lần chủ thớt đã té dập mông, thậm chí té ngược về phía sau hay té úp mặt do đi băng bị trơn. Cách tốt nhất để chống bị trượt là mua ủng để đi tuyết, tốt nhất là mua loại chuyên dụng nhưng giá hơi chát. 

B-Nấu ăn

Điều thứ hai mà nhiều người không màng để tâm khi đi sang Mỹ chính là…. nấu ăn. Chủ thớt tự hào là có tay nghề nấu ăn ăn chặt đám bạn có thể nấu từ đồ Việt như phở, mì Quảng đến đồ Hàn như japchae hay lẩu quân đội. Nhưng không phải ai cũng nấu được như chủ thớt: gần như tất cả các cô gái chủ thớt theo đuổi ở bậc đại học (còn về bản thân các cô trong phần sau sẽ kể) và một đống bạn chủ thớt không biết nấu ăn. Nghe thì có vẻ không sao nhưng thật ra nấu ăn là một skill vô cùng quan trọng. Ở đất Mỹ đồ ăn vô cùng đắt: một tô phở bình dân ở Mỹ có giá 14 Trump, trong khi với 30 Trump chủ thớt có thể làm bốn, năm, thậm chí là tám tô phở tương tự. Dĩ nhiên bạn có thể kiếm đồ ăn rẻ như McDonald hay Taco bell, nhưng ăn riết không những làm bạn ngán mà bạn còn dễ mắc các bệnh như béo phì, cao huyết áp, mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ vân vân. Thêm nửa, nấu ăn tuy cực nhưng thật sự không gì bằng một ngày mệt mỏi được ăn một bữa no nê mang hương vị quê nhà. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ ba mẹ chủ thớt chỉ biết ngồi tự nấu lại các món ở quê nhà ăn cho ngon. Và nếu các bạn không muốn ăn một mình, nấu ăn là một cách rất tốt để bạn không thấy cô đơn: đám du học sinh hay rủ nhau kéo qua nhà làm một bữa tiệc nhỏ cho đỡ cô độc ngày đông, và nấu ăn là một cách rất tốt để làm một cô gái ấn tượng. Mọi người nên học cách nấu ăn trước khi đi sang Mỹ. Nếu không biết thì các bạn có thể bò lên youtube xem các kênh như Binging with Babish, Gordon Ramsay, a meal a day hay lên facebook follow Tasty và Asian Food Channel

Vậy sang Mỹ rồi, việc nấu nướng như thế nào ? Trước hết bạn cần mua nồi, niêu, xoong chảo. Chủ thớt có hai kinh nghiệm: nếu bạn dọn tới Mỹ lúc các học kỳ kết thúc và lên craiglist hay dạo các trang rao vặt, bạn sẽ thấy rất nhiều người rao bán dụng cụ nấu ăn với giá rẻ, thậm chí cho không. Cứ dạo quanh craiglist và mua lại, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm rất rất nhiều tiền. Tương tự bạn có thể kiếm quần áo cũ, sách vở, đồ nội thất, thậm chí là đồ điện tử và xe hơi bán rẻ. Nghe bần đấy, nhưng nó sẽ giúp bạn tiết kiệm hàng trăm đô tới hàng ngàn đô.. Thứ hai, bạn nên mua ít đồ dùng thôi. Bạn sẽ phải chuyển nhà khá nhiều ở Mỹ, và mỗi lần chuyển nhà bạn sẽ phải vứt đồ cũ để rồi mua đồ mới ở chỗ ở mới. Để tiết kiệm bạn nên mua những thứ đa dụng để giảm bớt tải trọng. Thí dụ bạn nên mua một cái nồi không dính để chiên, xào, kho, luộc, nấu cơm trong nồi. Thay vì mua chén thì mua một cái bát to. Một đồ dùng mà chủ thớt nghĩ nhữn ai rỉnh rang hơn nên mua là instant pot. Instant pot  là một loại nồi đa năng có thể được dùng trong nhiều trường hợp và có thể nấu một món trong thời gian dài + luôn giữ ấm. Nếu bạn bận bịu và chỉ có một ít thời gian, instant pot là lựa chọn rất tốt để nấu ăn số lượng lớn. Nếu nơi bạn ở có một cái tủ lạnh siêu to, bạn nên mua loại nồi hầm nước 20 quart. Nó sẽ rất tiện nếu bạn muốn nấu một lượng lớn nước dùng cho phở, hủ tíu để ăn tại nhà.

Với dụng cụ đã chuẩn bị, việc tiếp theo bạn cần là đi chợ. Có hai loại chợ bạn nên tới: hệ thống siêu thị châu Á và Costco. Costco có thể được coi là thiên đường với dân Mỹ: làm một cái thẻ thành viên và bạn có thể mua sắm sỉ với giá vô cùng rẻ ở Costco. Đám du học sinh ở Mỹ thường lập một hội, hùn tiền với nhau làm thẻ Costco, sau đó cứ mỗi tháng lại ra Costco mua đồ về chất. Đồ ở Costco vô cùng rẻ, đặc biệt là thịt và rau củ quả. Cứ mua sỉ về và tống vô ngăn đá rồi rả đông ăn dần. Chưa kể các siêu thị Costco có những quầy đồ ăn lớn, vô cùng sầm uất, và cực kỳ rẻ. Điển hình là món Hotdog siêu to huyền thoại và các loại Pizza. Nhược điểm là Costco phải đóng phí hằng tháng và thường các siêu thị Costco ở xa khu dân cư. Nếu bạn không có bạn bè hội nhóm để hùng tiền đóng phí hay để vác đồ về chung thì Costco có lẽ không phải lựa chọn tốt nhất.

Lựa chọn thứ hai là các siêu thị châu Á. Ở California thì cái tên 99 Ranch market khá là nổi tiếng, nhưng có nhiều siêu thị nhỏ hơn. Thường chủ thớt khuyên là nên mua ở các siêu thị người Hoa hay người Ấn do giá thành ở đây mềm hơn. Các siêu thị châu Á của người Nhật và Hàn thường đắt hơn rất nhiều. Nhìn chung các siêu thị này phục vụ nhiều đồ Á Đông và giá khá mềm. Đây có thể coi là lợi thế lớn nhất.

Ngoài ra, các bạn nên tránh xa các siêu thị lớn, đặc biệt là các siêu thị bán đồ Organic. Giá cả của nó thường đắt hơn gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi đồ bình thường. Chủ thớt không biết ăn vào có sống lâu hơn tí nào không nhưng biết rõ là ăn đồ organic vô cùng tổn thọ cho túi tiền của bạn.

Sau đây chủ thớt sẽ trình bày một số món ăn mà chủ thớt đã dựa vào để sống sót. Tiêu chí rất là đơn giản: dễ nấu, rẻ, và dễ ăn. Còn ngon hay không thì tùy các bạn nêm nếm và khẩu vị. Và dĩ nhiên chủ thớt không chịu trách nhiệm nếu món chủ thớt thấy ngon lại là...dở với bạn :shame:

1-Phở

Nguyên liệu bạn cần: hai con gà, hai quả hành tây, vài củ sả, vài quả gừng nhỏ, ngũ vị hương, nước mắm, bánh phở khô.

Cách làm: rất đơn giản, bạn cứ đem hai con gà rả đông, rửa sạch, luộc sơ qua một lần nước để cho sạch tạp chất (nếu có điều kiện)  sau đó ném vào một cái nồi to. Nếu có tiền bạn nên mua loại gà chăn thả (free-range chicken) ở các siêu thị Á Đông và xương ống heo hay bò để thêm vị ngọt cho nước dùng. Kế đến bạn nướng sơ và lột vỏ hành tây, gừng sau đó tống vào nồi cùng với thịt gà, đổ nước lạnh vào, và để lửa vừa. Khi nấu thường xuyên dùng dao đâm vào con gà để biết gà có quá chín không: nếu bạn đâm dao vào và rút ra dễ dàng thì chứng tỏ gà đã chín. Kinh nghiệm chủ thớt là nếu bạn dùng gà chăn thả thì thời gian để thịt mềm sẽ mất khoảng 3-5 tiếng trong khi gà công nghiệp siêu thị 1-2 tiếng đã mềm nhũn ra. Khi gà chín thì bạn vớt ra, để nguội rồi xé thịt. Xương thì nên cho lại vào nồi để hầm, nếu có điều kiện thì bạn mua một túi gia vị nhỏ loại mà các đầu bếp thường dùng để bỏ xương vào, như thế khi bạn phải dọn xương ra khỏi nồi sẽ dễ hơn. Nêm nếm bằng nước mắm và ngũ vị hương cho vừa ăn. Ở một cái nồi khác bạn nên trụng qua phở khô (có thể dùng phở tươi nhưng giá phở tươi đắt gấp đôi và phở khô có thể dùng cho nhiều món khác). Nếu muốn ra thì ra các siêu thị châu Á mua giá về trụng, nếu có tiền thì bạn có thể tìm được rau thơm ở các chợ châu Á. 

Đối với chủ thớt, món phở này thật sự là món cứu cánh. Nghe mất 3-4 tiếng nấu thì hơi mệt, nhưng đổi lại bạn sẽ có đủ phở để ăn liên tục một tuần liền. Khi về chỉ việc đổ nước dùng ra hâm, trụng tí phở mới và rau, là bạn có một bữa ăn ngon lành. Thêm nữa, món này nghe đắt mà rẻ do thịt gà vô cùng rẻ ở đất Mỹ. Ngoài ra, món này có thể biến tấu thành nhiều món khác. Nếu bạn thèm phở bò, bạn chỉ cần đơn giản thay gà bằng xương bò, móng bò hầm, thêm chung móng heo và xương heo cho ngọt nước, thêm củ cải trắng (daikon) và cà rốt vô để ngọt nước. Nếu bạn thích làm cháo thì cứ rang gạo, đổ nước dùng vào (khoảng 4,5 nước cho 1 gạo) và bạn có thể làm ra món cháo ưa thích. Ngoài ra từ nước dùng này chủ thớt đã từng biến tấu sang nước cho mì quảng, miến gà vân vân để chống ngán mỗi khi ăn. À, và gái rất thích con trai biết nấu phở nên nếu bạn thích lấy le với gái thì cứ học nấu phở.

2-Cơm chiên dương châu

Có thể nói đây là món rẻ nhất và là món cứu cánh của vô số sinh viên ở Mỹ. Công thức làm cơm chiên dương châu không ai không biết nên chủ thớt không nói qua. Cái chính chủ thớt muốn nói ở đây chính là số biến tấu nhiều vô kể. Theo lời bà già chủ thớt “Cứ tọng hết vào nồi, đập quả trứng, rắt thật nhiều tiêu, và chiên lên mà ăn”.

Thường chủ thớt hay rang cơm mỗi khi đồ ăn trong tủ đã hơi cũ và không muốn ăn nữa. Kinh nghiệm của chủ thớt để món cơm chiên không bị ôi thiu là hãy dùng nhiều gừng khi chiên, xào và thêm nhiều tiêu (nhưng đừng nhiều quá) để át mùi. Cơm chiên ở Mỹ làm cũng rất là rẻ: trứng, cà rốt, đậu xanh bên Mỹ đều rẻ. Thậm chí ở Mỹ còn bán nhiều gói cà rốt cắt cục + đậu xanh đông lạnh theo bọc, ai lười thì cứ mua về rồi đến khi nấu lại đem ra rã đông, rửa, phơi cho ráo nước rồi ném vào làm cơm chiên. Còn về khoảng thịt, nếu bạn thiếu tiền thì bạn có thể mua các loại thịt đóng hộp như Spam hay xúc xích. Những món này ở Mỹ có giá rất rẻ, đặc biệt khi mua sỉ ở Costco, và bạn có thể làm khá nhiều việc với chúng. 

Một điều cần phải lưu ý: đây là cái món bạn không nên để lâu trong tủ lạnh, trừ phi mồm bạn ăn gì cũng được. Món này nếu để lâu trong tủ hay bị tình trạng ẩm do hơi nước, ăn nhão và không ngon. Nếu bạn thật sự bận, cần phải nấu một lần để ăn lâu dài thì chủ thớt khuyên mỗi khi đem ra thay vì bỏ vào lò vi-ba thì hãy đem chảo ra chiên lại với dầu ăn cho ngon.

3-Thịt heo nướng lò. 

Món này rất đơn giản: bạn ra chợ mua thịt ba chỉ của lợn (Pork Belly) sau đó đem về nhà rửa sạch. Phần da thì bạn lấy dao cứa lên rồi rắc muối lên, phần thịt ở dưới cũng cứa vài nhát rồi rắc tí muối. Nếu có tiền thì bạn có thể mua thêm tí ngũ vị hương và rượu nấu ăn của người Hoa hòa lại với nhau rồi trét vào phần thịt và để cho thấm khoảng 1 tiếng Sau đó bạn bật lò nướng (các nhà ở Mỹ thường luôn có lò nướng), set nhiệt độ lên 475 độ F (240 độ C) rồi chờ nhiệt độ lên cao thì đặt miếng thịt lên khay rồi tống vào. Khoảng 45 phút trở lên bạn sẽ có một miếng thịt heo quay khá giống với heo quay ngoài tiệm. Nếu bạn thích xá xíu thì có một mẹo đơn giản cho bạn: thay vì mua các loại nguyên liệu làm từ đầu thì bạn hòa tương đen hoisin (kiểu như tương ăn phở VN) với tương cà chua heinz, tỉ lệ 50-50. Thêm một tí nước tương và rượu nấu ăn nếu bạn thích, sau đó phết lên phần thịt heo và rắc muối lên phần da heo. Bỏ vào tủ lạnh một tiếng cho thấm thịt rồi đem nướng. Nhớ cứ mỗi 15 phút kiểm tra lại thịt heo để không bị cháy hay dính. Kiểu thịt heo này khá dễ để làm và khi về đông chủ thớt hay làm một lô thịt như thế này bỏ tủ lạnh ăn dần.

4-Mì Ý

Nói đến bữa ăn sinh viên thì không có gì bằng mì Ý. Nếu mì gói là cứu cánh sinh viên VN thì mì Ý là cứu cánh sinh viên Mỹ. Mì Ý có vô hình vạn trạng và có dao động từ cực kỳ rẻ đến vô cùng đắt tiền. Miễn là bạn biết nấu, chỉ cần bỏ chút thời gian là bạn không lo bị đói

Có khá nhiều công thức nấu mì Ý, nhưng chủ thớt sẽ chỉ bạn những công thức đơn giản, rẻ, và gọn.

Kinh nghiệm mua mì Ý thì trước hết bạn cần biết loại mì bạn cần mua: ở Mỹ có rất nhiều loại như spaghetti, angel hair, linguine, macaroni, fettuccine, penne, pastina. Theo quan niệm chủ thớt, các bạn nên mua loại spaghetti thông thường, linguine (một dạng khá là giống với spaghetti tiêu chuẩn nhưng mỏng hơn), fettuccine (khá là giống mì sợi lớn ở VN nhưng dày hơn), penne và rotini (tương tự như nui ở VN). Các loại này rẻ và hơn nữa không khó để chuẩn bị, không như một số loại pasta hay bị dính nếu nấu quá lâu và tạo ra vị khá kỳ. 

Sốt mì Ý thì bạn có thể mua ở các siêu thị. Một điều bạn nên để ý khi đi siêu thị Mỹ là các store brand, tức là những mặt hàng do hệ thống siêu thị tự sản xuất. Thí dụ nếu bạn đi Meyers sẽ có spaghetti, sữa, sốt cà chua do Meyers làm, sang Kroger thì sẽ có spaghetti, sữa, sốt cà chua, phô mai do Kroger làm. Chủ thớt thấy chất lượng không hề thua đồ hãng chuyên sản xuất mà vẫn ngon và trên hết giá rẻ hơn đáng kể. Thí dụ khi chủ thớt mua Spaghetti của Kroger thì giá chỉ là 1 USD một hộp trong khi Barilla bán 1.5 USD. Nghe thì 50 cent không là bao nhưng nếu bạn mua một lúc 20 hộp thì con số không hề nhỏ. Trong trường hợp bạn vô cùng nghèo thì cứ mua đại tương cà chua của Heinz bỏ thí vào, vị cũng không đến nỗi quá tệ đâu.

Điều mà mì Ý cần là rau và thịt. Thịt thì có các loại xúc xích Ý, rất ngon nhưng cũng khá đắt. Chủ thớt quên dùng thịt bò xay nhuyễn. Đây là món rẻ nhất trong tất cả các loại thịt và nhiều công dụng: làm mì ý, làm mì xào Á Đông, chiên với cơm, kho kiểu người Tàu, làm hamburger đều dùng đc. Rau thì có khá nhiều loại. Thường thì mì Ý nên dùng cà chua nhưng cà chua có nhược điểm là không để tủ lạnh lâu được. Chủ thớt hay dùng combo ớt chuông xanh, đỏ, vàng, mỗi thứ một trái, cùng với hành tây. Nếu bạn có tiền bạn có thể mua các loại rau thơm như rosemary và thyme. Và nếu có tiền hơn nữa thì có thể mua rượu vang để nấu chung.

Khi bạn về nấu mì thì công việc khác đơn giản. Xắt lát rau quả thành các miếng nhỏ, vừa ăn nhưng không nhỏ quá do mau cháy. Cho vào một cái chảo to tí dầu, để lửa to, rồi thả thịt bằm vào. Thịt bằm có khá nhiều mỡ nên một hồi mỡ sẽ lênh láng, bạn có thể chế bớt ra hay dữ lại. thêm muối, tiêu vào, sau đó bỏ các loại rau quả vào xào. Nếu có mua rau thơm Ý thì hãy cạo hết lá ra, băm nhỏ, rồi cho vào. Nếu có rượu thì đây là lúc cho vào luôn. Sau đó bạn đổ sốt cà chua vào, khuấy lên, chỉnh lửa nhỏ, và để cho nấu. Ở một nổi khác thì bạn luộc mì Ý theo công thức họ chỉnh. Nhớ là nên thêm tí muối vào nước mì ý để sợi mì được ngon, và nấu đến khi còn hơi hơi cứng thì tắt lửa để cho mì tự chính. Thêm một chút nước mì Ý vào nồi sốt của bạn sẽ làm sốt đặc lại và ngon hơn nhiều. Chúc mừng, bạn đã làm thành công món mì Ý. Chủ thớt từng làm vài nồi như thế để trong nhà ăn dần cho không ngán. Nếu bạn ngán mì Ý, bạn có thể dùng sợi mỳ để xào kiểu áo đông. Đơn giản là bỏ dầu vào chảo đun lửa lớn, phi tí tỏi và gừng vào, bỏ thịt bằm vào, thêm nước tương vô, sau đó bỏ rau và cuối cùng bỏ mì vào xào trên lửa lớn. Với công thức này bạn có thể biến tấu nó thành tất cả những gì bạn muốn

5-Thịt bằm và thịt sụn: người bạn của lũ học sinh khốn khó

Thịt bằm và thịt sụn có thể nói là hai người bạn đồng môn thân thiết nhất của chủ thớt những năm đại học. Điểm chung là hai thứ thịt này vô cùng rẻ và vô cùng đa dụng. Trước hết nói về thịt bằm. Món thịt này như đã nói khá là đa dạng vể công dụng. Một trong những món mà chủ thớt học được từ ông anh người Tàu chính là thịt băm kho. Nói đơn giản, bạn lấy một cái chảo, phi tí dầu và tỏi vào, rồi đổ thịt băm vào và nấu trên lửa lớn. Khi thịt đã hơi chín, bạn thêm nước tương Magi hoặc hỗn hợp 2 light soy sauce 1 dark soy sauce 1 dầu hào (oyster sauce) vào nếu bạn có tiền hay nguyên liệu. Phi vào thêm chút gừng và đảo trên lửa lớn đến khi thịt chín và bạn có món thịt bằm kho. Hoặc nếu bạn thèm hamburger của Mỹ, bạn có thể tự tay làm cho mình: lấy thịt bằm đem trộn với trứng, nhào nặn thành khuôn, rồi bỏ lên một cái chảo ít dầu chiên chín hai mặt sau đó kẹp vào giữa hai miếng bánh burger cùng rau lettuce, hành tây, và cà chua. Cái món hamburger của dân Mỹ cơ bản chỉ có thế. 

Thịt sụn thì hơi khó kiếm hơn nhưng rất rẻ. Bạn kiếm được món thịt sụn này ở các siêu thị Á Đông, giá thường chỉ bằng một nửa hay một phần ba các loại thịt khác. Chỗ chủ thớt giá thịt sụn chỉ là 0.49 USD cho 1 lb trong khi thịt ba rọi là 1.29 USD cho 1 lb. Mua thịt sụn về rửa sạch, đổ vô một cái nồi to rồi hầm và nhớ vớt bọt. Khi thịt chín và sụn đã khá mềm thì vớt ra. Một bên là bạn có một nồi nước dùng để nấu canh và các loại mì, bún. Một bên là bạn có thịt sụn mà bạn có thể đem đi kho với công thức tương tự như món thịt bằm kho chủ thớt nói ban nãy

6-Các món Hàn Quốc.

Ngoài các món VN ra, chủ thớt ăn khá nhiều đồ Hàn, một phần không nhỏ vì đồ Hàn rất dễ nấu và không yêu cầu nhiều nguyên liệu. Thêm nữa ở Mỹ dân Hàn khá đông nên bạn không lo không kiếm được nguyên liệu, có điều tùy siêu thị thì có siêu thị Hàn rẻ, có siêu thị Hàn đắt. Nhược điểm là đồ Hàn có vị hơi ngọt và lờ lợ đối với một số người VN nên có thể ăn không ngon, nhưng vì chủ thớt là cái thằng đến đồ ăn thùng rác còn lén lấy ra ăn cho được nên chủ thớt không màng lắm. Vì chủ thớt không phải người Hàn nên chủ thớt sẽ link cái kênh Youtube one meal a day. Họ có dạy làm nhiều món đơn giản mà mọi người có thể học theo để mà làm.

https://www.youtube.com/channel/UCPWFxcwPliEBMwJjmeFIDIg

C- Những nghề tay trái: cắt tóc và sửa xe

Trên Facebook chủ thớt có để một tấm ảnh chủ thớt chụp trước trường UC Berkeley. Nếu mọi người nhìn vào thì sẽ thấy đầu chủ thớt đúng nghĩa… đầu buồi. Đây là do chủ thớt tự cắt tóc khi nhìn vào gương và kết quả là trông xấu vô cùng. 

Cắt tóc bên Mỹ không hề rẻ: chủ thớt đi cắt tóc giá xê dịch từ 15-27 USD, và đó là cắt tóc bình dân. Cứ mỗi một tháng đi cắt tóc thôi là bạn bay mất 25 USD, bằng một nữa tiền ăn chủ thớt mỗi tuần. Vì thế khi đám DHS qua bên Mỹ, tụi nó hay kháo nhau tự cắt tóc để bớt đi chi phí. Đa phần đều là coi youtube và đè đầu thằng khác ra cắt rồi sau đó cho nó cắt mình. Nếu bạn có bạn bè thân sống chung, đi chung và bạn ở Mỹ lâu dài, cắt tóc là một skill mà chủ thớt nghĩ mọi người nên học khi qua Mỹ.

Skill thứ hai là sửa xe. Skill này khá là quan trọng nếu như bạn có xe hơi. Giống như ở VN, các garage Mỹ sẽ không từ bất kỳ cơ hội nào để vẽ thêm rồng rắn nhằm thu phí sửa xe cao hơn. Nếu bạn tính qua Mỹ và mua xe, hãy học một số skill đơn giản như cách thay dầu nhớt, cách thay nước rửa kính xe, cách kiểm tra và thay bánh lốp cũng như sửa chửa vài lỗi vụn vặt. Như thế sẽ giúp bạn tiết kiệm cả núi tiền khi sửa xe và cũng giúp bạn lấy le với gái nếu như có ngày gái nhờ vả.

Một khi đã chuẩn bị được ngần ấy thứ thì xin chúc mừng, các bạn đã giúp cuộc đời du học của mình dễ thở hơn được khoảng 50%. Trong chương tới chủ thớt sẽ bắt đầu kể về những chuyện hỉ, nộ, ái, ố mà chủ thớt đã gặp ở đất Mỹ bắt đầu từ vấn đề ai cũng muốn biết: tình dục và tình yêu Hoa Kỳ.

Tags:
Đến tuổi trung niên, khi cha mẹ qua đời, bạn sẽ nhận ra 3 sự thật quan trọng này

Đến tuổi trung niên, khi cha mẹ qua đời, bạn sẽ nhận ra 3 sự thật quan trọng này

Sau khi bố mẹ bạn ra đi, người bạn yêu thương nhất đã không còn trên đời này nữa. Những mối quan hệ của bạn cũng thay đổi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất