Ông Biden và nỗ lực vực dậy tham vọng không thành thời Obama

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề xuất kế hoạch tham vọng nhằm cải tổ hệ thống nhập cư ngay trong ngày nhậm chức 20/1.

22:30 24/01/2021

Kế hoạch sửa đổi luật nhập cư của ông Biden được gửi lên Quốc hội ngày 20/1, đánh dấu nỗ lực cải cách nhập cư lớn nhất kể từ năm 2013 dưới thời Obama. Năm đó, một dự luật được Thượng viện thông qua, nhưng lại sụp đổ ở Hạ viện một năm sau đó.

Đề xuất của ông Biden sẽ bao gồm ba phần chính: “lộ trình trao quyền công dân” cho hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, các điều khoản giải quyết căn nguyên của làn sóng di cư, và kiểm soát biên giới, Washington Post dẫn nguồn một số quan chức phụ trách chuyển giao.

Các thay đổi sâu rộng

“Lộ trình trao quyền công dân” sẽ là lộ trình 8 năm. Theo đó, hàng triệu người nhập cư đạt các tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy tờ hợp pháp tạm thời trong 5 năm. Sau đó, họ có thể được cấp thẻ xanh, nếu hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế và kiểm tra lý lịch. Cuối cùng, họ có thể nộp đơn xin hộ chiếu sau ba năm nữa.

Những người thuộc diện DACA - tức diện tạm trú dành cho những người được cha mẹ đưa vào Mỹ khi còn nhỏ, thay vì chủ định nhập cư vào Mỹ - sẽ có thể nộp đơn xin thẻ xanh ngay lập tức.

chinh sach cua ong Biden anh 1

Ngay trong ngày 20/1, ông Biden sẽ đề ra kế hoạch cải tổ nhập cư tham vọng. Ảnh: AP.

Kế hoạch của ông Biden cũng sẽ nhắm đến căn nguyên của làn sóng nhập cư, tị nạn vào Mỹ, chủ yếu là ở khu vực Trung Mỹ. Ông sẽ vận động thay đổi các chính sách trong khu vực đã khiến người dân các nước Trung Mỹ phải rời bỏ quê hương, xin tị nạn vào Mỹ.

“Suy cho cùng, bạn không thể giải quyết vấn đề di cư trừ khi giải quyết nguyên nhân gây ra tình trạng di cư đó”, một quan chức nói với Washington Post.

Về kiểm soát biên giới, kế hoạch của ông Biden sẽ giao cho Bộ An ninh Nội địa đề xuất các phương án tận dụng công nghệ để thắt chặt an ninh biên giới.

Ông Biden từ lâu đã cam kết sẽ không mở rộng tường biên giới. Tường biên giới Mỹ - Mexico chỉ được mở rộng một phần nhỏ dưới thời Trump, dù ông Trump khi tranh cử năm 2015 luôn hô hào xây tường biên giới và “bắt Mexico trả tiền” - đòi hỏi chưa bao giờ thành hiện thực.

“Đây không phải tường, và cũng sẽ không trưng dụng tiền của Bộ Quốc phòng”, một quan chức cho biết, ý nói đến chiêu thức mà ông Trump phải dùng tới để trả tiền xây tường, dù đã hứa sẽ đòi Mexico trả tiền.

Kế hoạch của ông Biden cũng sẽ trao quyền đi làm cho vợ/chồng, con cái của những người có visa làm việc tạm thời (chẳng hạn, H-1B). Nhưng số lượng visa H-1B (dành cho lao động nước ngoài trình độ cao) và H-2B (dành cho lao động trình độ thấp, không thuộc ngành nông nghiệp) sẽ không được mở rộng.

Những người tốt nghiệp tiến sĩ các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) có thể được miễn giới hạn về visa. Những người phê phán cho rằng các giới hạn visa đang khiến nhân tài chuyển đi các nước khác, khiến Mỹ bị “chảy máu chất xám”.

Liệu có vượt qua được Thượng viện?

Kế hoạch của ông Biden đã nhận được lời khen từ những nhà hoạt động ủng hộ nhập cư, các nghị sĩ Dân chủ đã cố gắng cải tổ nhập cư từ nhiều thập kỷ nay. Số người nhập cư không có giấy tờ hợp thức ở Mỹ vào khoảng 10,5-12 triệu, và nhiều người sống với tương lai khó đoán định, gặp nhiều rủi ro về pháp lý, không có cơ hội vươn lên như những người ở Mỹ theo diện hợp thức.

Nhưng ông Biden cũng sẽ phải thuyết phục được một đảng Cộng hòa mà trong nhiều năm qua ngày càng dịch chuyển xa hơn về cánh hữu trong vấn đề nhập cư, nhất là sau bốn năm ông Trump liên tục kích động giận dữ, chống đối người nhập cư.

Động thái ưu tiên vấn đề nhập cư cũng sẽ khiến chính quyền Biden khác biệt với chính quyền Obama. Chính quyền Obama từng bị chỉ trích vì không giải quyết vấn đề nhập cư vào đầu nhiệm kỳ, khi đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.

Ông Biden cũng sẽ ban hành hàng loạt sắc lệnh ngay ngày đầu tiên, bao gồm hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh với công dân từ các nước đa số Hồi giáo, xem xét lại các chương trình tạm trú hợp pháp (temporary protected status) để xem có thể nối lại những chương trình nào từng bị ông Trump chấm dứt.

chinh sach cua ong Biden anh 2

Một số gia định nhập cư không có giấy tờ được thả ra khỏi trại tạm giam ở bang Texas năm 2018. Ảnh: Reuters.

Ông Biden muốn đưa hệ thống nhập cư, xử lý đơn xin tị nạn về như trước, tức “một quy trình nhân đạo và trật tự hơn”, theo các quan chức.

Dù vậy, phía ông Biden cũng luôn nói rõ rằng “đây không phải là vấn đề bật - tắt một chiếc công tắc, thay đổi được “trong một đêm” từ ngày 19/1 sang ngày 20/1, nhất là khi các cơ quan, các quy trình đã bị phá hỏng hoàn toàn bởi chính quyền trước”.

Để kế hoạch của ông Biden thành luật, chính quyền sẽ cần phải giữ được toàn bộ số phiếu của nghị sĩ Dân chủ, đồng thời thuyết phục ít nhất 10 nghị sĩ Cộng hòa trong Thượng viện, theo Washington Post.

Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa từng ủng hộ dự luật năm 2013 vẫn còn trong Thượng viện, như Lindsey Graham (bang South Carolina) hay Marco Rubio (bang Florida), nhưng một số nghị sĩ khác giờ không còn trong Thượng viện.

Tags:
Cuộc hôn nhân bất ngờ của cô gái Việt mắc kẹt ở Mỹ

Cuộc hôn nhân bất ngờ của cô gái Việt mắc kẹt ở Mỹ

Cũng vì không thể về nước do Covid-19, Quỳnh Trâm gặp được ý trung nhân của đời mình. Lần đầu gặp mặt cũng là ngày họ đính hôn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất