Ông Trump gửi cảnh báo tới toàn dân Mỹ

Ngày 3/10, vào đúng 14h18 EST (2h18 phút sáng 4/10 theo giờ Việt Nam), Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang (FEMA)...

07:00 05/10/2018

Ngày 3/10, vào đúng 14h18 EST (2h18 phút sáng 4/10 theo giờ Việt Nam), Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang (FEMA) cùng với Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) tiến hành thử nghiệm hệ thống cảnh báo khủng hoảng đầu tiên trên toàn nước Mỹ. Theo đó, dân chúng Mỹ sẽ nhận được các tin nhắn cảnh báo tình trạng khủng hoảng từ Tổng thống.

Thử nghiệm cấp quốc gia

Trả lời phỏng vấn trong chương trình CBS This Morning sáng ngày 3/10, ông Antwane Johnson từ FEMA nói rằng: “Cảnh báo Tổng thống được dùng để gửi các báo động khủng hoảng cấp quốc gia, bao gồm cảnh báo sóng thần, hay hoạt động kích hoạt tấn công tên lửa của quân đội các nước thù địch nhắm vào Hoa Kỳ”.

Người đứng đầu cơ quan vận hành hệ thống báo động công chúng Mỹ, nơi chịu trách nhiệm gửi tin nhắn cảnh báo cũng khẳng định, “khi những tin nhắn đó xuất hiện trên thiết bị di động, mọi người nên ghi nhớ nội dung được thông báo một cách nghiêm túc bởi Chính phủ có thể nhanh chóng tiếp tục thông báo về các sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia”.

Kể từ năm 2012, các cơ quan Chính phủ Mỹ đã gửi hơn 40.000 cảnh báo qua điện thoại cho các trường hợp khủng hoảng liên quan đến các thảm họa thiên nhiên, nhưng chỉ trong phạm vi một khu vực cố định. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một hệ thống báo động được áp dụng trên toàn nước Mỹ.

Theo lời viên chức FEMA, trong quá trình thử nghiệm tin nhắn sẽ có tựa đề “Cảnh báo từ Tổng thống Mỹ” và có âm chuông lớn với tiếng rung đặc biệt. Những người sử dụng điện thoại di động tại Mỹ sẽ không thể từ chối dịch vụ này, theo luật năm 2006 được Quốc hội Mỹ thông qua (Đạo luật cảnh báo và phản hồi dưới thời Tổng thống George W. Bush).

Sau đó, các thuê bao di động tiếp tục nhận tin: “Đây là thử nghiệm của Hệ thống cảnh báo khẩn cấp không dây quốc gia. Mọi người không cần hành động gì cả”.

Ngoài các cảnh báo không dây, một số thử nghiệm cảnh báo cũng tiến hành thông qua đài phát thanh và truyền hình, hệ thống cáp, radio vệ tinh, nhà cung cấp truyền hình và video wireline.

Dân Mỹ mất niềm tin vào ông Trump

Tuy nhiên, phản ứng với thông tin từ cuộc thử nghiệm “Cảnh báo tổng thống”, nhiều người lo lắng họ sẽ nhận được rất nhiều tin nhắn ngẫu hứng từ Tổng thống Trump, giống như việc nhà lãnh đạo đăng tải nhiều tin nhắn trên Twitter mỗi ngày.

Một phụ nữ với nickname Jenifer đã để lại tin nhắn trên hệ thống mạng không dây Verizon Wireless CS: “Điều này thật không ổn. Tôi không muốn nhận bất kỳ tin nhắn từ chính quyền Trump. Chả có điều gì tôi muốn nghe hay cần nghe từ ông ấy (ám chỉ Tổng thống Mỹ Donald Trump). Ông ấy là người dễ thay đổi. Vì thế, những cảnh báo từ ông ấy sẽ chẳng hữu ích”.

Người phụ nữ trên còn cho rằng, tốt nhất là nên tắt điện thoại trong thời gian thử nghiệm nêu trên. Trong khi đó, hồi tuần trước, 3 công dân tại New York đã khởi kiện Chính phủ, yêu cầu hủy bỏ việc thử nghiệm gửi tin nhắn. Họ cho rằng, Chính phủ đang xâm phạm tự do ngôn luận và kiểm soát thiết bị điện tử trái phép.

Đáp trả các ý kiến này, ông Antwane Johnson khẳng định, hệ thống cảnh báo sẽ được vận hành dựa trên luật pháp, chính sách và quy trình chuẩn. Theo đó, hệ thống sẽ không được sử dụng để truyền tải thông điệp không liên quan đến thiên tai, hành vi khủng bố, thảm họa hoặc đe dọa khác đối với an toàn công cộng.

Cuộc thử nghiệm ngày 3/10 vốn được lùi lại 2 tuần so với kế hoạch ban đầu vào ngày 20/9 vì ảnh hưởng của cơn bão Florence. Theo FEMA, hơn 100 nhà mạng trên khắp nước Mỹ sẽ tham gia thử nghiệm, vì vậy hầu hết người Mỹ sẽ nhận được tin nhắn.

Cảnh báo tổng thống là một phần của hệ thống Cảnh báo khẩn cấp không dây, theo một điều luật mà cựu Tổng thống Barack Obama ký năm 2016, yêu cầu FEMA tạo ra một hệ thống cho người đứng đầu Nhà nước để phát sóng các thông báo về thiên tai và các cuộc tấn công khủng bố cho công chúng.

Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo khẩn cấp nào cũng có thể bị lỗi, theo ông Irwin Redlener, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về ứng phó thiên tai tại Đại học Columbia.

“Một cảnh báo sai về mối đe dọa tên lửa sắp xảy ra cho Hawaii đã gây ra hoảng sợ lan rộng trong tháng 1/2018. Nhưng hiện tại, mối quan tâm phần nhiều là ở tính cách của Tổng thống Trump”, ông Redlener trình bày ý kiến trên CBS.

Đồng quan điểm trên, cựu Bộ trưởng An ninh nội địa Jeh Johnson cho rằng, hệ thống mới nên được thiết kế sử dụng trong các trường hợp rất đặc biệt để thu hút sự chú ý của người dân và không nên dành cho các chương trình nghị sự chính trị.

Theo CBS, cựu quan chức từng phục vụ chính quyền Tổng thống Obama muốn ám chỉ các hành vi lợi dụng hệ thống cảnh báo mang tính chất chính trị cao có thể được đưa ra khi cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ đang tới gần.

Tags:
Cả đời không uống một giọt rượu, ông Trump giỏi kiểm soát hay có nỗi ám ảnh 'thầm kín'?

Cả đời không uống một giọt rượu, ông Trump giỏi kiểm soát hay có nỗi ám ảnh "thầm kín"?

Một cựu quan chức Nhà Trắng tiết lộ: "Ông Trump thông thường không muốn đề cập tới vấn đề đạo đức, nhưng riêng về chuyện rượu bia thì ông ấy rất gay gắt."

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất