Ông Trump thâu tóm quyền hành để chống đại dịch corona ra sao?

Chỉ trong vài tuần lễ, Tổng thống Donald Trump đã có được những quyền hạn và ảnh hưởng đặc biệt vào thời điểm có cuộc khủng hoảng quốc gia.

11:00 11/04/2020

Trong cuộc chiến chống COVID-19, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia giúp ông có thể điều động các tàu bệnh viện đến New York và Los Angeles, buộc các hãng sản xuất ô-tô phải sản xuất máy thở và giảm bớt các qui luật về vaccine và chữa trị.

Những việc này và các bước khác được ca ngợi là những biện pháp y tế công cộng thiết yếu, nhưng với cái giá phải trả về tự do dân sự và sự quản trị dân chủ.

Sau nhiều năm bất bình trong việc ngăn chặn di dân bất hợp pháp đến từ Mexico và Trung Mỹ, chính quyền hiện có quyền bắt giữ và trục xuất ngay những di dân không giấy tờ căn cứ trên nhu cầu bảo vệ sức khỏe của công chúng.

Và trong một dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông có thể chi hàng ngàn tỉ đô la nếu thấy thích hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng virus corona nhưng bớt bị giám sát của Quốc hội và những tổ chức theo dõi chính phủ, ông Trump đang phát động một cuộc tấn công chống lại một mạng lưới các tổng thanh tra liên bang để làm suy yếu những cuộc thanh tra và nhiệm vụ của họ.

Bà Kimberly Wehle, giáo sư luật thỉnh giảng tại Trường đại học American ở Washington D.C, nói việc cách chức hai thanh tra mới đây dường như là một nỗ lực “củng cố quyền hành” trong tình trạng khẩn cấp.

“Đây là một đòn giáng chí mạng vào nguyên tắc pháp trị và trách nhiệm của chính phủ,” bà Wehle nói. “Các tổng thanh tra tồn tại là để bảo vệ công chúng khỏi bị lừa dối, phí phạm và lạm quyền.”

Các học giả hiến pháp bảo thủ nói ông Trump đã cẩn thận tránh viện dẫn bất cứ quyền hiến định chính yếu nào trong việc đối đầu với dịch bệnh.

Ông Saikrishna Prakash, giáo sư luật hiến pháp trường Luật Đại học Virginia, nói ông Trump đã áp dụng một “ý niệm rất truyền thống” của quyền hành chánh, dựa phần lớn vào quyền lục do Quốc hội trao cho ông.

“Theo như chỗ tôi có thể nói được, ông Trump không cố sức đọc Hiến pháp khi Hiến pháp đã cho ông nhiều quyền hạn,” ông Prakash nói.

Dù đặc biệt nhưng hành động của chính quyền ông Trump không đáng kể so với những bước các chính phủ chuyên chế trên thế giới thực hiện.

Tại Hungary, một chính phủ được xem là dân chủ tại Châu Âu, Thủ tướng hiện đang điều hành đất nước bằng sắc lệnh để chống dịch COVID-19, nhờ vào một đạo luật được Quốc hội thông qua mới đây.

Tại Anh, chính phủ được quyền đóng cửa biên giới và bắt giữ những ai bị nghi nhiễm virus.

Trong khi ông Trump cho tới nay chống lại lời kêu gọi đóng cửa toàn quốc và những biện pháp cực đoan khác, ông đã viện dẫn những công cụ do Quốc hội trao cho. Trong số đó có Luật Khẩn cấp Quốc gia năm 1976, cho phép Tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và tận dụng thêm 136 đạo luật khác nữa.

Trong khi những hành động này, cùng các biện pháp khác của các tiểu bang, lên đến mức mở rộng quyền hạn của chính phủ và gây nên những quan ngại về các quyền dân sự nhưng chưa gặp bất kỳ chống đối nào cả.

Trong thời kỳ chiến tranh hay thiên tai dịch họa, người Mỹ theo truyền thống đều đứng sau lưng Tổng thống và cho phép ông viện dẫn những quyền hạn đặc biệt, như là Tổng thống Abraham Lincohn ngưng áp dụng cơ chế pháp luật bảo hộ quyền nhân thân habeas corpus, và Tổng thống Franklin D. Roosevelt đưa người Mỹ gốc Nhật vào các trại tập trung trong Thế chiến Thứ hai.

Tuy vậy, một số người cảnh báo là Tổng thống đang lợi dụng thời kỳ khủng hoảng để nới rộng quyền hạn để tiến hành những chính sách gây tranh cãi.

“COVID-19 là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe công chúng, nhưng không nên được dùng để đe dọa các quyền tự do dân sự hay chính phủ dân chủ,” ông Nick Robinson, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc tế Luật Bất vụ lợi nói. Trung tâm này theo dõi những vụ vi phạm quyền tự do dân sự trên toàn thế giới.

Lo ngại về những quyền hạn mới có thể tồn tại lâu hơn không phải là vô căn cứ.

Sau những cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, chính quyền Tổng thống George W. Bush nắm giữ quyền theo dõi rộng rãi và những quyền về an ninh quốc gia khác. Quốc hội và tòa án phải mất nhiều năm để hành pháp rời bỏ những quyền này.

Di trú

Không lĩnh vực nào mà những quyền khẩn cấp mới xác lập của chính quyền lại có ảnh hưởng trực tiếp hơn là vấn đề di trú.

Tháng trước, chính quyền hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới với Mexico và Canada nhân danh sức khỏe của công chúng.

“Các giới chức y tế hàng đầu của đất nước chúng ta đặc biệt quan tâm đến hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân do hành động vượt biên giới đông đảo không kiểm soát được,” ông Trump nói.

Trong khi Quốc hội bác bỏ đề nghị của chính quyền ngưng bảo vệ những người xin tị nạn, chính quyền tìm cách khác để hạn chế những đơn xin tị nạn thông qua chỉ định của CDC là những di dân bất hơp pháp là “mối đe dọa đối với sức khỏe của công chúng.”

Chỉ định này giúp chính phủ bỏ một chính sách có từ lâu yêu cầu chớ trả những người xin tị nạn về nước, nơi họ có thể bị đàn áp, theo như bà Sarah Pierce thuộc Viện Chính sách Di trú.

Hiện nay hầu như tất cả di dân Trung Mỹ bị bắt tại biên giới Mỹ đều bị trục xuất nhanh chóng về nước mà không cần phải gặp nhân viên di trú, trong khi con số trẻ em không có người đi kèm bị trả về ngày càng tăng, mà có lúc các em được giao cho người giám hộ hay thân nhân trong gia đình.

Bà Pierce nói những hạn chế tại biên giới liên hệ đến COVID-19 sẽ khó bị rút lại dù cho sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt.

“Đây là điều chính quyền đã cố gắng thi hành từ rất lâu,” bà Pierce nói. “Tôi không kỳ vọng chính quyền rút lại những hạn chế này.”

Ông John Malcolm thuộc tổ chức Heritage Foundation bảo thủ bác bỏ quan niệm là hành động của ông Trump có động cơ chính trị.

Ông nói “Theo tôi, không có gì nghi ngờ về việc Tổng thống và các thống đốc đang nỗ lực phản ứng đối với một tình trạng rất khó khăn.”

Quyền giam giữ vô thời hạn

Khi tiến đến việc ban hành gói trợ cấp liên hệ đến virus corona trị giá 2.200 tỉ đô la trong tháng trước, Bộ Tư pháp yêu cầu Quốc hội trao cho những quyền khẩn cấp khiến cho những người bênh vực các quyền tự do phải báo động.

Một đề nghị cho phép các thẩm phán ngưng các thủ tục tố tụng trong tình trạng khẩn cấp. Một đề nghị khác cho phép Sở Trại giam được giữ tù nhân vô hạn định trong tình trạng khẩn cấp.

Ông Robinson nói điều làm cho biện pháp được đề nghị giữ tù nhân là “nguy hiểm” vì có thể được sử dụng trong tương lai.

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp nói biện pháp được đề nghị là một phần của “các khuyến nghị đang được soạn thảo” để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và “không trao đổi ý kiến với ngành hành pháp.”

Thách thức các tổng thanh tra

Từ lâu là một người chỉ trích các tố chức giám sát chính phủ, ông Trump dùng cuộc khủng hoảng để hành xử quyền hành đối với các tổng thanh tra độc lập được bổ nhiệm để bảo đảm tính minh bạch của chính phủ.

Tháng trước, ông Trump thề quyết là chính quyền ông sẽ không hợp tác với điều khoản minh bạch của gói cứu trợ corona 2.200 tỷ đô la mà ông đã ký.

Hiến pháp có điều khoản qui định là Tổng thống ‘sẽ đảm bảo là luật pháp được thi hành một cách trung thực.’

Trong vòng 4 ngày, ông Trump đã cách chức hai tổng thanh tra và công khai chỉ trích nặng nề người thứ ba.

Ông Trump hai lần chỉ trích cơ quan giám sát Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh liên quan tới báo cáo về việc chậm trễ xét nghiệm và thiếu hụt trang bị tại các bệnh viện. Ông gọi báo cáo là “giả hiệu” và nghi ngờ về tính không thiên vị của tổng thanh tra.

Theo VOA

Tags:
Mỹ gửi nguyên liệu tiếp tục sản xuất thiết bị bảo hộ y tế ở Việt Nam

Mỹ gửi nguyên liệu tiếp tục sản xuất thiết bị bảo hộ y tế ở Việt Nam

Bộ Y tế và Các dịch vụ nhân sinh Mỹ mới thông báo về việc sẽ tiếp tục gửi nguyên liệu để sản xuất các thiết bị bảo hộ y tế ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất