Phe ông Trump trông đợi gì khi đòi kiện lên tới Tòa Tối cao?

Tuy Tòa án Tối cao không có quyền quyết định ai đắc cử tổng thống, phán quyết của cơ quan này có thể dẫn đến thay đổi số phiếu phổ thông của ứng viên, gián tiếp thay đổi cục diện.

11:00 10/11/2020

Cho đến nay, tất cả các kênh truyền thông lớn ở Mỹ đều tuyên bố cựu Phó tổng thống Joe Biden trở thành người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Tuy rằng kết quả chính thức sẽ chỉ được xác nhận vào giữa tháng 12, khi đại cử tri ở các bang nhóm họp và bỏ phiếu bầu tổng thống theo truyền thống. Quá trình chuyển giao quyền lực và bảo vệ tổng thống đắc cử phải được kích hoạt ngay lúc này.

Thế nhưng, trong kỳ bầu cử năm nay, việc Tổng thống Donald Trump theo đuổi các vụ kiện liên quan đến bầu cử khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu kết quả có thể thay đổi không?

Xét đến thời điểm này, những nỗ lực của Tổng thống Trump có thể sẽ rất tốn kém và khó khăn, trong khi kết quả đem lại là không bảo đảm.

Từ trước bầu cử, tổng thống Trump đã cảnh bảo khả năng ông sẽ yêu cầu Tòa án Tối cao định đoạt kết quả cuộc bầu cử, gợi nhớ đến tình huống năm 2000 trong vụ ông George W. Bush và Al Gore.

Vai trò thực sự của Tòa án Tối cao

Trái với suy nghĩ thông thường, không một toà án nào ở Mỹ, kể cả Tòa Tối cao, có quyền quyết định ai là người thắng cuộc trong một cuộc bầu cử. Theo Hiến pháo Mỹ, chỉ cử tri đoàn do cử tri phổ thông bầu lên là có quyền đó.

Những phán quyết của toà án Mỹ liên quan đến bầu cử chỉ là một phương tiện giúp cho các ứng cử viên tăng số phiếu “hợp lệ” của mình, và loại bỏ những phiếu được cho là “không hợp lệ” của đối phương, từ đó gián tiếp thay đổi kết quả cuộc bầu cử.

Tòa án Tối cao Mỹ không có quyền công nhận hay huỷ bỏ kết quả bầu cử tổng thống như vai trò của các toà án hiến pháp nhiều quốc gia.

Việc tố cáo gian lận bầu cử (chẳng hạn như các cáo buộc thay đổi kết quả, dùng phiếu giả, vứt bỏ phiếu bầu) - nếu có - thì không phải do toà án quyết định mà là do các cơ quan chấp pháp xử lý.

Cho đến nay, đội ngũ tranh cử của ông Trump cũng không đưa ra các bằng chứng rõ ràng cho các cáo buộc gian lận này. Vì thế, rất khó để bình luận về tính khả thi trong chiến thuật pháp lý của phe ông Trump.

Do vậy, con đường pháp lý của ông Trump để thay đổi kết quả bầu cử được nhiều chuyên gia đánh giá là “cuộc chiến ngược đồi” (uphill battle).

Bản chất các vấn đề trong vụ kiện của ông Trump

Nhóm của Tổng thống Trump chỉ đang tiến hành các vụ kiện pháp lý tại 5 tiểu bang chính là Pennsylvania, Georgia, Nevada, Arizona, Michigan, cùng một nỗ lực đòi đếm lại phiếu bầu tại Wisconsin.

Tuy nhiên, không vụ kiện nào liên quan trực tiếp đến các cáo buộc gian lận bầu cử, mà chỉ thuần tuý liên quan đến trả lời ba câu hỏi.

Một là các quan sát viên có được tham gia giám sát việc kiểm phiếu không?

Kế đến, thời hạn hợp lệ để kết thúc đếm phiếu bầu là khi nào?

Cuối cùng, loại phiếu bầu nào thì được quyền kiểm đếm?

Cần lưu ý rằng luật bầu cử Mỹ được giao cho từng tiểu bang quyết định, mà cụ thể là nghị viện tiểu bang.

Trong ba vấn đề trên, việc khởi kiện của ông Trump liên quan đến quyền tiếp cận giám sát kiểm phiếu tại hai bang Pennsylvania và Michigan sẽ không làm thay đổi trực tiếp kết quả bầu cử.

Nếu có tác dụng, những vụ kiện này chỉ là để chiến dịch của ông Trump thu thập các “bằng chứng” của việc gian lận bầu cử - nếu chúng thực sự xảy ra.

Giám sát bầu cử là quyền của mọi công dân, với điều kiện nó không gây áp lực không đáng có lên cho nhân viên kiểm phiếu, như lập luận của bang Pennsylvania và lưu ý của toà án.

Cho đến nay, giới chức bang Michigan đã từ chối đề xuất của ông Trump vì cơ bản bang này đã kiểm đếm xong. Chính quyền bang Pennsylvania cũng đã thống nhất được số lượng quan sát viên hai bên được tiếp cận nơi kiểm đếm, với những giới hạn về khoảng cách an toàn.

Vấn đề thứ hai liên quan đến thời hạn các bang phải dừng kiểm phiếu, thì câu trả lời đã khá rõ ràng trong luật bầu cử mỗi bang.

Trái với những gì ông Trump và những người ủng hộ cố gắng đưa ra, rằng kết quả cuộc bầu cử phải được công bố trong ngày bầu cử (năm nay là 3/11), thời điểm các bang được quyền kết thúc kiểm phiếu có thể kéo dài đến tận 10 ngày sau 3/11.

Trên thực tế, chưa tiểu bang nào ở Mỹ đã hoàn tất việc kiểm đếm phiếu cho đến thời điểm này - kể cả những bang mà ông Trump thắng như Ohio và Florida.

Vì vậy, tranh luận rằng ông Trump đã thắng cử do dẫn trước rất lớn trong đêm bầu cử, cùng với lập luận việc tiếp tục đếm phiếu bầu sau ngày 3/11 là bất hợp pháp, đều không có căn cứ.

Đội ngũ pháp lý của ông Trump có lẽ biết điều này, nên họ cũng không thực hiện một vụ kiện nào liên quan.

Trump kien ket qua bau cu anh 2

Viên chức bầu cử đang kiểm tra phiếu bầu ở Pennsylvania. Ảnh: CNN.

Trọng điểm là ở Pennsylvania

Chỉ còn vấn đề thứ ba là tranh cãi mấu chốt, là việc đánh giá phiếu bầu nào được quyền kiểm đếm.

Hiện nay, chỉ duy nhất một vụ kiện có thể được Tòa án Tối cao thụ lý, là vụ kiện chính quyền bang Pennsylvania cho phép kiểm đếm các phiếu bầu đến sau hôm 3/11 trong ba ngày, miễn là nó được đóng dấu bưu điện vào đúng ngày bầu cử.

Phe ông Trump lập luận rằng đây là quy định không do nghị viện bang đưa ra, mà là do Toà án tối cao bang Pennsylvania phán quyết. Vì vậy, nó vi phạm nguyên tắc toà án không can dự vào lập pháp ở tiểu bang.

Với vấn đề này, Tòa án Tối cao đã chỉ đạo buộc tiểu bang Pennsylvania tách riêng số phiếu bầu đến sau 3/11, nhưng không yêu cầu bang này ngừng đếm nhóm phiếu kể trên.

Mục đích của Tòa Tối cao là trong trường hợp vụ kiện cho thấy các phiếu bầu đến sau 3/11 không hợp lệ, thì bang Pennsylvania phải huỷ bỏ kết quả của các phiếu này trong kết quả chung.

Nhưng như vậy có thể dẫn đến tình huống là ngay cả khi ông Trump thắng kiện ở Tòa án Tối cao, thì việc không tính những phiếu đến sau ngày bầu cử (3/11) cũng không đủ để giúp ông đủ số phiếu để lật lại kết quả.

Giới chức bang Pennsylvania ước tính khoảng 8.000 phiếu đến sau ngày 3/11, trong khi khoảng cách ông Joe Biden dẫn trước ông Trump tại bang này là 30.000 phiếu.

Như vậy, phe ông Trump khởi kiện rất nhiều nhưng hiệu quả của các vụ kiện có thể không được như mong muốn.

Chiến thuật này được chuyên gia luật hiến pháp hàng đầu nước Mỹ là giáo sư Chemenrinsky so sánh với việc “vứt một đống mì Ý lên tường và hy vọng một hai cọng sẽ dính lại”.

Kịch bản Bush - Gore năm 2000 khó lặp lại

Một nỗ lực khác được ông Trump đưa ra là các yêu cầu đếm lại phiếu bầu tại những bang có kết quả sít sao. Đây không phải là những vụ kiện mà là một quy trình kiểm đếm thông thường.

Cho đến nay, rất có thể chính quyền hai bang Wisconsin và Georgia sẽ cho đếm lại phiếu bầu, nhưng không có gì đảm bảo là điều đó sẽ thay đổi kết quả.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, việc đếm lại diễn ra ở 4 tiểu bang nhưng cũng chỉ làm thay đổi khoảng vài chục đến vài trăm phiếu bầu - một kết quả không đáng kể với tình hình hiện nay.

Những người ủng hộ của ông Trump đang hy vọng rằng một cách nào đó, tình huống Bush - Gore năm 2000 sẽ lại xảy ra. Tuy nhiên, khác với cách hiểu rằng Bush - Gore là một vụ án mà ông Gore thất cử do “gian lận bầu cử” sau khi được truyền thông công bố đắc cử, thực tế hoàn toàn không như vậy.

Trong Bush - Gore, chính ông Gore là người yêu cầu đếm lại tại tiểu bang Florida vì kết quả quá sít sao. Và tình huống của bang Florida năm 2000 không phải là gian lận bầu cử mà do thiết kế phiếu bầu bị lỗi, khiến máy đếm phiếu lẫn người kiểm phiếu không thể xác định rõ ý định của cử tri.

Một khảo sát sau đó nhận định rằng nếu đếm các phiếu bầu bị lỗi ở Florida thì 5 lần sẽ cho ra kết quả Bush thắng, 5 lần cho ra kết quả Gore thắng, và cách thức xác định không thể thống nhất được. Vụ án Bush - Gore thể hiện sự bất lực của Tòa Tối cao trước một tình huống hiếm có.

Nhưng ngay cả khi tình huống hiếm có này xảy ra lần này thì ông Trump cũng không thể quá hy vọng.

Vụ án Bush - Gore chỉ liên quan đến kết quả của một tiểu bang duy nhất là Florida trong một cuộc bầu cử quá sít sao. Còn trong cuộc bầu cử lần này, ngay cả khi ông Trump xác định được bang Georgia và Wisconsin hoặc Michigan đếm sai phiếu bầu và lật lại kết quả, thì ông vẫn cần phải được tuyên bố thắng ở Arizona (nơi ông bị dẫn trước) hoặc ở Pennsylvania (nơi ông bị dẫn rất xa) để có thể chiến thắng cuộc bầu cử.

Như các phân tích ở trên, con đường này không phải là không có khả năng, nhưng thực tế là rất gian nan.

Link nguồn: https://zingnews.vn/phe-ong-trump-trong-doi-gi-khi-doi-kien-len-toi-toa-toi-cao-post1151050.html

Tags:
Mỹ: Bộ trưởng và Cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump mắc COVID-19

Mỹ: Bộ trưởng và Cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump mắc COVID-19

Ông Ben Carson - Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ và ông David Bossie - luật sư có trách nhiệm thực hiện những thách thức pháp lý của Tổng thống Donald Trump đã dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất