Quy trình Trump có thể tùy ý phát lệnh tấn công hạt nhân

Luật pháp Mỹ cho Trump toàn quyền ra lệnh tấn công hạt nhân, bất chấp Chủ tịch Hạ viện và nhiều nghị sĩ muốn ra tay ngăn chặn.

21:30 09/01/2021

Trong thư gửi các đảng viên Dân chủ ngày 8/1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết đã thảo luận với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley "về các biện pháp phòng ngừa sẵn có nhằm ngăn một tổng thống bất ổn bắt đầu hành động quân sự thù địch hoặc sử dụng mã phóng và ra lệnh tấn công hạt nhân".

Nhiều nghị sĩ quốc hội cũng viết thư cho tướng Milley và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, đề xuất thiết lập những biện pháp kiểm soát quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của ông chủ Nhà Trắng.

Tuy nhiên, theo luật pháp Mỹ hiện nay, Trump là người duy nhất trong chính phủ có quyền phát lệnh tấn công hạt nhân và quyền này dường như không thể ngăn chặn. "Tổng thống có quyền độc nhất, ông ấy có thể tùy ý ra lệnh mà không cần tham khảo ý kiến bất kỳ ai", Elaine Scarry, giáo sư tại Đại học Harvard, cho hay.

Trump phát biểu trước người ủng hộ tại bang Georgia hồi tháng 12/2020. Ảnh: AFP.
Trump phát biểu trước người ủng hộ tại bang Georgia hồi tháng 12/2020. Ảnh: AFP.

Việc giao quyền sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt vào tay một người duy nhất được coi là lựa chọn ít nguy hiểm nhất trong quá khứ. Quyền phát động tấn công hạt nhân của tổng thống Mỹ được triển khai từ cuối Thế chiến II, sau khi quân đội Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản mà không có sự đồng ý trực tiếp từ Tổng thống Harry Truman.

Khi Chiến tranh Lạnh mở đầu, quyền sử dụng vũ khí hạt nhân được giao cho một số tư lệnh chiến trường, nhưng dần bị coi là phương án quá nguy hiểm. Quyền lực này sau đó được thu về một đầu mối duy nhất là tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ hiện nay luôn di chuyển cùng "quả bóng hạt nhân", chiếc vali da màu đen cho phép ông chủ phát động một cuộc tấn công hạt nhân khi không có mặt tại trung tâm chỉ huy cố định. Bên trong cặp có một điện thoại, một thẻ kỹ thuật số có biệt danh là "biscuit" (bánh quy) chứa các mã số cho phép phát động cuộc tấn công hạt nhân và danh sách những mục tiêu được lựa chọn từ trước.

Hệ thống được thiết kế trong thời kỳ cao điểm Chiến tranh Lạnh, khi có nhiều lo ngại Tổng thống Mỹ chỉ có vài phút để phản ứng với một cuộc tấn công phủ đầu từ Liên Xô. "Ông ấy có thể thiệt mạng bởi đòn tấn công hạt nhân của nước ngoài và phải có khả năng kịp thời phát lệnh đáp trả khi vẫn còn sống", Joshua Pollack, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, cho biết.

Có nhiều biện pháp kiểm tra chéo để xác nhận lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân do tổng thống Mỹ đưa ra và chuyển tiếp chúng cho quân đội. "Tuy nhiên, toàn bộ cấu trúc chỉ huy được thiết kế với tư duy rằng tổng thống đủ năng lực làm việc và không tùy tiện ra lệnh tấn công hạt nhân", Pollack nói thêm.

Theo hiến pháp Mỹ, tổng thống là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, có quyền sử dụng valy hạt nhân để ra lệnh phát động tấn công hạt nhân vào bất cứ kẻ thù nào trên thế giới.

Trợ lý của Trump cầm theo vali hạt nhân bên ngoài  hồi năm 2019. Ảnh: AP.
Trợ lý của Trump cầm theo vali hạt nhân bên ngoài hồi năm 2019. Ảnh: AP.

Các chuyên gia cho rằng rất khó để khởi động chiến tranh hạt nhân trong thực tế. Những quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc sẽ có trách nhiệm xác nhận mệnh lệnh của tổng thống và đề xuất hành động phù hợp. Nếu cảm thấy mệnh lệnh là phi pháp, họ có thể từ chối triển khai vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Pollack cảnh báo về mặt kỹ thuật, Trump hoàn toàn có thể bỏ qua quy trình kiểm tra chéo bằng cách tự kích hoạt lựa chọn tấn công mục tiêu có sẵn trong vali hạt nhân mà không ai có thể ngăn cản được.

"Ông ấy không nhất thiết phải gọi điện cho ai để tham vấn trước khi phát lệnh", Pollack nói.

Giới chuyên gia cho rằng các quan chức cấp cao ở Washington có thể tìm cách câu giờ và can ngăn khi Trump ra quyết định như vậy, nhưng về lý thuyết, không ai có thể ngăn cản được việc Tổng thống Mỹ truyền lệnh tới Hạm đội Thái Bình Dương để nhập mã kích hoạt vũ khí hạt nhân, theo bình luận viên Polina Tikhonova của ValueWalk.

Bruce G. Blair, cựu sĩ quan phụ trách hầm phóng tên lửa đạn đạo Minuteman của Mỹ, cho hay sau khi Trump ra lệnh bằng hệ thống mã từ vali hạt nhân, mệnh lệnh sẽ được gửi trực tiếp đến các đơn vị trực chiến. Người vận hành sẽ phải so sánh thông điệp được gửi đến với bộ mã có sẵn.

Nếu các mã xác thực trùng khớp, quá trình khởi động tên lửa được bắt đầu. Đòn tấn công hạt nhân sẽ được thực hiện trong 5 phút, nhắm vào các hầm ngầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của đối phương.

Các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Mỹ sẽ nhận được mệnh lệnh chậm hơn một chút do đang hoạt động sâu trong lòng biển, nhưng họ vẫn có thể khai hỏa tên lửa sau khi nhận lệnh khoảng 15 phút.

Nếu Trump mất khả năng lãnh đạo vì bất cứ lý do gì, quyền phát động tấn công hạt nhân sẽ được chuyển cho người tiếp theo trong chuỗi kế nhiệm quyền lực của chính phủ Mỹ, khởi đầu là Phó tổng thống Mike Pence và sau đó là Chủ tịch Hạ viện Pelosi.

Cả Scarry và Pollack đều cho rằng đã đến lúc xem xét lại các điều luật cho phép tổng thống Mỹ tùy ý phát lệnh tấn công hạt nhân.

Theo Scarry, phương án phù hợp nhất hiện nay là để quốc hội Mỹ tham gia vào quá trình này, bởi đây là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bố chiến tranh. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một nhóm ít người có thể đi ngược lại quy tắc dân chủ của Mỹ.

Vũ Anh (Theo NPR)

Tags:
Hoài Linh phải rửa bát thuê ngoài chợ và sự thật về cuộc sống của nghệ sĩ Việt tại Mỹ

Hoài Linh phải rửa bát thuê ngoài chợ và sự thật về cuộc sống của nghệ sĩ Việt tại Mỹ

Cuộc sống của nghệ sĩ Việt tại Mỹ không hề hào nhoáng như người ta vẫn nghĩ. Đằng sau đó là trăm ngàn nỗi vất vả, cực nhọc, gian truân, phải đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất