Sau 4 năm, thăm dò bầu cử Mỹ vẫn còn nhiều trục trặc

Trái với dự báo của các hãng thăm dò về một chiến thắng áp đảo cho ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ vượt qua Tổng thống Trump với khoảng cách biệt sát sao.

22:00 14/11/2020

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, kết quả thăm dò hầu hết đều đánh giá thấp ông Donald Trump ở Iowa, Florida, Michigan, Texas, Wisconsin và nhiều bang chiến trường khác.

Tuy nhiên, thay vì giành chiến thắng vang dội như các cuộc thăm dò dự đoán, cựu Phó tổng thống Joe Biden dẫn trước ông Trump chỉ với khoảng 2 điểm phần trăm ở một số bang chiến địa. Ông Trump cũng vượt lên và thắng ở Florida, Texas, Iowa.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ hai liên tiếp mà ngành thăm dò dư luận không gây được dấu ấn tích cực. Tuy kết quả khảo sát năm nay không sai lệch hoàn toàn như năm 2016, nó cũng không đạt mức chính xác như kỳ vọng, New York Times nhận định.

Vấn đề đáng lo ngại của ngành thăm dò dân ý

Sự sai lệch của thăm dò là nỗi lo lắng của hàng triệu người Mỹ theo dõi kết quả khảo sát để đầu tư cổ phiếu, đặt cược thể thao và chơi xổ số.

Những sai sót còn tồn đọng khiến các chuyên gia, những người dành cả bốn năm qua để khắc phục sai lệch trọng tâm của các cuộc thăm dò năm 2016, vô cùng khó chịu.

David Shor, nhà khoa học dữ liệu chuyên tư vấn cho các chiến dịch của đảng Dân chủ, nói: "Đây là năm tồi tệ cho việc thăm dò ý kiến".

Douglas Rivers, nhà khoa học chính của YouGov, một công ty thăm dò dư luận toàn cầu, nhận định: "Rõ ràng là chúng tôi phải tiếp tục chú ý đến vấn đề này".

Một số người biện minh rằng các cuộc thăm dò không bao giờ có thể hoàn hảo được, vì không dễ để nắm bắt quan điểm của người dân cả nước.

Dù vậy, vẫn có những lý do để lo ngại: những cuộc thăm dò ​​hiện nay tạo ra một bức tranh sai lệch về chính trị Mỹ.

Vấn đề này nổi lên khi người Mỹ đang dành nhiều sự quan tâm cho chính trị hơn so với trước đây. Tỷ lệ cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu vào năm nay có thể đạt mức cao nhất kể từ năm 1900.

Doanh số bán sách về chính trị tăng vọt, cùng với đó là tỷ lệ người xem tin tức chính trị trên truyền hình, và lượng bản thảo sách chính trị đăng ký xuất bản cũng tăng.

bau cu My anh 2

Thượng nghị sĩ Susan Collins tái đắc cử ở bang Maine dù trước đó bị dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận. Ảnh: New York Times.

Các cuộc thăm dò năm nay có tác động đối với cả hai đảng chính trị.

Nhóm của Tổng thống Trump giảm mức đầu tư vào chiến dịch tranh cử ở Michigan và Wisconsin, giảm các chuyến thăm của ông Trump tại đây cũng như lượng quảng cáo.

Kết quả là tổng thống Mỹ thua ở hai bang này với kết quả khá sít sao.

Trong khi đó, tại Arizona, một chiến lược gia làm việc trong chiến dịch tái tranh cử của Thượng nghị sĩ Martha McSally nói thăm dò dư luận "có thể khiến chúng tôi mất 4 hoặc 5 triệu USD" tiền ủng hộ. Bà McSally thua ông Mark Kelly chưa đến ba điểm phần trăm.

Theo thăm dò, ông Biden vẫn có cơ hội để thắng ở Iowa và Ohio. Do vậy, ông Biden dành thời gian đến 2 bang này trong những ngày cuối cùng của chiến dịch. Kết quả là ông vẫn thua ở cả hai với cách biệt tương đối.

Đảng Dân chủ cũng đổ tiền vào các cuộc đua có thể không bao giờ thắng, như cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ cho bang South Carolina.

Lý do nào gây ra sai lệch kết quả thăm dò?

Chưa nghiên cứu nào đưa ra lời giải thích đầy đủ về sai lệch của các cuộc thăm dò dư luận. Tuy nhiên, dựa trên một số dữ kiện có sẵn, nhiều hãng vạch ra những nhóm nguyên nhân chính.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, mức độ phản hồi câu hỏi khảo sát giảm xuống chỉ còn 6% trong những năm gần đây. Nguyên nhân vì người dân ngày càng không có thiện chí tham gia khảo sát. Trong khi đó, con số này vào những năm 1980 là hơn 50%.

Ngoài ra, một số nhóm cử tri tỏ ra không hứng thú đối với các cuộc thăm dò hơn các nhóm khác. Họ là những người ít có niềm tin vào các thể chế, và có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa.

bau cu My anh 3

Bảng so sánh kết quả thăm dò cuối cùng trước cuộc bầu cử và kết quả thực tế của cuộc bầu cử trên toàn nước Mỹ và tại các tiểu bang. Ảnh: New York Times. Việt hóa: Hương Ly.

Sau năm 2016, ngành công nghiệp thăm dò dư luận cố gắng khắc phục sai sót bằng cách đảm bảo các mẫu tham gia sẽ có nhóm cử tri thuộc tầng lớp lao động da trắng.

Nhưng nỗ lực này vẫn không hiệu quả nếu tỷ lệ phản hồi trong các nhóm không như nhau.

Ngoài ra, sai sót trong thăm dò ​​năm nay liên quan đến đại dịch. Số cử tri đi bầu cử trực tiếp, đặc biệt là cử tri ủng hộ đảng Dân chủ, có thể giảm do lo ngại lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, các vấn đề này sẽ không lặp lại trong các cuộc bầu cử tiếp theo.

Điểm đáng lưu ý nhất là các cuộc thăm dò năm nay đánh giá thấp sự ủng hộ đối với các ứng viên thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa.

Bốn tháng cuối của chiến dịch tranh cử ở bang Maine, Thượng nghị sĩ Susan Collins không dẫn trước trong bất kỳ thăm dò dư luận nào. Nhưng đảng viên Cộng hòa này vẫn chiến thắng.

Bài học từ cú sốc 2016

Khi tỷ lệ phản hồi các cuộc thăm dò dư luận bắt đầu giảm vào những năm 1980 và 1990, nhiều chuyên gia trong ngành này ​lo ngại về một cuộc khủng hoảng: Làm thế nào họ có thể đo lường chính xác ý kiến ​​của người Mỹ nếu nhiều người từ chối trả lời các cuộc khảo sát?

Tuy nhiên sự lo lắng chỉ thực sự gây chấn động cả nước Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016. Các kết quả thăm dò khi đó cho thấy bà Hillary Clinton dẫn trước ông Trump ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Cuối cùng, bà Clinton lại thua sát nút ở cả ba bang này.

Sau đó, các chuyên gia trong ngành đào sâu nghiên cứu dữ liệu của họ, so sánh với kết quả của từng khu vực bầu cử và với hồ sơ cử tri. Đến đầu năm 2017, Hiệp hội Nghiên cứu Ý kiến ​​Công chúng Mỹ (AAPOR) đã đưa ra kết luận.

bau cu My anh 4

Vào năm 2016, hầu hết kết quả khảo sát đều cho rằng bà Hillary Clinton sẽ chiến thắng. Ảnh: New York Times.

Yếu tố gây sai lệch lớn, nhưng khó lòng khắc phục được, là những cử tri đưa ra quyết định muộn và cuối cùng lại bầu cho ông Trump. Trước đó, trong các cuộc thăm dò, họ được xác định là chưa quyết định bầu cho ai.

Yếu tố thứ hai đáng lưu tâm hơn: nhiều cuộc thăm dò đã không bao gồm nhóm cử tri không có bằng đại học, đặc biệt là trong số cử tri da trắng.

Vào cuối thế kỷ 20 và đầu những năm 2000, việc bỏ sót nhóm cử tri này không phải là vấn đề lớn, bởi vì người da trắng tốt nghiệp đại học và người da trắng không có bằng đại học hầu hết có cùng quan điểm.

Tuy nhiên, đến năm 2016, nhóm cử tri da trắng không có bằng đại học lại chuyển hướng sang ông Trump. Các cuộc thăm dò không nắm bắt được xu hướng này.

Điều quan trọng nhất AAPOR kết luận là kinh nghiệm từ năm 2016 cho thấy các cuộc thăm dò không ủng hộ một trong hai phe.

bau cu My anh 5

Người Mỹ tập trung xem kết quả bầu cử 2020 ở San Francisco. Ảnh: New York Times.

Một số chuyên gia đặt câu hỏi: liệu các vấn đề này có biến mất nếu ông Trump không tham gia tranh cử hay không?

Tuy nhiên, dường như ông Trump không phải là tác nhân duy nhất gây ra thăm dò sai lệch. Nhiều cuộc khảo sát về các ứng viên thượng nghị sĩ năm nay cũng có kết quả không chính xác.

Tại Arizona, Georgia, Maine, Michigan, North Carolina và South Carolina, các thăm dò cuối cùng về cuộc chạy đua vào Thượng viện lại có mức sai lệch trung bình lớn hơn cả kết quả thăm dò về ứng cử viên tổng thống.

Link nguồn: https://zingnews.vn/sau-4-nam-tham-do-bau-cu-my-van-con-nhieu-truc-trac-post1152677.html

Tags:
Ông Trump phát biểu trước công chúng sau nhiều ngày, không nhắc gì đến bầu cử Mỹ

Ông Trump phát biểu trước công chúng sau nhiều ngày, không nhắc gì đến bầu cử Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước công chúng lần đầu tiên sau 8 ngày, đề cập đến nỗ lực chống COVID-19 song không nhắc đến bầu cử Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất