Sẽ có khó khăn, nhưng người làm nail ủng hộ luật AB5 vì ‘mong muốn sự công bằng’

Chỉ còn ít ngày nữa là tất cả nhân công làm việc trong mọi cơ sở thương mại đều được coi là “công nhân” chứ không còn là “người làm khoán” nữa, nếu như chủ công ty kiểm soát cách họ làm việc, hoặc công việc họ làm là một phần thương vụ của công ty.

07:00 28/05/2021

Đạo luật mới này, còn được gọi là Assembly Bill 5 (Luật Số 5 của Quốc Hội Tiểu Bang Califronia) sẽ được áp dụng từ ngày 1 Tháng Giêng, 2020. Theo đó, các tiệm tóc, tiệm nail tại California phải đổi từ hình thức thuê khoán – ăn chia sang hình thức chủ nhân – công nhân. Hình thức này đòi hỏi luật lệ về lương tối thiểu, làm ngoài giờ, chi phí bảo hiểm công nhân trong lúc làm việc, mua bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân và nộp thuế nhiều hơn.

Tuy ngành nail, tóc có được những sự “che chở” để có thể vẫn tiếp tục được làm việc theo hình thức “thuê khoán” nhưng điều kiện cũng không phải là dễ dàng.

Nữ Dân Biểu Lorena Gonzalez, tác giả của luật AB5 được quốc hội tiểu bang thông qua thành luật vào Tháng Chín, 2019 và sẽ được áp dụng từ ngày 1 Tháng Giêng, 2020 tới đây. (Hình: Rich Pedroncelli/AP)

Chủ tiệm vất vả với việc trả W-2 lẫn 1099

“Với tình hình này, không bao lâu nữa, nhiều chủ tiệm nail sẽ phải bán tiệm hoặc đóng cửa, đi làm thợ hoặc là đổi ngành nghề kinh doanh khác, vì không chịu nổi sức ép từ nhiều phía: thiếu nhân lực, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm điều hành, luật pháp ràng buộc chặt hơn và chi phí vận hành đội lên cao hơn,” anh Tim Nguyễn, chủ nhân 6 tiệm nail thương hiệu Totally Nails & Spa ở San Bernardino, miền Nam California, chia sẻ.

Anh Tim cho hay: “Hai năm trước, tôi đã bị phạt khoảng 250 ngàn đô la vì bị Sở Lao Động (EDD) và Sở Thuế Vụ California cho rằng tôi vi phạm luật, cụ thể là tôi trả lương cho nhân viên theo hình thức thuê khoán (khai thuế theo form 1099) mà không trả lương theo hình thức nhân viên (form W-2).”

Anh Tim biết rằng ngành nail vẫn có thể trả lương theo hình thức thuê khoán (tức form 1099) với điều kiện: Người thợ phải có chìa khóa riêng để vào tiệm, có số điện thoại riêng, máy tính tiền riêng…

“Khi bị Sở Lao Động và Thuế Vụ kiểm tra sổ sách, tôi đã không trả lời được hai câu hỏi vì sao thợ thuê chỗ (thuê booth) thì lẽ ra thợ phải trả tiền thuê cho chủ, chứ sao sổ sách lại cho thấy chủ phải trả lương cho thợ? Câu thứ hai là vì sao thợ lại phải mặc đồng phục trong khi không phải là nhân viên của công ty?”, anh cho biết.

Một tiệm nail ở San Francisco, thông báo tuyển thợ. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Chủ tiệm nail ngoài việc phải bỏ số tiền lớn ra xây dựng tiệm, còn phải quảng cáo, trả tiền mặt bằng, điện nước, đồ dùng làm nail. Nay với đạo luật AB5, họ phải lo cả bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm nghề nghiệp cho thợ (Workers’ compensation insurance, còn gọi là Workers’ Comp.) và nhiều chính sách khác.

Theo anh Tim: “Có nhiều thợ làm nails đòi lãnh tiền mặt để dễ trốn thuế, họ không muốn hình thức W-2 vì thế rất khó tuyển dụng thợ. Thêm vào đó, thế hệ người Việt sang Mỹ từ những năm 80-90 nay đã lớn tuổi sắp nghỉ hưu, thế hệ con cái sinh ra ở Mỹ thì đa phần chúng không muốn nối nghiệp làm nail, vì thế ngành nail đang thiếu hụt thợ một cách trầm trọng.”

Cũng liên quan đến những khó khăn của ngành nail, anh Tim chia sẻ: “Khách ở các khu Mỹ đều trả bằng thẻ, không trả tiền mặt mà thợ thì đòi tiền mặt, chủ làm sao có tiền mặt mà trả?  Làm chủ tiệm nail bây giờ khổ hơn làm thợ. Chủ mang tiếng là tuyển thợ nhưng thợ gọi tới toàn phỏng vấn chủ, chứ không phải là chủ phỏng vấn thợ nữa. Họ đưa ra đủ thứ điều kiện này nọ rồi không ưng là không làm.”

Anh Tim Nguyễn muốn nhắn nhủ với các chủ tiệm nail rằng: “Trước khi Sở Thuế và Sở Lao Động gửi thư tới thông báo sẽ kiểm toán tiệm mình thì họ đã gửi thư tra hỏi trước các thợ rồi, cho nên mình không có thể giấu diếm được gì. Do đó, tốt nhất là thành thật với họ và chịu nộp phạt. Rồi làm lại cho đúng luật mới được dài lâu.”

Với anh Quốc Phan, chủ tiệm nail nhỏ tại China Lakes, cách Bolsa 3 tiếng lái xe về phía Bắc, thì lại là những kinh nghiệm khác trong việc thuê thợ.

Anh Quốc cho biết chỗ anh chỉ là thị trấn nhỏ, lúc đầu cũng thuê thợ theo hình thức cho thuê chỗ (rent station). Mỗi tuần, thợ trả tiền mướn chỗ cho anh là $150, tương đương với $600 một tháng, còn lại thợ tự tìm khách, tiếp khách, tự thu tiền. Nhưng theo anh Quốc, “hình thức này không lâu dài, do không giữ chân thợ được lâu, nay họ có thể thuê chỗ mình, được vài tháng họ lại bỏ đi thuê chỗ khác.”

Anh kể: “Cuối cùng tôi phải tuyển thợ theo hình thức nhân viên dài hạn, để trả lương theo hình thức W-2, với mức bao lương tới $190/ngày , $1,140/tuần. Nếu thu nhập cao hơn thì ăn chia 50/50. Nếu trả theo W-2, thì tỷ lệ ăn chia là 50/50, chứ chia tỷ lệ 60/40 như cũ thì chủ chỉ hưởng 40%, sẽ không có lời.”

Đa số những chuyên gia trong ngành nail đều nhận định, muốn tồn tại được, người chủ tiệm nail phải có kinh nghiệm và kiến thức về quản lý. Ngoài ra chủ tiệm cũng phải rành các luật lệ về thuế vụ và lao động, phải có nhiều vốn để ứng tiền thuế ra trả trước cho chính phủ, mua bảo hiểm và nhiều chi phí khác.

“Mỗi tháng tôi phải trích ra từ 3-5 ngàn đô la đóng thuế trước. Năm đầu tiên không có lời, tới năm thứ ba mới có lời chút đỉnh, nếu không có vốn dự trữ thì e rằng khó mà các chủ tiệm nail có thể trụ được,” chị Lynn Nguyễn, chủ tiệm nail ở Brea chia sẻ.

Một tiệm nail ở Los Angeles, . (Hình: John Sciulli/Getty Images)

Nói về sự thay đổi sau khi thực hiện đạo luật AB5 ở các tiệm Nail tại Nam California, chị Lynn nhận xét: “Nhiều thợ chỉ muốn lĩnh tiền mặt vì đang hưởng trợ cấp xã hội nên khi chủ trả theo W-2 họ sẽ không làm. Họ chọn làm cho các tiệm ở khu Little Saigon và vùng phụ cận trong bán kính khoảng 30 phút lái xe để lĩnh tiền mặt dễ hơn. Cho nên các tiệm ở khu xa người Việt, có người Mỹ nhiều, đa số trả tiền bằng thẻ, sẽ lâm vào tình cảnh thiếu thợ. Vì thế có nhiều tiệm xa xa phải rao bán, trong khi các tiệm ở khu vực quanh Little Saigon lại có vẻ ‘sống khỏe’ hơn.”

Nếu áp dụng AB5 thì phải làm cho chặt, cho công bằng

Là người gắn bó với ngành nail mấy chục năm, anh Tim Nguyễn nhận xét: “Cái gì cũng có giá của nó. Thợ nail trung bình làm ra $3,000 đến $5,000 mỗi tháng mà chỉ muốn lĩnh tiền mặt để khai thu nhập thấp, vừa không đóng thuế vừa được hưởng trợ cấp xã hội. Bù lại thì cả cuộc đời phải sống chui lủi, lo sợ bị phát hiện, không dám để tiền nhiều trong nhà băng, phải nhờ người đứng tên hoặc trữ tiền mặt. Rồi thì tiền nhiều sinh tật, nhiều người mất sạch tiền vì bài bạc, số khác bị cướp giật, lừa gạt, rốt cuộc rồi cũng chẳng còn gì. Vậy thì nộp thuế đi còn hơn.”

Anh bày tỏ sự lo lắng cho tương lai của tại Mỹ: “Về lâu dài, nếu cứ như vậy người Mỹ thấy rằng cộng đồng người làm nail nói riêng và người Việt nói chung, không có đóng góp gì nhiều cho xã hội Mỹ, họ sẽ có những chính sách thắt chặt, sẽ rất hại cho cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt chúng ta.”

“Vì thế tôi khuyến khích mọi người nên bớt trốn thuế, bớt giả nghèo để hưởng trợ cấp, mà nên lĩnh tiền theo W-2, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ, đó là công bằng,” anh Tim lên tiếng.

Chị Lynn Nguyễn, chủ tiệm nail ở thành phố Brea và Manhattan Beach, cho biết: “Mặc dù trả lương W-2 rất khó kiếm thợ nhưng tôi cũng có được đội ngũ 25-35 thợ lành nghề cho tiệm. Để làm được như vậy, ngay từ đầu, tôi phải giải thích cho thợ hiểu lợi ích của việc nhận W-2. Ngoài ra, tôi đối xử rất tốt với thợ, đảm bảo mức lương căn bản khá cao, bao lương $150/ngày, có khi lên tới $170/ngày, làm hơn thì ăn chia, không để thợ bị thiệt. Tôi cung cấp cho thợ toàn bộ đồ nghề làm nail, thợ không phải mua thứ gì.”

Chị Vickie Ngô ở Cypress hiện đang làm quản lý cho một tiệm nail ở Long Beach, cho biết: “Mấy năm nay tôi đều nhận lương bằng W-2. Nhận bằng hình thức này tuy không trốn thuế được đồng nào nhưng bù lại mình được hưởng nhiều lợi ích lâu dài. Chẳng hạn như được lĩnh tiền thất nghiệp nếu bị chủ cho nghỉ hoặc nếu không may bị tai nạn lao động thì có bảo hiểm và tiền trợ cấp cho người khuyết tật. Sau này về già, còn có lương hưu.”

Chị Lynn cho biết, chị hoàn toàn ủng hộ đạo luật AB5.

“Chính phủ càng xiết chặt càng tốt. Vì nếu tất cả các tiệm đều phải trả lương W-2 thì đó mới là công bằng. Thợ sẽ không còn đứng núi này trông núi nọ, so bì nữa. Ngoài ra cũng ngăn chặn được tình trạng thợ ra mở tiệm tràn lan rồi giảm giá tranh giành khách. Vì nếu không có kiến thức quản lý, vốn không lớn để chịu lỗ trong vài năm đầu thì khó mà tồn tại được trong tình hình hiện nay,” chị Lynn nêu suy nghĩ.

Chị Vickie nói thêm: “Có một số người luật pháp chưa rành lại quen luồn lách. Tôi nghĩ rằng Sở Thuế và Sở Lao Động biết hết, nhưng người ta chưa đủ người để đi kiểm toán (audit). Họ sẽ làm những tiệm lớn trước, còn tiệm nhỏ sẽ bị ‘sờ gáy’ sau.”

Nói về lý do chị ở lại gắn bó lâu dài với tiệm hiện tại, chị Vickie cho biết: “Chủ của tiệm tôi, họ có hơn 30 năm làm business ở Mỹ cho nên tôi thấy họ rất hiểu biết. Họ làm đâu ra đó, sổ sách chứng từ cẩn thận, làm đúng luật. Họ có vốn lớn để làm ăn lâu dài. Tất cả thợ của họ đều trả W-2, bao lương tối thiểu cho thợ, hơn thì ăn chia với tỷ lệ khá cao 40/60. Ngoài ra, chủ rất thoải mái, sống có tình người.” (Tâm An)

—–

Tags:
ĐỘC QUYỀN: Hoài Linh tiết lộ phải phẫu thuật K tuyến giáp cách đây vài tháng

ĐỘC QUYỀN: Hoài Linh tiết lộ phải phẫu thuật K tuyến giáp cách đây vài tháng

Giữa những ồn ào về việc chậm trao số tiền từ thiện hơn 13 tỷ đồng cho bà con miền Trung sau lũ lụt, thông tin Hoài Linh phải nhập viện hồi tháng 10/2020 để điều trị căn bệnh u ác tuyến giáp gây bất ngờ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất