Sống ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới giữa đại dịch COVID-19

Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới cũng không miễn nhiễm với COVID-19, nhưng họ ứng phó với đại dịch thế nào?

11:00 22/03/2020

Đối với Samuel Kopperoinen, sống ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới trong đại dịch COVID-19, anh hài lòng không chỉ về các chỉ số hạnh phúc trong ngắn hạn, mà về hệ thống an sinh xã hội và các hệ thống hỗ trợ khác mà đất nước của anh đã có trước khi xảy ra dịch bệnh.

Kopperoinen sống ở Phần Lan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 3 liên tiếp trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới mới nhất của Liên Hợp Quốc công bố hôm 20.3 nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Các quốc gia được xếp hạng trên 6 nhân tố chính tạo nên hạnh phúc, đó là thu nhập, tự do, tin tưởng, sống khoẻ tuổi thọ cao, hỗ trợ xã hội và sự hào phóng.

"Một phần quan trọng của hạnh phúc là chăm sóc sức khỏe cộng đồng chất lượng tốt" - CNN dẫn lời Kopperoinen, một nhà thầu ở Helsinki đã có vợ và 3 con, nói. 

“Người Phần Lan có ý thức rằng trong trường hợp mắc bệnh hoặc khuyết tật, chúng tôi sẽ được điều trị. Chúng tôi tin tưởng vào chất lượng và khả năng của hệ thống an sinh xã hội. Nó giúp chúng tôi nếu chúng tôi mất việc, bị ốm hoặc con cái chúng tôi bị bệnh. Chúng tôi sẽ mất thu nhập, nhưng chúng tôi có thể được bồi thường và khoản đó giúp chúng tôi tồn tại và điều chỉnh mức chi tiêu hàng ngày” Kopperoinen nói.

Và đó không chỉ là chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, hệ thống giáo dục và trợ cấp thất nghiệp tạo nên một xã hội tốt đẹp, đặc biệt là trong thời kỳ bất ổn khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu.

"Các đô thị và nhà thờ địa phương đang tổ chức giúp đỡ và viện trợ cho các thành viên" - Kopperoinen nói. Ngoài ra còn có các dịch vụ ngang hàng trên web như Nappi Naapuri, nơi mọi người có thể cung cấp và yêu cầu trợ giúp từ hàng xóm láng giềng”.

Tuy nhiên, hạnh phúc sẽ không miễn nhiễm quốc gia này với COVID-19 - đồng tác giả báo cáo Jeffrey Sachs, giáo sư kinh tế và giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững của Đại học Columbia cho biết. "Các hệ thống y tế cũng không thể tự đối phó”.

"Các biện pháp chính trong những tuần tới sẽ là giữ khoảng cách xã hội, tự cách ly, cách ly, trú ẩn và các biện pháp khác để đóng cửa một cách bắt buộc và có hệ thống - nếu được thực hiện tốt - những phần quan trọng của đời sống kinh tế và xã hội" - ông Sachs nói.

Báo cáo cho biết, khi một đại dịch như COVID-19 tấn công sức khỏe và thu nhập của người dân một nước, thì cư dân của "một xã hội có sự tin tưởng cao sẽ tự tìm kiếm và tìm cách hợp tác để cùng nhau sửa chữa thiệt hại và xây dựng lại cuộc sống tốt hơn. Điều này đôi khi dẫn đến sự gia tăng đáng ngạc nhiên về hạnh phúc sau những thảm họa dường như không thể giảm nhẹ”.

“Câu giải thích thường xuyên nhất dường như là mọi người ngạc nhiên một cách thú vị bởi sự sẵn lòng giúp đỡ của hàng xóm. Điều này mang lại cảm giác thân thuộc cao độ và niềm tự hào về những gì họ có thể đạt được bằng cách giảm thiểu thiệt hại. Những lợi ích này đôi khi đủ lớn để bù đắp cho những tổn thất vật chất" - báo cáo viết.

Ville Jäättelä, một giáo viên lịch sử và công dân Phần Lan đồng tình với báo cáo. Bà Jäättelä không nghĩ rằng chính phủ Phần Lan là hoàn hảo, nhưng cho biết bà tin tưởng chính quyền hiện tại sẽ nỗ lực hết mình trong cuộc khủng hoảng này.

“Khi nhìn lại, người ta có thể tìm thấy một số điều nên được thực hiện sớm hơn hoặc muộn hơn hoặc không nên làm. Nhưng trong một cuộc khủng hoảng như thế này, họ phải vận hành với thông tin họ có và họ không thể nhìn thấy tương lai. Và không phải sự phát triển nào cũng có thể chắc chắn 100%. Vì vậy, tôi tin rằng họ sẽ cố gắng hết sức” - bà Ville Jäättelä nói.

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2020, 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lần lượt là: Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển, New Zealand, Áo và Luxembourg.

SONG MINH

Link nguồn: https://laodong.vn/the-gioi/song-o-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-the-gioi-giua-dai-dich-covid-19-792241.ldo

Tags:
Đại dịch COVID-19 'cuốn phăng' hàng nghìn việc làm tại Canada

Đại dịch COVID-19 "cuốn phăng" hàng nghìn việc làm tại Canada

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tình trạng “co lại” trên thị trường lao động mới chỉ bắt đầu, giữa lúc nhu cầu của thị trường toàn cầu “khô kiệt” vì virus SARS-CoV-2.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất