Sự thật về kiểu mẫu thành công của người Việt ở Mỹ

Cộng đồng Mỹ gốc Á, trong đó có người Việt, thường được gọi là ‘thiểu số kiểu mẫu’, nhưng hiện đang phải vật lộn với cuộc sống nghèo túng và bệnh tật.

21:30 18/03/2018

Cuộc sống của người gốc Á không phải toàn màu hồng như quan điểm lâu nay. ẢNH: SHUTTERSTOCK

Trong hàng chục năm qua, nhờ đức tính siêng năng, tiết kiệm, chịu khó học tập, làm việc nên cộng đồng người Mỹ gốc Á, bao gồm VN, được xem là kiểu mẫu của thành công và hòa nhập tại Mỹ. Chính quyền lẫn dư luận nước này nói chung vẫn luôn cho rằng người nhập cư gốc Á hầu như không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào. Tuy nhiên, những con số thống kê đơn giản không thể phản ánh thực chất đời sống khó khăn của họ.

Không dám mơ đến nghỉ hưu

Tổ chức Bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng gốc Á AAAJ-LA vừa công bố nghiên cứu khắc họa bức tranh thực tế về San Gabriel Valley, được xem là “thủ phủ của người Mỹ gốc Á” tại hạt Los Angeles (bang California) với hơn 500.000 người tập trung tại khu vực này.

“Cuộc sống hằng ngày của họ đang rất chật vật với mức thu nhập thấp, một số không giấy tờ hợp pháp có nguy cơ bị trục xuất. Ngoài ra, cộng đồng này ngày càng có nhiều người chết vì ung thư”, ông Daniel Ichinose, Giám đốc dự án Nghiên cứu nhân khẩu học của AAAJ-LA, nói với tờ Pacific Islander.

Đại đa số người Mỹ lâu nay cho rằng những sinh viên học giỏi nhất tập trung tại các trường đại học hàng đầu đa số là dân gốc Á. Tuy nhiên, trên thực thế, cộng đồng gốc Á ở San Gabriel Valley có trình độ học vấn thấp hơn người da trắng, theo AAAJ-LA. Trong đó, kém nhất là người gốc Việt. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tuy không cao nhưng chủ yếu là lao động phổ thông. Báo cáo cho thấy hơn 66.000 người gốc Á ở San Gabriel Valley có thu nhập thấp. Cụ thể, mức lương bình quân của họ chỉ khoảng 17.000 – 18.000 USD (387 triệu – 410 triệu đồng)/năm, so với 42.000 USD/năm của người da trắng.

“Để tiết kiệm chi phí, nhiều người gốc Việt phải thuê và sống chung trong căn phòng chật hẹp. Tôi có nhiều bạn bè làm các công việc lao động phổ thông dù tuổi cao nhưng không ai có ý định nghỉ hưu. Họ cố làm việc để tích lũy thêm tiền do lo sợ bệnh tật ập đến”, ông Đoàn Hùng (62 tuổi) ở Garden Grove (California), nói với Thanh Niên. Thống kê cho thấy 43% người gốc Việt sống tại bang California phải ở nhà thuê và chi phí chỗ ở chiếm hơn 30% thu nhập của họ. Điều này đồng nghĩa cứ mỗi 2 người thì có 1 người đứng trước nguy cơ mất nơi cư trú trong cuộc khủng hoảng giá nhà đang diễn ra ở bang này.

Nguy cơ bệnh tật cao

Các báo cáo về tác động của chính sách nhập cư dưới thời Tổng thống Donald Trump cho thấy nhiều người không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ lo ngại bị trục xuất nên không dám đăng ký bảo hiểm và khám chữa bệnh. Chẳng hạn, tại San Gabriel Valley ước tính khoảng 58.000 người gốc Á không có giấy tờ hợp lệ. Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh hạn chế không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận gói bảo hiểm theo đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền của chính phủ (ACA) mà còn cả dịch vụ y tế, khiến nhiều người gốc Á ngần ngại đi khám sức khỏe tổng quát và thường chỉ nhập viện khi bệnh quá nặng. Tại Houston, nhiều người gốc Việt buộc phải trả tiền cao hơn cho những bác sĩ có thể nói tiếng Việt để khám chữa bệnh. “Họ không thể mô tả cho bác sĩ hiểu được mình cảm thấy không khỏe chỗ nào”, chuyên viên May Beyer thuộc Tổ chức PASS chuyên hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt và Hoa ở TP.Philadelphia cho biết. Người thân cố gắng giúp họ giao tiếp với bác sĩ, nhưng đôi lúc cũng không thể mô tả chi tiết triệu chứng do khả năng nói tiếng Anh không được như người bản địa và thiếu chuyên môn.

Nguồn: Thanh niên

Tags:
Joshua Tree: Cặp đôi đôi bị bắt vì để con sống trong hộp được tặng nhà mới

Joshua Tree: Cặp đôi đôi bị bắt vì để con sống trong hộp được tặng nhà mới

Daniel Panico và Mona Kirk không thể tin đây là nhà của họ - ngôi nhà được mua và sửa sang nhờ những khoản đóng góp từ quỹ do người bạn của họ - Jackie khởi xướng. Cố cầm nước mắt, ông Panico nói mình đã mơ về giây phút này khi bị giam trong tù.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất