Sức ép cạnh tranh của gạo Việt tại Mỹ

Nhìn từ thị trường Mỹ, nơi có hàng triệu người nhập cư gốc Á sinh sống và tiêu thụ nhiều gạo, hạt gạo Việt vẫn đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

05:30 03/03/2018

Xuất khẩu nông sản tiếp tục có những thông tin khả quan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Trong đó hạt gạo đã tăng 17% về lượng và gần 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc tăng xuất khẩu vào những thị trường khó tính đã cho thấy một hướng đi mới trong năm nay. Tuy nhiên nếu nhìn từ thị trường Mỹ, nơi có hàng triệu người nhập cư gốc Á sinh sống và tiêu thụ nhiều gạo, hạt gạo Việt vẫn đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

Những nhà xuất khẩu Thái Lan cũng rất để ý tới bao bì. Những bao gạo tới Mỹ thường được in ra nhiều thứ tiếng khác nhau với những thương hiệu gần gũi, dễ nhớ như 3 con voi, gà trống đỏ hay gạo tấm.

Theo ông An Thế Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Viettrade) tại New York, những tiêu chuẩn nhập khẩu vào Mỹ sẽ ngày càng khắt khe hơn.

Với khoảng hơn 2 triệu người Việt sinh sống, Mỹ hiện là thị trường rất tiềm năng với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Nhưng rõ ràng, nếu chúng ta không thay đổi cách thức tiếp cận thị trường và chất lượng sản phẩm, chúng ta có thể để mất dần cơ hội tại thị trường tiềm năng này.

Bên cạnh thay đổi cách thức tiếp cận thị trường thì tiêu chuẩn và chất lượng gạo cũng luôn là đòi hỏi rất khắt khe. Đến thời điểm này, để xuất khẩu được sang Nhật Bản, hạt gạo Việt phải đảm bảo tới hơn 600 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn vào châu Âu và Hàn Quốc cũng phải đáp ứng hàng trăm chỉ tiêu.

Riêng thị trường Mỹ còn khó khăn hơn do nhiều hoạt chất chưa có quy định về giới hạn cho phép, nên có những chỉ tiêu mặc dù vào được thị trường Nhật nhưng vẫn không vào được thị trường Mỹ.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, lúc này nhiều doanh nghiệp và nông dân đã phải thay đổi cả quy trình sản xuất để có thể tạo ra hạt gạo đủ tiêu chuẩn.

Một quy trình đầy đủ sẽ không thể thiếu việc lấy mẫu đất và nước để phân tích trước khi quyết định khu vực có đảm bảo cho canh tác hay không. Đến khi lúa chín, trước khi thu hoạch 15 ngày, lúa lại được lấy mẫu để phân tích.

Thay đổi cả một quy trình canh tác vốn đã ăn sâu bao đời nay để đáp ứng tiếng gọi thị trường sẽ không thể làm được trong một sớm một chiều. Nhưng nếu duy trì từ vụ này sang vụ khác, con đường hạt gạo vươn xa sẽ không còn xa.

Tags:
Long đong gạo Việt trên thị trường Mỹ

Long đong gạo Việt trên thị trường Mỹ

Mặc dù Mỹ là nơi có hàng triệu người nhập cư gốc Á sinh sống với sức tiêu thụ gạo rất lớn nhưng có một thực tế là hạt gạo Việt đang mất dần vị thế.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất