Tại sao Arsenal phải thắng Bayern?

Mùa bóng thứ 3 của HLV Luis Enrique tại Barcelona còn chưa kết thúc, vậy mà người ta đã bàn đến một sự chia tay, từ lâu rồi.

08:00 01/01/1970

Tại sao Arsenal phải thắng Bayern?

 

Enrique đã làm gì trước khi bị... công luận xét xử (mà “gã công luận” thì có vẻ như khi nào cũng đúng)? Ông đem về 8 danh hiệu vô địch - chỉ trong 10 trận địa mà Barcelona tham dự trong 2 mùa bóng vừa qua!

Đấy là chỗ khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao - nhìn đâu cũng thấy, chứ chẳng riêng gì Enrique hay Barcelona. Trừ một chỗ: Arsenal. Cái câu “bất quá tam” mà dùng để nói về thất bại của Arsenal ở giai đoạn knock-out Champions League, ắt sẽ trở nên lố bịch. Chỉ cần nói thế mỗi khi Arsenal gặp (và thua) Bayern, thì cũng sai đến tám ngàn dặm rồi.

Đã đến lúc kết thúc triều đại Arsene Wenger? Đây là đề tài quen thuộc mỗi khi Arsenal dừng bước ngay vòng knock-out đầu tiên ở Champions League, hoặc kết thúc Premier League với một chỗ đứng trong Top 4 nhưng không vô địch. Bàn mãi cũng thế. Đụng phải Bayern mà Arsenal không thua thì đấy mới là chuyện đáng bàn. Còn việc không thể tiến xa ở Champions League, hoặc đã quên hẳn cảm giác vô địch Premier League, chỉ đáng nói khi Arsenal thua cả một Monaco vừa thăng hạng 2 năm trước tại Pháp, hoặc đứng dưới Leicester ở Premier League.

Một chút phản biện: tại sao cứ phải “kết thúc”, khi Arsenal đã chịu đựng Wenger suốt hơn chục năm mà không cảm thấy có vấn đề gì? (Vâng, chính Wenger đã nói lời cảm ơn về “sự chịu đựng” của Arsenal, ở “lễ vàng 20 năm” - trong bóng đá thì 20 năm là quá xứng đáng với khái niệm “lễ vàng” rồi).

Rồi đây, Arsenal sẽ thắng lại Bayern ở lượt về - dù khi ấy chắc chắn đối thủ không còn là Bayern đích thực nữa và dù thắng cũng chỉ để “ngẩng cao đầu rời giải”. Thành tích đối đầu trực tiếp sẽ được cải thiện, và đến trước lần tái ngộ kế tiếp, người ta sẽ lại gật gù rằng Arsenal đã thắng 4, thua 6, hòa 2 trong 12 lần đụng độ Bayern ở Champions League. Cân bằng nhỉ?!

Nghiêm túc mà nói: tại sao Arsenal phải thắng Bayern (theo một ý nghĩa sống còn)? Vào đến giai đoạn knock-out, tiền chia của Arsenal mùa này đã được ước tính là khoảng 40-50 triệu euro rồi. Sẽ có thêm 6,5 triệu euro nếu họ lọt vào tứ kết. Khác biệt không lớn đến mức phải kéo còi báo động. 

Nếu lại vào Top 4 ở Premier League, Arsenal sẽ lại yên tâm với khoản thu nhập như thế trong mùa bóng tới. Và họ sẽ lại hài lòng trong hoàn cảnh giả định là dừng chân ở vòng 1/8. Đề tài về việc thay Wenger trở nên không cần thiết, với Arsenal, chính là vì vậy. Vì họ không có nhu cầu phải bằng mọi giá vô địch Premier League, hoặc vào tứ kết, bán kết Champions League.

Tất nhiên, vô địch thì phải tốt hơn Top 4 Premier League; vào tứ kết hoặc bán kết vẫn hơn chỉ vào vòng 1/8 Champions League? Đây lại chính là chỗ để bàn. Arsenal hài lòng với Wenger là bởi ông duy trì được sự ổn định trong nhu cầu của đội. Một HLV có cá tính và dám thay đổi như Pep Guardiola hoặc Juergen Klopp có thể sẽ thành công hơn, nhưng nếu vậy, nguy cơ “tan hoang đội bóng” cũng sẽ cao hơn, nếu những thay đổi mang tính cách mạng không dẫn đến kết quả như mong muốn. Chia tay Wenger quá dễ, nhưng tìm một “Wenger khác” lại rất khó. Chắc gì Arsenal cần Klopp, Conte hoặc Pep!

Arsenal chỉ cần dự Champions League để chia tiền bản quyền (vì thị trường truyền hình bóng đá tại Anh khá lớn nên khoản chia này rất “béo”) - chứ họ không quá quan tâm khoản chia theo thành tích. Có khi, chính các ông chủ Arsenal lại đang ngồi cười hềnh hệch khi theo dõi sự chỉ trích của thiên hạ. Bạn sẽ nghĩ gì nếu thiên hạ chỉ trích con bạn, muốn nó phải như thế này thế nọ, trong khi chính bạn chẳng cần quái gì những điều như thế?

 

 

Đại học Mỹ gửi nhầm thông báo trúng tuyển cho gần 300 người

Đại học Mỹ gửi nhầm thông báo trúng tuyển cho gần 300 người

Đại học Columbia thuộc khối Ivy League thông báo với 277 ứng viên rằng đã trúng tuyển vào tuần này, tuy nhiên đó là sự nhầm lẫn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất