Tại sao một số lãnh đạo thế giới chưa chúc mừng Tổng Thống đắc cử Joe Biden?

Cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một tại Hoa Kỳ đã kết thúc từ gần cả tháng nay, với kết quả đã rõ là cựu Phó Tổng Thống Joe Biden và Thượng Nghị Sĩ Kamara Harris thuộc đảng Dân Chủ được ghi nhận đắc cử, với tổng số phiếu cử tri đoàn là 306 so với Tổng Thống Donald Trump và Phó Tổng Thống Mike Pence thuộc đảng Cộng Hòa chỉ đạt được có 232 phiếu cử tri đoàn.

02:30 30/11/2020

Theo thông lệ bầu cử có trước thời đại dịch COVID-19, chỉ nội trong đêm bầu cử thôi là kết quả không chính thức đã cho thấy ứng cử viên nào đắc cử và ứng cử viên nào thất bại rồi, bởi vì số phiếu được coi là quan trọng nhất mà cử tri Mỹ đã bỏ tại các phòng phiếu trên khắp 50 tiểu bang đã được đếm và kiểm nhận ngay trong đêm đó.

Tổng Thống đắc cử Joe Biden công bố một phần nội các tương lai của ông tại một buổi lễ ở Wilmington, Delaware, ngày 24 Tháng Mười Một, 2020. (Hình: AP Photo/Carolyn Kaster)

Ứng cử viên thua cuộc, hầu như ngay sau lúc kết quả được công bố, đã lên tiếng nhìn nhận chiến thắng của đối thủ cùng với lời hứa hẹn sẽ sẵn lòng hợp tác với vị tổng thống đắc cử để cùng nhau phục vụ đất nước. Với kết quả cuộc bầu cử đã khá rõ ràng rồi, các nhà lãnh đạo chính phủ trên thế giới thường không gặp mấy khó khăn khi quyết định gởi lời chúc mừng đến vị tổng thống đắc cử, cùng lời hứa hẹn sẽ hợp tác tốt đẹp với chính phủ mới.

Những bất thường trong cuộc bầu cử năm 2020

Nhưng cuộc bầu cử năm nay hoàn toàn khác với tất cả các cuộc bầu cử đã có trước đây trong lịch sử Mỹ chỉ vì đại dịch COVID-19, xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Cộng Sản Trung Hoa từ hồi Tháng Mười Hai, 2019, và đến Tháng Giêng, 2020, thì khởi sự lây lan ra khắp thế giới, kể cả Hoa Kỳ, là nước hiện đang có số người bị lây nhiễm dịch bệnh và số nạn nhân tử vong vào hàng cao nhất thế giới.

Chính vì muốn bảo vệ an toàn cho các cử tri trong ngày bầu cử, thể thức bỏ phiếu bằng thư qua bưu điện đã được áp dụng trên toàn quốc, cho phép hàng triệu cử tri có thể cứ ngồi nhà mà vẫn có thể bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên nào lên làm tổng thống, hoặc làm các thành viên quốc hội, từ cấp tiểu bang đến cấp liên bang.

Và rồi Tổng Thống Trump, ứng viên tái ứng cử chức vụ tổng thống năm nay, đã từ chối không công nhận kết quả cuộc bầu cử mà ông đã thua, viện lý do cuộc bầu cử đã bị gian lận qua lối bầu cử bằng thư, một thể thức mà vị đương kim tổng thống, từ nhiều tháng trước đây, từng cảnh cáo rằng sẽ dẫn tới gian lận bầu cử đại quy mô. Tổng Thống Trump tuyên bố ông sẽ khởi kiện để đảo ngược kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử, bắt đầu từ những vụ kiện tại các tiểu bang hai bên đang tranh chấp mà ông tin là có gian lận nhằm dẫn tới chiến thắng cho ứng cử viên Biden.

Thái độ không chịu nhìn nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống với phần thắng thuộc về hai ứng cử viên Joe Biden và Kamala Harris của Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa đã tạo nên khó khăn chưa từng có cho các nhà lãnh đạo thế giới trong việc gởi lời chúc mừng đến vị tổng thống và phó tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.

Một tuần lễ sau ngày bầu cử tại Mỹ, hầu như các lãnh tụ thế giới ai cũng giữ thái độ “chờ xem” chứ chưa biết phải hành động ra sao, vì ai cũng sợ mình bị “hớ” về phương diện ngoại giao, một lỡ lầm có khả năng gây phương hại cho quan hệ sau này với chính quyền Washington.

Các nhà lãnh đạo thế giới chúc mừng Joe Biden và Kamala Harris đắc cử

Nhưng cho đến ngày 7 Tháng Mười Một, tức vài ngày sau ngày bầu cử tại Mỹ, khi kết quả cuộc bầu cử đã khá rõ ràng là nghiêng về phần thắng lợi cho cựu Phó Tổng Thống Biden mặc dù Cơ Quan Dịch Vụ Công (General Services Administration) của chính phủ Mỹ chưa công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử, một số các nhà lãnh đạo chính phủ trên thế giới đã theo nhau gởi lời chúc mừng tới Tổng Thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris.

Từ ngày 7 cho tới ngày 13 Tháng Mười Một, danh sách các nhà lãnh đạo thế giới chúc mừng chiến thắng của cặp Biden-Harris được ghi nhận như sau: Thủ Tướng Canada Justin Trudeau; Thủ Tướng Ireland Micheal Martin; Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in; Thủ Tướng Úc Scott Morrison; Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron; Thủ Tướng Đức Angela Merkel; Thủ Tướng Bỉ Alexander de Croo; Thủ Tướng Anh Boris Jonhson; Thủ Tướng HungaryViktor Orban; Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu; Chủ Tịch Palestine Mahmoud Abbas; Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi; Thủ Tướng Nhật Yoshihida Suga; Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan; Vua Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud; Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…

Vào sáng Thứ Năm, 26 Tháng Mười Một, tại Tòa Bạch Ốc, sau khi nói chuyện với các quân nhân Mỹ, truyền thống ngày lễ Tạ Ơn, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố sẽ rời Tòa Bạch Ốc nếu Cử Tri Đoàn bỏ phiếu cho Tổng Thống đắc cử Joe Biden, theo hãng thông tấn Reuters. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Một số các nhà lãnh đạo thế giới vẫn chưa chúc mừng

Bức tranh tổng thể về kết quả cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một vừa qua tại Hoa Kỳ đang ngày càng rõ nét, với việc đương kim Tổng Thống Trump, vào ngày 23 Tháng Mười Một, tuy không nhìn nhận mình thất cử và đối thủ Biden thắng cử, đã ra lệnh xúc tiến việc chuyển giao quyền hành tại Tòa Bạch Ốc cho đối thủ Joe Biden.

Nhưng, cho tới nay, vẫn có một số nhà lãnh đạo các nước còn giữ thái độ im lặng, chua chịu nhìn nhận hoặc gởi lời chúc mừng thắng cử tới Tổng Thống đắc cử Biden và Phó Tổng Thống đắc cử Harris. Xem ra, nước nào và nhà lãnh đạo nào cũng có những lý do riêng khi chưa chịu nhìn nhận chiến thắng của hai vị tổng thống và phó tổng thống đắc cử của Mỹ.

– Bắc Hàn: Chủ Tịch Kim Jong Un vốn thù nghịch với mọi chính phủ Mỹ, dù là thuộc đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ. Nhưng họ Kim đặc biệt ưa thích Tổng Thống Trump, bởi vì nhà lãnh đạo này của Mỹ hay có những hành động đột phá trên chính trường mà họ Kim hy vọng sẽ có lợi cho vị thế của Bắc Hàn, dẫn đến ba lần hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ Tịch Kim và Tổng Thống Trump, dù tất cả đếu không mang lại kết quả. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy rất ít có vị tổng thống Mỹ nào, dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, chịu khó tìm kiếm một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề Bắc Hàn khi quốc gia Cộng Sản này ngày càng nguy hiểm hơn, với kho vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn của họ ngày càng tân tiến hơn, mà chỉ muốn đầy lùi vấn đề nan giải này vào tay người kế nhiệm.

-Brazil: Jair Bolsonaro, vị tổng thống đương quyền cực hữu của Brazil, rất nể phục Tổng Thống Donald Trump và luôn tin tưởng rằng thế nào Tổng Thống Trump cũng tái đắc cử. Ông Bolsonaro rõ ràng là vẫn còn nuôi hy vọng vị đương kim tổng thống Mỹ sẽ lật ngược được thế cờ qua thủ tục kiện tụng, ít nhất cũng là từ nay cho đến khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một được công bố và xác nhận ai là vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

-Mexico: Tổng Thống Andres Manuel Loper Obrador rõ ràng là không lo lắng cho lắm khi phải làm mích lòng Tổng Thống đắc cử Joe Biden cho bằng lo sợ Tổng Thống Donald Trump sẽ trả đũa sau này nếu ông lật ngược được thế cờ. Từ mấy thập niên qua, khối cử tri Latino đông đảo tại Mỹ luôn là chỗ dựa vững chắc giúp cho các ứng cử viên tổng thống, nghị sĩ và dân biểu Mỹ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, khiến vị tổng thống Mexico vẫn thản nhiên chờ đợi kết quả chính thức, chỉ đơn giản là vì nhà lãnh đạo nào của phía Dân Chủ Mỹ cũng phải cần đến lá phiếu của các cử tri Latino.

-Slovenia: Slovenia là quê hương cũ của Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump, đất nước luôn hãnh diện vì có Melania trong Tòa Bạch Ốc. Dẫu sao, ai cũng phải chờ đợi kết quả chính thức của cuộc bầu cử tại Mỹ mới biết phải làm gì. Vả lại, vì Thủ Tướng Janez Jansa đã mau miệng chúc mừng Tổng Thống Trump chiến thắng ngay cả trước khi cuộc bầu cử kết thúc vào tối 3 Tháng Mười Một cho nên ông đành phải tiếp tục bám víu vào hy vọng rằng vị đương kim tổng thống Mỹ sẽ lật ngược được thế cờ để giữ vững chiếc ghế tổng thống thêm bốn năm nữa.

-Việt Nam: Cộng Sản Việt Nam lúng túng thấy rõ trong bài toán có nên sớm chúc mừng Tổng Thống đắc cử Joe Biden hay không. Lý do thứ nhất là họ sợ bị trả đũa lỡ khi kết quả cuộc bầu cử bị đảo ngược do kết quả của trận chiến pháp lý mà phe của đang tiến hành tại các tòa án Mỹ. Lý do thứ nhì là chính sách kinh tế của chính quyền Trump đối với Việt Nam hiện đang làm lợi cho nước này khi Mỹ muốn dùng Việt Nam để thay thế cho Trung Hoa trong vai trò đối tác thương mại, bất kể sự thể chính phủ Mỹ hiện nay đang điều tra nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam về hai tội thao túng tiền tệ và buôn bán lem nhem, trong đó có việc xuất cảng giùm hàng hóa cho Cộng Sản Trung Hoa đang bị Mỹ đánh thuế nặng dưới nhãn mác “Made in Vietnam.” Và lý do thứ ba là việc chính quyền Trump tỏ ra quyết liệt chống Cộng Sản Trung Hoa bành trướng tại Biển Đông đã khiến cho chính quyền Hà Nội sẵn lòng chờ đợi thêm một thời gian, với hy vọng mong manh là ông Trump vẫn còn ở lại Tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ nữa. Phải biết rằng Việt Nam vẫn quen thói chơi trò đu dây giữa các đại cường – giữa Cộng Sản Nga và Cộng Sản Trung Hoa trước khi Liên Xô sụp đổ và giữa Mỹ và Trung Hoa như  hiện nay – cho nên chuyện họ lại tiếp tục đu giây giữa Trump và Biden cũng chẳng có gì là lạ cả.

-Nga: Đại cường Nga dưới quyền Tổng Thống Vladimir Putin chính là nước đang được toàn thế giới hết sức chú ý khi chưa chịu chúc mừng Tổng Thống đắc cử Biden, nhất là sau khi nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa Tập Cận Bình, sau cùng, đã gởi lời chúc mừng đến ông Biden hôm 13 Tháng Mười Một. Có ít nhất là hai lý do chính yếu dẫn đến sự thể này. Thứ nhất, Tổng Thống Putin và các nhà lãnh đạo thuộc đảng Dân Chủ Mỹ, đặc biệt là cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, vốn thù nghịch nhau từ lâu, chẳng những vì Nga đã sáp nhập bất hợp pháp Bán Đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của họ hồi năm 2014 mà còn vì ông Putin đã không che giấu việc ông muốn Tổng Thống Trump thắng cử, trước là đối với Hillary Clinton và bây giờ là đối với Joe Biden. Và lý do thứ nhì là nước Nga của ông Putin đang bị tiến thoái lưỡng nan trong cố gắng làm lành với Hoa Kỳ và Tây phương (sau khi đã phạm một sai lầm lớn trong vụ Crimea và Ukraine) nên cảm thấy như đã hết hy vọng nếu vị tổng thống tương lai của Mỹ lại thuộc đảng Dân Chủ đang thù nghịch với mình. Nhà lãnh đạo Nga nghĩ rằng, dù mình có sớm công nhận và rối rít chúc mừng vị tổng thống đắc cử của Mỹ đi nữa, mối bang giao đã sứt mẻ trầm trọng giữa Nga và Hoa Kỳ cũng rất khó hàn gắn một khi ông Joe Biden đã ngồi vào Tòa Bạch Ốc. (Vann Phan) [qd]

Tags:
Ông Biden sẽ không thể chặn được cuộc 'di cư' bắt đầu từ ông Trump

Ông Biden sẽ không thể chặn được cuộc 'di cư' bắt đầu từ ông Trump

Các công ty sẽ tiếp tục dời nhà máy khỏi Trung Quốc dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, đây là quá trình mất nhiều thời gian và nước này có thể giữ vững vị thế trong ít nhất 5 năm tới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất