Tài xế Mỹ uống rượu lái xe không dám ‘bỏ của chạy lấy người’

Hình phạt cho tội lái xe uống rượu ở Mỹ rất nặng, người vi phạm không thể “bỏ của chạy lấy người”.

07:00 20/06/2020

Luật sư Khanh, đang làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết về cách xử phạt khi hàng trăm tài xế xe máy bỏ xe, không đóng phạt:

Khi nhìn một kho đầy những chiếc xe máy mà tài xế uống rượu lái xe để lại, tôi không khỏi bật cười.

Luật pháp chỉ mạnh bằng khả năng hành pháp”. Đây là câu cửa miệng của các luật sư Mỹ khi nói về lập pháp. Các điều luật được soạn thảo phải xét tới khả năng thực thi, khi đưa ra đều phải có thêm phần ai là người thực hiện.

Hình phạt cho tội uống rượu lái xe cũng vậy. Khi hình phạt là một khoản tiền lớn nhưng cách để đảm bảo tài xế tới nộp phạt là giữ xe thì cũng giống như một khoản vay không có đảm bảo, không có giấy tờ. Các tài xế bỏ luôn xe, không bao giờ quay lại, khiến cho cơ quan chức năng phải ôm luôn một lượng xe rất lớn.

Ở Mỹ hình phạt cho tội lái xe uống rượu rất cao. Khi một người bị kiểm tra nồng độ cồn mà phát hiện say thì sẽ bị bắt, bị đem về đồn và bị khởi tố. Người bị bắt phải nộp tiền bảo lãnh tại ngoại mới được thả ra, xe thì tất nhiên là bị đem về bãi đậu xe của sở cảnh sát.

>>Lái xe sau khi uống rượu bia bao lâu thì không phạm luật?

Lấy được xe về là chuyện nhỏ, người bị phạt chỉ cần ra bãi, nộp phí kéo xe và phí giữ xe tính theo ngày là được đem về. Cái lớn hơn là phải ra tòa để trả lời cáo buộc uống rượu lái xe.

Tới lúc này thì mọi việc giống như các vụ hình sự tiểu hình. Người bị phạt có thể nhận tội, chịu phạt một khoản rất lớn, thậm chí là ngồi tù tùy theo mức độ tái phạm. Bằng lái bị trừ điểm, nếu trừ nhiều điểm quá thì mất luôn bằng lái. Còn nếu cảm thấy là mình oan thì có thể thuê luật sư ra tòa để cãi. Đằng nào thì cũng sẽ tốn rất nhiều, thông thường một vụ uống rượu lái xe sẽ tốn cỡ 10.000 USD.

Nếu người bị phạt “lặn” luôn thì không được. Một người đã bảo lãnh tại ngoại mà tới ngày không chịu ra tòa thì sẽ bị tòa phát lệnh bắt, thậm chí bị xem như đã nhận tội. Khi đó thì bằng lái sẽ bị trừ điểm hay mất bằng, tài khoản ngân hàng có thể bị lấy tiền để nộp phạt (“levy”), sẽ bị bắt rồi ra tòa và nhận luôn bản án tù nếu phù hợp với cáo trạng.

Cách hành pháp đối với tội uống rượu lái xe không thể nhắm vào giá trị chiếc xe, nhất là khi xe giá thấp hơn hình phạt. Nó phải nhắm vào những thứ “mất” nếu người ta không nộp phạt, không chịu ra tòa đối mặt cáo trạng của mình.

Như cách làm ở Mỹ thì nếu tài xế không ra tòa trả lời các cáo buộc của mình thì sẽ trở thành tội phạm đào tẩu, hoàn toàn có thể bị bắt và giam giữ cho tới lúc ra tòa. Nói cách khác, “tài sản đảm bảo” để các tài xế tới nộp phạt là tự do của chính họ và lý lịch tư pháp, chứ không phải là chiếc xe.

Cái mà lực lượng hành pháp ở Việt Nam có thể làm là thông báo tên tuổi của tài xế tới địa phương, nếu tới hạn mà họ không tới nộp phạt thì công an phường tới nơi cư trú nhắc nhở. Đây chính là đặt điểm phân biệt giữa hình phạt ở Việt Nam và hình phạt ở Mỹ với tội uống rượu lái xe. Việt Nam đây là vi phạm hành chính, còn ở Mỹ thì là tội hình sự.

Khi hình phạt cao thì phải có cách để thực hiện. Bằng không thì cũng giống như đưa ra án tù mà nhà tù thì không có, đâu có ai sợ.

Link nguồn: https://vnexpress.net/tai-xe-my-uong-ruou-lai-xe-khong-dam-bo-cua-chay-lay-nguoi-4114965.html

Tags:
Nhiều tài xế không dám đi hết cây cầu dài nhất thế giới

Nhiều tài xế không dám đi hết cây cầu dài nhất thế giới

Năm 1969, cầu vượt hồ Pontchartrain chính thức được tổ chức kỷ lục thế giới Guinness công nhận là cây cầu trên mặt nước dài nhất thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất