Tàu chở dầu Trung Quốc bị nghi đổi tên để né lệnh trừng phạt của Mỹ

Tín hiệu nhận dạng của tàu chở dầu Pacific Bravo bị tắt hôm 5/6 và được bật lại 42 ngày sau, nhưng dưới tên mới là Latin Venture.

02:00 17/08/2019

Trong lúc đang thực hiện hành trình trên Ấn Độ Dương hướng về eo biển Malacca, tàu chở dầu thô rất lớn (VLCC) mang tên Pacific Bravo bất ngờ tắt thiết bị phát đáp, vốn được dùng để thông báo vị trí, hướng di chuyển của tàu cho các phương tiện khác, theo dữ liệu theo dõi hàng hải quốc tế.

Tàu Pacific Bravo trên biển Singapore hôm 7/3. Ảnh: Marine Traffic.

Trước đó, một quan chức chính phủ Mỹ cảnh báo các cảng biển ở châu Á không cho phép tàu Pacific Bravo cập cảng, với lý do nó đang chở dầu thô của Iran, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Một tàu VLCC thường vận chuyển khoảng hai triệu thùng dầu, trị giá 120 triệu USD.

Ngày 18/7, thiết bị phát đáp của tàu VLCC Latin Venture được kích hoạt ở eo biển Malacca, ngoài khơi cảng Dickson, Malaysia, cách nơi tàu Pacific Bravo phát tín hiệu lần cuối khoảng 1.500 km.

Cả tàu Latin Venture và Pacific Bravo đều sử dụng cùng một số nhận dạng tàu biển IMO9206035 do Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cấp, theo dữ liệu của Refinitiv & VesselsValue, công ty theo dõi các giao dịch tàu thuyền trên thế giới.

Vì số IMO gắn liền với một con tàu suốt đời, Matt Stanley, một nhà môi giới dầu mỏ tại StarFuels ở Dubai, cho rằng điều này chứng minh Latin Venture và Pacific Bravo là một tàu và chủ tàu đang tìm cách né các lệnh trừng phạt nhằm vào giao dịch dầu mỏ với Iran.

Con tàu thuộc sở hữu của công ty Kunlun Holdings có trụ sở tại Thượng Hải và văn phòng đại diện tại Singapore. Những cuộc gọi của Reuters tới công ty không nhận được phản hồi.

Trong quá trình hoạt động dưới cái tên Pacific Bravo, dữ liệu của tàu cho thấy nó đã chở đầy hàng trước khi tắt bộ phát đáp. Sau khi tín hiệu phát đáp xuất hiện lại sau 42 ngày dưới cái tên Latin Venture, hàng hóa trên tàu không còn, nhưng không xác định được nơi tàu dỡ hàng.

Theo thông báo của Cục Hàng hải Malaysia, Latin Venture cập cảng Dickson hôm 29/6 để thay thủy thủ và rời đi hôm 18/7. Tàu không dỡ hàng ở đây.

Mỹ áp lệnh trừng phạt Iran hồi tháng 11/2018 sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 ký với Iran và 6 cường quốc khác. Washington hồi tháng 5 chấm dứt lệnh miễn trừng phạt với một số nhà nhập khẩu dầu của Iran nhằm cắt giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống bằng 0.

Quan chức Iran chưa bình luận thông tin về việc đổi tên tàu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa trả lời. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/8 cho hay "sẽ không nói trước các hoạt động trừng phạt của mình, nhưng sẽ tiếp tục tìm cách gây tổn thất cho Iran nhằm thuyết phục chính quyền Iran rằng chiến dịch gây bất ổn của họ sẽ tạo ra thiệt hại lớn".

Sau khi rời cảng Dickson, tàu chở dầu của Trung Quốc đi qua Singapore tới bờ biển đông nam Malaysia và hôm 25/7, nó phát tín hiệu cho biết khoang chở dầu đã gần đầy. Tới 14/8, tàu vẫn ở vị trí đó, nhưng Reuters chưa xác minh được nguồn gốc số dầu trên tàu.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Công ty Trung Quốc chật vật sinh tồn dưới đòn thuế của Mỹ

Công ty Trung Quốc chật vật sinh tồn dưới đòn thuế của Mỹ

Các công ty xuất khẩu Trung Quốc phải giảm giá sản phẩm, thậm chí áp dụng chiêu "ve sầu thoát xác" để sống sót trong thương chiến với Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất