'Tây' ở Sài thành và những chuyện vui buồn

“Hãi hùng” với giao thông nhưng lại rất “chuộng” bệnh viện công là một phần trong những trải nghiệm vui buồn của nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại TP.HCM.

18:41 12/01/2020

Nhiều người nước ngoài gắn bó lâu dài tại TP.HCM bởi môi trường dễ dàng hòa nhập, người dân thân thiện và chi phí sinh hoạt vừa phải

Từ khiếp vía với các “nữ ninja”

“Lần đầu tiên đến Sài Gòn, giao thông ở đây khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Thành phố có rất nhiều xe máy và nhiều lúc kẹt xe “khủng khiếp”. Đây là những điều tôi chưa từng thấy khi sống tại Hàn Quốc”, anh Seo Jong-seong, du học sinh Hàn Quốc có hơn 3 năm sống tại Việt Nam, đã chia sẻ như vậy.

Anh cùng một người bạn còn trải qua một trải nghiệm “khiếp vía”, khi gặp tai nạn giao thông, may mắn là thương tích không quá nghiêm trọng.

Anh Seo nói thêm: “Tôi cảm thấy lo lắng vì hiện nay có rất nhiều người vẫn lái xe trên đường dù đã uống nhiều rượu. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Đây là hành vi rất hại cho xã hội và tôi nghĩ tất cả chúng ta cần quan tâm đến việc nâng cao ý thức về việc không lái xe khi đã có rượu trong người”.

Thầy giáo Joel muốn gắn bó lâu dài với  

Tai nạn giao thông cũng đã khiến anh Joel, người Philippines đang dạy tiếng Anh ở Q.7 (TP.HCM), trải qua nhiều phen hoảng hồn. Hằng ngày, anh vẫn bị ám ảnh bởi vấn đề giao thông. “Tôi thích chạy xe máy và sống ở TP.HCM giúp tôi thỏa mãn đam mê. Tuy nhiên, tôi sợ nhất người điều khiển xe máy say xỉn hoặc các chị em trùm kín từ trên xuống dưới không hề bật tín hiệu khi rẽ trái, phải”, thầy giáo Joel nói.

Còn Veronica Romeo, giảng viên tình nguyện tại Trường ĐH KHXH-NV (Đại học Quốc gia TP.HCM), thì kể rằng từng rất “sốc” khi vừa rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất trong lần đầu đến TP.HCM.

“Tôi thấy rất nhiều người đang chờ đợi bên ngoài trong không khí nóng bức, đường phố đông đúc xe cộ, nhất là xe máy. Thật lòng, lần đầu tiên đến đây, tôi đã bị sốc”, cô Romeo kể và chia sẻ thêm: “Dù sống hơn 2 năm ở TP.HCM nhưng mãi đến gần đây tôi mới có thể qua đường “thành thạo”. Tôi rút ra bài học kinh nghiệm là bản thân phải chủ động giơ tay để báo hiệu thì xe cộ sẽ nhường lối, còn không thì bị tông trúng… ráng chịu. Đây là thành phố năng động, phát triển vượt bậc và tôi hy vọng tuyến metro sớm hoàn thành để cải thiện hệ thống giao thông công cộng”.

Giao thông ở TP.HCM khiến nhiều người nước ngoài hãi hùng

Tương tự, cô Wannaporn Mangkang, Giám đốc phụ trách thương mại điện tử của một tập đoàn Thái Lan tại Việt Nam, cũng “choáng ngợp” trước giao thông tại TP.HCM. “Rất nhiều xe máy chạy trên vỉa hè. Giao thông có vẻ rất lộn xộn vào giờ cao điểm”, cô Wannaporn cho biết và kể lại rằng thời gian đầu cảm thấy khá sợ hãi, và phải mất một thời gian dài để thích nghi, học được cách qua đường sau vài lần có sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp Việt Nam.

Không những “hãi hùng” với giao thông, cô Wannaporn Mangkang còn có một trải nghiệm đáng buồn khác. “Trong một lần vào siêu thị, tôi bị kẻ gian lấy mất chiếc điện thoại vừa mới mua của mình. Với tôi, tình huống khi đó như một cơn ác mộng. Tôi gần như “bay” ngay về nhà để xử lý bảo mật cho những tài khoản trực tuyến của mình và dành thêm một khoản tiền để mua lại điện thoại. Đó là trải nghiệm buồn nhất với tôi”, cô kể.

… đến “chuộng” bệnh viện công

Đối với Joel, tai nạn giao thông không chỉ là “ám ảnh” duy nhất. “Bạn tôi bị thương nhẹ nhưng phải chi trả đến 40 triệu đồng chi phí chữa trị tại một bệnh viện tư nhân ở TP.HCM”, anh Joel kể. Thế là, rút kinh nghiệm từ chuyện của bạn mình, lúc vợ anh bị bệnh phải cấp cứu, anh đã đưa cô đến bệnh viện công ở Q.3. Và đây là chọn lựa mà anh cho là tuyệt vời khi kể lại: “Tôi cảm động khi y bác sĩ ưu tiên chữa trị cho vợ dù lúc đó có rất đông bệnh nhân”.

Chăm sóc sức khỏe là một vấn đề quan trọng mà cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam rất lưu tâm. Bất ngờ là không chỉ Joel, nhiều người ngoại quốc khác cũng đặt nhiều niềm tin vào các bệnh viện công tại TP.HCM.

Điển hình như ông Radhanath Varadan, một người Ấn Độ làm trong lĩnh vực truyền thông và sống ở TP.HCM hơn 19 năm, cho biết: “Các bệnh viện công ở TP.HCM dù quá đông bệnh nhân, nhưng đội ngũ y bác sĩ nỗ lực làm tốt nhiệm vụ. Bệnh viện tư nhân rõ ràng không phải là đối thủ của bệnh viện công nếu so về năng lực của bác sĩ. Nếu tôi bị bệnh, tôi chỉ muốn đến bệnh viện công”.

Ẩm thực tuyệt vời và karaoke “chất” hơn ở Mỹ

Có một điều nổi bật tại TP.HCM luôn níu chân người ngoại quốc. Đó là ẩm thực. Trả lời PV Thanh Niên, nhiều người nước ngoài chia sẻ dường như không thể rời xa các món ăn ở Việt Nam sau khi đã thưởng thức nền ẩm thực đa dạng, phong phú ở TP.HCM.

Cô Veronica nhận định thực phẩm ở đây đa dạng và lành mạnh hơn nhiều so với ở châu Âu do có nhiều rau củ quả. Kể từ khi đến TP.HCM, cô chuyển sang ăn cơm hằng ngày như người Việt, nhiều hơn cả món ưa thích trước đây là mì Ý.

Còn du học sinh Seo đặc biệt ấn tượng với món bún đậu mắm tôm. Ban đầu anh không thể chịu được mùi mắm tôm. “Tuy nhiên, sau vài lần thử tôi giống như bị nghiện và ngày càng thấy thích cái hương vị đậm đà của món ăn này”, Seo cho biết.

Giống như nhiều người nước ngoài ở TP.HCM, cô Michelle Cloud, tùy viên báo chí tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM, rất thích ăn các món ốc vì chúng được chế biến hoàn toàn khác biệt những món hải sản tại Mỹ.

“Tôi thích đi hát karaoke cùng bạn bè dịp cuối tuần. Tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) cũng có quán karaoke nhưng phòng ốc, cách trang trí không hoành tráng như ở TP.HCM. Nhân dịp Tết âm lịch sắp tới, tôi đang cố tập luyện bài Ngày tết quê em để so tài với bạn bè trong phòng karaoke”, cô Michelle Cloud cho hay.

Dễ dàng hòa nhập

Giữa các kỷ niệm vui buồn, nhiều người nước ngoài nỗ lực gắn bó lâu dài tại TP.HCM, bởi môi trường dễ dàng hòa nhập, người dân Sài Gòn luôn thân thiện và chi phí sinh hoạt vừa phải.

“Ấn tượng đầu tiên của tôi là người dân thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ, điều này giúp người nước ngoài hòa nhập rất nhanh vào cuộc sống mới chỉ sau vài tháng”, anh Joel chia sẻ. Vì thế, vợ chồng anh Joel cùng con gái nhỏ quyết định chuyển đến đây để tìm việc làm kể từ tháng 2.2018.

“Điều tôi thích nhất là chi phí sống, chẳng hạn giá xăng, thực phẩm, tất cả đều thấp hơn so với thủ đô Manila”, anh Joel chia sẻ và nhận xét thêm: “Tại TP.HCM, tôi dễ dàng tìm và thuê nhà với giá cả phù hợp”.

Cùng quan điểm, cô Michelle Cloud cho biết theo kết quả khảo sát mới đây của chuyên trang InterNations, nhà ở, tài chính và chi phí sinh hoạt thấp là yếu tố chính giúp TP.HCM được bình chọn đứng hàng thứ 3 thế giới trong số các thành phố tốt nhất cho người nước ngoài sống, làm việc trong năm nay.

Không chỉ Joel mà cô Veronica cũng cho hay dù có ấn tượng ban đầu không mấy hoàn hảo như thời tiết nóng bức, xe cộ đông đúc, nhưng chính sự chân tình của người bản xứ khiến cô cảm thấy mình luôn được chào đón và cảm thấy an toàn.

Theo Thanhnien.vn

Tags:
Những cái kết vui buồn chuyện yêu xa của du học sinh

Những cái kết vui buồn chuyện yêu xa của du học sinh

“Người ta” đi du học nghĩa là sẽ phải chia xa trong một khoảng thời gian dài. Sự xa cách về không gian và thời gian là một “chướng ngại vật” lớn của tình yêu mà không phải ai cũng có thể vượt qua.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất