Mỹ: Tham vọng chế tạo tàu sân bay trên không bất thành

Quân đội Mỹ từng nhiều lần tìm cách chế tạo máy bay có thể phóng và thu hồi tiêm kích trên không nhưng đều không thành hiện thực.

15:39 25/06/2017


 Máy bay B-36 thả tiêm kích con F-84 trong thử nghiệm AAC.

Tàu sân bay Mỹ có thể triển khai chiến đấu cơ trên khắp thế giới, nhưng việc tấn công thọc sâu trong đất liền đòi hỏi nhiều khí tài hỗ trợ không phải lúc nào cũng sẵn sàng triển khai, chẳng hạn như máy bay tiếp dầu. Để giải quyết vấn đề này, quân đội Mỹ từng nhiều lần tìm cách chế tạo tàu sân bay trên không (AAC), theo WATM.

Chuyên gia quân sự Ian D. Costa cho rằng AAC là một máy bay lớn có thể đưa các tiêm kích đến gần khu vực thực hiện nhiệm vụ. Ban đầu, Mỹ thực hiện dự án Fighter Conveyor nhằm đưa một tiêm kích F-84 vào bên trong bụng oanh tạc cơ B-36 rồi phóng ra trên không để tiến hành trinh sát. Tuy nhiên, sự ra đời của máy bay do thám U-2 khiến dự án này bị hủy sau 4 năm thử nghiệm. 

tham-vong-che-tao-tau-san-bay-tren-khong-bat-thanh-cua-my

Máy bay B-36 thả tiêm kích F-84 từ dưới bụng. Ảnh: WATM.

Tập đoàn Lockheed đề xuất chế tạo tàu bay mẹ chạy bằng năng lượng hạt nhân với phi hành đoàn 850 người, có khả năng ở trên không hơn 40 ngày. Năm 1973, không quân Mỹ quyết định phát triển theo hướng đơn giản hơn.

Vào thời điểm đó, Boeing 747 là máy bay dân dụng lớn nhất thế giới, có thể chở lượng hành khách và hàng hóa rất lớn ở khoảng cách xa. Quân đội Mỹ cho rằng máy bay lớn như vậy có thể hoán cải thành tàu sân bay trên không, mang theo một biên đội tiêm kích bên trong.

Dự án AAC yêu cầu tháo bỏ toàn bộ nội thất máy bay Boeing 747-200, thay thế bằng một nhà chứa hai tầng dành cho tiêm kích cỡ nhỏ. Để tăng tầm hoạt động cho chiến đấu cơ, AAC có thể tiếp dầu cho chúng bằng cần tiếp liệu ở phía đuôi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, những chiến đấu cơ này sẽ bay phía dưới chiếc 747-200, được thu hồi và đưa vào nhà chứa trong thân nhờ cơ cấu đặc biệt.

Tàu AAC cũng có một kho chứa nhiên liệu, phụ tùng thay thế và vũ khí cho các chiến đấu cơ nhỏ. Nó còn có khu ở cho phi hành đoàn, cũng như một phòng khách nhỏ cho phi công nghỉ ngơi giữa những lần xuất kích. Dự án này được đánh giá là có tính khả thi, không quân Mỹ tỏ ra hứng thú theo đuổi, nhất là trong bối cảnh cho rằng tàu sân bay thông thường của hải quân sẽ trở nên lạc hậu vào năm 2000.

tham-vong-che-tao-tau-san-bay-tren-khong-bat-thanh-cua-my-1

Thiết kế phiên bản Boeing 747 AAC dành cho không quân Mỹ. Ảnh: WATM.

Tuy nhiên, dự án này bị hủy khi việc nghiên cứu phát triển chiến đấu cơ cho AAC không đem lại kết quả. Một biến thể máy bay cảnh báo sớm của AAC được đề xuất, nhưng cũng bị đình chỉ, khiến tham vọng chế tạo tàu sân bay trên không của Mỹ tan thành mây khói.

Tags:
Máy bay đâm trúng tòa nhà thương mại ở Mỹ, 1 người thiệt mạng

Máy bay đâm trúng tòa nhà thương mại ở Mỹ, 1 người thiệt mạng

Ít nhất 1 người thiệt mạng khi chiếc máy bay đâm trúng vào một tòa nhà thương mại ở Fort Myers, bang Florida, Mỹ ngày 24/6.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất