Thành trì tư pháp ngăn Trump xoay chuyển bầu cử

Trump từng đề cử hơn 200 thẩm phán, dường như kỳ vọng họ ủng hộ mình trong cuộc chiến pháp lý, nhưng cuối cùng không thu được thành quả nào.

05:30 15/12/2020

"Tòa án Tối cao có cơ hội cứu đất nước của chúng ta khỏi vụ lạm dụng bầu cử lớn nhất trong lịch sử Mỹ. 78% người dân cảm thấy (hoặc biết rõ) đây là một cuộc bầu cử gian dối", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 10/12, sau khi bang Texas đệ đơn kiện 4 bang chiến trường gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, cáo buộc những chính quyền này thay đổi quy định bầu cử một cách vi hiến, gây sai lệch kết quả.

Tuy nhiên, tia hy vọng của Trump vụt tắt sau khi Tòa án Tối cao Mỹ, nơi có tới ba thẩm phán do ông đề cử, bác bỏ đơn kiện vào ngày 11/12, bởi cho rằng Texas không có quyền hợp pháp để khiếu nại về cách các bang khác tiến hành bầu cử.

"Đây là một thất bại to lớn và nhục nhã của công lý. Người dân Mỹ đã bị lừa dối, đất nước của chúng ta phải chịu hổ thẹn. Họ thậm chí chưa bao giờ cho chúng tôi cơ hội xuất hiện trước tòa", Trump viết trong tweet hôm 12/12.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay căn cứ không quân Andrews, bang Maryland, hôm 12/12. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay căn cứ không quân Andrews, bang Maryland, hôm 12/12. Ảnh: AFP.

Trên thực tế, đội ngũ của Tổng thống đã xuất hiện tại hàng chục phiên tòa, nhưng gần như tất cả nỗ lực đấu tranh pháp lý đều thất bại. Tính đến ngày 11/12, hơn 50 đơn kiện của Trump đã thất bại hoặc bị tòa bác bỏ.

Ít nhất 86 thẩm phán, từ những thẩm phán tòa cấp bang thấp nhất đến thành viên Tòa án Tối cao Mỹ, đã bác bỏ ít nhất một đơn kiện hậu bầu cử do Trump hoặc những người ủng hộ ông đệ trình. Theo bình luận viên Rosalind Helderman và Elise Viebeck của Washington Post, điều này cho thấy sự nhất trí gần như hoàn toàn trong hệ thống tòa án Mỹ, đồng thời thể hiện những hạn chế của Trump trong việc áp đặt ảnh hưởng lên nhánh tư pháp, vốn được ví như một thành trì bảo vệ luật pháp và hiến pháp Mỹ.

"Ở một khía cạnh nào đó, các thẩm phán chính là bức tường thành cuối cùng. Họ là nhánh trong chính quyền có thể lên tiếng rằng mọi chuyện không thể đi xa hơn", Charles Gardner Geyh, giáo sư Trường Luật Maurer thuộc Đại học Indiana, Mỹ, nhận định. "Họ cam kết tuân thủ thượng tôn pháp luật và là những người duy nhất đang làm đúng như vậy".

Hàng chục thẩm phán do phe Cộng hòa đề cử và bổ nhiệm cũng "giáng đòn" vào nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của Trump, thậm chí bày tỏ sự phản đối gay gắt. Gần đây nhất là thẩm phán liên bang Brett Ludwig, người được chính Trump đề cử, đã bác bỏ đơn kiện đòi hủy kết quả bầu cử tại Wisconsin.

"Một Tổng thống đương nhiệm thất bại trong nỗ lực tái đắc cử đã yêu cầu tòa án liên bang giúp đỡ nhằm gạt bỏ các phiếu phổ thông, dựa trên những vấn đề gây tranh cãi về cách thức bầu cử mà ông ấy rõ ràng có thể đã nêu ra trước cả khi bỏ phiếu. Tòa án đã cho nguyên đơn cơ hội trình bày sự việc, nhưng ông ấy không đưa ra được lý lẽ", Ludwig cho hay, lưu ý thêm rằng thượng tôn pháp luật đã được thực thi như đề nghị của Trump.

Trump và các đồng minh nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu của họ chỉ là đảm bảo "mọi phiếu bầu hợp lệ" đều được tính. Tổng thống không ngừng đề cập đến những cáo buộc gian lận giúp Joe Biden có tới hơn 81 triệu phiếu phổ thông, trong khi đội ngũ của ông đặt nghi vấn về quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu. Tuy nhiên, các thẩm phán không nhận thấy có bằng chứng đáng kể nào cho những cáo buộc trên và kết luận số phiếu bầu của Tổng thống đắc cử đều hợp lệ.

"Theo bất cứ tiêu chuẩn nào, chiến dịch của Trump cũng không chứng minh được việc những phiếu bầu không hợp lệ đã được bỏ và kiểm đếm, hoặc các phiếu hợp pháp không được tính do gian lận, hay số lượng này bằng hoặc lớn hơn chênh lệch với Biden tại bang Nevada", James Russell, thẩm phán tòa án liên bang ở Nevada, viết trong phán quyết.

"Việc tuyên bố một cuộc bầu cử là bất công không khiến điều đó trở thành sự thật. Những lời buộc tội đều đòi hỏi các cáo buộc cụ thể, sau đó là bằng chứng, nhưng chúng tôi không nhận được thứ gì cả", Stephanos Bibas, thẩm phán liên bang tại Pennsylvania được Trump chỉ định hồi năm 2017, giải thích. "Cử tri mới là người bầu tổng thống, không phải luật sư".

"Các cáo buộc thu hút sự quan tâm của công chúng, tạo nên không khí bàn tán và những lời bóng gió, không thể dùng để biện hộ trước tòa án liên bang", Diane Humetewa, thẩm phán liên bang tại Arizona, đề cập đến những khiếu nại từ luật sư Sidney Powell, người từng tham gia nhóm pháp lý của Trump.

Khác với chính trị và truyền thông, ngành tư pháp được vận hành dựa trên những nguyên tắc nhất định, áp dụng xuyên suốt trong các vấn đề từ nhỏ đến lớn. Một người muốn nộp đơn kiện phải đủ tư cách, tức là chứng minh được họ đã chịu một thiệt hại cụ thể thực sự có khả năng được giải quyết nếu họ thắng kiện. Các thẩm phán chỉ có thể hành động trong quyền hạn của họ, như thẩm phán liên bang chỉ được giải quyết những vấn đề do bang giám sát, trong đó có quy định quản lý bầu cử.

Về phía luật sư, nếu tuyên bố một điều là sự thật, họ phải có bằng chứng trực tiếp đáng tin cậy. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, các luật sư của Trump và đồng minh không đáp ứng được tiêu chuẩn này. Thay vào đó, các thẩm phán liên tục nhận thấy nguyên đơn mắc những sai phạm trong thủ tục tố tụng, như nộp đơn muộn, nộp sai tòa án, hay đưa ra những yêu cầu vô lý dựa trên lập luận vô căn cứ.

Một trong những phản bác mạnh mẽ nhất đến từ thẩm phán Brian Hagedorn tại Wisconsin, khi ông từ chối xét xử vụ kiện từ một nhóm bảo thủ yêu cầu tòa án lật ngược kết quả bầu cử.

"Trường hợp này liên quan đến một điều quan trọng hơn cả việc ai thắng phiếu đại cử tri ở Wisconsin. Xét trên khía cạnh nào đó, niềm tin vào hệ thống bầu cử tự do và công bằng của chúng ta, điểm đặc trưng cho sức mạnh lâu dài của nền cộng hòa lập hiến, đang bị đe dọa. Một khi cánh cửa cho việc vô hiệu hóa kết quả bầu cử tổng thống nhờ tòa án được mở ra, nỗ lực đóng nó lại sẽ hết sức khó khăn. Đây là lộ trình nguy hiểm mà chúng tôi đang được yêu cầu thúc đẩy", Hagedorn nêu ý kiến.

Thẩm phán Linda Parker tại Michigan, người được cựu tổng thống Barack Obama chỉ định, cũng có quan điểm tương tự khi viết rằng "quyền bỏ phiếu nằm trong số những quyền thiêng liêng nhất của nền dân chủ Mỹ", bác bỏ đơn kiện đòi hủy kết quả bầu cử tại Michigan từ đồng minh của Trump.

"Việc chấp thuận đơn kiện sẽ tước quyền bỏ phiếu của hơn 5,5 triệu công dân Michigan, những người với phẩm giá và niềm hy vọng đã tham gia bầu cử năm 2020. Tòa án từ chối yêu cầu này của các nguyên đơn", Parker cho hay.

Giáo sư Geyh chỉ ra rằng điểm chung của các thẩm phán là trình độ học vấn và chuyên môn, dẫn đến việc họ "tuân thủ luật pháp một cách nghiêm túc". "Những gì chúng ta thấy là một nhóm luật sư hùng hổ đang cố gắng đưa quá trình chuyển giao từ lĩnh vực chính trị, nơi các khái niệm và luật lệ không còn quá quan trọng, sang ngành tư pháp, nơi những quy tắc vẫn bền vững", giáo sư nói.

Geyh đánh giá các thẩm phán rõ ràng không muốn bị lôi vào những cuộc đấu đá chính trị. Thay vào đó, như thẩm phán Parker đã tuyên bố, nhiệm vụ lựa chọn những lãnh đạo chính trị, đặc biệt là tổng thống Mỹ, nên thuộc về cử tri, không phải thẩm phán.

"Người dân đã lên tiếng", bà cho hay.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post)

Tags:
Lời dạy của cổ nhân: 'Lấy nghèo dạy con trai, lấy giàu nuôi con gái' ba mẹ không được quên

Lời dạy của cổ nhân: 'Lấy nghèo dạy con trai, lấy giàu nuôi con gái' ba mẹ không được quên

Nuôi dạy con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng, chưa kể con trai và con gái cũng có cách nuôi dạy khác nhau. Muốn con nên người, ba mẹ hãy tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia tâm lí để biết cách dạy con sao cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất