Thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa Việt trên đất Mỹ

Các thế hệ sau trong cộng đồng gốc Việt tại Mỹ tiếp nối nỗ lực bảo vệ tiếng mẹ đẻ để gìn giữ văn hóa quê hương.

00:59 02/10/2017

Vào giờ ăn trưa, trong lúc các học sinh ùa vào căng tin của một trường trung học TP.Westminster (bang California), xen lẫn trong những câu chuyện rôm rả bằng tiếng Anh là các câu tiếng Việt đơn giản: “Khỏe không?”, “Sao rồi?”. Từng hàng dài quầy thức ăn ở trường cung cấp đủ món, nhưng chỗ được xếp hàng dài nhất là gỏi cuốn với tương đậu phộng. Đó là quang cảnh tại Trường trung học La Quinta, nơi tập trung học sinh gốc Việt đông nhất trên cả nước Mỹ, theo tờ The Orange County Register.

Ba phần tư số học sinh tại đây là người gốc Việt, thế hệ thứ ba trong những gia đình đã định cư tại Quận Cam từ thập niên 1970 hoặc 1980. Các em hoàn toàn là những thiếu niên Mỹ điển hình: nói tiếng Anh, thích lướt ván, mê tít những bộ phim như The Fast and the Furious… Tuy nhiên, với sự khuyến khích lẫn phần nào bắt buộc của cha mẹ, thầy cô, các em vẫn duy trì một sự kết nối nhất định với văn hóa Việt. Phần lớn nói được tiếng Việt, đồng thời ít nhiều hiểu về truyền thống quê hương nhờ tham dự các sự kiện vào dịp lễ tết.

Câu chuyện của học sinh Shawna Le là một điển hình thường thấy ở La Quinta. Cha của em, ông Si Le chỉ 13 tuổi khi đến Mỹ trong khi người mẹ Joanna Le mới lên 7. Kết quả là Le cùng người chị Lauren và người em Nathan là dân Little Saigon chính hiệu. Ở trường, chị em Le nói tiếng Anh nhưng cha mẹ buộc họ phải nói tiếng Việt ít nhất là hơn phân nửa thời gian ở nhà. “Điều vô cùng quan trọng là giúp bọn trẻ giữ được phần nào bản sắc của mình. Thời gian càng trôi qua, càng khó thực hiện được điều đó”, bà Joanna Le thừa nhận.

Thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa Việt trên đất Mỹ1

The Seattle Times Tiết mục biểu diễn mừng Tết Đinh Dậu của học sinh Trường Roseway Heights, bang Oregon

Thực tế cần phải ghi nhận là những gia đình mới di dân đến Mỹ thường có xu hướng thúc giục con em học nhanh chóng và tiếng mẹ đẻ trở thành thứ yếu. Tuy nhiên, gần đây, nhu cầu cho con cái học tiếng Việt đã gia tăng nhờ sự thúc đẩy của các bậc cha mẹ trẻ trong độ tuổi 30, với hy vọng thế hệ thứ ba không đánh mất di sản văn hóa Việt cũng như chuẩn bị tốt hơn trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu.

Tờ The San Diego Union-Tribune dẫn lời Giáo sư Quyen Di Chuc Bui, người chịu trách nhiệm chương trình dạy Việt ngữ ở Đại học California Los Angeles, cho biết số học sinh đăng ký tại các lớp ngoại khóa tiếng Việt ở Nam California đã tăng gấp đôi, lên 15.000 người trong 15 năm qua. Gần đây, các bang California, Texas, Oregon và Washington đã mở lớp tích hợp song ngữ Anh - Việt cho trẻ nhỏ sau những cuộc vận động đưa tiếng Việt vào trường học ở cấp mẫu giáo và tiểu học.

“Đa số phụ huynh trẻ thuộc thế hệ thứ hai đều có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống thành đạt, nhưng tự bản thân họ cảm thấy mất mát khi không trao đổi được bằng tiếng Việt và đứt rời mối dây liên kết với quê hương. Vì thế, họ mong muốn con cái phải nói tiếng mẹ đẻ thành thạo”, theo bà Kim Oanh Nguyen-Lam, Giám đốc Ban Huấn luyện và nghiên cứu cao cấp của văn phòng giáo dục ngoại ngữ và quốc tế. 

Tags:
Thói xấu của người Việt khi ra nước ngoài: Có chăng chỉ là sự khác biệt về văn hóa?

Thói xấu của người Việt khi ra nước ngoài: Có chăng chỉ là sự khác biệt về văn hóa?

“Nếu so với lối sống của người phương Tây, người Việt khá tự do, đôi khi là thiếu kỷ luật, nhưng rất ít người nhận ra điều đó. Chỉ đến khi ra nước ngoài, tiếp xúc với nền văn minh, văn hóa khác, những sự khác biệt này mới dần lộ ra…”

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất