Thêm bằng chứng Trung Quốc tàn phá nặng nề Biển Đông

Các hình ảnh vệ tinh, video, báo cáo và trang web thương mại cho thấy ngư dân Trung Quốc đang tàn phá tài nguyên Biển Đông.

12:09 16/01/2016

108
Ảnh cận cảnh cho thấy các rạn san hô ở đá Subi, Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa bị chặt phá để khai thác sò khổng lồ trước khi Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: Victor Robert Lee & DigitalGlobe

 

Trong bài viết vừa đăng trên tạp chí Diplomat (Nhật Bản), Victor Robert Lee cho biết, trong giai đoạn Bắc Kinh đẩy nhanh việc xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, ngư dân Đàm Môn đã tận thu loài sò khổng lồ trên quy mô công nghiệp. Những ngư dân này đi hơn 1.000km từ cảng Đàm Môn đến các bãi cạn, rạn san hô ở Trường Sa để khai thác loài sò khổng lồ có vỏ dài tới hơn 1m, nặng hơn 200kg, sống hơn 100 năm, báo Tiền phong dẫn lại thông tin.

Nhiều nhà bình luận từng lên án hoạt động này, cho rằng ngư dân Đàm Môn đang khai thác sò khổng lồ ở biển Đông nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, chưa có ảnh vệ tinh nào cho thấy ngư dân Việt Nam hay Philippines dùng cách chặt phá san hô như ngư dân Đàm Môn để khai thác hải sản, tác giả Victor viết.

Trong khi đó, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC cho biết, ông đã quan sát ngư dân Đàm Môn đánh bắt sò khổng lồ trên một rạn san hô chỉ cách đảo Thị Tứ chưa đầy 1 dặm. Những ảnh vệ tinh sắp xếp theo trình tự thời gian cho thấy các rạn san hô ở đảo Thị Tứ bị chặt phá trong năm 2013 và 2014, tạo nên một vết sẹo khổng lồ vào cuối năm 2015. Một ảnh vệ tinh khác cho thấy một khu vực rộng 1,36 km2 bị tàn phá. Quy mô tàn phá tương tự tại hơn chục rạn san hô khác cho thấy một diện tích san hô rất lớn đã bị Trung Quốc chôn vùi ở đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.

Sàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc giới thiệu hai chục website bán các loại sản phẩm từ vỏ sò khổng lồ được làm ở Đàm Môn, từ vòng tay, vòng cổ, đến cặp vỏ sò nguyên vẹn hay tác phẩm chạm trổ cầu kỳ có giá lên đến 38.000 nhân dân tệ (khoảng 130 triệu đồng). Danh sách của Alibaba còn ghi rõ những sản phẩm này được làm từ những con sò khổng lồ khai thác từ bãi cạn Scarborough. Một công ty trưng ảnh 4 ngư dân Đàm Môn đứng trên bến tàu, cạnh một đống sò khổng lồ, và chú thích rằng họ đã trở về an toàn sau khi bị lực lượng chức năng Philippines truy đuổi khi khai thác ở bãi Scarborough (trước khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát khu vực này).

Giới quan sát ghi nhận, khoảng 3 năm trước, chính quyền Trung Quốc khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác sò khổng lồ ở Đàm Môn, cho dù đây là hoạt động bất hợp pháp, nhằm phát triển kinh tế của cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc tự tuyên bố trên biển Đông.

Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes cũng ghi nhận những chiếc thuyền của ngư dân Trung Quốc không chỉ xả thải xuống môi trường biển, khiến các rạn san hô quý giá ở đây bị tàn phá mà còn đánh bắt loài rủa biển lớn có đường kính mai lên tới 1m. Đây là loài rùa biển có trong sách đỏ, và hành vi của các ngư dân Trung Quốc đang tàn phá sự đa dạng sinh học ở vùng biển giàu trữ lượng tài nguyên này.

Foreign Policy hồi tháng 5/2015) cho biết, khu vực quần đảo Trường Sa là một trong những nơi tập trung nhiều san hô nhất Đông Nam Á, với 571 loài khác nhau. Rừng san hô lại là nhà của vô số loài cá. Thế nhưng, vùng biển gần khu vực xây đảo của Trung Quốc bây giờ chỉ còn trơ trọi “đất chết” – theo Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Philippines chuyên về Luật Biển và Hàng hải.

Trong báo cáo khảo sát công bố trên chuyên san Nature, hai nhà khoa học Ransom Myers và Boris Worm thuộc Đại học Dalhousie (Halifax, Canada) cho biết, vài chủng loại cá phổ biến tại Biển Đông đã giảm 90% kể từ khi công nghiệp đánh bắt cá Trung Quốc bùng nổ.

Cụ thể, nửa thế kỷ qua, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên cá đã xóa sổ 9/10 loài cá săn mồi lớn. Báo cáo của Ransom Myers và Boris Worm lần đầu tiên cho thấy sự tụt giảm số lượng các loài cá săn mồi, khắp Thái Bình Dương, từ duyên hải ven bờ đến biển sâu. Trong vài trường hợp, sự biến mất loài cá nào đó dẫn đến nhiều tác hại môi trường biển. Sự tuyệt tích của cá tuyết đã trở thành ân huệ cho tôm và nhím biển (mồi ngon của cá tuyết). Trong khi đó, nhím biển là chuyên gia tàn phá môi trường, biến nhiều vùng thành “vùng chết” – có nghĩa môi trường biển hoàn toàn bị thiệt hại.

Phong Linh/Theo An Nhiên – Báo Đất việt

Tags:
Những cám dỗ bạn nên né xa khi đi du học

Những cám dỗ bạn nên né xa khi đi du học

Chưa bao giờ các lời mời chào viết luận, làm bài tập hộ lại trắng trợn và tràn lan trên những diễn đàn, nhóm hội du học sinh trên Facebook như bây giờ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất