Thư từ nước Mỹ: Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid

Lưỡi cày cạo tuyết trên nền đường bê tông tạo ra thứ âm thanh thảm khốc, giống như ai đó dùng cả bộ móng tay để cào lên bảng phấn với cường độ gấp đó khoảng trăm lần.

05:00 30/11/2020

Vậy là đã 9 tháng sống trong phấp phỏng chờ đợi vắc-xin Covid-19 để thoát thân khỏi nơi này, tôi bắt đầu suy ngẫm về điều tồi tệ nhất mà tôi phải chịu đựng khi chôn chân trong 4 bức tường. Liệu có phải đó là việc trao đổi với người ảo trên Zoom; khử trùng mọi thứ từ thư tín cho đến các hộp thực phẩm được giao tận nhà và tẩy trùng đến cả thú cưng; rồi cứ 5 phút lại rửa tay một lần cho đến khi bàn tay trở nên tím tái; rồi xem đi xem lại một chương trình truyền hình sau khi đã xem hàng chục lần; hoặc nghe các chính trị gia người thì nói rằng tất cả chúng ta sẽ đến ngày tận tế, người lại bảo sẽ không có chuyện gì đâu.

Không, mọi việc đó đều không thấm vào đâu so với kẻ thù thực sự của tôi: Tiếng ồn! Khi sống ở các thành phố lớn ở Việt Nam, người ta trở nên "miễn dịch" với những tiếng búa, tiếng khoan, tiếng đổ bê tông và tiếng xe cộ đinh tai nhức óc. Sau một thời gian, những âm thanh đó trở nên êm tai, và người ta thậm chí còn chẳng nhận ra chúng nữa.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 1.

Tiếng ồn ở các vùng ngoại ô nước Mỹ khác với Việt Nam và có sức công phá hơn nhiều. Đừng vội cười, hãy nghe tôi nói đã.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 2.

Trong suốt mùa Hè, tôi phải chứng kiến cuộc đua của các gia chủ xem bãi cỏ nhà ai ngắn nhất mà vẫn xanh tốt. Thường thì chỉ cần cắt cỏ 1 lần / tuần. Nhưng các vị chủ nhà lại cố gắng cắt cỏ hàng ngày để bãi cỏ của họ duy trì cùng một chiều cao mười ngày như một. Nhà ai mà để cỏ cao đến 2 ngày mới cắt là bắt đầu thấy ngại với hàng xóm và dễ trở thành mục tiêu của những ánh mắt dè bỉu. Một số người vi phạm quy định cắt cỏ hoặc cố tình không tuân thủ thì có thể sẽ bị cảnh sát hỏi thăm ngay bởi làm như vậy là vi phạm quy định sức khoẻ cộng đồng – mà tôi còn chả biết cái quy định này mọc từ đâu ra nữa.

Bạn có thể nghĩ rằng việc cắt cỏ thường xuyên như vậy sẽ khiến chủ nhà mệt mỏi. Không hề! Mọi gia đình đều trả tiền dịch vụ cắt cỏ hàng năm. Đây chính là nguồn cơn của thứ tiếng động khủng khiếp tôi nói đến. Người ta sử dụng những chiếc máy cắt cỏ khổng lồ, lẽ ra chỉ nên dùng cho những cánh đồng ngô rộng lớn chứ không phải bãi cỏ xanh non mơn mởn nhường kia. Máy cắt cỏ cỡ này có thể đủ sức thổi tung cả cho một chiếc xe tải lớn. Mà chúng lại còn không có bộ phận giảm âm.

Chính vì vậy, mỗi ngày khi ánh dương lan toả trên sân nhà thì cũng là lúc đoàn máy cắt cỏ bắt đầu chiến dịch oanh tạc bãi cỏ của hàng trăm gia đình trong khu. Những người vô tình đứng gần đó và những thành viên trong gia đình chả biết làm gì hơn là tự trang bị cho mình những đôi nút bịt tai chống tiếng ồn.

Mà chuyện đâu chỉ đơn giản có thế. Chủ nhà còn thường xuyên bón phân cho cỏ lên xanh tốt hơn đặng còn được cắt cỏ nhiều hơn. Dĩ nhiên, khi làm vậy thì cũng có nghĩa là cả người lớn, trẻ nhỏ đều không thể dạo bộ hoặc chạy nhảy trên các bãi cỏ nữa vì phân hoá học sẽ khiến người trẻ vô sinh và người già càng nhanh già. Đời thật là luẩn quẩn!

Người ngoài khó mà tin được rằng cuộc đua cắt cỏ diễn ra không ngừng nghỉ cho đến tận mùa Thu, kể cả khi cỏ đã lụi. Nhà nào cũng muốn mình là người cuối cùng cắt cỏ trong vườn. Vậy nên cuộc đua chỉ kết thúc khi có ai đó bỏ cuộc.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 4.

Vào cuối mùa Thu, cuộc cạnh tranh chuyển sang trận chiến dọn lá rụng. Chắc bạn sẽ hình dung ra cảnh chủ nhà lấy chiếc cào lá treo sẵn trong gara ô tô, dọn lá thành đống và đóng túi để xe rác đến chở đi. Cách làm đó chắc chắn hiệu quả và quan trọng hơn là không phá hỏng sự êm đềm của khung cảnh miền quê cuối thu. Tất nhiên, trừ những trường hợp nhà chỉ còn các cụ lớn tuổi đã không còn cố sức làm được việc gì nữa. Còn thì không! Các gia đình ở ngoại ô giải quyết việc dọn lá rụng bằng cách thuê các sinh viên đại học đi làm thêm. Dọn lá thì kiểu gì chả vui hơn giải toán!

Nhưng các sinh viên này không đời nào lại dùng cào để cào lá. Họ sử dụng những chiếc máy thổi lá cầm tay. Công suất của những máy này lớn đến mức chúng còn ồn gấp đến 10 lần so với máy cắt cỏ. Nếu lúc họ thổi lá ngoài vườn mà bạn đang ngồi trong nhà, bạn sẽ thấy răng mình kêu lục khục và đau nhức y như khi nha sỹ hàn răng cho bạn mà không dùng thuốc gây tê.

Thế rồi ngày nào cũng vậy, các bạn sinh viên đều đặn có mặt để thổi lá ngoài sân. Y như việc cắt cỏ, chủ nhà không muốn thấy bất kỳ một chiếc lá nào vương trên sân nhà họ. Đó là niềm kiêu hãnh của họ! Thật thú vị khi thấy cảnh năm sinh viên dàn hàng ngang, trong tay lăm lăm chiếc máy thổi lá, mắt nhăm nhăm tấn công từng chiếc lá nhỏ nhoi, đơn côi trên mặt đất.

Một số gia chủ không nghĩ rằng máy thổi lá chẳng qua là một sự cải tiến so với phương pháp dọn lá thô sơ trước đây mà thôi. Ngày xưa chưa có máy này thì người ta cứ để kệ gió thổi lá nhà mình sang sân nhà hàng xóm. Vậy là xong! Và rồi sau đó vào đêm khuya, nhà hàng xóm nạn nhân của những cơn gió vô tình sẽ lặng lẽ cào tất cả lá đẩy trả lại sân nhà thủ phạm. Và hai bên cứ chao qua chao lại như vậy cho đến khi lá phân hủy và lẫn với cỏ - nhờ vậy các bãi cỏ càng xanh tốt để máy cắt cỏ phát huy tác dụng.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 5.

Tất nhiên, chính quyền thành phố đâu có để cho mọi nhà tự tung tự tác mãi thế. Và đây, những chiếc xe tải khổng lồ có trang bị các bộ hút cũng khổng lồ được huy động ra quân hút lá. Bạn đoán thử xem: lực hút cực mạnh. Khi xe chạy để hút lá, bạn sẽ thấy giống như có ai đó giữ chiếc vòi của máy hút bụi rồi đặt sát ngay tai bạn và bật ở mức cao nhất.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 6.

Mùa Đông sắp đến, và cũng là mùa cao điểm của ô nhiễm tiếng ồn. Khi những bông tuyết đầu mùa vừa kịp chạm đất thì những chiếc xe bánh xích dọn tuyết có trang bị lưỡi cày lớn ở phía trước để đẩy tuyết vào vị trí đã lập tức có mặt và ra tay một cách không thương tiếc. Khi đài dự báo có tuyết, những chiếc lưỡi cày tuyết ngay lập tức được bố trí ở các vị trí chiến lược để sẵn sàng chờ tuyết rơi.

Các gia chủ lại tiếp tục cạnh tranh – Không nhà nào muốn thấy bất kỳ một bông tuyết nào sót lại trên vỉa hè trước nhà họ. Vì vậy, sự canh tranh không chỉ dừng ở việc dọn tuyết mà còn ở dịch vụ cào dọn tuyết. Bên cung cấp dịch vụ này hầu hết là những cá nhân nghiệp dư có xe dọn tuyết được gắn lưỡi cày lớn trước đầu xe.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 7.

Việc cào tuyết này mới gọi là khủng khiếp - lưỡi cày cạo tuyết trên nền đường bê tông tạo ra thứ âm thanh thảm khốc. Giống như ai đó dùng cả bộ móng tay để cào lên bảng phấn với cường độ gấp đó khoảng trăm lần.

Tất nhiên, có những người lại thích sử dụng máy thổi tuyết hơn – đây là người anh em họ hàng gần của máy thổi lá. Nào, giờ bạn hãy tưởng tượng ra cái đống âm thanh pha trộn của tiếng máy cào tuyết trên mặt đường, sau đó tuyết được nghiền nhỏ ra và có máy thổi số tuyết vụn đó vào không trung.

Vậy là mùa Đông đâu chỉ lạnh, đặc sản kèm theo còn là cuộc cạnh tranh tiếng ồn khiến các miền quê oằn mình rên xiết.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 8.

Mùa xuân lại có tiếng ồn đặc trưng đến cùng chúa Xuân. Đây là mùa của gió lớn và giông bão khiến nhiều cây cối bật gốc làm hư hại nhà cửa. Vũ khí để chống chọi lại điều này là những chiếc máy cưa xích.

Máy cưa xích là một trong những thủ phạm tạo ra tiếng ồn khủng khiếp nhất ở vùng ngoại ô và nguy hiểm nhất khi vận hành. Máy cưa được đặt tốc độ vòng quay cao đến mức tai nạn thường xuyên xảy ra khi cưa cây đổ. Không có gì lạ khi tìm thấy một hoặc hai ngón tay lẫn vào đống dăm gỗ khi công nhân đang cưa cây. Nhiều người còn coi bàn tay thiếu ngón là "huy hiệu danh dự".

Thường thì các gia đình sẽ thuê dịch vụ chặt hạ cây, nhưng một số gia chủ lại muốn thể hiện bản lĩnh đàn ông, hoặc đàn bà của mình bằng cách mua cưa về tự xử để khiến hàng xóm phải lác mắt. Nhiều người trong số những gia chủ này sở hữu bàn tay thiếu ngón và băng bó đầy kiêu hãnh.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 9.

Ở ngoại ô, nhà nào cũng đều nuôi ít nhất một con chó, thường là một giống chó rất biết cách gây sự khó chịu cho hàng xóm. Người ta chọn chó cưng theo tiêu chí:  sủa càng to và tiếng sủa càng chói tai càng tốt.

Cuộc cạnh tranh tiếng ồn thường thấy nhất ở đây là việc sử dụng tiếng chó sủa một cách chiến lược. Chủ của những con chó này thích có quyền quyết định cho hàng xóm của mình thức giấc lúc mấy giờ và đi ngủ lúc mấy giờ. Họ thường thả chó của mình ra ngoài 1 tiếng trước giờ hàng xóm ngủ dậy để khiến họ phải ngủ ít đi 1 tiếng. Rồi người hàng xóm mắt cay xè khi sáng sẽ lại thả chó của mình ra ngoài vào buổi tối sau khi gia đình thủ phạm vừa tắt đèn đi ngủ.

Hậu quả của chiến lược tiếng chó sủa là cả ngày sẽ chỉ còn sót lại có vài giờ quý giá không tiếng chó sủa. Thời gian còn lại, hàng chục con chó sủa váng đầu khắp cả khu chả vì lý do gì khác ngoài việc để người ta khó chịu.

Thực sự là các gia đình nên cân nhắc việc nuôi rùa cảnh.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 10.

Thư từ : Cuộc sống khốn khổ ở ngoại ô mùa Covid - Ảnh 11.

Chúng tôi được thông báo rằng ngay cả trong thời kỳ đại dịch thì sẽ vẫn có một số doanh nghiệp khởi sắc. Hiện ở Mỹ, tỷ lệ chuyên gia thính học và các hãng cung cấp máy trợ thính tính trên đầu người vẫn đang cao hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Và nước Mỹ còn tự hào là có những người đạt danh hiệu là người nói to nhất thế giới – mà phải gọi là hét chứ không phải nói. Dù gì cũng là nổi tiếng – cứ nổi tiếng là vui rồi!

Còn tôi thì đã chắc một điều, chuyến sau về tôi sẽ bán nhà ngoại ô đi mua chung cư!

Link nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/thu-tu-nuoc-my-cuoc-song-khon-kho-o-ngoai-o-mua-covid-82020271113567225.htm

Tags:
Số bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ phải nhập viện lần đầu tiên lên mức hơn 90.000 ca/ngày

Số bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ phải nhập viện lần đầu tiên lên mức hơn 90.000 ca/ngày

Các bệnh viện, vốn đã sắp quá tải, đang phải chuẩn bị cho một đợt gia tăng đột biến các ca Covid-19 mới, sau khi 6,5 triệu người Mỹ đã di chuyển bằng máy bay trong tuần nghỉ lễ này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất