Tiến sĩ gốc Việt thành công trong không quân Mỹ

Khi đến Mỹ gần như không biết tiếng Anh, nhưng ông Khanh Pham giờ đây là kỹ sư không gian vũ trụ kỳ cựu của không quân Mỹ, được trao nhiều giải thưởng.

06:00 22/10/2019

Hồi tuần trước, tiến sĩ Khanh Pham (48 tuổi), người Mỹ gốc Việt, được Hiệp hội Các nhà khoa học và kỹ sư châu Á (SASE) trao giải thưởng Chuyên môn năm 2019 vì có nhiều đóng góp cho không quân Mỹ lẫn cộng đồng kỹ sư/khoa học, theo website của Căn cứ không quân Kirtland ở bang New Mexico.

Ông Khanh Pham hiện là kỹ sư kỳ cựu về không gian vũ trụ của Phòng Thí nghiệm nghiên cứu không quân (AFRL) thuộc Căn cứ không quân Kirtland sau khi gia nhập phòng thí nghiệm này từ năm 2004.

“Khanh có những đóng góp tiên phong trong các lĩnh vực kiểm soát và chỉ huy vệ tinh cũng như liên lạc quân sự”, Chỉ huy AFRL William Cooley nhận xét.

Sở hữu hơn 20 bằng sáng chế

Đây không phải là lần đầu tiên, tiến sĩ Pham nhận giải thưởng của SASE. Hồi tháng 10.2018, ông đã được SASE trao giải thưởng lãnh đạo trong phần kỹ sư/nhà khoa học của năm thuộc lĩnh vực công. Những người được đề cử cho giải thưởng này phải có đóng góp đáng kể cho lĩnh vực của họ, thể hiện được vai trò lãnh đạo trong tổ chức của mình và có đóng góp cho cộng đồng.

Khanh Pham là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận được giải thưởng từ SASE kể từ khi tổ chức này ra đời vào năm 2007 nhằm hỗ trợ các nhà khoa học và kỹ sư gốc Á đạt được những tiềm năng của họ.

Tiến sĩ Khanh Pham (giữa) lúc nhận giải thưởng Arthur S.Flemming

“AFRL cho tôi quyền tự xác định cách tôi có thể đóng góp tốt nhất cho sứ mệnh của không quân cũng như cung cấp sự kích thích trí tuệ và cơ hội dẫn đầu trong việc nghiên cứu và phát triển không gian. Giải thưởng này nhắc nhở rằng để thành công trong cuộc sống, mỗi chúng ta phải chấp nhận thách thức lâu dài - vượt qua những hạn chế cá nhân, phối hợp với những người khác và giúp ích cho cộng đồng”, ông Pham chia sẻ khi được thông báo đoạt giải thưởng lãnh đạo năm 2018 của SASE.

Ngoài giải thưởng từ SASE, tiến sĩ Pham còn được trao giải thưởng Arthur S.Flemming hồi tháng 6.2019. Được thành lập vào năm 1948, giải thưởng Arthur S.Flemming vinh danh những nhân viên liên bang có đóng góp đáng kể cho chính phủ Mỹ trong 3 lĩnh vực: khoa học cơ bản; khoa học ứng dụng, kỹ thuật và toán học; thành tựu về quản lý và pháp lý.

Tiến sĩ Pham nắm giữ 20 bằng sáng chế cho công việc của ông ấy, theo thông cáo từ Ủy ban Giải thưởng Arthur S.Flemming. “Nhờ vào các kỹ năng nghiên cứu rất tốt của mình, ông Pham được xem là một nhân vật thành công hàng đầu trong không quân Mỹ”, thông cáo viết.

“Đừng đóng bất kỳ cánh cửa nào”

Ông Pham cùng gia đình sang định cư ở Mỹ vào năm 1990. Ông Pham cho hay trước khi đến Mỹ, ông là sinh viên năm 2 học ngành kỹ sư điện của một trường đại học ở TP.HCM và khi đó, ông gần nhưng không biết tiếng Anh, theo website của Căn cứ không quân Kirtland. Khi sang Mỹ, ông đã nỗ lực học và phải học lại chương trình phổ thông 3 năm.

Trong lúc học tại Trường trung học phổ thông Lincoln ở thành phố cùng tên thuộc bang Nebraska, ông đã lấy được bằng đại học đầu tiên về khoa học ứng dụng và công nghệ hệ thống điện tử từ một trường đại học cộng đồng vào năm 1994. Sau đó, ông lần lượt lấy bằng cử nhân và thạc sĩ về khoa học và kỹ thuật điện tử từ Đại học Nebraska rồi đến năm 2004 lấy bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện từ Đại học Notre Dame.

Từ những nỗ lực và thành công của mình, tiến sĩ Pham khuyên những nhà nghiên cứu trẻ nên có cách nhìn cởi mở hơn và sẵn sàng tìm hiểu nhiều dạng nghiên cứu khác nhau. “Đừng đóng lại bất kỳ cánh cửa nào đối với các ý tưởng nghiên cứu và các cơ hội vì bạn không biết mình muốn làm điều gì cho đến khi thử mọi thứ. Dù vài việc trông có vẻ không đúng thì cũng đừng từ bỏ hẳn. Nếu bạn duy trì động lực và tìm kiếm các cơ hội để phát triển bản thân, thì mọi thứ sẽ cho ra kết quả tốt”, ông Pham nhấn mạnh.

Nguồn: Thanhnien.vn

Tags:
43 năm lạc nhau, chị em gốc Việt đoàn tụ nhờ xét nghiệm rẻ tiền

43 năm lạc nhau, chị em gốc Việt đoàn tụ nhờ xét nghiệm rẻ tiền

Mua bộ dụng cụ 99 đôla, Vannessa Phạm mới đây tìm lại được gia đình đã lạc nhau trong chuyến bay từ Sài Gòn đi Mỹ, mùa thu 1975.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất