Tiêu chí để các nước sống chung với Covid-19

Tỷ lệ phủ vaccine cao và số ca nhập viện thấp là hai yếu tố quan trọng nhất để các nước cân nhắc phương án sống chung với Covid-19.

02:00 11/09/2021

Ngày 26/7, đồng chủ tịch nhóm chuyên trách liên bộ chống Covid-19 của Singapore Gan Kim Yong tuyên bố tất cả các hạn chế nhằm ứng phó với đại dịch có thể được dỡ bỏ nếu đất nước đạt đến "một tình trạng thực sự đặc hữu".

Tính đặc hữu được thể hiện bằng tỷ lệ phủ vaccine rộng cùng tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng thấp, bất chấp các cụm dịch mới vẫn xuất hiện theo thời gian, ông giải thích.

Sau đó, từ ngày 10/8, Singapore bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế trong cái mà giới chức gọi là "bước chuẩn bị" cho cuộc sống bình thường mới.

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết giai đoạn chuẩn bị là khi nhà chức trách thực hiện những điều chỉnh quan trọng đối với các quy trình chăm sóc sức khỏe cũng như các quy tắc về hoạt động xã hội và du lịch để sẵn sàng đưa Singapore chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19.

Người dân tập thể dục tại một công viên ở Singapore ngày 3/6. Ảnh: Channel News Asia.
Người dân tập thể dục tại một công viên ở Singapore ngày 3/6. Ảnh: Channel News Asia.

Bộ trưởng Ong khi đó cho biết giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng một tháng, đến đầu tháng 9, thời điểm khoảng 80% dân số Singapore dự kiến được tiêm chủng đầy đủ.

"Và đến lúc đó, nếu chúng ta vẫn có thể kiểm soát số ca bệnh nặng và hệ thống y tế của ta không bị quá tải, chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo, gọi là Bước Chuyển tiếp A", ông cho hay. "Chúng ta sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế, các hoạt động xã hội và du lịch. Rồi cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên bình thường hơn, sinh kế sẽ được bảo vệ tốt hơn. Nhưng khi làm điều này, chúng ta phải chấp nhận số ca nhiễm tăng lên".

Nhưng đến đầu tháng 9, khi số ca nhiễm tăng, Bước Chuyển tiếp A đã không diễn ra.

Ngày 3/9, đồng chủ tịch nhóm chuyên trách liên bộ chống Covid-19 Lawrence Wong thông báo các biện pháp hạn chế hiện tại chưa được nới lỏng trong khi nhà chức trách theo dõi tình hình dịch bệnh.

Singapore cùng ngày ghi nhận 216 ca lây nhiễm cộng đồng, trong bối cảnh một số cụm dịch mới xuất hiện.

"Chúng tôi không có ý định thực hiện bất kỳ động thái mở cửa nào vào lúc này, bởi có một khoảng trễ giữa thời điểm bắt đầu lây nhiễm đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Chúng tôi muốn dành một chút thời gian để theo dõi tình hình", Wong nói.

Tuy nhiên, ông thêm rằng chưa cần thiết phải siết chặt các hạn chế bởi Singapore đã có tỷ lệ phủ vaccine rộng và đang bắt đầu sống chung với Covid-19.

"Thực tế, việc siết hạn chế sẽ chỉ được dùng làm phương án cuối cùng nhằm ngăn hệ thống y tế của ta bị quá tả", Wong cho hay.

Vài ngày sau đó, Bộ trưởng Y tế Singapore hôm 6/9 kêu gọi người dân hạn chế tụ tập đông người và cấm giao tiếp xã hội tại nơi làm việc. Chủ tịch Wong cùng ngày lưu ý nhà chức trách sẽ không loại trừ khả năng áp đặt trở lại tình trạng cảnh giác cao độ hoặc phong tỏa nếu số ca Covid-19 chuyển nặng cần chăm sóc đặc biệt và thở oxy tăng mạnh.

"Như tôi nói tuần trước, đây là những biện pháp cuối cùng và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không phải dùng đến chúng, nhưng chúng ta không nên loại bỏ chúng hoàn toàn", ông nhấn mạnh.

Trong khi Singapore đang tiến từng bước thận trọng trên hành trình sống chung với Covid-19, một số quốc gia đã hoàn toàn loại bỏ biện pháp phong tỏa cũng như nới lỏng nhiều hạn chế chống dịch.

Kinh nghiệm của mỗi nước cho thấy rằng con đường dẫn tới cái đích chung sống bình thường cùng Covid-19 hoàn toàn không giống nhau.

Israel, một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ đầu tháng 2, trong giai đoạn đầu tiên của quá trình trở lại cuộc sống bình thường.

Theo đó, người dân có thể đến trung tâm thương mại và các điểm du lịch như vườn thú, dù một số cơ sở như phòng gym, khách sạn hay giáo đường Do Thái vẫn yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm chủng hay "thẻ xanh" để vào cửa.

Đến ngày 1/6, khi số ca Covid-19 giảm xuống dưới 20 trường hợp một ngày, Israel ngừng áp dụng hệ thống thẻ xanh và dỡ bỏ các hạn chế về quy mô tụ tập.

"Nền kinh tế và người dân Israel sẽ có thêm không gian để thở", Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein nói vào thời điểm đó, song cảnh báo các hạn chế sẽ được áp đặt trở lại nếu tình hình thay đổi.

Một em nhỏ đi học trở lại sau kỳ nghỉ hè tại trường tiểu học Azazim ở Tel Aviv, Israel, ngày 1/9. Ảnh: Reuters.
Một em nhỏ đi học trở lại sau kỳ nghỉ hè tại trường tiểu học Azazim ở Tel Aviv, Israel, ngày 1/9. Ảnh: Reuters.

Ngày 15/6, Israel bỏ yêu cầu đeo khẩu trang tại các không gian công cộng với lý do rằng hơn một nửa trong 9,3 triệu dân nước này đã được tiêm chủng.

Nhưng 10 ngày sau, giới chức phải tái áp đặt yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà khi Israel ghi nhận trên 100 ca Covid-19 mới sau những ngày không báo cáo ca nhiễm nào hồi đầu tháng.

"Chúng ta đang chứng kiến con số tăng gấp đôi chỉ trong vài ngày", lãnh đạo nhóm chuyên trách ứng phó Covid-19 của chính phủ Israel Nachman Ash nói. "Điều đáng lo ngại là phạm vi lây nhiễm đang lan rộng".

Đến ngày 23/7, Israel thông báo kế hoạch tái áp đặt hệ thống thẻ xanh khi tình hình dịch xấu đi vì biến chủng Delta. Cùng lúc, nhà chức trách cũng phát động chương trình tiêm vaccine tăng cường cho người cao tuổi.

Những biện pháp này nằm trong chính sách "trấn áp mềm" của Thủ tướng Naftali Bennett nhằm chống Covid-19, theo đó khuyến khích người dân Israel học sống chung với virus bằng cách áp đặt các biện pháp hạn chế ít nhất có thể và tránh phong tỏa lần thứ tư nhằm không gây tổn hại thêm cho nền kinh tế.

Ngày 31/7, hàng trăm người Israel biểu tình ở Tel Aviv phản đối các biện pháp hạn chế và vaccine khi số ca nhiễm và nhập viện tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều tháng.

Đến ngày 19/8, ủy viên phụ trách phản ứng Covid-19 quốc gia Salman Zarka cảnh báo tỷ lệ nhiễm virus đang tăng lên từng ngày và hai tuần tiếp theo trước lễ mừng năm mới Rosh Hashanah của người Do Thái vào ngày 6/9 là "cực kỳ đáng lưu tâm".

Nếu tình hình không cải thiện, "chúng ta sẽ phải phong tỏa như lần bùng phát dịch đầu tiên và thứ hai", bà nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Bennett cho rằng việc tiếp tục phong tỏa sẽ hủy hoại tương lai Israel. "Phong tỏa là biện pháp cuối cùng, chỉ khi tất cả các lựa chọn đều đã cạn kiệt", ông nhấn mạnh.

Ngày 31/8, Israel ghi nhận kỷ lục gần 11.000 ca Covid mới. Mức cao nhất trước đó là vào ngày 18/1 với 10.118 ca.

Hàn Quốc, quốc gia được ca ngợi như một điển hình chống dịch thành công, đã lên kế hoạch cho phép nới hạn chế tụ tập theo nhóm từ 4 lên 6 người, đồng thời kéo dài thời gian hoạt động của nhà hàng cũng như các cơ sở thể thao trong nhà từ 1/7.

Các quy định về giãn cách được nới lỏng trong tháng 7 bao gồm cả việc bãi bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời với những người đã tiêm một liều vaccine.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đã tiêm chủng cho 29% dân số và đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu 70% vào tháng 9. Số ca nhiễm mới hàng ngày cũng duy trì dưới 600 trong hơn một tuần.

Mọt con phố ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/7. Ảnh: Reuters.
Mọt con phố ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/7. Ảnh: Reuters.

"Hệ thống cân bằng xã hội mới là một nỗ lực nhằm tìm kiếm điểm dung hòa giữa cách ly và khôi phục cuộc sống hàng ngày khi mà đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài", Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol phát biểu trên truyền hình.

Nhưng vào ngày 4/7, giới chức phải rút lại quyết định nới lỏng quy định về đeo khẩu trang ở thủ đô Seoul và khu vực đô thị của nó sau khi ghi nhận ca nhiễm tăng vọt do biến chủng Delta, chủ yếu ở những người ngoài 20, 30 tuổi.

Sau đó, ca nhiễm tăng lên mức trung bình hàng ngày là 531,3 người, cao hơn 46% so với một tuần trước đó.

Ngày 7/7, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi hành động nhanh chóng để ngăn dịch bùng phát khi Hàn Quốc báo cáo số ca nhiễm cao nhất 6 tháng với 1.212 trường hợp.

Chính phủ phải trì hoãn kế hoạch nới lỏng hạn chế trong khi Thủ tướng Kim Boo-kyum cảnh báo các biện pháp kiểm soát ở Seoul và một số khu vực lân cận có thể được nâng lên mức 4 nếu tình hình không khả quan hơn.

Nhà chức trách sau đó nâng hạn chế lên mức cao nhất ở Seoul và các khu vực lân cận trong hai tuần kể từ 12/7, sau khi số ca nhiễm mới tăng kỷ lục hai ngày liên tiếp, dù chưa có dấu hiệu gia tăng đáng kể ca nhập viện hay tử vong.

Ở hạn chế cấp độ 4, người dân được khuyến cáo ở nhà nhiều nhất có thể, trường học phải đóng cửa, các cuộc gặp nơi công cộng chỉ giới hạn giữa hai người và diễn ra sau 18h. Biểu tình và các sự kiện khác cũng bị cấm.

Ngày 25/7, chính quyền thông báo sẽ nâng hạn chế lên mức 4 trên hầu khắp cả nước trong tuần đó, cảnh báo rằng sóng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay có thể lan rộng hơn nữa trong kỳ nghỉ hè.

Hàn Quốc đến nay vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Thủ tướng Kim ngày 3/9 thông báo hạn chế cấp độ 4 sẽ tiếp tục được áp dụng ở khu vực đô thị Seoul thêm một tháng.

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 8/9 cho biết họ vẫn đang lên phương án để sống bình thường hơn với Covid-19. Họ kỳ vọng 80% dân số trưởng thành sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 10 và đây là tiền đề dẫn tới mục tiêu sống chung cùng Covid-19.

Trong khi đó, Anh từ ngày 19/7 bước sang giai đoạn cuối cùng trong quá trình nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19, loại bỏ gần như tất cả các hạn chế trong tiếp xúc xã hội. Nước này không đặt ra hạn chế nào về số người tham gia trong các buổi gặp mặt hay sự kiện. Câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại và khẩu trang chỉ được khuyên dùng ở một số địa điểm, không bắt buộc.

Dù vậy, Thủ tướng Boris Johnson vẫn lưu ý tiến trình này phải được thực hiện một cách thận trọng, đồng thời cảnh báo đại dịch chưa kết thúc. Một số nhà khoa học dự báo số ca nhiễm của Anh, lúc bấy giờ là khoảng 50.000 ca/ngày, có thể chạm mức 200.000 ca/ngày vào cuối mùa hè.

Nhưng với hơn 68% dân số trưởng thành của Anh đã tiêm vaccine đầy đủ, các mô hình đều cho thấy tỷ lệ nhập viện hay bệnh diễn tiến nặng và tử vong vẫn thấp hơn đáng kể so với thời kỳ đỉnh dịch trước đây.

Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer cho rằng "sự tự do liều lĩnh" có nguy cơ đẩy đất nước trở về vạch xuất phát. Nhưng Thủ tướng Johnson khẳng định đây là "thời điểm thích hợp" để tiến đến giai đoạn cuối cùng, bày tỏ hy vọng lộ trình sẽ "không bị thay đổi".

"Nếu không làm bây giờ, chúng ta sẽ phải tự hỏi đến bao giờ?", ông nói trong một video đăng trên Twitter. "Nhưng chúng ta phải thận trọng. Ta phải luôn nhớ rằng virus vẫn ở ngoài kia. Số ca đang tăng, chúng ta có thể thấy mức độ lây lan cực mạnh của biến chủng Delta".

Đến ngày 7/9, nối gót Anh, Scotland và Wales cũng đã gỡ bỏ hầu hết các hạn chế. Bắc Ireland bắt đầu nới lỏng từ ngày 10/9, nhưng các biện pháp như giữ khoảng cách trong không gian kín, đeo khẩu trang ở một số nơi công cộng hay làm việc tại nhà nếu có thể dự kiến vẫn được duy trì.

Dù ca Covid-19 hàng ngày của Anh giảm vào cuối tháng 7, chúng gần đây đang tăng trở lại, với hơn 37.000 ca mới được ghi nhận hôm 7/9, chủ yếu do biến chủng Delta.

Tuy nhiên, ca tử vong hàng ngày do Covid-19 tại Anh vẫn duy trì ở mức thấp, với mức trung bình 7 ngày là 135 ca. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện đang có xu hướng tăng.

Các nhà khoa học tư vấn cho chính phủ Anh cảnh báo quy định đeo khẩu trang cùng những biện pháp hạn chế khác hoàn toàn có thể được áp dụng trở lại nếu số ca nhập viện vì Covid-19 tại Anh tăng cao hơn mức dự đoán.

Báo iNews hôm 7/9 đưa tin chính phủ đang lên kế hoạch phong tỏa một phần trong tháng 10, bao gồm cả kéo dài thời gian nghỉ học, phòng ngừa trường hợp hệ thống bệnh viện bị quá tải vì ca Covid-19 tăng mạnh. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Anh sau đó bác bỏ thông tin trên, nhấn mạnh chính phủ "hoàn toàn không có ý định phong tỏa hay phòng ngừa nào vào giữa tháng 10".

Tags:
Thuý Nga nghẹn ngào nhìn CS Kim Ngân lang thang trên đường: 'Có lẽ số phận đã an bài cho chị'

Thuý Nga nghẹn ngào nhìn CS Kim Ngân lang thang trên đường: 'Có lẽ số phận đã an bài cho chị'

Nữ danh hài cho biết, cô vô cùng đau lòng khi tình cờ nhìn thấy ca sĩ Kim Ngân lang thang trên đường. Dù không còn đồng hành, song Thuý Nga vẫn dành nhiều tình cảm cho đàn chị.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất