Tin giả - Rào cản người dân Mỹ tiêm phòng cúm

Những thông tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua, như việc tiêm phòng cúm có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 đã và đang cản trở những thông điệp của đội ngũ y tế công cộng.

01:30 20/10/2020

Lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch, đặc biệt trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần, giới chức y tế Mỹ vẫn đang nỗ lực vận động người dân tiêm phòng cúm để các bệnh viện - vốn đang căng mình đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - không rơi vào trạng thái quá tải. Tuy nhiên, những nỗ lực này lại đang bị thông tin giả cản trở đáng kể.

Những thông tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội trong thời gian qua, như việc tiêm phòng cúm có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 hoặc đó chính là nguyên nhân khiến xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, đã và đang cản trở những thông điệp của đội ngũ y tế công cộng.

Đơn cử một thông tin giả đang xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Facebook và Instagram tại Mỹ là việc tiêm phòng cúm sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thêm 36%, trong khi một tin khác đăng trên Instagram cho thấy vaccine phòng cúm Fluzone của hãng được phẩm Sanofi có thể gây tử vong cao gấp hơn 2,4 lần so với mắc COVID-19.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hollywood, Florida, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nghiên cứu cấp quốc gia của Đại học Michigan cho thấy khoảng 33% số bậc phụ huynh tại Mỹ dự định không tiêm phòng cúm cho con mình trong năm 2020.

Đáng chú ý các bậc cha mẹ này đều viện dẫn các thông tin sai lệch, hoặc cho rằng vaccine này không hiệu quả, cho đây là nguyên nhân khiến họ không tiêm phòng cho con.

Chính do đó, nhà khoa học Sarah Clark, chủ trì nghiên cứu trên, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhân viên y tế - những người đóng vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu trong việc cung cấp cho các bậc cha mẹ thông tin rõ ràng và mạnh mẽ về tầm quan trọng của vaccine phòng cúm.

Trên thực tế, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nhiều bang của Mỹ liên tục lên mức cao nhất trong 1 ngày, thông tin giả thực sự là một rào cản lớn đối với việc tiêm phòng vaccine.

Như Phó Giáo sư Jeanine Guidry, thuộc Đại học Virginia Commonwealth, chuyên nghiên cứu thông điệp y tế trên mạng xã hội chia sẻ hiện "có quá nhiều thông tin thất thiệt liên quan đến COVID-19" và nó đã lan sang cả bệnh cúm.

Cùng chung nhận định trên, bà Amelia Jamison - một nghiên cứu sinh về thông tin giả tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng người dân đang bị cuốn vào những câu chuyện "thêu dệt" về virus SARS-CoV-2.

Không chỉ thông tin giả, nhiều yếu tố khác cũng đang cản trở việc tiêm vaccine phòng cúm ở Mỹ, khiến nguy cơ dịch chồng dịch lại càng lớn hơn.

Theo giới chuyên gia, các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh đã khiến lượng người đến thăm khám sức khỏe trực tiếp tại các cơ sở y tế giảm, lượng người tiêm phòng vì thế cũng giảm theo.

Trong khi đó, nhiều cơ sở tiêm phòng cúm theo yêu cầu của các nhà tuyển dụng, nhà thờ hoặc trường học cũng đã tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cao do tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế cũng đã khiến hàng triệu người dân Mỹ không có bảo hiểm y tế. Điều này đồng nghĩa với việc các bang sẽ phải tăng giá vaccine cho nhiều bệnh nhân hơn.

Mặc dù hiệu quả của vaccine phòng cúm phụ thuộc vào việc chủng cúm tồn tại trong cộng đồng phải giống chủng trong vaccine, song việc tiêm phòng này đã ngăn chặn được hàng triệu ca bệnh mỗi năm.

Chính vì vậy, Viện Nhi khoa Mỹ đã khuyến cáo nên tiêm phòng cúm cho toàn bộ trẻ em trên 6 tháng tuổi.

Tuy nhiên, thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) cho thấy chỉ 49,2% dân số nước này tiêm phòng cúm mùa trong năm 2018-2019.

Trên thực tế, mạng xã hội có phạm vi tương tác đa chiều, nên mặc dù chứa đựng nhiều thông tin sai lệch, song ban quản trị các trang mạng này cũng đã tiến hành những biện pháp nhằm lan truyền những thông tin đáng tin cậy về vaccine.

Trong tuần vừa qua, Facebook thông báo đã bắt đầu hướng người dùng đến thông tin về địa điểm họ có thể tiêm phòng cúm, cũng như cam kết sẽ gỡ bỏ các nội dung không khuyến khích tiêm phòng.

Trước khi xảy ra đại dịch, Twitter và Pinterest cũng đã đưa ra biện các biện pháp chuyển hướng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến vaccine nhất định đến các tổ chức y tế công cộng.

Giới chuyên gia khẳng định rằng tiêm phòng cúm trong năm nay đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi tiêm phòng cúm không chỉ bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân mà còn giúp giảm gánh nặng đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe vốn đang quá tải vì dịch COVID-19.

Do đó, người dân cần kiểm tra những thông tin mà họ nhận được bởi chỉ cần đọc một ít thông tin cơ bản, nhiều "đồn thổi" về vaccine cúm đã có thể được làm sáng tỏ./.

Link nguồn: https://bnews.vn/tin-gia-rao-can-nguoi-dan-my-tiem-phong-cum/175109.html

Tags:
WSJ: Trung Quốc dọa bắt công dân Mỹ 'trả đũa' vụ Mỹ truy tố nữ học giả gian lận thị thực

WSJ: Trung Quốc dọa bắt công dân Mỹ "trả đũa" vụ Mỹ truy tố nữ học giả gian lận thị thực

Tờ Wall Street Journal đưa tin, Trung Quốc đã nhiều lần gửi các cảnh báo đến Mỹ qua nhiều kênh, trong đó có Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất