Tình báo Mỹ nói Trung Quốc sắp biên chế pháo hạm mạnh nhất thế giới

Tình báo Mỹ khẳng định pháo điện từ Trung Quốc có tầm bắn gần 200 km và đã được thử trên tàu chiến, điều chưa nước nào làm được.

06:00 02/02/2019

Pháo điện từ lắp trên tàu đổ bộ Type-072III hồi tháng 2/2018. Ảnh: SCMP.

Pháo điện từ lắp trên tàu đổ bộ Type-072III hồi tháng 2/2018. Ảnh: SCMP.

"Trung Quốc đã thử nghiệm pháo điện từ mạnh nhất thế giới hồi đầu tháng. Nó dự kiến đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu vào năm 2025", CNBC dẫn các nguồn tin giấu tên am hiểu báo cáo của tình báo Mỹ hôm qua tiết lộ.

Dự án pháo điện từ được Trung Quốc hé lộ năm 2011 và bắt đầu thử nghiệm trong năm 2014. Loại vũ khí này được hoàn thiện trong giai đoạn 2015-2017, cho phép nó tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa với độ chính xác cao. Các chuyên gia tình báo Mỹ nhận định pháo điện từ Trung Quốc có tầm bắn khoảng 198 km, mỗi đầu đạn có sơ tốc đầu nòng tới 9.300 km/h và mức giá dự kiến 20.000-50.000 USD.

"Pháo điện từ được Bắc Kinh lắp lên tàu chiến và thử nghiệm trên biển từ cuối năm 2017, đó là thành tựu chưa nước nào đạt được. Hải quân Trung Quốc dự kiến hoàn tất thử nghiệm vào năm 2023", nguồn tin giấu tên nói thêm.

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên quan tâm đến pháo điện từ. Hải quân Mỹ từng dành hơn 10 năm theo đuổi công nghệ này, trước khi kết luận rằng pháo điện từ vẫn gặp nhiều vấn đề lớn khiến chúng không thể thay thế các vũ khí hiện nay.

Hàng loạt trở ngại công nghệ có thể khiến pháo điện từ Trung Quốc không phát huy được uy lực, thậm chí trở nên vô dụng trong chiến tranh tương lai.

Đạn pháo điện từ có uy lực vượt trội so với đạn hải pháo cỡ nòng 127 mm tiêu chuẩn, nhưng khả năng sát thương vẫn thua xa tên lửa. Các mẫu tên lửa hành trình hiện đại cũng có thể bám bắt mục tiêu linh hoạt hơn đạn pháo điện từ.

Pháo điện từ có tốc độ khai hỏa hạn chế ở mức 8 phát/phút, khiến chúng khó lòng được triển khai để đối phó với tên lửa chống hạm và máy bay đối phương. Việc bảo dưỡng và cấp điện cho pháo điện từ cũng rất khó khăn, khi nó đòi hỏi nguồn năng lượng lớn để khai hỏa. Đầu đạn siêu tốc có xu hướng làm nòng pháo biến dạng nhanh chóng và phải thay thế sau vài chục phát bắn. Đây là hạn chế lớn nhất của pháo điện từ trong một cuộc chiến chớp nhoáng.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Căng thẳng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc

Căng thẳng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc

Cuộc đàm phán cấp cao đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm giảm bất đồng về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cũng như hạ nhiệt cuộc xung đột thương mại song phương kéo dài nhiều tháng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất