‘Tôi đã lầm theo anh sang đây’

Những chuyện như vậy có làm mình quê nhưng không đau. Những chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng mới làm tôi tủi hổ và buồn chán.

12:30 07/05/2018

Chân ướt chân ráo mới qua, tôi cũng gặp rất nhiều điều cười ra nước mắt. Từ việc lúng túng gài seat belt, đến chuyện bổ nhào trong siêu thị vì không biết cửa tự động mở, đến chuyện ngạc nhiên khi thấy ai bên Mỹ cũng “hai” (hight – cao) cholesterol mà không thấy có người 1 hay 3… Bao nhiêu thứ lạ lẫm, nếu không có ông xã thì con mụ Tư Ếch này gây lắm tai họa.

Những chuyện như vậy có làm mình quê nhưng không đau. Những chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng mới làm tôi tủi hổ và buồn chán.

Chồng tôi qua Mỹ rất sớm, anh đi từ hồi 75, ảnh ở Mỹ có hột có hạt rồi nên đường đi nước bước, chuyện trong ngoài đối với ảnh như nằm trong lòng bàn tay. Còn tôi, chân ướt chân ráo mới qua, tiếng Mỹ u ơ không biết, đi đâu cũng ù ù cạt cạt, ngờ nghệch như mán như mường. Tôi không buồn tủi vì chuyện thua kém, ngờ nghệch của mình, vì mình là vợ thì thua chồng có sao đâu. Nhưng tôi cay đắng là cách đối xử của ảnh, những lời cay độc của ảnh nó khiến bao lần tôi muốn bỏ nhà mà đi rồi ra sao thì ra.

Ngày mới qua, việc đầu tiên là phải tập lái xe, để tiết kiệm tiền, chồng tôi dạy lái xe cho vợ. Theo lý luận của ảnh thì tôi nên tập lái xe số tay, vì khi lái được xe số tay thì sau này ngồi lên chiếc xe nào cũng có thể lái được hết. Ngày nào cũng hì hà hì hục tập lái, ảnh ngồi bên nhắc nhở tôi từng chặp. Qua một tháng tôi vẫn không lái được, cứ đến stop tôi sang số sao đó mà xe cà giựt, cà giựt, rồi không sao thắng được, nó cứ cán lằn ranh. Những lần như vậy, chồng tôi không ngại ngần phán ngay: “Em à! Em chưa lái rành, em đừng biểu diễn” Lạy Chúa! Tôi đâu có dám biểu diễn, tôi sợ gần chết, nỡ lòng nào chồng tôi cay đắng tôi như vậy! Vậy là nước mắt hai hàng, tôi tủi thân tủi phận, và cứ thế chồng tôi có cả một kho chữ để làm tôi đau.

Có hôm chồng chở đi, lúc về hình như ảnh sai đường, tôi nói thì ảnh phán “Em à! Anh ở đây từ 75, em mới qua, đừng chỉ đường cho anh”. Cái câu “em mới qua”, cái vẻ hãnh tiến ta đây qua từ 75, làm tôi ghét cay ghét đắng.

Mới đây, báo OC Register gửi một cái bill tính tiền về nhà. Tôi không biết tại sao, chỉ thấy mấy lâu nay, sáng nào cũng ra sân lượm tờ báo vào bỏ thùng rác, vì tôi đâu đọc được. Thế là chồng tôi quy cho tôi, tội là “thấy Mỹ nó gọi đến thì cúp phone đi, không hiểu tiếng Anh thì đừng có ra vẻ ta đây thông thái mà cứ say yes thì nó gửi bill đòi tiền báo chứ sao nữa.”

Tôi chán nản và thất vọng cùng cực. Cuộc sống vợ chồng càng ngày càng tối tăm. Càng ngày tôi càng thu vào vỏ ốc và sợ sệt mọi thứ. Nói gì ra cũng sợ mình sai, quê mùa, và ruộng lúa. Tôi luôn sống trong sự đề phòng, chuẩn bị để nghe những câu cay độc từ chồng. Có nhiều hôm ảnh tỏ ra âu yếm thương yêu, nó cũng làm tôi sợ hãi, không biết sau đó là cái gì đây!

Nghĩ đến những ngày còn ở Việt Nam, sao mà sung sướng bình an đến thế. Ngày nào tôi cũng nói chuyện với chồng chưa cưới, ảnh nói với tôi bao nhiêu lời ngọt ngào, dịu dàng, âu yếm. Chưa bao giờ ảnh làm tôi bị tổn thương, chứ nói chi đến chuyện coi thường và khinh rẻ. Gần đây tôi bị ám ảnh bởi ý định quay về Việt Nam, để được sống lại thời gian cũ. Thà lâu lâu ảnh về thăm còn hơn là ở bên nhau mà như địa ngục thế này!

Thắm * Góp ý của độc giả:

– NB: Đọc hết lá thư của em tôi nhớ lại tâm trạng, cảm giác của mình khi mới đặt chân đến Mỹ cách nay mười mấy năm. Cũng hoang mang, ngơ ngác, căng thẳng, thấy cái gì cũng lạ lẫm, băn khoăn không biết mình nên bắt đầu như thế nào để có thể thích nghi hòa nhập với nơi ở mới, nếp sống mới khác biệt hoàn toàn với những gì mình đã trải qua ở Việt Nam.

Tôi muốn được chia sẻ với em một câu danh ngôn tôi đã chọn làm kim chỉ nam sống cho mình, đó là: “Học hỏi kinh nghiệm của mọi người, nhưng hãy tự chỉ huy mình” .Em biết không, muốn có được sự tôn trọng của người khác em phải biết tự yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình. Nghĩa là em phải mạnh mẽ và tự tin lên vì mình là người sống lương thiện, tình cảm, luôn cố gắng học hỏi những điều tốt đẹp, mới mẻ, phải làm chủ cuộc đời mình, không cho phép bất cứ ai được quyền coi thường và khinh rẻ mình.

Chính thái độ tự ti mặc cảm luôn nghĩ mình ngu dốt, ngờ nghệch làm em trở nên lép vế, sợ hãi trước chồng, khiến chồng em coi thường, chế nhạo, giễu cợt em một cách không thương tiếc. Anh ấy nghĩ rằng mình là người hiểu biết, từng trải, thành công, đã ban phát ân huệ cưới và đem em qua Mỹ, cho em cuộc sống trong mơ (dù đôi khi không hẳn như vậy). Chồng em đã cho rằng bổn phận của em là hãy sống ngoan ngoãn, lệ thuộc, vâng lời anh ấy dù đúng hay sai. Anh ấy quên mất điều mấu chốt của tình cảm vợ chồng chính là sự tôn trọng và tình yêu thương, nên đã có những hành động và lời nói xúc phạm đến vợ mình.

Em phải luôn tâm niệm rằng gia đình phải là tổ ấm, là chỗ dựa tinh thần và thể xác tốt nhất khi ta suy sụp. Quan hệ vợ chồng là thương yêu, tôn trọng, bình đẳng, có trách nhiệm với nhau, không có cảnh chồng chúa vợ tôi hay ngược lại. Hãy tự lái xe cho vững, tới trường học để nâng cao kiến thức, trình độ của mình để em có thể tự tin khi tiếp xúc với mọi người, có khả năng giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Hãy kiếm cho mình một công việc có khả năng làm ra tiền, góp phần củng cố tài chánh gia đình. Khi em có thể mạnh mẽ đứng lên bằng chính đôi chân mình, em sẽ cảm thấy tự hào, hạnh phúc, giá trị con người em sẽ được nâng lên trong mắt chồng em. Những cảm giác sợ hãi, xấu hổ, tủi thân, chán nản sẽ bay biến hết. Em được chính là em.

Còn một điều nữa em phải loại bỏ ra khỏi đầu óc mình, đó là ý nghĩ quay trở về Việt Nam sống như cũ, chồng thỉnh thoảng trở về thăm có lẽ sẽ hạnh phúc hơn. Em có nhớ là khi em nhận lời làm vợ một người đàn ông ở nơi xứ xa cũng đồng nghĩa với việc em phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, theo chồng, cùng với chồng xây dựng một gia đình mới. Một gia đình trong đó chồng và vợ cùng nhau chia sẻ thời gian, không gian, đời sống hàng ngày cùng với nhau, không có cái cảnh giống như Ngưu Lang-Chức Nữ, đây là quan hệ vợ chồng chứ không phải chỉ là quan hệ tình nhân. Hãy cố gắng xây dựng quan hệ vợ chồng tốt hơn. Hãy nói với chồng nếu thấy em còn yếu kém, ngờ nghệch thì hãy hướng dẫn, chỉ bảo cho em được hiểu biết vững vàng hơn, đừng coi thường, chế giễu làm tổn thương tình cảm của em, em sẵn sàng tiếp thu và cám ơn rất nhiều.

Hy vọng với nỗ lực tự cải thiện bản thân và với tấm chân tình em thật sự muốn xây dựng một quan hệ vợ chồng tốt đẹp, chồng em sẽ sửa đổi chính mình, sẽ tôn trọng và yêu thương vợ mình hơn.

Chúc em sức khỏe, nghị lực, may mắn, giữ được hạnh phúc cho cuộc đời mình. – Anh BảyChị Thắm ơi, với cái kiểu này hoài thì chắc có ngày chị phải vô dưỡng trí viện quá. Thôi về lại Việt Nam sống cho nó khỏe. Ham ở Mỹ làm chi cho khổ tâm vậy chị? – Chị Quỳnh Đọc thư em mà chị thấy thương, em hiền lành, nhẫn nhịn quá!. Tính đó rất tốt trong cương vị một người vợ, nhưng phải biết thể hiện tùy nơi tùy lúc, nếu lạm dụng quá sẽ phản tác dụng. Sự “leo thang” phát biểu những câu ác độc của chồng em, theo chị, phần nào có sự hỗ trợ từ em, bằng con đường nhẫn nhịn quá đáng.

Chị nghĩ, càng sớm càng tốt, em nên nói với chồng những suy nghĩ, tâm tư của em về những lần chồng em đã dùng lời nặng nhẹ. Chị tin anh ấy sẽ hiểu nếu có người vạch ra, huống chi anh ấy từng là người thương yêu em, đã cưới em làm vợ, đã trải qua bao nhiêu khó khăn để bảo lãnh em qua đây. Nếu không bằng vào lòng yêu mến, quý trọng thì không ai đủ can đảm để trải qua ngần ấy thủ tục giấy tờ trong việc bảo lãnh.

Em mạnh dạn lên đi, đó là chồng mình, là người thân của mình, chứ không phải là “ông ọ” để mà em rút mình lại sợ hãi! Nói lên lòng mình đi, sẽ nhẹ người. Không ai làm gì em đâu mà sợ.

Can đảm lên em gái! – Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, hiện con vẫn còn ở Việt Nam, con kết hôn (có hôn thú) lần đầu với chồng con, là một thường trú nhân tỵ nạn năm 1980. Anh ấy đã có 3 con với người vợ trước. Phần con chưa có đứa con nào.

Theo lời anh kể thì, năm 22 tuổi anh ấy lập gia đình, sống hạnh phúc được 15 năm thì vợ chồng gặp nhiều mâu thuẫn dẫn đến ly dị vào năm 2008.

Vẫn theo lời chồng con, thì trong lúc đỉnh điểm của mâu thuẫn, vợ cũ nhào tới đánh anh, anh hất cô ấy ra khiến cô ấy ngã, có lẽ vì ngã nên có vết bầm tím. Cô ấy chụp hình vết bầm và đưa ra tòa. Anh đã nhận tội nên bị kết án, bị cấm gặp vợ con.

Năm 2010 vì quá nhớ con, anh đến trường xin gặp con và bị cô giáo gọi cho vợ cũ. Người vợ cũ gọi cảnh sát bắt anh, anh bị phạt 1 năm tù treo.

Đến năm 2012 anh có hẹn với con trai lớn ăn tại một nhà hàng, mà không biết vợ cũ cũng có mặt ở đó. Cô ấy thấy anh thì gọi cho police và thưa ra tòa. Anh lại bị bắt phạt thêm 1 năm tù treo. Đến nay anh đã rút kinh nghiệm nên tránh xa những rắc rối đó. Hàng tháng anh vẫn chu cấp $600 cho con theo quyết định của tòa.

Anh quen con năm 2012 đến 2015 thì kết hôn. Anh đang bảo lãnh con theo diện F2A. Nay anh muốn thi quốc tịch nhưng không biết có được không? Nếu được anh cần làm những thủ tục gì để xóa án? Và nếu không được thì liệu có qui định thời gian bao lâu kể từ ngày hầu tòa để được xóa án và thi quốc tịch không ạ? Con rất mong nhận được thư góp ý từ cô Nguyệt Nga và quí độc giả, nếu ai hiểu về trường hợp của chồng con xin tư vấn giúp con, gia đình con vô cùng biết ơn!LTS:

Tags:
Đang ngủ bị gián bò vào tai, ‘tra tấn’ trong suốt 9 ngày

Đang ngủ bị gián bò vào tai, ‘tra tấn’ trong suốt 9 ngày

Bà Katie Holley vào tối ngày 14 Tháng Tư đang ngủ thì bỗng chợt choàng tỉnh dậy vì cảm thấy có gì lạ trong tai trái.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất