Tổng thống Trump quan tâm điều gì khi đến châu Á vào tháng 11?

Biển Đông là một trong các chủ đề được dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Trump nhân chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác.

21:30 15/09/2017

Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào ngày 10/11, sau đó là hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cuộc họp có liên quan tại Philippines. Tokyo và Washington cũng đang thảo luận về việc mời ông Trump tới Nhật trước cuộc họp của APEC. Ngoài ra, ông Trump có thể cũng sẽ đến Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chuyến đi châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ được nhìn nhận là động thái khôi phục lại trọng tâm ngoại giao của Mỹ đối với khu vực, đặc biệt trong bối cảnh những căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản về các biện pháp trừng phạt mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 11/9 để ứng phó với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của CHDCND Triều Tiên. Washington cũng đang hối thúc Bắc Kinh thực hiện đầy đủ các biện pháp này đối với Bình Nhưỡng.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), nhà ngoại giao cao cấp của Bắc Kinh, hôm thứ Ba 12/9 đã gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington để đảm bảo chuyến thăm của ông Trump vào cuối năm nay sẽ đạt được kết quả khả quan.

Trung Quốc sẽ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 18/10, một sự kiện trọng đại diễn ra 5 năm một lần. Ở trong nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã và đang loại bỏ các thành viên còn lại của phe chính trị đối lập của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Sau Đại hội Đảng, ông Tập được dự kiến sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với nhiều quyền lực hơn nữa.

Một mặt, ông Trump cần tính đến phương cách khiến ông Tập hành động nhiều hơn cho vấn đề Triều Tiên vào thời điểm quan trọng này. Mặt khác, tổng thống Mỹ được dự kiến sẽ không bỏ qua những chủ đề nóng bỏng khác như Biển Đông và mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Nikkei nhận định ông Trump sẽ thúc giục Bắc Kinh kiềm chế ở Biển Đông. Tổng thống Trump được nhận định là người cứng rắn với Trung Quốc hơn người tiền nhiệm Obama. Tháng 7, ông Trump đã phê duyệt kế hoạch trong suốt một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm phản bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Dưới thời tổng thống Obama, hoạt động này phải được xin phép và phê duyệt từng lần, nên mất thời gian thực hiện. Ông Obama cũng bị chỉ trích vì không cho phép hải quân tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở ở Biển Đông từ năm 2012 đến 2015. Chính trong thời gian này, Trung Quốc đã liên tục xây dựng các đảo nhân tạo và trang bị quân sự hóa ở Biển Đông.

Tổng thống Trump cũng lên án ông Obama về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 2: “Điều này không xảy ra dưới chính quyền Trump, điều này đã xảy ra dưới chính quyền Obama. Nhiều thứ đã diễn ra mà đáng lẽ chúng không được phép. Một trong số đó là việc xây dựng một tổ hợp quân sự khổng lồ ở giữa Biển Đông.”

Bên cạnh đó, quan hệ thương mại bất cân bằng với Trung Quốc cũng là chủ đề được chú trọng hàng đầu trong chính sách ‘nước Mỹ trước tiên’ của Tổng thống Trump. Washington đang sử dụng áp lực kinh tế, chẳng hạn khởi động một cuộc điều tra đối với các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974.

Ông Trump cũng nhìn nhận tình trạng mất cân bằng thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc là một vấn đề lớn. Ông đã đề nghị Thủ tướng Shinzo Abe mở cửa thị trường ô tô của Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 ở Đức. Tổng thống cũng đã gợi ý về việc bãi bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ – Hàn, theo Nikkei.

Tags:
FEMA: Thiệt hại vật chất do bão Irma có thể tới $9 tỷ

FEMA: Thiệt hại vật chất do bão Irma có thể tới $9 tỷ

Bão Irma đi dọc suốt bán đảo Florida từ Nam lên Bắc để lại những cảnh tàn phá như bãi chiến trường tại nhiều nơi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất