Trạm không gian thể hiện thế lấn lướt của Trung Quốc tại sân sau của Mỹ

Cơ sở 50 triệu USD tại Argentina có thể giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng thu thập tình báo và đặt ra nguy cơ Mỹ Latinh bị kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc.

00:30 02/08/2018

Ăng-ten trong trạm không gian của Trung Quốc tại Argentina. Ảnh: NYTimes.

Ăng-ten trong trạm không gian của Trung Quốc tại Argentina. Ảnh: NYTimes.

Tại tỉnh Neuquén, Argentina, một chiếc ăng-ten khổng lồ nặng 450 tấn là trung tâm của trạm kiểm soát vệ tinh và không gian 50 triệu USD được xây dựng bởi quân đội Trung Quốc. Trạm bắt đầu hoạt động vào tháng ba, đóng vai trò then chốt trong nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc - nỗ lực mà các quan chức Argentina rất ủng hộ, theo NYTimes.

Cơ sở là một trong những biểu tượng nổi bật nhất cho nỗ lực của Bắc Kinh để biến đổi Mỹ Latinh và định hình tương lai cho các thế hệ tới. "Bắc Kinh có nhiều tác động đến khu vực, từ chương trình nghị sự của các lãnh đạo và doanh nhân đến cấu trúc nền kinh tế, chính trị và cả an ninh", R. Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Chiến tranh Mỹ, nhận xét.

Trong thập niên qua, Mỹ ít chú ý đến "sân sau" của mình ở châu Mỹ. Thay vào đó, họ tập trung vào chính sách xoay trục về châu Á với hy vọng tăng cường quan hệ kinh tế, quân sự và ngoại giao với các nước tại đây để kiềm chế Trung Quốc.

Từ khi nhậm chức, chính quyền Trump đã rút khỏi cách tiếp cận đó theo một số cách cơ bản như từ bỏ một hiệp ước thương mại tự do với các quốc gia Thái Bình Dương, khởi động cuộc chiến thương mại toàn cầu và phàn nàn về gánh nặng từ cam kết an ninh của Washington đối với các đồng minh thân thiết nhất ở châu Á và trên thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc đã âm thầm thực hiện kế hoạch tiếp cận Mỹ Latinh. Họ mở rộng thương mại, giúp đỡ các chính phủ, xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, tăng cường quan hệ quân sự và mua những khoản tài nguyên lớn nhằm ràng buộc số phận của một số nước trong khu vực với mình.

Trung Quốc đã thể hiện rõ ý định từ năm 2008. Trong một báo cáo chính sách, Bắc Kinh lập luận rằng các quốc gia Mỹ Latinh "ở giai đoạn phát triển tương tự" Trung Quốc và hai bên đều có thể cùng hưởng lợi. Lời mời gọi của Bắc Kinh đến vào thời điểm khu vực này lâm vào khủng hoảng tài chính. Nhu cầu lớn của Trung Quốc đối với dầu, sắt, đậu tương và đồng của khu vực của Mỹ Latinh đã giúp họ tránh khỏi những thiệt hại kinh tế tồi tệ nhất.

Khi giá dầu và các mặt hàng khác giảm mạnh trong năm 2011 khiến một số nước trong khu vực lao đao, một lần nữa, Trung Quốc lại hỗ trợ họ với các thỏa thuận, tiếp tục củng cố vai trò của Bắc Kinh như một người chơi trung tâm ở Mỹ Latinh trong nhiều thập kỷ.

Sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực đã được thể hiện rõ. "Sự đã rồi", Diego Guelar, đại sứ Argentina tại Trung Quốc, nói. Năm 2013, ông đã xuất bản cuốn sách với tiêu đề: "Sự xâm nhập âm thầm: Cuộc đổ bộ của người Trung Quốc vào Nam Mỹ".

"Giờ việc đó không còn âm thầm nữa", Guelar nhận xét.

Vị trí của trạm không gian Trung Quốc. Đồ họa: NYTimes.

Vị trí của trạm không gian Trung Quốc. Đồ họa: NYTimes.

'Cửa sổ hướng ra thế giới'

Chính phủ Argentina lâm vào khủng hoảng năm 2009. Lạm phát cao. Hàng tỷ USD nợ đến hạn. Công chúng tức giận trước chính quyền, đặc biệt là quyết định quốc hữu hóa 30 tỷ USD trong các quỹ hưu trí tư nhân. Nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ làm cho tình hình kinh tế càng thêm ảm đạm.

Trung Quốc đã đến giải nguy bằng một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 10,2 tỷ USD giúp ổn định đồng peso Argentina và sau đó hứa sẽ đầu tư 10 tỷ USD để sửa chữa hệ thống đường sắt.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn điều một phái đoàn đến Argentina để thảo luận về tham vọng không gian của Bắc Kinh. Người Trung Quốc muốn có một trung tâm theo dõi vệ tinh trước khi thám hiểm phía khuất của Mặt trăng (phía không bao giờ đối diện với Trái đất). Nhiệm vụ được dự kiến tiến hành trong năm nay. Nếu thành công, nó sẽ là mốc quan trọng trong thăm dò không gian, có khả năng mở đường cho việc khai thác helium 3 mà một số nhà khoa học tin rằng có thể cung cấp nguồn năng lượng sạch mang tính cách mạng.

Sau quá trình đàm phán bí mật, tỉnh Neuquén và chính phủ Trung Quốc ký một thỏa thuận vào tháng 11/2012, cho Trung Quốc thuê đất miễn phí trong 50 năm. Cục Kiểm soát Theo dõi và Phóng Vệ tinh Trung Quốc, bộ phận thuộc lực lượng vũ trang nước này, được thiết lập trên mảnh đất rộng gần hai km2 ở tỉnh Neuquén.

Được bao bọc bởi các ngọn núi và cách xa trung tâm dân cư, đây là địa điểm lý tưởng cho Bắc Kinh để theo dõi các vệ tinh và các nhiệm vụ không gian 24/7.

Félix Clementino Menicocci, tổng thư ký Ủy ban Hoạt động Không gian Quốc gia Argentina, cho biết Trung Quốc đã đưa ra nhiều lời hứa hẹn về phát triển kinh tế và vẽ ra viễn cảnh Argentina được thế giới ghi nhận là có công trong việc thúc đẩy nỗ lực mang tính lịch sử.

Khi các nhà lập pháp biết tin về dự án này, một số người kinh ngạc. Betty Kreitman, nhà lập pháp ở Neuquén vào thời điểm đó, cho biết bà phẫn nộ khi thấy quân đội Trung Quốc được phép thiết lập căn cứ trên đất Argentina. "Từ bỏ chủ quyền ngay trên nước mình là điều thật đáng xấu hổ", Kreitman nói.

Khi đến thăm công trường xây dựng, một giám sát viên Trung Quốc nói với Kreitman rằng : "Đây là cửa sổ hướng ra thế giới". "Tôi sởn cả da gà. Bạn sẽ làm gì với cái cửa sổ? Do thám chứ còn gì nữa", bà nói thêm.

Trung Quốc hồi tháng 5 phóng vệ tinh phục vụ nỗ lực khám phá phần khuất của Mặt trăng. Ảnh: AFP.

Trung Quốc hồi tháng 5 phóng vệ tinh phục vụ nỗ lực khám phá phần khuất của Mặt trăng. Ảnh: AFP.

'Máy hút khổng lồ'

Các quan chức Argentina nói rằng người Trung Quốc đồng ý không sử dụng căn cứ cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá công nghệ đó có nhiều công dụng chiến lược.

Các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ đang thận trọng theo dõi khi Trung Quốc phát triển các công nghệ tinh vi để gây nhiễu, gây trục trặc và phá hủy các vệ tinh trong những năm gần đây. "Họ đang sử dụng những khả năng này để đối phó các lợi thế quân sự của Mỹ, trong đó có nhiều cách bắt nguồn từ không gian", cựu quan chức ngoại giao Mỹ Frank Rose nói.

Giới chuyên gia cho rằng ăng-ten và các thiết bị khác của Trung Quốc tại Argentina có thể củng cố khả năng thu thập tình báo của Trung Quốc. "Ăng-ten khổng lồ giống như máy hút bụi khổng lồ", Dean Cheng, từng là điều tra viên của nói. "Những gì nó hút là tín hiệu, dữ liệu, tất cả mọi thứ".

Christopher Logan, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết các quan chức quân đội Mỹ đang đánh giá những tác động của trạm không gian Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc từ chối bình luận về chương trình không gian của họ.

Chỉ vài tuần sau khi trạm vũ trụ bắt đầu hoạt động, Lầu Năm Góc tuyên bố tài trợ một trung tâm ứng phó khẩn cấp ở Neuquén 1,3 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên như vậy của Mỹ ở Argentina. Các quan chức và cư dân địa phương tự hỏi liệu động thái này có phải là phản ứng trước sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng xa xôi hẻo lánh này của đất nước hay không. Trong khi đó, giới chức Mỹ nói rằng dự án không liên quan đến trạm vũ trụ, và trung tâm sẽ được vận hành bởi nhân viên người Argentina.

Một số lãnh đạo Mỹ Latinh giờ có những nghi ngờ và hối hận về mối quan hệ của họ với Trung Quốc, lo ngại rằng các chính phủ tiền nhiệm đã để lại những khoản nợ khổng lồ và "bán" đi tương lai của họ.

Tuy nhiên, Guelar lập luận rằng việc hãm phanh hợp tác với Trung Quốc sẽ là thiển cận, đặc biệt vào thời điểm Washington từ bỏ vai trò là kim chỉ nam chính trị và kinh tế của khu vực.

Ricardo Fabián Esparza, lãnh đạo thị trấn Bajada del Agrio ở gần trạm không gian, nói rằng người Trung Quốc rất thân thiện và còn mời ông xem những hình ảnh mà ăng-ten thu được. Tuy nhiên, ông lo lắng hơn nhiều là hy vọng.

"Từ chiếc kính viễn vọng đó, họ thậm chí có thể nhìn thấy đồ lót bạn đang mặc", ông nói. Mỹ là nước cần phải để ý nhất, cơ sở này giống như "một con mắt nhìn về nước họ".

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Đập quan tài buộc người dân hỏa táng gây phẫn nộ ở Trung Quốc

Đập quan tài buộc người dân hỏa táng gây phẫn nộ ở Trung Quốc

Giới chức tỉnh Giang Tây, Trung Quốc nói quy định “chỉ hỏa táng” sẽ bảo tồn tài nguyên đất song chính sách này lại hứng không ít chỉ trích.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất