Tranh cãi nguồn gốc Covid-19 khoét sâu căng thẳng Mỹ - Trung

Giả thuyết virus thoát từ phòng thí nghiệm và lời kêu gọi điều tra của Washington càng tăng sóng gió cho quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng.

21:00 05/06/2021

Tổng thống Joe Biden tuần trước yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ điều tra và báo cáo về nguồn gốc Covid-19, giữa lúc giả thuyết nCoV "rò rỉ" từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán một lần nữa trở thành tâm điểm tranh cãi.

Yêu cầu được ông chủ Nhà Trắng đưa ra sau khi truyền thông Mỹ dẫn báo cáo tình báo cho thấy một số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm với "triệu chứng giống Covid-19 hoặc cúm" và phải nhập viện hồi tháng 11/2019, trước thời điểm Covid-19 bùng phát ở thành phố này.

"Lời kêu gọi của Tổng thống Biden về một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch về nguồn gốc Covid-19 là hoàn toàn hợp lý. Sau hơn 18 tháng, thế giới vẫn chưa có hình dung rõ ràng về nguồn gốc nCoV, trong khi Trung Quốc cản trở một cuộc điều tra cặn kẽ", Lawrence O. Gostin, Giám đốc Viện Luật y tế quốc gia và toàn cầu O'Neill tại Đại học Georgetown, chia sẻ với VnExpress.

Khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump đã bắt đầu thúc đẩy giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thành phố đầu tiên phát hiện ca nhiễm nCoV ở Trung Quốc. Bắc Kinh quyết liệt bác bỏ cáo buộc.

"Tôi cho rằng đó là một khả năng thấp, nhưng vẫn có thể xảy ra. Hơn 70% trường hợp dịch bệnh mới thường do virus truyền qua người từ động vật. Đó vẫn là con đường khả dĩ nhất. Nhưng chúng ta không thể loại trừ khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Và đó là lý do chúng ta cần điều tra một cách công bằng và thận trọng", ông Gostin nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Lời kêu gọi điều tra của Biden lập tức khiến Bắc Kinh phẫn nộ và đáp trả bằng giả thuyết virus khởi phát từ Mỹ. Trung Quốc cho rằng mình đã "làm xong việc" trong cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 và thế giới giờ đây nên tập trung vào Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ám chỉ Fort Detrick, phòng thí nghiệm nghiên cứu y sinh của quân đội Mỹ ở Maryland, có liên quan tới sự xuất hiện của Covid-19, dù không nêu bằng chứng.

"Những bí mật nào đang được che giấu ở Fort Detrick và hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ trên khắp thế giới", ông Triệu nói và thêm rằng Mỹ "nợ thế giới một lời giải thích".

Tranh cãi về nguồn gốc Covid-19 một lần nữa thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung, mối quan hệ vốn nhiều rạn nứt trong suốt những năm qua, đặc biệt dưới thời cựu tổng thống Trump.

"Lời kêu gọi điều tra thêm nguồn gốc Covid-19 sẽ khiến Trung Quốc thêm phẫn nộ và khiến quan hệ song phương càng thêm đối đầu. Các đề xuất xem xét lại giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm sẽ khiến căng thẳng leo thang, đặc biệt sau khi một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 3 kết luận rằng khả năng này cực kỳ khó xảy ra", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, nhận định.

Chuyên gia Philippines dẫn chứng trường hợp của Australia, quốc gia hồi tháng 4 năm ngoái cùng Mỹ kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về cách nCoV biến từ bệnh dịch cục bộ ở miền trung Trung Quốc thành đại dịch toàn cầu. Động thái này đã vấp chỉ trích gay gắt từ phía Bắc Kinh và khiến mối quan hệ hai nước rạn nứt. Lao dốc trong quan hệ song phương đã khiến các nhà xuất khẩu của Australia lĩnh đòn, khi Trung Quốc áp đặt một loạt lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm như thịt bò, lúa mạch và gỗ.

Tranh cãi về nguồn gốc Covid-19 cũng khiến quan hệ Mỹ - Trung lao dốc không phanh dưới thời Trump, người nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch ban đầu và không cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí đe dọa trừng phạt và buộc nước này bồi thường thiệt hại vì Covid-19. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington đang chính trị hóa cuộc khủng hoảng nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách xử lý đại dịch yếu kém của Mỹ.

Ngoài Covid-19, hai nước còn đối đầu nhau gay gắt trên hàng loạt vấn đề, từ luật an ninh Hong Kong, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, những căng thẳng trên khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, việc Bắc Kinh leo thang căng thẳng với các đồng minh Mỹ như Australia và đụng độ biên giới với Ấn Độ.

Giáo sư Gostin cho rằng lời kêu gọi điều tra của Biden sẽ không thêm gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng với mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa hai nước, vì nó không thuộc về "lợi ích quốc gia sống còn" của Trung Quốc, như vấn đề Hong Kong.

Song giới quan sát nhận định Bắc Kinh sẽ khó nhún nhường trước những áp lực từ lời kêu gọi điều tra của Mỹ và đồng minh. Trung Quốc khẳng định họ đã "hoàn thành nghĩa vụ" bằng cách hợp tác trong cuộc điều tra quốc tế do WHO dẫn dắt hồi đầu năm.

Tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 (WHA74), đại diện Mỹ, Anh, Nhật và Liên minh châu Âu kêu gọi mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid-19, cho rằng những phát hiện của cuộc điều tra hồi đầu năm thiếu minh bạch và không độc lập với chính quyền Trung Quốc.

Theo Sara Davies, chuyên gia về quản trị y tế toàn cầu và giáo sư tại Đại học Griffith, Australia, việc Biden đưa ra yêu cầu điều tra nguồn gốc Covid-19 trong lúc hội nghị quan trọng nhất trong năm của WHO đangdiễn ra là điều "đáng chú ý". Mỹ có vẻ muốn làm rõ việc chính phủ Trung Quốc không cung cấp báo cáo đầy đủ về nguồn gốc virus, cũng như kiềm chế câu chuyện kiểm soát đại dịch thành công mà Bắc Kinh tìm cách quảng bá.

"Động thái này dường như cũng là một tuyên bố công khai rằng chính quyền Biden sẽ không nhẹ tay với Trung Quốc", bà nói thêm.

Hai nhà nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán hồi tháng 2/2017. Ảnh: AFP.
Hai nhà nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán hồi tháng 2/2017. Ảnh: AFP.

Sau khi lên nắm quyền, Biden đã tiếp nối quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump, đánh giá Trung Quốc là đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ. Washington gần đây có nhiều động thái báo hiệu đang tăng cường hợp tác với đồng minh toàn cầu để chống Bắc Kinh.

"Có những vấn đề lớn hơn cần giải quyết như luật biển hay thương mại. Nhưng thông qua trường hợp này, chính quyền Biden đang nói rõ không còn ngoại giao hòa nhã nữa", bà Sara Davies nói tới cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19.

Chuyên gia Pitlo III cho rằng cạnh tranh quyền lực sẽ tiếp tục chi phối mối quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới và có thể không chỉ dừng lại ở chính quyền Biden.

"Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành một cường quốc kinh tế và công nghệ hiện đại vào năm 2035. Do đó, Bắc Kinh có thể nỗ lực gấp đôi để thể hiện vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng của họ", ông nói.

Trong khi đó, Biden cũng sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ với đồng minh, đối tác ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương nhằm giữ vị thế của Mỹ, cũng như đảm bảo cấu trúc an ninh và kinh tế quốc tế đã được xây dựng, duy trì trong hơn 70 năm.

"Cạnh tranh này sẽ rất căng thẳng và dữ dội, đồng thời ảnh hưởng tới tính toán của nhiều quốc gia, gồm cả những nước ở Đông Nam Á", ông Pitlo III nhận định.

Tags:
Tiến sĩ Mỹ: 'Khi ăn bơ tôi luôn ăn cả hạt', nhiều người không biết lại vứt bỏ phần quý giá nhất

Tiến sĩ Mỹ: 'Khi ăn bơ tôi luôn ăn cả hạt', nhiều người không biết lại vứt bỏ phần quý giá nhất

Hôm trước đứa bạn đến nhà chơi nên bỏ cân bơ vừa mua ra mời bạn ăn. Ăn xong định bỏ hạt với vỏ vào thùng rác thì bạn ngăn lại: Ơ sao lại vất hạt bơ đi như thế phí. Không lấy đưa tao mang về ăn cho.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất