Trò quậy phá của nam tội phạm công nghệ nguy hiểm nhất nước Mỹ

CNN cho rằng với khả năng đột nhập hệ thống máy tính, Kevin Mitnick nếu muốn có thể khởi phát cả bắn tên lửa hạt nhân.

21:30 26/11/2017

Trong những năm này, Mitnick sử dụng các tài khoản điện thoại và vô số giấy tờ tùy thân giả để che giấu địa điểm và nhân dạng của mình. Anh ta cũng tiếp tục thực hiện các hành vi đột nhập 

Kevin Mitnick sinh năm 1963 trong gia đình công nhân tại thung lũng San Fernando, California, Mỹ. Ở tuổi 13, Mitnick phát hiện cách qua mặt hệ thống bán vé xe buýt để có thể đi miễn phí. Anh ta cũng tìm ra cách sử dụng một thiết bị điện tử để thực hiện những cuộc gọi điện thoại đường dài miễn phí.

Năm 1981, Mitnick bị bắt lần đầu tiên khi đang ăn trộm sách hướng dẫn sử dụng máy tính từ công ty viễn thông Pacific Bell. Do chưa thành niên, anh ta bị phạt một năm án treo.

Năm 1982, Mitnick gây chấn động khi đột nhập trái phép vào hệ thống của Bộ quốc phòng Bắc Mỹ (NORAD). Trong suốt những năm 1980, anh ta tìm ra cách kiểm soát tạm thời ba trung tâm điện thoại ở thành phố New York và tất cả các trung tâm chuyển đổi điện thoại ở California.

Sự kiên nhẫn của chính quyền với các trò chơi khăm của Mitnick cũng đến giới hạn khi anh ta tiếp tục đột nhập hệ thống máy tính của một tập đoàn thiết bị điện tử và ăn cắp số phần mềm độc quyền trị giá tới một triệu USD.

Mitnick bị kết án một năm tù giam và ba năm tù treo. Tuy nhiên luật sư của anh ta đã thuyết phục thẩm phán rằng Mitnick mắc chứng nghiện máy tính và yêu cầu được thụ án tại khu dành riêng cho tù nhân rối loạn tâm thần.

Sau khi ra tù, Mitnick làm việc tại một công ty bảo mật máy tính, tuy vậy anh ta lại đột nhập trái phép vào hệ thống thư thoại của một công ty viễn thông vào năm 1991. Chính quyền liên bang ra quyết định bắt Mitnick vào năm 1992 song anh ta chạy trốn. Mitnick thành tên tội phạm máy tính bị truy nã số một của FBI vào thời điểm đó.

Trong quá trình chạy trốn, Mitnick đã hack hệ thống máy tính của hàng loạt các công ty lớn và một số trường đại học của Mỹ. Anh ta sao chép những phần mềm độc quyền có giá trị, đánh cắp mật khẩu máy tính, thông tin cá nhân, đột nhập và đọc trộm các email cá nhân. Tổng thiệt hại được ước tính lên tới 80 triệu USD.

Trong một lần, Mitnick đột nhập máy tính của chuyên gia máy tính người Nhật Shimomura để ăn cắp thông tin. Tức giận vì việc này, Shimomura đã giúp đỡ FBI theo dõi Mitnick.

Ngày 15/2/1995 tại một căn hộ ở Raleigh thuộc bang North Carolina, Mỹ, hacker này bị bắt. Tại căn hộ của anh ta, cảnh sát phát hiện vô số điện thoại, hơn 100 mã điện thoại và nhiều thẻ căn cước giả. Cuộc truy đuổi thậm chí đã được viết sách và dựng phim với cái tên “Takedown”.

Mitnick bị cáo buộc tội về 14 tội gian lận, 8 tội về sở hữu các thiết bị truy cập trái phép, chặn dây cáp và đường truyền liên lạc điện tử, truy cập trái phép vào hệ thống máy tính liên bang, gây thiệt hại cho máy tính.

Sau nhiều phiên xử án kéo dài, năm 1999, Mitnick bị phạt 6 năm tù. Tuy vậy, sau khi kết thúc phiên tòa, Mitnick chỉ phải ngồi tù thêm vài tháng do thời gian bị bắt đã được trừ gần hết cho án tù.

Nhiều người và kể cả giới truyền thông đứng về phía anh ta và cho rằng án phạt của Mitnick là quá nặng. Họ cho rằng anh ta vô hại, chỉ thực hiện các hành vi phạm pháp vì sự tò mò và đam mê công nghệ. Nếu một tên khủng bố hoặc kẻ trộm khác làm được như Mitnick thiệt hại có thể lớn đến mức không tưởng tượng được. Theo CNN, Mitnick có thể khởi phát một vụ bắn tên lửa hạt nhân, nếu muốn.

Mitnick được thả tự do vào 21/1/2000, anh ta không được sử dụng bất kì thiết bị điện tử có kết nối Internet nào ngoài điện thoại bàn cho đến năm 2003 và bị cấm nhận tiền bản quyền từ những ấn phẩm ra đời dựa trên cuộc đời mình trong 7 năm tiếp theo. Đây có lẽ là hình phạt nặng nề nhất trong “cuộc đời tội phạm” của tay hacker khét tiếng này và đã khiến anh ta thức tỉnh.

Thực hiện xong án phạt, Mitnick thành lập công ty mang tên mình chuyên tư vấn về bảo mật máy tính. Mặc dù bị cấm nhận tiền bản quyền, Mitnick vẫn phát hành hai cuốn sách là “Nghệ thuật lừa dối” (The Art of Deception) vào năm 2002 và “Nghệ thuật đột nhập” (The Art of Intrusion) vào năm 2003. Hai quyển sách kể về những cách ông đã sử dụng để qua mặt những công ty máy tính với mục đích giáo dục và cảnh tỉnh về vấn đề bảo mật máy tính cho những công ty lớn.

Guardian đưa tin Mitnick chia sẻ: “Nếu quay lại quá khứ sẽ không làm những việc như trước nữa. Tôi hối hận về những rắc rối mình gây ra cho mọi người, nhưng không hối hận về việc học từ những thứ mà đáng ra tôi không được động vào”.

Kevin Mitnick.

Mitnick xuất hiện trên các chương trình truyền hình của các kênh nổi tiếng như ABC, là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim, trò chơi điện tử ăn khách. Ngoài ra, ông còn tham gia giúp đỡ chính quyền những khi được yêu cầu. Năm 2004, Mitnick đã giúp chính quyền tóm gọn một tên tội phạm đe dọa đánh bom.

Hiện, Mitnick làm tư vấn an ninh, giảng bài về kỹ thuật máy tính khắp nơi trên thế giới và tiếp tục viết sách.

Theo VnExpress

Tags:
Cheshire: Cảnh sát bắt giữ một thiếu nữ tại tiệm nail trên đường Sankey Street trong chiến dịch đàn áp nạn buôn người và nô lệ hiện đại

Cheshire: Cảnh sát bắt giữ một thiếu nữ tại tiệm nail trên đường Sankey Street trong chiến dịch đàn áp nạn buôn người và nô lệ hiện đại

Một thiếu nữ đã bị bắt giữ tại tiệm nail ở trung tâm thành phố như một phần của chiến dịch đàn áp tội phạm buôn người và chế độ nô lệ hiện đại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất