Trump - Biden 'nổ súng' trên chiến trường mới

Trump "nổ phát súng" đầu tiên trên mặt trận mới với Biden, khi muốn sửa đổi đạo luật môi trường để mở đường phát triển kinh tế.

21:30 19/07/2020

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/7 cam kết đẩy mạnh các dự án xây dựng đường cao tốc, đường ống dẫn và nhà máy điện, bằng cách hạn chế các đánh giá bắt buộc về ảnh hưởng tới môi trường. Chỉ một ngày trước, đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden tung ra chiến thuật khác khi công bố kế hoạch 2.000 tỷ USD chống biến đổi khí hậu và kiểm tra lại toàn bộ cơ sở hạ tầng của Mỹ, đồng thời cam kết tạo ra hàng triệu việc làm nhờ xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch.

Hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã thể hiện quan điểm trái ngược về tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và hạ tầng đối với nhiều cử tri Mỹ, đặc biệt là tại các bang chiến trường, như Pennsylvania và Florida.

Biden đang cố gắng "lấy lòng" cử tri trẻ tuổi và những người ủng hộ đối thủ cũ của ông, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, bằng cách nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và cam kết nhanh chóng hành động để chống lại nó. Đồng thời, ông cũng tìm cách duy trì mối liên kết đầy hứa hẹn với cử tri thuộc tầng lớp lao động da trắng, đặc biệt ở vùng Thượng Trung Tây, người từng nghiêng về phía Trump 4 năm trước và luôn cảnh giác với những gì họ xem là mối đe dọa cho sinh kế.

Tổng thống Donald Trump phát biểu về tái thiết cơ sở hạ tầng ở thành phố Atlanta, bang Georgia, hôm 15/7. Ảnh: NYTimes.
Tổng thống Donald Trump phát biểu về tái thiết cơ sở hạ tầng ở thành phố Atlanta, bang Georgia, hôm 15/7. Ảnh: NYTimes.

Ngược lại, nhiều lần phủ nhận sự nóng lên của toàn cầu và xem đó là trò bịp bợm, từng cáo buộc turbine gió có thể gây ung thư, nói thiết bị tiết kiệm năng lượng không có giá trị hay các tòa nhà không khí thải giống như "không có cửa sổ". Chính quyền Trump hầu như đặt lợi ích kinh tế trước môi trường trong mọi quyết định về pháp lý.

"Biden muốn điều chỉnh lại nền kinh tế năng lượng, tái tham gia hiệp định khí hậu Paris, thỏa thuận sẽ giết chết ngành năng lượng của chúng ta. Bạn sẽ phải đóng cửa 25% doanh nghiệp và ngăn cản ngành dầu khí phát triển", Trump nói hôm 15/7, khi thông báo sửa đổi toàn bộ Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia, bộ luật môi trường nền tảng của Mỹ kể từ khi được thông qua năm 1969. Tuy nhiên, Trump không đưa ra bằng chứng nào cho lập luận của mình.

"Khi nói tới biến đổi khí hậu, tôi chỉ nghĩ tới một từ là "công việc". Đó là các công việc được trả lương cao dành cho người Mỹ, là công việc mang tới bầu không khí trong lành hơn cho những đứa trẻ của chúng ta, tu sửa đường sá và cầu cảng đã xuống cấp", Biden nói về kế hoạch mới hôm 14/7.

Tư tưởng khác nhau của hai ứng viên tổng thống về mối đe dọa biến đổi khí hậu đã cho thấy cách họ sẽ lãnh đạo Mỹ chống lại khủng hoảng khí hậu trong 4 năm tới. Đối với Trump, cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu là mối đe dọa đối với nền kinh tế, trong khi Biden lại xem đây là cơ hội.

"Họ luôn ở thế đối đầu trong hầu hết mọi vấn đề liên quan tới môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu", Christine Todd Whitman, cựu thống đốc New Jersey thuộc đảng Cộng hòa và người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, nói.

Kế hoạch của Biden sẽ chi 2.000 tỷ USD trong 4 năm để đưa Mỹ đi theo "con đường không thể thay đổi", hướng tới mục tiêu không phát thải khí nhà kính trước năm 2050. Điều này có nghĩa Mỹ sẽ hoàn toàn loại bỏ công nghệ phát thải khí CO2 và nhiều chất ô nhiễm khác.

Để đạt mục tiêu này, cựu phó tổng thống Mỹ kêu gọi thiết lập các tiêu chuẩn năng lượng sạch, giúp xây dựng nền năng lượng không khí thải CO2 vào năm 2035, nâng cấp hệ thống tiết kiệm năng lượng tại 4 triệu tòa nhà trong 4 năm tới, xây dựng 500.000 trạm sạc xe điện. Biden cũng thề đưa Mỹ tham gia lại hiệp định khí hậu Pari, khôi phục các quy định về khí hậu mà Trump từng bãi bỏ hoặc hạn chế, như khí thải từ động cơ ôtô.

Trump đã đẩy lùi mọi nỗ lực chống biến đổi khí hậu, từ hạn chế khí thải từ nhà máy điện và phương tiện giao thông đến giảm khí thải metan của ngành dầu khí, dưới thời chính quyền Barack Obama. Ông thậm chí cũng hủy bỏ sắc lệnh kêu gọi các cơ quan liên bang tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng khi tái thiết cơ sở hạ tầng.

Thông báo sửa đổi Đạo luật Chính sách Môi trường của chính quyền Trump càng cho thấy rõ hơn sự khác biệt về quan điểm giữa hai lãnh đạo.

Các sửa đổi được thông báo hôm 15/7 gồm giới hạn thực hiện đánh giá toàn diện ảnh hưởng tới môi trường của các dự án cơ sở hạ tầng trong hai năm. Họ cũng thu hồi yêu cầu các cơ quan phải xem xét tác động môi trường tích lũy của các dự án, như góp phần làm biến đổi khí hậu.

Trump nói rằng quá trình hiện tại đang "tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD của đất nước chúng tôi trong nhiều năm và gây ra sự trì trệ đến mức khó tin".

Trong các chiến dịch tranh cử trước đây, ứng viên thường tránh các đề xuất táo bạo về môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Nhưng Patrick Murray, giám đốc Viện Khảo sát của Đại học Monmouth, cho rằng Biden có cơ sở để theo đuổi chương trình nghị sự này giữa lúc khủng hoảng y tế và kinh tế tàn phá nước Mỹ.

"Khi đại dịch thay cốt lõi cuộc sống của người Mỹ, họ sẽ quan tâm tới đến các thay đổi quyết liệt và táo bạo, bởi đó là điều họ muốn", Murray nói.

Các động lực chính trị đó đã cho phép Biden theo đuổi các chính sách mà đồng minh của ông hy vọng thu hút các cử tri trẻ và tự do hơn, nhóm người từng hoài nghi ông trong các cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng không làm xa lánh các cử tri ôn hòa hơn, theo Murray.

Cựu tổng thống Joe Biden trình bày kế hoạch tái thiết tại thành phố Wilmington, Delaware, hôm 14/7. Ảnh: NYTimes.
Cựu phó tổng thống Joe Biden trình bày kế hoạch tái thiết tại thành phố Wilmington, Delaware, hôm 14/7. Ảnh: NYTimes.

Trong khi đó, Trump đang đánh cược rằng lập trường kiên định, không khoan nhượng của ông sẽ thu hút các cử tri thiên về kinh tế và những người không có niềm tin vào chính quyền. Tuy nhiên, đây được xem là ván cược đầy rủi ro.

Carlos Curbelo, cựu nghị sĩ Cộng hòa đến từ Florida, người từng đề xuất thuế carbon để chống biến đổi khí hậu, tin rằng việc Trump phớt lờ các vấn đề khí hậu cũng như phản ứng với Covid-19 có thể trở thành rào cản cho cuộc đua vào của ông. Trong khi đó, chiến dịch của Biden chỉ trích động thái làm suy yếu đạo luật môi trường của Trump là cách "đánh lạc hướng" thất bại của Tổng thống về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng.

Lisa Friedman và Katie Glueck, biên tập viên của NYTimes, nhận định cuộc tranh luận về khí hậu cho thấy thay đổi lớn hơn về quan điểm chính trị ở cả hai đảng, xuất hiện từ chiến dịch tranh cử năm 2016. Cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, đặc biệt ở vùng nông thôn, đã rời xa Dân chủ và nghiêng về phía Trump cùng chính sách năng lượng của ông. Trong khi đó, cử tri da trắng giàu có và có học thức hơn ở vùng ngoại ô, từng có truyền thống ủng hộ Cộng hòa, đã dành nhiều thiện cảm hơn cho các nỗ lực đầy tham vọng để chống biến đổi khí hậu.

"Chiến lược của Biden có thể thu hút các cử tri Cộng hòa ôn hòa ở vùng ngoại ô, trong khi chính sách của Trump có thể ghi điểm với các cử tri Dân chủ ở các vùng nông thôn của bang", Ryan Costello, người từng là dân biểu của đảng Cộng hòa ở các vùng ngoại ô Philadelphia, cho hay.

Tuy nhiên, nhiều cử tri ủng hộ chính sách kinh tế có thể thấy nguy cơ Biden chiến thắng khá cao, theo Scott Jennings, chiến lược gia đảng Cộng hòa.

Các nhà khoa học cho rằng 4 năm tới có thể là thời gian quyết định xem khí nhà kính của Mỹ sẽ tăng hay giảm. "Hành tinh của chúng ta ngày càng nóng hơn", Waleed Abdalati, giám đốc Viện Hợp tác Nghiên cứu về Khoa học môi trường tại Đại học Colorado, nói. Ông thêm rằng Trump và Biden "đại diện cho hai hướng đi hoàn toàn khác nhau".

Tags:
Bác sĩ Mỹ 80 tuổi tiết lộ 5 thói quen giúp sống thọ

Bác sĩ Mỹ 80 tuổi tiết lộ 5 thói quen giúp sống thọ

Bác sĩ Richard W. Besdine, cựu chủ tịch Hiệp hội lão khoa Mỹ chia sẻ bí quyết khỏe mạnh, cường tráng ở tuổi 80 của mình.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất