Trump – từ ‘hổ giấy’ đến ‘diều hâu’ trong mắt Trung Quốc

Bắc Kinh từng vui mừng khi Trump đắc cử, nhưng rồi dần nhận ra rằng ông là Tổng thống Mỹ khó đối phó nhất trong hàng chục năm qua.

13:30 01/11/2018

Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Ohio tháng 9/2016. Ảnh: AP.

Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Ohio tháng 9/2016. Ảnh: AP.

Trong những tháng đầu tiên sau khi tỷ phú Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, truyền thông và giới học giả Trung Quốc thể hiện sự vui mừng vì bà Hillary Clinton không đắc cử, đồng thời cho rằng Trump là một lãnh đạo non kém về kinh nghiệm, bốc đồng, thậm chí chỉ là “hổ giấy”. Nhưng gần hai năm sau, cách nhìn này của Trung Quốc đã hoàn toàn thay đổi, theo Asia Times.

Ngày 20/1/2017, khi Trump tuyên thệ để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, phiên bản tiếng Anh của tờ China Daily, một trong những cơ quan ngôn luận chính của Bắc Kinh, chỉ trích “giọng điệu như gây chiến” trong đội ngũ cố vấn của Trump, tuyên bố “mọi sự đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc chỉ là lời bốc đồng của một con hổ giấy”.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa đầy một tháng sau đó, Trump tuyên bố sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, trái ngược với những gì ông từng đưa ra trước đây. Học giả Trung Quốc Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong) lúc đó bình luận rằng động thái này cho thấy Tổng thống Mỹ “đã thua trong cuộc đấu với ông Tập”.

Thời Ân Hoằng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, còn nhắc lại quan điểm này trong cuộc phỏng vấn với tờ Global Times hồi tháng 8/2017, khẳng định Trump “chỉ giỏi ba hoa nhưng chỉ là hổ giấy”.

Theo giới quan sát, người Trung Quốc ban đầu có cái nhìn lạc quan về Trump vì họ cho rằng ông không chỉ từ bỏ một số cam kết “cứng rắn với Bắc Kinh” đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử mà còn có các quyết định mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, trong đó nổi bật là việc rút khỏi hiệp định TPP.

Trong bài phân tích trên New Yorker hồi tháng 1, giáo sư Kim Nhất Nam (Jin Yinan) đến từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng quyết định rút khỏi TPP của Trump là “món quà lớn với Trung Quốc” và rằng khi “nước Mỹ thoái lui trên toàn cầu, Trung Quốc trỗi dậy”.

Trong bài viết trên tạp chí Atlantic ba tháng sau, giáo sư Thẩm Đinh Lập (Shen Dingli) thuộc Đại học Phúc Đán tuyên bố Trump là “Tổng thống đặc biệt dễ cho Trung Quốc đối phó” và người Trung Quốc “rất may mắn” khi nước Mỹ có một lãnh đạo như ông.

Dẫn chứng mà giáo sư Thẩm đưa ra là trong chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc cuối năm 2017, Trump đã ca ngợi ông Tập là “một người rất đặc biệt”, thể hiện “sự tôn trọng rất sâu sắc” của ông đối với Trung Quốc và “truyền thống cao quý của người dân nước này”. Thêm nữa, thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc, ông lại “ghi nhận” hành động của Bắc Kinh trong vấn đề thâm hụt thương mại với Mỹ. “Ai có thể đổ lỗi cho một quốc gia có khả năng lợi dụng nước khác để đem lại lợi ích cho người dân của mình cơ chứ”, Trump tuyên bố sau cuộc gặp với ông Tập.

Dường như đánh giá này về Trump là động lực để lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy hơn nữa nỗ lực tăng cường hiện diện của mình trên toàn cầu. Trong năm 2017 và 2018, đại diện của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó ông Tập lần đầu tiên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tháng 1/2017.

Tuy nhiên, những nỗ lực trong suốt hai năm qua của Trung Quốc cũng không giúp nước này đạt được mục tiêu thống lĩnh thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chứ chưa nói đến phạm vi toàn cầu. Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại song phương hay đa phương nào lớn, dù Trump đã công khai thể hiện quan điểm ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập và đơn phương của mình.

Ông Tập (trái) đón Trump tới thăm Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: Reuters.

Ông Tập (trái) đón Trump tới thăm Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh cũng dần dần nhận ra rằng Trump hóa ra không phải là một “Tổng thống dễ đối phó” hay “hổ giấy” như vẫn tưởng. Không chỉ phát động cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt nhắm vào Trung Quốc từ hồi tháng 6, chính quyền Trump còn thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn hơn, “diều hâu” hơn với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề chủ chốt như an ninh mạng, nhân quyền hay ở các điểm nóng như Đài Loan và Biển Đông.

Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào thập niên 1970 đến nay, chưa có một tổng thống Mỹ nào có quan điểm đối nghịch thường trực với Trung Quốc như Trump. Trong khi những người tiền nhiệm như Bill Clinton, George W Bush và Barack Obama coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược” của Mỹ, Trump và cấp phó của ông Mike Pence lại công khai gọi nước này là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, “kình địch” hay “đối phương”.

Sau bài phát biểu của Pence hôm 4/10 chỉ trích các hành động của Trung Quốc và báo cáo của Lầu Năm Góc sau đó nhấn mạnh Trung Quốc là “mối đe dọa ngày càng lớn với an ninh quốc gia Mỹ”, Global Times cho rằng đây là dấu hiệu “cho thấy chính sách cứng rắn hơn của Washington với Bắc Kinh”, thể hiện Mỹ đã “có sự thay đổi lớn” trong quan hệ với Trung Quốc.

Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ, cho biết các quan chức cấp cao Trung Quốc gặp ông ở Bắc Kinh tỏ ra rất giận dữ với bài phát biểu của Pence. “Trong 40 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ nghe một bài phát biểu như vậy. Từ đầu đến cuối ông ấy chỉ nhắm vào Trung Quốc. Nhiều người tin rằng đây là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh lạnh mới”, các quan chức này nói.

Phản ứng này cho thấy Trung Quốc giờ đây đã nhận ra và có thể là lo lắng rằng dưới thời Trump, họ sẽ phải đối phó với một nước Mỹ hoàn toàn khác, nước Mỹ giờ đây sẵn sàng xô đổ loại hình quan hệ song phương mà Trung Quốc đã trở nên quen thuộc kể từ đầu thập niên 1970.

Không chỉ có những lời lẽ cứng rắn hơn, Trump còn đưa ra các quyết định khó lường, nhắm thẳng vào tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc, khiến lãnh đạo nước này nhiều lúc trở nên hoang mang, không biết làm cách nào để đối phó với Tổng thống Mỹ.

Các đòn áp thuế hiện nay của Trump chủ yếu nhắm vào những mặt hàng liên quan đến chương trình “Made in China 2025” do ông Tập khởi xướng nhằm thúc đẩy năng lực công nghệ của Trung Quốc. Đối mặt với những đòn đánh không có vẻ gì là “bốc đồng” đó, các quan chức và truyền thông Trung Quốc bắt đầu có cái nhìn khác về Trump.

Các bài viết gần đây của Global Times đã trở nên mềm dẻo hơn, không còn đe dọa rằng Trung Quốc sẽ “cho Mỹ bài học đau đớn” về thương mại hay tuyên bố Bắc Kinh “sẵn sàng chiến đấu đến cùng”. Tờ báo này giờ đây cho rằng Trung Quốc “cần phải tránh xa những cuộc tranh luận cảm tính” và “phải có đánh giá chiến lược khách quan, dựa trên thực tế về Mỹ”.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải hồi tháng 8 tuyên bố Washington cần “từ bỏ ảo tưởng” rằng Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ trước “hành động cưỡng ép”. Nhưng hai tháng sau, ông đưa ra giọng điệu ôn hòa hơn, kêu gọi hai nước hợp tác hơn là đối đầu.

Sự xuống thang này của Trung Quốc dường như là minh chứng cho thấy Bắc Kinh giờ đây đã nhận ra Trump đang “có hướng đi mới” và “hành động mang tính quyết định nhằm đối phó Trung Quốc”, trong khi Mỹ sẽ không chịu nhượng bộ trong cuộc đấu với nước này. Những nhận định về “hổ giấy” Trump dường như đã biến mất, thay vào đó là nỗi lo về những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trước tỷ phú trở thành Tổng thống này.

Tags:
“Hàng Xóm” Việt Nam và Mỹ khác nhau thế nào?

“Hàng Xóm” Việt Nam và Mỹ khác nhau thế nào?

Nếu bạn đang có ý định định cư ở Mỹ hoặc mua nhà tại Mỹ thì nên đọc bài viết bổ ích này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất