Trump 'chơi xúc xắc' với vaccine Covid-19

Khi số ca nhiễm nCoV tăng vọt khiến nhiều bang phải dừng mở cửa kinh tế, chính quyền Trump càng đặt hy vọng vào dự án vaccine 10 tỷ USD.

07:00 01/07/2020

Chính quyền liên bang Mỹ đã đổ 10 tỷ USD vào "Operation Warp Speed", dự án hợp tác với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS), cùng Bộ Quốc phòng để đẩy mạnh phát triển vaccine ngừa nCov. Tham vọng của chính quyền Trump là có 300 triệu liều vaccine vào tháng 1 năm sau, mục tiêu mà phải mất nhiều năm nếu làm theo quy trình thông thường.

Dan Diamond, biên tập viên của Politico, nhận định chính quyền Trump có thể phải "trả giá đắt" để theo đuổi mục tiêu táo bạo này.

Nhóm phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng đã phải cắt giảm rất nhiều cuộc họp và coi việc nâng cao nhận thức cộng đồng về Covid-19 là kế hoạch phụ, thay vì xem đây là mục tiêu quan trọng như nhiều cuộc khủng hoảng trước. Nhiều nhà khoa học của HHS cảm thấy hoang mang về việc thay đổi quá nhanh cơ cấu tổ chức và vai trò của các chuyên gia bên ngoài.

Mỹ cũng buộc phải đánh đổi khi dồn nguồn lực của tất cả cơ quan y tế liên bang vào dự án vaccine. Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) đã phải dừng nghiên cứu phương pháp điều trị phổi cho bệnh nhân Covid-19.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, hôm 11/6. Ảnh: AFP

Ngoài ra, việc Trump đặt quá nhiều hy vọng vào mũi tiêm vaccine thần kỳ, trong khi nhiều bằng chứng cho rằng Covid-19 có thể kéo dài nhiều năm, cũng được xem là điều nguy hiểm.

"Không có gì đảm bảo rằng một loại vaccine nào đó sẽ hiệu quả. Và thậm chí nếu hiệu quả, cũng không có gì đảm bảo nó sẽ phù hợp với hầu hết người dân, hoặc mọi người sẽ muốn tiêm nó, hay virus không biến chủng", Luciana Borio, từng là nhà khoa học hàng đầu tại Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nói.

Diamond cho rằng phát triển vaccine không phải công việc dễ dàng, bởi thực tế cho thấy, nhiều loại vaccine như ngừa quai bị cần nhiều năm để hoàn thành. Thậm chí có nhiều loại vẫn thất bại khi thử nghiệm trên người hoặc động vật và chưa thể đưa ra thị trường. Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng chính phủ Mỹ đang đặt ván cược đầy rủi khi đặt quá nhiều hy vọng vào loại vaccine có thể đánh bại đại dịch.

Nhiều quan chức thuộc Operation Warp Speed rất tự tin vào dự án này. Họ có lý do để tin rằng nó sẽ thành công: hai loại vaccine có thể bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng trong vài tuần nữa, 6 ứng viên tiềm năng khác đang được thử nghiệm và kế hoạch xúc tiến sản xuất cũng được tiến hành.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế ngoài dự án này cho rằng giới chức liên bang cần trao đổi thẳng thắn với công chúng về vấn đề này. Đây là một nhiệm vụ phức tạp khi Trump liên tục cam kết sắp có vaccine, có thể là trước ngày bầu cử tháng 11 tới.

"Nhà Trắng liên tục tìm kiếm các giải pháp thần kỳ, như thuốc hydroxychloroquine, remdesivir và giờ là vaccine. Nhưng chúng không thể mang lại hiệu quả thần kỳ như thế", Peter Hotez, nhà virus học và là hiệu trưởng Trường Y tế Nhiệt đới thuộc Đại học Y Baylor, nói. "Các loại vaccine đầu tiên thuộc dự án Operation Warp Speed của chúng ta có thể chỉ giúp bảo vệ và giảm phần nào mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng không thể ngăn chặn dịch hay cắt chuỗi lây nhiễm".

Một loạt bang ở Mỹ đã báo cáo số ca nhiễm mới tăng vọt trong tuần qua và phải dừng kế hoạch mở cửa nền kinh tế, trong đó Texas được xem như "điểm nóng" Covid-19 mới. Mỹ đã ghi nhận hơn 2,7 triệu ca nhiễm và hơn 130.000 người chết vì nCoV.

Giới chuyên gia kêu gọi chính quyền Trump tập trung nhiều hơn vào ban hành hướng dẫn an toàn cho cộng đồng, khi chỉ ra phát triển vaccine có thể không hoàn thành đúng hạn. "Nếu bạn nghĩ Mỹ phải đợi thêm 18 tháng nữa mới có vaccine, chúng ta vẫn còn thời gian để làm điều đúng đắn", Rajiv Shah, chủ tịch Quỹ Rockefeller, nói.

Thượng viện Mỹ sẽ có phiên điều trần về dự án Operation Warp Speed vào ngày 2/7, trong đó các lãnh đạo Bộ Y tế cập nhật thông tin về quá trình phát triển và sản xuất vaccine ngừa nCoV.

HHS cũng đánh giá cao nỗ lực của dự án Operation Warp Speed và cho biết các nhân viên đang dồn tâm huyết cho dự án này. "Mục tiêu có vaccine an toàn và hiệu quả cho người Mỹ vào tháng 1/2021 rất tham vọng nhưng có thể đạt được", phát ngôn viên của HHS nói.

Dự án Operation Warp Speed được khởi xướng từ đầu tháng 4. Bộ trưởng HHS Alex Azar ngay từ đầu cho rằng bộ y tế nên phối hợp cùng Lầu Năm Góc trong dự án này. Azar nhấn mạnh dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu của sức khỏe cộng đồng mà còn mang ý nghĩa chính trị. Vài tuần trước đó, Phó tổng thống Mike Pence bất ngờ thay thế Azar phụ trách nhóm phản ứng Covid-19, làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của bộ trưởng y tế Mỹ.

Nhiều người cho rằng dự án phát triển vaccine là cách để Azar có được sự quan tâm của công chúng, để phục vụ mục đích chính trị. Tuy nhiên, HHS đã lên tiếng bác bỏ nhận định được xem "quá lố bịch" này. Quan chức HHS tranh luận dự án phát triển vaccine được xây dựng dựa trên các bài học về phản ứng của Mỹ trước đây.

Thành viên đảng Dân chủ cảnh báo áp lực chính trị có thể ảnh hưởng tới quá trình nghiên cứu khoa học. Họ chỉ ra quan chức FDA đã bị thúc ép để cấp phép sử dụng loại thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19 theo yêu cầu của Nhà Trắng, dù rất ít bằng chứng cho thấy nó là phương pháp điều trị hiệu quả.

"Chúng ta biết đại dịch sẽ không dừng lại cho tới khi có loại vaccine hiệu quả và an toàn, được sản xuất rộng rãi và phân phối công bằng, miễn phí cho mọi người. Đó là lý do chúng tôi cần một kế hoạch phát triển vaccine toàn diện từ chính quyền Trump càng sớm càng tốt", thượng nghị sĩ Dân chủ Patty Murray nói.

Nhà nghiên cứu vaccine tại phòng thí nghiệm của Moderna, ở Cambridge, Massachusetts, hồi tháng 2. Ảnh: NYTimes.

Luciana Borio nói rằng dù có thể không tạo ra loại vaccine hoàn chỉnh như Trump từng hứa hẹn ra mắt trước ngày bầu cử, dự án phát triển vaccine vẫn mang lại bước tiến quan trọng cho lĩnh vực này. "Nếu phải đưa ra nhận định gì, tôi sẽ nói chúng ta có vài ứng viên cho tới cuối năm nay", bà nói tới hai loại vaccine do Moderna và AstraZeneca phát triển.

Tuy nhiên, cả hai loại vaccine này đều dựa trên nền tảng di truyền, điều khiến Borio lo ngại. Bởi các loại vaccine này không thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh và bền vững như các loại vaccine truyền thống dựa vào protein của virus.

Giới khoa học cho rằng các loại vaccine mà chính quyền Trump phát triển có thể không phải là "biện pháp thay thế" mà là "giải pháp đồng hành" cùng các chiến lược đối phó với nCoV khác. "Điều này có nghĩa chúng ta vẫn cần thực hiện các biện pháp hạn chế, đeo khẩu trang, theo dõi lịch sử tiếp xúc và cách biệt cộng đồng", Peter Hotez nói.

Trong khi đó, nhiều quan chức cấp cao như tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cùng Tổng Y sĩ Jerome Adams thừa nhận chỉ tập trung sản xuất vaccine là không đủ để chống Covid-19. Họ cho rằng chính quyền cần phải thuyết phục được nhiều người vẫn còn phân vân về việc tiêm vaccine.

"Người Mỹ có thể không thích một người thuộc chính phủ như tôi nói với họ rằng 'hãy tiêm vaccine'. Họ cần người có tầm ảnh hưởng với nơi họ sống và được họ ngưỡng mộ", Fauci cảnh báo.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền cần thiết lập mạng lưới tuyên truyền các thông điệp về sức khỏe và phương pháp điều trị trước khi vaccine được phân phối rộng rãi.

Link nguồn: https://vnexpress.net/trump-choi-xuc-xac-voi-vaccine-covid-19-4123572.html

Tags:
Ông trùm chống Covid-19 cầu xin người Mỹ đeo khẩu trang

Ông trùm chống Covid-19 cầu xin người Mỹ đeo khẩu trang

Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm tha thiết đề nghị dân Mỹ đeo khẩu trang bởi số ca nhiễm có thể tăng 100.000 mỗi ngày.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất